Những lý giải trong đêm Giáng sinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lễ Giáng sinh còn được gọi là Lễ Thiên Chúa Giáng sinh, Noel hay Christmas là một ngày lễ kỷ niệm Chúa Giê Su ra đời.
Bức tranh về ngày chúa Giê Su ra đời.
Bức tranh về ngày chúa Giê Su ra đời.

Quê hương “ông già Noel” ở Thổ Nhĩ Kỳ

Theo phần lớn các tín hữu Ki Tô giáo, Chúa Giê Su được sinh tại Bethlehem thuộc xứ Judea (ngày nay là 1 thành phố của Palestine), lúc bấy giờ thuộc Đế quốc La Mã. Vào khoảng năm 75 đến 85 sau Công nguyên, Giê Su sinh ra thời vua Herod. Càng về sau, các huyền thoại, lời kể về Giê Su càng mất dần những chi tiết cụ thể để giữ lại thông điệp chủ chốt mà các tín đồ Ki Tô thời kỳ đầu muốn chuyển tải: Giê Su bị hành hình trên cây thập ác để chuộc lỗi cho chúng sinh, kể cả cho các kẻ thù của ông.

Vậy vì sao họ chọn ngày Giáng sinh và Chúa Giê Su sinh vào tháng 3 hay tháng 12? Theo các học giả, ngày 25 tháng 3 được coi là ngày Giê Su được thụ thai trong bụng mẹ. Sau 9 tháng, ngày 25 tháng 12 Giê Su chào đời.

Ngày lễ Giáng sinh được cử hành chính thức vào ngày 25 tháng 12 nhưng thường được tổ chức từ tối ngày 24 tháng 12 bởi theo lịch Do Thái, thời điểm tính bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm. Lễ chính thức ngày 25 tháng 12 được gọi là “lễ chính ngày”, còn lễ đêm 24 tháng 12 gọi là “lễ vọng” và thường thu hút nhiều người tham dự hơn.

Hình ảnh ông già Noel được mô tả theo Thánh Nicolas, 1 vị thánh nhân từ rất được yêu quý ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Hình ảnh ông già Noel được mô tả theo Thánh Nicolas, 1 vị thánh nhân từ rất được yêu quý ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiều người nghĩ, ông già Noel được bắt nguồn từ các nước Bắc Âu gần vùng Bắc Cực lạnh giá. Thực tế hình ảnh ông già Noel được mô tả theo Thánh Nicolas, 1 vị thánh nhân từ rất được yêu quý ở Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1809 nhà văn Washington Irving đã miêu tả Thánh Nicolas bay trên không trung đi phát quà. Năm 1823 ông già Noel có thêm chiếc xe tuần lộc kéo trong một câu chuyện thần thoại của nhà văn Clement Clarke Moore vở “Cuộc viếng thăm của thánh Nicolas”. Vì thế ngày nay người ta chấp nhận ông già Noel là hóa thân của thánh Nicolas ở thành Myra (Thổ Nhĩ Kỳ). Chỉ có duy nhất một ông già Noel trên thế giới, những người khác chỉ là ăn vận giống ông già Noel mà thôi. Điều này giúp không khí Noel được duy trì trong cả tuần lễ trọng đại.

Ông già Noel luôn mặc bộ đồ màu đỏ và bộ râu trắng bắt nguồn từ bộ lễ phục giám mục của thánh Nicolas ở thế kỷ 4. Ban đầu cỗ xe bay của ông già Noel gồm có 8 chú tuần lộc, xếp thành 2 hàng. Ông già Noel chọn các chú tuần lộc để đi phát quà cho trẻ em. Đó là nhờ chiếc sừng của tuần lộc có khả năng bắt, thu nhận tất cả những giấc mơ, nguyện vọng của trẻ em trên toàn thế giới. Vào một đêm Giáng sinh, ông già Noel gặp khó khăn trong việc tặng quà cho các em nhỏ vì bầu trời giá rét đầy sương mù. May sao khi ấy, ông phát hiện ra Rudolph - một chú tuần lộc có chiếc mũi đỏ phát sáng. Vậy là ông già Noel cho Rudolph dẫn đầu đoàn xe kéo của mình. Chính nhờ chiếc mũi đỏ phát sáng của chú tuần lộc đã giúp ông hoàn thành nhiệm vụ đêm Noel. Từ đó có 9 con tuần lộc. Theo truyền thuyết, chúng bay được vì ông già Noel cho ăn bột ngô và yến mạch thần kỳ.

Tại sao ông già Noel không bước vào cửa chính mà lại cứ phải chui vào ống khói? Vì ông chỉ đi ban đêm thôi, mà đêm thì mọi người ngủ hết rồi, cửa nẻo khóa kỹ hết chỉ còn mỗi cái ống khói là chui vào trong được. Hơn nữa, cỗ xe bay của ông đáp trên mái nhà có vẻ dễ dàng hơn là trên mặt đất. Trong những bức hình minh họa đầu thế kỷ 20, các họa sĩ khắc họa ông già Noel là một người tỉ mẩn chuẩn bị từng món quà cho các em nhỏ. Món quà đầu tiên của ông già Noel là tượng khắc gỗ một chú mèo nhỏ xinh.

Phong tục cây Giáng sinh bắt đầu phổ biến ở Đức vào thế kỷ 16, khi những người theo đạo Cơ đốc mang cây xanh vào nhà và trang trí trong dịp Lễ Giáng sinh. Ở nơi không có cây, họ tạo ra các đồ vật hình chóp từ gỗ, treo nến và các cành cây xanh. Phong tục này từ đó lan dần sang các nước châu Âu khác. Thời xưa và theo truyền thống của Công giáo La Mã, cây thông Noel được dựng lên vào buổi chiều trước đêm Giáng sinh. Tuy nhiên, ngày nay người ta thường trang trí cây thông từ sớm để hưởng không khí Giáng sinh được lâu hơn, bắt đầu từ ngày 1 tháng12.

Thắp sáng cây thông Noel đã trở thành nghi thức truyền thống mở đầu cho mùa lễ hội đặc sắc cuối năm. Tuy vậy, không phải ai cũng biết ý tưởng này xuất phát từ đâu và nó trở nên phổ biến từ bao giờ. Theo nhiều tài liệu, vào thế kỷ XVII, người Đức đã bắt đầu có ý tưởng thắp sáng cây thông Noel khi mỗi mùa Giáng sinh đến. Lúc này họ dùng những cây nến nhỏ gắn vào cuối cành cây bằng sáp ong và kẹp để có những cây thông lung linh ấm áp trong ngày Giáng sinh lạnh lẽo.

Vào ngày 22/12/1888, Eward Johnson, một người bạn của Thomas Edison, Phó Tổng Giám đốc Công ty Edison Electric Light Company là người đầu tiên đặt một cây thông Noel với những bóng đèn trang trí treo xung quanh tại nhà riêng ở New York. Bộ đèn này được thắp sáng bằng máy phát điện, bao gồm 80 bóng đèn đủ màu sắc đỏ, trắng, xanh.

Việt Nam đón Lễ Giáng sinh từ 4 thế kỷ trước

Ngày lễ Giáng sinh không có nguồn gốc từ Việt Nam, nó là ngày lễ của những người theo Ki Tô giáo như: Công giáo, Tin lành. Đạo Công giáo du nhập vào Việt Nam từ năm 1533 và đến nay đã trở thành một trong những tôn giáo có số lượng tín đồ đông đảo.

Được biết, Lễ Giáng sinh lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam là do một người phụ nữ chủ tọa, đó là bà Maria Madelena Minh Đức Vương Thái Phi. Bà Minh Đức là vợ Chúa Nguyễn Hoàng, mẹ của Hoàng tử Nguyễn Phúc Khê, tước hiệu Vương Phi, được đứng đầu hàng Thứ phi.

Các nhà thờ trang hoàng đón Giáng sinh.

Các nhà thờ trang hoàng đón Giáng sinh.

Năm 1625, đã ngoài 50 tuổi, bà gia nhập đạo Công giáo tại Thuận Hóa do Giáo sĩ Francisco di Pina rửa tội cho bà với tên Thánh là Maria Madelena, có sự chứng kiến của Giáo sĩ Đắc Lộ. Cuộc đời và sự nghiệp rao giảng Tin Mừng của bà Minh Đức đã được sử gia Phạm Đình Khiêm nghiên cứu và cho ra mắt cuốn “Minh Đức Vương Thái Phi” (xuất bản 1957). Bà đã có 24 năm lo giảng đạo, làm việc tông đồ mở mang nước Chúa để lại tấm gương nhân đức chiếu rạng khắp triều đình. Hành động của bà ảnh hưởng lớn đến dân chúng và danh tiếng bà luôn ghi dấu trong sử sách. Bà còn được các giáo sĩ truyền giáo coi như linh hồn của đạo Công giáo thời bấy giờ.

Nếu như trước đây Giáng sinh chỉ là ngày lễ của những người theo đạo Công giáo hay Tin lành thì thế kỷ XXI, tại Việt Nam coi như hoạt động sinh hoạt văn hoá nhộn nhịp được giới trẻ, các gia đình hưởng ứng.

Lễ Giáng sinh ở Việt Nam thường được tổ chức vào tối 24 và kéo sang 25/12. Những ca khúc về Giáng sinh vang lên rộn rã trên nhiều đường phố. Các khách sạn lớn, trung tâm mua sắm, khu phố Tây... những nơi có nhiều người nước ngoài lui tới nên việc chuẩn bị Giáng sinh còn nhộn nhịp hơn với các chương trình giải trí đầy hấp dẫn. Trên cây, người ta thường treo các đồ trang trí nhiều loại nhưng thường có những cặp chuông, dây giả tuyết, những chiếc ủng, các gói quà tượng trưng và đèn trang trí giống như các nước phương Tây. Các cửa hàng trang hoàng lộng lẫy nhằm thu hút khách hàng trong dịp này. Rất nhiều người nước ngoài đón Giáng sinh tại Việt Nam và thực sự thích không khí ấm cúng, yên bình nhưng không kém phần sôi động ở đây. Trẻ em được cha mẹ đưa đến các khu vui chơi và háo hức chờ sự xuất hiện của ông già Noel tặng quà. Những bộ quần áo kiểu dáng ông già Noel ngộ nghĩnh dành cho trẻ nhỏ và cả người lớn được bày bán khắp nơi.

Trong đêm Giáng sinh, những đôi tình nhân âu yếm tặng quà cho nhau, gia đình, bè bạn rủ nhau hội hè, liên hoan, ca hát... Đặc biệt là những người Công giáo tưng bừng chuẩn bị tham dự thánh lễ tại thánh đường giáo xứ hoặc giáo họ của mình. Với người dân công giáo, đây không chỉ là dịp thể hiện tình yêu với Thiên chúa mà còn gắn kết tình cảm và sự đoàn kết.

Những nhà thờ Việt Nam có lối kiến trúc cổ điển với gam màu cổ điển, nét trạm trổ tinh tế, mái vòm hình ô van, mang kiến trúc châu Âu được trang hoàng rực rỡ. Gần đến ngày Giáng sinh, các nhà thờ đón hàng vạn người dân công giáo, du khách tới thăm, tìm hiểu lịch sử và tham dự Thánh lễ đêm Noel.

Với người dân công giáo, Lễ Giáng sinh không chỉ là dịp thể hiện tình yêu với Thiên chúa mà còn gắn kết tình cảm và sự đoàn kết.

Đọc thêm