Những làng nghề đan cỏ thành tiền

(PLO) - Sau nhiều tháng bộn bề hối hả “chạy nước rút” chuẩn bị hàng cung ứng cho dịp Tết, những ngày đầu xuân này các làng nghề mây, tre, đan ở ngoại thành Hà Nội mới được lắng lòng tận hưởng chút thong dong. Nhưng cũng ngay từ những ngày đầu năm mới, làng nghề lại rộn ràng đón những đợt khách du lịch xa gần đến tham quan… 
Những làng nghề đan cỏ thành tiền

Làng mây, tre đan Phú Vinh 

Làng Phú Vinh (thuộc xã Phú Hưng, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25km về phía Tây nổi tiếng với các sản phẩm thủ công làm từ mây, tre. Nghề thủ công truyền thống đã mang lại giàu có cho các hộ dân và góp phần làm nên sự thịnh vượng cho quê hương đúng như tên gọi Phú Vinh. Năm 2002, làng nghề Phú Vinh được công nhận là làng nghề truyền thống mây tre đan gần 400 năm nay với hơn 2400 hộ gia đình làm nghề. Ở Phú Vinh hầu như nhà nào cũng có người làm nghề mây tre đan, từ thanh thiếu niên trai tráng, người già đến phụ nữ, trẻ nhỏ đều có thể tham gia vào một công đoạn nào đó của nghề. 

Được biết, nghề đan lát mây, tre có từ 400 trăm năm trước và truyền qua nhiều thế hệ. Để làm ra một sản phẩm mây tre phải cần tới 2-3 giờ với rất rất nhiều công đoạn kỳ công, có những sản phẩm công phu hơn thì phải mất tới 6–7 giờ. Hiện giá mỗi sản phẩm dao động từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng. Những sản phẩm có kích thước lớn hoặc được thiết kế công phu có giá từ 150.000 trở lên. Muốn làm ra một sản phẩm thủ công bằng mây tre hoàn chỉnh đòi hỏi người nghệ nhân phải có sự tỉ mỉ và khéo léo. Trước khi bắt đầu tạo hình, mọi nguyên liệu cần được tuốt nhỏ cho vừa kích thước. Tùy vào hình dáng và công dụng của sản phẩm mà người nghệ nhân sẽ lựa chọn chất liệu và phối hoa văn cho phù hợp. Các xưởng mây tre tại làng Phú Vinh đang dần tìm thị trường mới, mở rộng cung cấp sản phẩm mây tre sang các nước Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu như Anh, Pháp, Tây Ban Nha... 

Để duy trì và thúc đẩy nghề mây tre đan phát triển, hàng năm, chính quyền xã Phú Hưng tổ chức hội thi giao lưu sản phẩm giữa các nghệ nhân trong làng. Rất nhiều nghệ nhân làng mây tre đan Phú Vinh được Nhà nước trao tặng danh hiệu nghệ nhân cấp quốc gia. Giữa hàng nghìn loại thủ công khác nhau, sản phẩm mây tre đan vẫn luôn giữ được nét đặc sắc và có sức hút riêng. Việc sáng tạo không ngừng khiến các sản phẩm nhằm đưa sản phẩm mây tre đan Việt Nam tiến xa ra thị trường quốc tế.

Đa dạng các sản phẩm mây tre đan Phú Nghĩa

Cùng nằm trong cụm làng nghề của xã Phú Hưng (huyện Chương Mỹ), cách làng Phú Vinh không xa là làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa- cũng là một trong những điểm du lịch Hà Nội khá thu hút du khách yêu thích các ngành nghề thủ công và sản phẩm đan lát mây tre.

Sản phẩm đan lát của Phú Nghĩa rất phong phú, bao gồm nhiều mẫu mã đẹp, tinh tế, sáng tạo. Ngoài những sản phẩm rất thông dụng trong cuộc sống hàng ngày như đĩa, khay, túi xách, cơi đựng trầu,… người Phú Nghĩa còn khéo léo sáng tạo những sản phẩm mang tính mỹ thuật cao như bình hoa, đồ trang trí nội thất, trong nhà bếp, đèn ngủ,… Các sản phẩm đa dạng này gồm nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau, được làm từ  các nguyên liệu sẵn có ở địa phương như tre, cỏ, mây,… Không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong nước, sản phẩm của Phú Nghĩa làm ra còn được xuất khẩu sang các thị trường đầy tiềm năng đang có xu hướng sử dụng mạnh các sản phẩm đan lát thủ công như Đức, Pháp, Bỉ, Hồng Kông, Đài Loan,…

Sầm uất làng tế, guột Phú Túc 

Theo tuyến quốc lộ 21B đến Quán Tròn rẽ trái theo Tỉnh lộ 73 về địa phận huyện Phú Xuyên (Hà Nội), theo tấm biển đề du lịch làng nghề mây, tre, giang đan, guột tế Phú Túc sẽ dẫn ta đến với một điểm tham quan du lịch độc đáo. Đây là làng thủ công mỹ nghệ Phú Túc- làng nghề đan cỏ tế có truyền thống trên 400 năm tuổi. 

 Bên những con đường được trải bê tông, trải nhựa hay lát gạch sạch, đẹp theo dọc địa phận xã, men theo rìa làng, dọc các thôn, xóm đã bắt gặp một không khí lao động hăng say, sôi nổi. Từng dãy hàng guột tế, mây, tre, giang đan đang phơi ven đường, trong sân nhà. Trong kho, xưởng của những tổ hợp, doanh nghiệp lớn nơi những người thợ đang trong những công đoạn hoàn thiện sản phẩm: Khò đốt, phơi khô, chỉnh sửa, phun sơn, đóng gói... đang chất cao thêm những thùng thành phẩm chờ ngày tiêu thụ. Những con người khéo léo của đất nghề từ các em nhỏ tới các bậc cao niên, rồi những bà, những cô, những cậu... đang thoăn thoắt tay buộc, tay đan làm nên những món hàng độc đáo.

Cùng với bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống, địa phương cũng rất quan tâm chú trọng việc phát triển du lịch làng nghề. Đến Phú Túc, bạn sẽ thấy khu trung tâm xã cũng là khu phố chợ Lưu Thượng, chính là tâm điểm của chuyến tham quan, nơi tập trung khoảng 15 tổ hợp lớn. Những tên tuổi doanh nghiệp: Phú Ngọc, Phú Tuấn, Hiền Lương, Hồng Kỳ, Thành Công... đã vang tiếng khắp vùng và trở thành những đầu mối giao lưu quảng bá sản phẩm của cả làng, đồng thời còn giúp mang nghề, mang việc làm và thu nhập cho cả các xã lân cận trong vùng chính là những địa chỉ đầu tiên ghé thăm của du khách.

Cỏ tế, mây, tre, giang, cói, cây bèo tây, dây rừng, bẹ ngô... dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân làng đã biến hình thành những con giống, những lẵng đựng hoa quả, khay, hộp đựng quần áo, tráp đựng son phấn, hàng lưu niệm... được để thô mộc mang nhưng nét giản dị quê hương hoặc dùng sơn, dầu bóng thổi những nét hiện đại, đẹp đẽ đều có những sức thu hút đầy sống động. Được biết sản phẩm thủ công truyền thống của làng Phú Túc được phân phối đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới…

Đọc thêm