Những lưu ý bố mẹ nên ghi nhớ khi con vào năm học mới

(PLVN) - Để giúp con bớt lo lắng và có thể thích nghi nhanh chóng  khi vào năm học mới, cha mẹ nên chuẩn bị chu đáo cho trẻ về tâm lý cũng như các kỹ năng cần thiết.
Bố mẹ nên cho trẻ đi khám sức khỏe trước khi đi học để đảm bảo một cơ thể khỏe mạnh cho năm học mới đầy hứng khởi.
Bố mẹ nên cho trẻ đi khám sức khỏe trước khi đi học để đảm bảo một cơ thể khỏe mạnh cho năm học mới đầy hứng khởi.

Chuẩn bị một tâm lý tốt

Bước vào năm học mới, điều quan trọng bố mẹ cần chuẩn bị cho con đó là một tâm trạng thoải mái, hứng khởi. Vì rào cản đầu tiên cản trở quá trình học tập của con trẻ chính là tâm ký. Sau một kỳ nghỉ dài, đã quen với giờ giấc sinh hoạt “tạm xa” sách vở, việc quay lại trường học khiến con vô cùng hụt hẫng và có đôi phần chán nản. Sẽ là gưọng ép khi bé vẫn còn ham chơi, thích nô đùa bỗng chốc phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định khi đến trường.

Vì vậy, bố mẹ cần là người động viên con để trẻ có một tâm trạng hưng phấn, hào hứng với năm học mới. Đặc biệt là các bé mới đi học hoặc chuyển cấp, sự lạ lẫm của một môi trường mới là điều không tránh khỏi. Thời gian này, bố mẹ nên tạo các hoạt động kích thích sự vui vẻ như đi chơi, cắm trại, chơi các trò chơi vận động cùng con. Thông báo cho con về một hành trình mới, cũng sẽ đầy vui vẻ và hào hứng như vậy.

Ở trường con sẽ tìm thấy nhiều niềm vui hơn nữa khi vừa có thể tham gia các hoạt động vui chơi cùng bạn bè, vừa có thể khám phá nhiều điều bổ ích qua những kiến thức con được thầy cô truyền đạt. Bố mẹ sẽ cùng con chuẩn bị cho những ngày tuyệt vời sắp tới.

Một thời gian biểu khoa học

Khi trẻ bắt đầu vào năm học, mọi thời gian sinh hoạt sẽ thay đổi bắt buộc con trẻ cần được làm quen với sự thay đổi đó. Sau kỳ nghỉ, giờ giấc sinh hoạt như ăn, ngủ, học tập, vui chơi có phần khác lúc đi học. Con sẽ phải dậy sớm hơn, sẽ tự giác đi ngủ, sẽ chia đều thời gian để làm bài tập và giải trí. Vì vậy, xây dựng một thời gian biểu khoa học, phù hợp với con là điều vô cùng quan trọng. 

“Cho con ngủ thêm đi mà”, “con muốn chơi nốt một tí thôi mà” – hãy tạm dừng việc châm chước cho những “tâm hồn tự do” này. Khi vào năm học, hãy cùng con xây dựng một thời gian biểu khoa học để tạo thành thói quen sinh hoạt hàng ngày. Tuy vậy, các bậc phụ huynh cũng không nên ép con một cách khô cứng quá khiến con không thoải mái. Hãy để con tập dần thời gian biểu này bằng cách đồng hành cùng con mỗi ngày.

Ví dụ nhắc con đi ngủ sớm hơn thường lệ. Trong những ngày đầu các bé có thể chưa quen với một giờ sinh hoạt mới, vì vậy bố mẹ có thể thực hiện một số mẹo nhỏ để con tập trung ngủ một cách dễ dàng nhanh chóng hơn.  Đọc chuyện cho bé hoặc hỏi han về suy nghĩ, câu chuyện mà con biết. “Giao kèo” với bé về việc sẽ dậy sớm hơn thường lệ để bé có tâm lý sẵn sàng (Kèm thêm đó, phụ huynh có thể dạy cho bé cách tự đặt chuông báo thức, khiến bé cảm thấy mình đang có một “trọng trách” to lớn và rất háo hức để hoàn thành nhiệm vụ).

Mỗi buổi sáng hãy đánh thức con bằng một câu nói khích lệ đầy tích cực, tránh sự la mắng, khó chịu để con có một ngày mới nhiều năng lượng tốt.

Kiểm tra sức khỏe cho con trước kỳ học

Sức khỏe của trẻ là vấn đề các bậc phụ huynh luôn ưu tiên hàng đầu vì con khỏe mẹ mới yên tâm. Để bé có một hành trang “vững chãi” cho những ngày đi học mới mẻ, lạ lẫm thì việc kiểm tra sức khỏe là không thể thiếu. Điều này  giúp bố mẹ hiểu được thể trạng của con để có chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng như có những biện pháp giúp con cải thiện bản thiện.

Một trong những kiểm tra quan trọng đó là kiểm tra nhãn khoa. Một đôi mắt khỏe giúp con nhìn mọi thứ rõ nét, phục vụ học tập vui chơi cho bé một cách tốt nhất. Ở độ tuổi đi học, có rất nhiều nguy cơ về mắt hay gặp ở trẻ như tật khúc xạ, lác, khô mắt…Vì vậy, trước khi bước vào năm học mới, bố mẹ hãy đưa trẻ đi khám mắt tổng quát để kiểm tra đôi mắt bé có đang khỏe mạnh không? Mặt khác, trong trường hợp bé mắc một số vấn đề như cận thị…sẽ kịp thời điều trị, kiểm soát ở mức ban đầu.

Ngoài ra, kiểm tra tim mạch, thính giác, phản xạ cũng rất cần thiết với các bạn chuẩn bị đi học. Các bậc phụ huynh cũng nên thông báo tới giáo viên phụ trách về tình trạng sức khỏe của con nếu như có gì khác thường, qua đó, nhà trường dễ dàng can thiệp và biết cách xử lý khi có gặp phải tình huống khẩn cấp.

Bên cạnh đó, dạy con biết cách tự chăm sóc bản thân là điều vô cùng quan trọng.  Tập cho con thói quen bảo vệ bản thân như rửa tay, vệ  sinh cá nhân, tập luyện thể thao…

Hãy nói cho con biết mình phải chuẩn bị gì cho bản thân

Tự lập là ý thức cần được rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ cho trẻ. Đặc biệt, khi đi học tính tự lập với trẻ là vô cùng quan trọng. Điều này cần được hình thành từ sự nuôi dạy của bố mẹ. Vì vậy, các bậc phụ huynh hiểu và cho con học cách tự lập, tự giác sẽ giúp trẻ vững vàng và ý thức hơn với việc học của mình.

Trước khi nhập học, hãy chủ động hỏi con những đồ dùng cần thiết cho việc đi học. Cùng con đến nhà sách và để tự con sắp xếp, tìm kiếm các vật dụng hay cuốn  sách mình cần.

Nhiều bà mẹ cẩn thận, trước mỗi buổi tối thường chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập cho con và chúng chỉ cần mang chiếc cặp sách đã được chuẩn bị sẵn đi học. Việc này không hoàn toàn tốt cho con. Việc tự chuẩn bị những đồ cần thiết cho ngày mai cần được con tự giác làm. Các bé cần rèn luyện tính tự giác, chủ động và ý thức về nhiệm vụ của mình.

Nếu các bé đã biết đọc thì việc này rất đơn giản, bố mẹ chỉ cần viết ra danh sách vật dụng cần mang theo và đừng quên giúp bé kiểm tra lại. Như vậy giúp con có tính tự lập với các hoạt động của mình mà không phụ thuộc, ỉ lại vào bố mẹ. Cũng như, tự con làm sẽ thể hiện tính trách nhiệm với buổi học của con.

Nhắc nhở con tuyệt đối thuộc thông tin liên lạc của gia đình

Việc nhớ số điện thoại của bố hoặc mẹ hay địa chỉ nhà tưởng chừng là việc đơn giản nhưng nhiều bố mẹ vẫn hay quên dạy con các thông tin này. Khi con đến môi trường mới  xa vòng tay bao bọc của bố mẹ, sẽ có nhiều tình huống có thể  xảy ra với con. Vì vậy, hãy nhắc nhỏ con ghi nhớ những thông tin cần thiết này để đề phòng những trường hợp như được nghỉ sớm, lạc đường, gặp kẻ xấu…

Địa chỉ nhà mình là gì con nhỉ? Con có nhớ số điện thoại của bố mẹ không? Khi có người lạ rủ đi chơi hay cho kẹo bánh con phải làm như thế nào? … Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản đó nhưng thực sự rất cần thiết cho các con, bố mẹ cần phải hướng dẫn và luyện tập để luôn ghi nhớ câu trả lời cho những câu hỏi trên. Việc nhắc nhở con rất đơn giản, bố mẹ có thể trò chuyện cùng con, tạo các tình huống giả vừa hài hước vừa thực tế để con hiểu và tập dần phản xạ trước những vấn đề này. 

Từ đó, con học tính tự lập, cẩn thận và biết cách bảo vệ bản thân trong một vài trường hợp xấu. 

Luôn lắng nghe trò chuyện cùng con sau buổi học

Sau mỗi buổi học, điều không thể thiếu là trò chuyện, tâm sự cùng con.  Việc này giúp bố mẹ hiểu con cái nhiều hơn. Mặt khác, con cái sẽ thấy được sự động viên, quan tâm từ bố mẹ. 

Vì vậy, hãy tích cực những cuộc trò chuyện gợi mở để con chia sẻ như :”Điều gì khiến con mỉm cười trong ngày hôm nay?, Con có thể kể cho mẹ nghe những việc tốt con đã làm hoặc con nhìn thấy không?

Bố mẹ hãy là những người bạn đồng hành tuyệt  vời của con, cùng con học tập, cùng con phát triển. Hành trình năm học mới sẽ cực kỳ đáng nhớ nếu chúng ta cùng chuẩn bị cho con một hành trang thật tốt.

Đọc thêm