Những lớp học “3,4,5 trong 1” giữa trùng khơi

(PLO) - Giữa trùng khơi sóng gió, cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả nhưng những giáo viên trẻ ở xã đảo Sinh Tồn vẫn hàng ngày miệt mài gieo từng con chữ cho những học trò thân thương. 
Thầy Đức dạy viết cho học sinh lớp mầm non

Lớp học “3 trong 1”

Một thầy giáo kiêm nhiệm từ học sinh mầm non tới các lớp cấp 1 ngoài Trường Sa chắc ít nơi có. Trong lớp học, các học sinh ở nhiều bậc khác nhau nhưng vẫn ngồi chung bàn, nghe thầy giáo giảng riêng, ra bài riêng cho từng em tạo thành nét đặc trưng cho các lớp học trên huyện đảo Trường Sa. Người ta vẫn gọi vui những lớp học ấy là lớp học “3 trong 1”, “4 trong 1” hay thậm chí “5 trong 1”.

Phụ trách lớp học ở trên đảo Sinh Tồn là hai thầy giáo trẻ Lê Anh Đức (SN 1988, quê ở Cam Lâm, Khánh Hòa) và Nguyễn Ngọc Hạ (SN 1990, quê ở Vạn Ninh, Khánh Hòa). Cả 2 thầy giáo đều tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang và có thời gian tham gia công tác tình nguyện khi còn là sinh viên. 

Sau khi tốt nghiệp, cả 2 đều đi dạy học ở địa phương. Khi nghe có thông báo tuyển sinh giáo viên dạy học cho các em nhỏ ở huyện đảo Trường Sa, 2 thầy đã viết đơn tình nguyện ra đảo dạy học với mong muốn cống hiến sức trẻ để xây dựng biển đảo quê hương. Tính đến nay, thầy Đức và thầy Hạ đã có hơn 3 năm công tác ngoài đảo Sinh Tồn. 

Lớp học trên đảo Sinh Tồn còn được gọi là lớp học “3 trong 1”. Sở dĩ như vậy là bởi vì hai thầy giáo phải dạy cả các bé mầm non, các bé lớp 2 và lớp 3. Sau thời gian nghỉ hè, giờ đây, thầy và trò của trường đang bắt đầu chuẩn bị khai giảng năm học mới.

Trao đổi với thầy Đức, được biết công tác chuẩn bị cho năm học mới đã sẵn sàng. Năm nay các em tiểu học sẽ lên lớp mới, riêng lớp mầm non vẫn giữ nguyên sĩ số là 4 em. 

Thầy Hạ chia sẻ, dạy lớp ghép cũng có khó khăn nhưng không kém phần thú vị. “Thú thật, khi đi học chúng tôi chỉ được đào tạo dạy học sinh tiểu học. Nhưng ra đảo, chúng tôi phải kiêm luôn cả nhiệm vụ của giáo viên mầm non.

Chính vì thế chúng tôi phải tự học nghiệp vụ mầm non qua sách vở. Không những thế, trong những chuyến vào đất liền nghỉ phép, chúng tôi còn phải tranh thủ đi học thêm nghiệp vụ ở các lớp do phòng giáo dục mở để bồi dưỡng thêm chuyên môn, có thể dạy dỗ các em mầm non một cách tốt nhất”, thầy Hạ tâm sự. 

Khi dạy các em tiểu học không cùng trình độ, các thầy phải soạn giáo án kép để lên lớp. Nhưng khi dạy, quan trọng nhất là phải biết dung hòa các học sinh mầm non đang trong độ tuổi vui chơi, ăn ngủ với các học sinh tiểu học cần sự tập trung để học tập.

Bên cạnh đó, các thầy còn phải thường xuyên mày mò, tìm tòi sáng tạo phương pháp phù hợp để khi giảng bài tạo sự hấp dẫn và dễ hiểu.

Do cơ sở vật chất chưa đầy đủ nên nhiều đồ dùng dạy học các thầy phải tự sáng tạo. Bài giảng trong sách giáo khoa, lúc dạy, các thầy phải diễn đạt bằng những từ dễ hiểu và gần gũi nhất.

Mặc dù vậy được sự quan tâm, giúp đỡ từ các đơn vị, địa phương, hiện trường đã có máy vi tính kết nối mạng internet nên các thầy có thể tìm tòi thêm tài liệu để bổ sung vào bài giảng của mình. 

Việc thầy giáo tiểu học kiêm luôn cả giáo viên mầm non khiến 2 thầy giáo còn phải thường xuyên nghe các bài nhạc thiếu nhi, kể truyện, tập múa nhuần nhuyễn và dạy lại các bé.

Việc này lúc đầu các thầy chưa quen lắm vì thường công việc mầm non do các cô giáo đảm nhận. Tuy nhiên, sau một thời gian thì mọi việc cũng vào khuôn khổ cả. 

Được biết, các em học sinh ở đảo khi học hết lớp 5 sẽ vào đất liền để tiếp tục chương trình học của trung học cơ sở. Và dưới sự dạy dỗ của các thầy ở ngoài đảo, điều đáng mừng là kết quả học tập của các em qua từng năm đều đạt khá, giỏi, kiến thức cũng đảm bảo để khi các em vào đất liền có thể theo kịp và tiếp nối thành tích đạt được. 

Thầy Hạ gióng trống vào gọi học sinh vào lớp

Vượt khó “gieo chữ” nơi đảo xa

Trước thềm khai giảng năm học mới, thầy Đức chia sẻ, năm nay trường tiểu học Sinh Tồn sẽ thí điểm dạy học theo mô hình trường học mới VNEN.

Theo đó, các giáo viên sẽ phải thực hiện việc chuyển đổi từ vai trò giảng giải, truyền thụ kiến thức sang tổ chức, hướng dẫn học sinh cách học, giáo viên theo dõi kiểm soát học sinh tự học.

Trong tiết học, giáo viên không còn thuyết giảng nhiều như trước, mà tập trung vào quan sát, đánh giá, trực tiếp giúp đỡ từng em trong quá trình giảng dạy.

Dạy học theo mô hình trường học mới đòi hỏi giáo viên phải dành nhiều thời gian để chuẩn bị đồ dùng dạy học, nghiên cứu kỹ tài liệu hướng dẫn học, suy nghĩ tính đến các tình huống có thể xảy ra trong tiết học, để điều chỉnh nhằm đạt được hiệu quả bài học cao nhất. 

Với các lớp học mà học sinh với số lượng khiêm tốn và có nhiều trình độ khác nhau như ở Trường Sa, việc áp dụng chương trình VNEN được đánh giá là khả quan và phù hợp.

Phương pháp này ngoài giúp học sinh mạnh dạn, tự tin hơn trong việc tham gia các sinh hoạt nhóm, kỹ năng giao tiếp tốt hơn, chủ động tiếp nhận kiến thức, tạo được môi trường học thoải mái, không còn áp lực thụ động một chiều.. 

Thầy Hạ cho biết, công việc dạy học trên đảo tuy vất vả nhưng niềm vui với các thầy là các em rất ngoan và chăm học. Trong các học sinh 2 thầy đã dạy từng có một học sinh có thành tích học tập rất tốt và nhận được quỹ học bổng Vừa A Dính năm 2015.

Đó là cháu Nguyễn Trần Anh Luân (SN 2005), hiện nay cháu Luân đang học ở trường tiểu học Tây Úc (quận 3, TP. Hồ Chí Minh). 

Phụ huynh cháu Luân là anh Nguyễn Văn Lương (SN 1977) cho biết, mặc dù ở lớp có nhiều học sinh với cấp độ khác nhau, nhưng các thầy vẫn dạy kỹ, không để sót kiến thức. Nhờ vậy mà khi cháu Luân vào đất liền học cháu vẫn giữ được thành tích tốt. Cháu cũng thường xuyên gọi điện ra đảo hỏi thăm ba mẹ và 2 thầy trên đảo. 

Trên đảo sinh tồn, không chỉ tình cảm thầy trò quý mến nhau mà tình cảm giữa phụ huynh học sinh và thầy giáo cũng rất tốt. Vào ngày lễ 20/11, các học sinh hát và vẽ tranh tặng thầy giáo, phụ huynh thì mời thầy tới nhà dùng bữa như thành viên trong gia đình. Đảo thì nhỏ nhưng tình người thì bao la...

Thầy Hạ cho biết, ngoài giờ lên lớp, các thầy cũng tự tăng gia sản xuất ở các vườn rau tại chỗ ở. Không chỉ vậy, hai thầy giáo trên đảo thi thoảng còn ra khơi thử làm “ngư dân” để cải thiện bữa ăn hàng ngày. 

“Nhớ lại ngày đầu tiên ra đảo, ấn tượng đầu tiên của tôi là một màu xanh trải dài nơi đây. Khác xa với suy nghĩ rằng ngoài đảo chỉ có cát, sỏi, hầm công sự... Nơi đây có cả nhà dân, chùa và trường học khang trang.

Tuy nhiên những ngày đầu thay đổi môi trường sống khiến chúng tôi không khỏi bỡ ngỡ. Ngoài giảng dạy chúng tôi phải tăng gia và sinh hoạt theo chế độ bộ đội. Nhưng chính vì thế mà chúng tôi được rèn luyện nhiều hơn và có thêm quyết tâm gắn bó với biển đảo.

Trong tâm tư chúng tôi luôn tâm niệm sẽ hết lòng truyền dạy kiến thức cho thế hệ mầm non đang lớn dần trên đảo hôm nay”, thầy giáo Hạ chia sẻ.

Qua những tâm sự ấy, có thể thấy những người gieo chữ giữa trùng khơi đã dốc hết tâm sức để ươm mầm những “chồi non” của đảo.

Hai giáo viên ở đảo Sinh Tồn với những lớp học “3 trong 1” của mình đã và đang khẳng định năng lực chuyên môn cũng như tấm lòng thương yêu học trò, tạo được niềm tin yêu của quân và dân nơi đầu sóng.

Đọc thêm