Nơi sinh Đức Phật
Lịch sử Phật giáo chép rằng, vườn ngự uyển Lâm Tỳ Ni xưa kia là một vùng cách kinh thành Ca Tỳ La Vệ chừng hơn 20 cây số. Theo phong tục Ấn Độ, người con gái sắp đến ngày sinh nở phải trở về quê mẹ, hoàng hậu Ma Da cũng không ngoại lệ. Trên đường từ kinh thành Ca Tỳ La Vệ trở về quê mẹ để sinh, khi đi ngang qua vườn Lâm Tỳ Ni, ngài dừng lại nghỉ ngơi.
Sau khi tắm ở hồ nước, rồi bước lên 28 bước đến cây Sala ngắm nhìn ánh bình minh tỏ rạng, trong lúc đang say sưa ngắm nhìn cảnh vật quanh khu vườn, giữa bao kỳ hoa dị thảo, bỗng nhiên bà cảm thấy nhiệm vụ thiêng liêng của người mẹ bắt đầu xảy ra và phải xảy ra tại nơi này. Bà liền với tay nắm lấy cành cây vô ưu để vững vàng trong giây phút chuyển dạ đột ngột.
Bà hạ sinh một hoàng nam khôi ngô tuấn tú, một đấng trượng phu xuất cách được biểu hiện ngay từ lúc sơ sinh. Tương truyền rằng, khi sinh thái tử, lúc đó trái đất rung chuyển bảy lần, nhạc trời rềnh vang cả hư không, muôn chim bay lượn khắp trời, cây cối trong vườn xinh tươi hẳn lên và đức Bồ Tát hạ sinh từ hông phải của mẹ, bước đi bảy bước, mỗi bước đều có hoa sen đỡ chân.
Đó chính là Thái tử Tất Đạt Đa – Vị thái tử mà sau này đã từ bỏ ngôi báu, từ bỏ kinh thành xuất gia tu hành để trở thành Đức Phật Thích Ca. Ngày sinh Đức Phật giờ đây cũng được Thế giới thống nhất là 15/4 âm lịch.
Di sản văn hóa được UNESCO công nhận
Vườn ngự uyển Lâm Tỳ Ni được người Trung Hoa dịch dưới nhiều cái tên khác nhau như: Hoa quả đẳng thắng diệu sự cụ túc, Lạc thắng viên quang giải thoát xứ, Khả ái, Hoa hương, Đoạn, Diệt, Diêm…Khu vườn hoa nằm giữa Câu lợi và Ca Tỳ La Vệ thuộc Trung Ấn Độ.
Hình ảnh vườn thượng uyển Lâm Tì Ni |
Khu vườn này có một thời gian lâu dài bị hoang phế. Mãi đến năm 1896, các nhà khảo cổ khai quật và phát hiện trụ đá của vua A Dục mới biết đây là Thánh địa, nơi đản sanh Đức Thích Tôn. Trụ đá được các nhà khảo cổ dựng lại ngay trên nền nguyên thuỷ, và công tác khai quật, trùng tu và bảo trì Lâm Tỳ Ni bắt đầu từ đấy.
Tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận Lâm Tỳ Ni là di sản văn hóa của nhân loại và tài trợ chi phí trùng tu và bảo trì khu di tích lịch sử quan trọng này.
Bắt đầu từ đây, phương Tây mới tin rằng Đức Phật là một nhân vật lịch sử có thật. Trước đó, họ cho rằng nhân vật Tất Đạt Đa Cồ Đàm chỉ là huyền thoại và giáo pháp của ngài chỉ là tổng hợp các tư tưởng của nhiều nhân vật khác nhau trong lịch sử văn hóa Ấn Độ.
Được khảo cổ khai quật phát hiện từ cuối năm 1896, đến nay khu vực Lâm Tỳ Ni đã qua nhiều lần quy hoạch, xây dựng và bảo vệ của chính quyền Nepal, cơ quan văn hóa Liên Hiệp Quốc và các tổ chức Phật giáo quốc tế.
Vườn Lâm Tỳ Ni ngày nay rất rộng, được chia làm hai khu vực, tu viện phía đông (của Phật giáo nguyên thủy) và tu viện phía tây (của Phật giáo Đại thừa và Kim Cương thừa). Bao bọc chung quanh là tu viện của nhiều nước như Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và có cả chùa Việt Nam.
Điểm đặc biệt nhất của vườn ngự uyển Lâm Tỳ Ni là trụ đá của vua A Dục, một vị vua Phật tử đã làm rạng danh Phật pháp trong suốt triều đại của ông. Tương truyền, vào khoảng năm 249 trước Công Nguyên, vua A Dục đã từng đến thăm Lâm Tỳ Ni và cho dựng lên ở đây bốn cây cột trụ bằng đá, ghi dấu nơi đản sinh của Đức Phật.
Đến năm 1986, một nhà khảo cổ học người Anh tên là Cuningham đã khai quật được một trụ đá trong 4 trụ đá được Vua A Dục chôn xuống. Trên trụ đá có ghi: “Vua Piyadasi (A Dục) vào năm trị vì thứ hai mươi đã đích thân tới đây chiêm bái.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã được đản sinh tại nơi đây, bốn trụ đá đã được dựng để đánh dấu nơi Đức Thế Tôn được sinh ra. Làng Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật sinh được giảm thuế và tự hưởng tám phần”.
Bên cạnh cột trụ đá lịch sử này là đền thờ Hoàng hậu Ma Da. Ngôi đền được xây dựng theo lối kiến trúc khá đặc biệt, không giống với bất cứ ngôi đền nào chúng ta từng thấy. Gọi là đền nhưng thực ra chỉ là bốn bức tường sơn mầu trắng bao quanh khu vực khảo cổ, rất đơn giản, cốt để che mưa, che nắng bảo vệ cho khu vực khai quật tránh bị hư hoại theo thời gian.
Bên trong đền là những nền gạch xưa cũ đã được khai quật, những vết tích cổ xưa như phiến đá có in dấu của một bàn chân nhỏ do vua A Dục khắc in, đây được cho là vị trí lúc Đức Phật đản sinh và ngày nay được bảo tồn trong lồng kính chắn đạn.
Trên bờ tường gạch kế bên, cách mặt đất khoảng 3m là một bức phù điêu bằng đá mô tả sự ra đời của Thái tử Tất Đạt Đa qua hình ảnh hoàng hậu Ma Da đang đứng với lấy một nhánh cây Vô ưu và đang hạ sinh thái tử. Mặc dầu bức phù điêu này không được các nhà khảo cổ xem là di tích lịch sử, nhưng nó có giá trị sử học theo cách nhìn của các nhà nghiên cứu sử Ấn Độ và Nepal.
Về hướng nam của ngôi đền, cách cột trụ đá khoảng 50m, là một hồ tắm. Cạnh hồ tắm là cây bồ đề mà trước đây là cây Vô ưu. Theo “Phật quốc truyện” của Ngài Pháp Hiển đến Ấn độ khoảng thế kỷ thứ V SCN chép như sau: “Phu nhân nghỉ chân tại vườn Lâm Tỳ Ni, tắm trong một hồ nước trong xanh và mát. Sau khi tắm gội xong bà đi dạo trong vườn khoảng hai mươi bước chân, tay vin vào nhánh cây Vô ưu quay về hướng đông và hạ sanh Thái tử.”
Sau nhiều thế kỷ bị quên lãng, ngày nay vườn Lâm Tỳ Ni đã trở thành điểm đến ao ước của những vị hành giả và học giả Phật giáo. Khu di tích được bảo vệ theo Đạo luật Bảo Quản Các Công Trình Cổ Đại ban hành năm 1956.
Khu vườn ngự uyển Lâm Tỳ Ni hiện đang nằm dưới sự quản lý của quỹ Tín Thác Phát Triển Lâm Tỳ Ni, một tổ chức phi lợi nhuận độc lập. Toàn bộ tài sản này thuộc quyền sở hữu của chính phủ Nepal. Tất cả các công trình kiến trúc khác không phục vụ cho Phật giáo như nhà hàng, khách sạn, khu mua sắm đều bị cấm xây dựng tại đây.
Để đến được Lâm Tỳ Ni không phải là chuyện đơn giản, bởi đường đi gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là nguy hiểm. Nepal có địa hình thung lũng - đồi núi - thung lũng nên từ thành phố đến Lâm Tỳ Ni phải băng qua bao nhiêu là đèo, dốc quang co.
Vườn ngự uyển Lâm Tỳ Ni là nơi tu hành và thanh tịnh nơi đất Phật,chưa bao giờ có nhã ý chào đón du khách thập phương. Vì vậy du khách đến đây thường không phải nhằm mục đích ngắm cảnh thiên nhiên, hưởng thụ xa hoa hay chụp ảnh check-in lên các trạng mạng xã hội. Những ai theo đạo Phật, tìm đến với các thánh tích Phật giáo ở Ấn Độ để củng cố niềm tin vào đạo Phật, vào lời dạy của Đức Phật.
Người ta nói rằng, nếu hành hương đến Ấn Độ hoặc Myanmar mà không đến vườn ngự uyển Lâm Tỳ Ni, chuyến hành hương ấy coi như chưa trọn vẹn.
Có hai cách để đến Lâm Tỳ Ni từ thủ đô Kathmandu. Rẻ nhất là đi xe buýt Saleena, rời Kathmandu vào lúc 7 giờ sáng và đến Bhairahawa hay Sunauli lúc 4 giờ chiều Sau đó đón xe buýt, taxi hay richshaw (xe lôi) thêm ba mươi phút nữa để đến Lumbini.
Với cách này, bạn phải mất đến ba ngày đi - về và tham quan đất Phật. Đường sá Nepal xấu kinh hoàng. Đèo núi điệp trùng. Giao thông vào loại hỗn loạn nhất thế giới. Nhìn mấy chiếc xe cũ kỹ có tuổi đời năm sáu chục năm, được vẽ đủ thứ hình dạng, sắc màu, đầy nhóc người, chắc chắn sẽ làm bạn chùn bước.
Nhanh hơn nhưng khá đắt là đi máy bay. Từ Kathmandu đến sân bay Gautama Buddha ở Bhairahawa khoảng 40 phút. Có hai hãng máy bay khai thác chặng này là Yeti Airlines và Buddha Air.
Mỗi ngày có tổng cộng 6 chuyến khứ hồi (dân Nepal bay với giá rẻ hơn). Bạn có thể rời Kathmandu vào sáng sớm mai, chiều tối bay về. Hoặc ngủ lại một đêm trên đất Phật, sáng hôm sau về sớm.