Những lưu ý khi dọn dẹp bàn thờ đón năm Kỷ Hợi

(PLVN) - Với các gia đình người Việt, năm hết Tết đến, bên cạnh các công việc như trang trí nhà cửa, chuẩn bị thực phẩm, cỗ Tết... thì việc lau dọn bàn thờ rất quan trọng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách dọn bàn thờ (còn gọi là bao sái) đúng cách.
Ảnh minh họa

Các điều lưu ý khi bao sái

Người bao sái nên là đàn ông, gia chủ trong gia đình. Nếu trong nhà neo người/ người đàn ông vô thần/ người đàn ông không có sự nghiệp thì người phụ nữ có thể thay thế. Trước khi bao sái nên  tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo dài tinh tươm, giữ cho thân thanh tịnh là tốt nhất.

Ngày làm tốt nhất trong năm: Các ngày dọn dẹp bàn thờ tốt nhất: ngày 28/1/2019 (tức 23 âm) 9/10 điểm, ngày 29/1/2019 (tức 24 âm) 8/10 điểm, ngày 30/1/2019 (tức 25 âm) 8/10 điểm.

Thời gian tốt nhất: 6-11 giờ 55 phút trưa hoặc 1- 5 giờ 55 phút tối. Nên tránh 12 trưa và sau 6 giờ tối. Nếu làm vào ngày 23 âm thì lưu ý bao sái, tỉa chân hương, lau dọn trước khi cúng Ông Công Ông Táo.

Các bước dọn bàn thờ cơ bản

Trước khi bao sái, lau dọn nhà cửa sạch sẽ, mở toang các cửa trong nhà, chuẩn bị đồ cúng theo đủ 5 phần: Nến - tượng trưng cho lửa - sự ấm cúng trong nhà. Hương - thắp nén tâm hương - tấu lời bái bạch. Hoa - sắc hoa giăng bủa, tươi mát gia cư. Quả - đĩa ngũ quả dâng lên bề trên. Thực - đồ cúng cho bề trên hưởng dụng, theo đúng quan niệm trước cúng sau ăn.

Rượu trắng ngâm với 1 củ gừng để cả vỏ đã rửa sạch giã nát. Khăn sạch ngâm vào rượu gừng ít nhất 30 phút trước khi lau dọn.

Thắp một nén hương, khấn xin phép gia tiên / các quan thần linh / thần tài được dọn dẹp bàn thờ, xin các Ngài tạm lánh sang 1 bên để thực hiện việc dọn dẹp. Đợi hương tàn thì bắt đầu dọn. 

Hạ các đồ muốn lau dọn xuống. Cần chuẩn bị bàn to và cao,  phủ vải hoặc giấy đỏ. Hạ đồ thờ cúng xuống rồi để  ngay ngắn toàn bộ lên bàn. Nếu là ban thờ Phật thì phủ vải hoặc giấy vàng. Không lau đồ trực tiếp trên bàn thờ.

Dùng khăn sạch đã ngâm rượu gừng lau toàn bộ các đồ thờ.

Sau đó dùng 1 khăn khô lau lại.

Tiếp theo là bao sái, rút tỉa chân hương. 

Ảnh minh họa

Rửa 2 tay sạch bằng rượu gừng, dùng một tay giữ chặt bát hương xuống tránh cho bát hương bị xê dịch. Lấy khăn khô, chổi khô lau quét toàn bộ bụi trên miệng, xung quanh bát hương xuống bàn thờ. Sau khi lau dọn, lấy hai tay rút tỉa từng chân hương một cho tới khi chân hương còn số lẻ 1 / 3 / 5 / 7 / 9. Thường bát hương thần linh cần để lại 5 chân hương (ngũ hành tề tụ). Bát hương khác để lại 3 chân hương (sinh tài).

Chỗ chân hương rút ra để lên bàn có phủ vải / giấy đỏ, sau đó hoá hết chân hương đó đi, tro tàn gom lại thả ra sông có dòng chảy. Xong lấy 1 khăn sạch khô lau dọn tàn từ chân hương cũ rơi xuống. Dùng khăn ngâm rượu gừng lau lại 1 lần xung quanh bát hương là hoàn thành.

Cuối cùng, đặt lại đồ thờ cúng , thay nước , thay chum gạo muối (nếu có), khấn xin thỉnh các Ngài về, báo cáo con đã xong việc.

Lưu ý cho ban thờ Phật 

Nếu nhà có ban thờ Phật, tượng Phật, ảnh Phật, lưu ý không dùng rượu để lau mà nên dùng khăn thấm nước sạch đã được ngâm cánh hoa hồng vàng để lau. Nếu không có thì nước ngũ vị hương hay nước trắng bình thường cũng được. Tuyệt đối không lau ban thờ Phật bằng rượu.

Đọc thêm