Ngày thường cô sang chảnh nổi tiếng ở cơ quan, toàn quần áo hàng hiệu, son phấn loại cao cấp. Bao đồng nghiệp nữ phải ghen tỵ với sự biết ăn, biết mặc, biết chơi của cô. Thế nhưng mỗi lần cô về quê thì đố ai nhận ra dấu vết sang chảnh đó. Biết tính bố mẹ chồng khá truyền thống, thích giản dị, cô cũng ăn vận hết sức giản dị. Về tới nhà chồng là chỉ còn quần áo mặc nhà như mọi bà nội trợ khác.
|
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Thực sự chẳng dễ dàng gì để sống “hai mặt”, nhưng cô nghĩ nó cũng là cách khéo léo để mọi người xung quanh dễ chịu hơn. Đó là một cách cô giúp mình được sống đúng với bản thân mà không làm người khác “ngứa mắt”. Thay vì lúc nào cũng thể hiện đúng bản chất của mình, trong vài trường hợp nhạy cảm, cô có thể ẩn sâu một phần đó vào một lớp vỏ bọc trước mặt những người cần thiết. Ai cũng có cái tôi và đòi hỏi đối tác phải chấp nhập mọi thứ xấu xí nhất trong con người mình là chuyện rất mệt mỏi.
Cô có một cô bạn thân mới ly hôn cũng chỉ vì sống quá bản năng. Cô ấy sống thật tới mức làm người khác mất lòng liên tục. Có những chuyện lẽ ra nên nói 70% sự thật thì cô ấy lại không có khả năng kìm chế, lúc nào cũng phải tôn sùng triết lý “nửa cái bánh mỳ vẫn là cái bánh mỳ còn nửa sự thật thì không phải sự thật”. Hậu quả là câu chuyện bắt gặp mẹ chồng ngoại tình đã được cô đưa ra cả một cuộc họp gia đình đầy đủ ban bệ. Ngôi nhà ba thế hệ bỗng chốc tan nát không thể cứu vãn. Hai vợ chồng cô cũng tranh cãi suốt ngày tới mức phải kí vào lá đơn ly hôn.
Sau câu chuyện của bạn thân, cô càng ngẫm thấy triết lý sống “nhiều mặt” của mình là hợp lý. Các mối quan hệ trong cuộc sống quá phức tạp để lúc nào cô cũng chăm chăm đóng vai chính diện, với cô đôi khi cần đóng vai phản diện để “dễ thở" hơn.