Những mánh lừa đảo trên YouTube

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - YouTube - một trong những mạng xã hội được yêu thích và sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Đây cũng là lí do khiến cho YouTube trở thành mảnh đất màu mỡ cho những “đạo tặc” lừa đảo hoành hành. Bên cạnh những nội dung giải trí, giáo dục,… thì những kênh, video lừa đảo cho đến những quảng cáo lừa đảo đang xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội này.
Video quảng cáo cắt ghép giả mạo trên YouTube.
Video quảng cáo cắt ghép giả mạo trên YouTube.

Từ quảng cáo lừa đảo...

YouTube là một mạng xã hội chia sẻ video lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là công cụ tìm kiếm lớn thứ hai thế giới chỉ sau Google, cũng chính là công ty mẹ. Với những con số ấn tượng: hơn 2 tỷ người dùng hàng tháng, 500 giờ nội dung mới mỗi phút, 5 tỷ video được xem hàng ngày,… Vậy nên không lạ khi ở Việt Nam YouTube rất có sức ảnh hưởng không chỉ với giới trẻ mà ở mọi độ tuổi.

Có một sự thật là có hàng chục triệu người Việt Nam xem YouTube mỗi ngày. Nhất là vào thời điểm dịch bệnh như hiện nay, người dân dành thời gian ở nhà nhiều hơn và tìm đến những kênh giải trí, đặc biệt là YouTube. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người Việt ta tiếp thu rất nhiều nội dung từ mạng xã hội video này. Nhưng với kho nội dung khổng lồ như vậy, người dùng rất khó chọn lọc giữa nội dung tốt hay xấu để xem. Từ đó tự biến mình trở thành con mồi trên mạng xã hội.

Dạo gần đây rất nhiều người dùng YouTube tại Việt Nam bức xúc với việc bị bắt xem quảng cáo với tần suất ngày càng dày, thời gian ngày càng nhiều, nội dung ngày càng nhảm, thậm chí cả quảng cáo lừa đảo. Chị P.A (Hà Nội) tự nhận là một “tín đồ” của YouTube chia sẻ chị thường hay xem lại các chương trình gameshow trong ứng dụng trên TV thông minh của gia đình để cả nhà xả stress sau một ngày dài làm việc.

Thế nhưng thời gian dài gần đây, nhà chị đã phải từ bỏ thói quen bởi những đoạn quảng cáo như “khủng bố” xen giữa chương trình. “Cả nhà đang xem chương trình đến đoạn hay thì bỗng xuất hiện những đoạn quảng cáo vô duyên với âm thanh tăng đột biến đến chói tai. Các quảng cáo xuất hiện ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là quảng cáo các lương y chữa bách bệnh không khác gì thần y. Chúng xuất hiện liên tục và gây khó chịu cho cả gia đình” - chị P.A cho biết.

Theo ghi nhận, mật độ xuất hiện các quảng cáo xen giữa các đoạn video trên YouTube ngày càng nhiều hơn. Nếu trước kia chỉ mất 6 giây thì giờ có khi 15 giây mới có thể bấm bỏ qua xem quảng cáo. Thậm chí, nhiều quảng cáo sẽ trình chiếu kéo dài mãi nếu người xem không bấm nút bỏ qua. Đáng lo ngại nhất là hiện tượng xuất hiện các quảng cáo “thuốc đông y”, “thuốc gia truyền” chữa bách bệnh của các ông bà “thần y” với các nội dung như: “Nhà tôi ba đời trị bệnh xương khớp”, “Vĩnh biệt sỏi thận – sỏi mật tại nhà”,…

Cá biệt hơn là những hình ảnh, video quảng cáo lộ rõ sự chèn ghép, sao chép các chương trình thời sự truyền hình, các chuyên gia hay nghệ sĩ nổi tiếng quảng bá cho sản phẩm của họ. Đây là một hình thức lừa đảo, cố tình gian dối với người xem. Các quảng cáo còn lợi dụng hình thức video để ngang nhiên đưa số điện thoại liên hệ vào. Lợi dụng lòng tin qua các hình thức quảng cáo tinh xảo, đưa ra cách thức liên hệ vô cùng dễ dàng, vì thế số khách hàng rơi vào “bẫy” ngày một nhiều hơn.

Những quảng cáo lừa đảo này chủ yếu nhắm vào đối tượng người lớn tuổi và những người ở thị trường nông thôn. Nhiều người ở nông thôn đã bị “tiền mất, tật mang” bởi các quảng cáo chữa trị bách bệnh, bán thuốc không rõ nguồn gốc. Đây là đối tượng dễ bị lừa nhất, đặc biệt là người già, do hay tin vào lời truyền miệng lẫn quảng cáo.

Và lạ lùng ở chỗ, đây chính là những quảng cáo lừa đảo, phản khoa học và phi thực tế nhưng lại được YouTube duyệt “đủ điều kiện” để được đăng tải. Lý giải cho điều này, các chuyên gia quảng cáo cho biết ở mục “Chăm sóc sức khỏe và thuốc”, trong danh sách các chất không được chấp thuận quảng cáo của Google không hề có thuốc Đông y. Đây chính là kẽ hở khiến cho các cá nhân, tổ chức có thể lách luật bằng việc kê khai nội dung quảng cáo là sản phẩm Đông y. Từ đó tạo tiền đề cho vô vàn sản phẩm thuốc Đông y, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc ngang nhiên quảng bá.

Thời gian gần đây, Cục An toàn thực phẩm liên tục phát thông báo về các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có nội dung quảng cáo sai sự thật trên các trang mạng. Đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng những loại thuốc chưa rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế. Tuy nhiên, để xử lý tình trạng này một cách tận gốc không phải là chuyện “một sớm, một chiều”. Do vậy, trước mắt, hơn ai hết, người sử dụng mạng cần tỉnh táo trước mọi lời mời chào quảng cáo này và cẩn trọng tìm hiểu kỹ thông tin khi mua thuốc để tránh “tiền mất, tật mang”.

Thủ đoạn lừa đảo soi lô, đề trên YouTube.

Thủ đoạn lừa đảo soi lô, đề trên YouTube.

... cho đến “đạo tặc” online

Không chỉ dừng lại ở quảng cáo lừa đảo, gian dối mà trên YouTube còn xuất hiện những mánh khoé lừa đảo hết sức tinh vi khác. YouTube giờ đã trở thành mảnh đất màu mỡ trong mắt những “đạo tặc” online. Chúng chọn YouTube thành nơi để hoành hành và kiếm chác dưới nhiều thủ đoạn khác nhau khiến người dùng rất dễ “sập bẫy”.

Chuyện thật như đùa khi mà chỉ với một video cắt ghép, chỉnh sửa đăng trên YouTube vậy nhưng lại có thể lừa đảo gần 3 tỷ đồng. Đây là thủ đoạn của đối tượng Võ Ngọc Trung (1997, Quảng Nam) trong Chuyên án 002L được Công an huyện Như Xuân, Thanh Hoá điều tra. Cuối năm 2020, anh N.V.D, huyện Như Xuân tố cáo đã chuyển khoản 25 triệu tiền đặt cọc cho đối tượng rao bán xe máy SH trên trang YouTube; sau đó bị đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt tài sản.

Ngay sau khi nhận tin trình báo, Công an huyện Như Xuân đã huy động lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan. Sau một thời gian lập án đấu tranh đã bắt giữ Võ Ngọc Trung là đối tượng chuyên rao bán xe máy SH trên kênh YouTube để lừa đảo, chiếm đoạt tiền đặt cọc của các bị hại.

Tại cơ quan điều tra, Võ Ngọc Trung khai nhận đã copy các video quảng cáo bán xe máy SH trên mạng xã hội, rồi chỉnh sửa gắn vào kênh YouTube của mình, rao bán. Sau khi người đăng ký mua xe máy đã chuyển tiền đặt cọc, mức từ 25 đến 30 triệu vào tài khoản ngân hàng của Trung, Trung liền chặn liên lạc, chiếm đoạt tài sản của bị hại.Từ tháng 9/2020 đến khi bị bắt Trung đã lừa đảo, chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng của các bị hại trên toàn quốc.

Hay như lập kênh YouTube lừa đảo rao bán kết quả lô, đề cũng là một thủ đoạn hay được các “đạo tặc” online sử dụng. Lừa đảo mua bán số lô, đề là thủ đoạn lừa đảo không mới và xảy ra khá phổ biến trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo và cả YouTube. Đã có nhiều nhóm đối tượng bị công an các tỉnh bắt giữ về hành vi lừa đảo lên đến hàng tỷ đồng này. Nhưng vẫn còn nhiều đối tượng khác cũng với phương thức, thủ đoạn tương tự chưa “sa lưới” pháp luật.

Thủ đoạn của các đối tượng là mạo nhận mình có khả năng “soi cầu”, phán đoán kết quả lô, đề để đưa ra những con số nhằm lừa đảo, chiếm đoạt lòng tin của khách hàng. Các đối tượng tự tạo hoặc thuê kênh YouTube sau đó đăng video “soi cầu” để khách hàng theo dõi. Làm video dự đoán các số trúng giải của ngày hôm sau với những lời quảng cáo hấp dẫn “tỉ lệ chuẩn xác cao”, “chắc chắn trúng”.

Trong nội dung và phần mô tả video, các đối tượng để thông tin số điện thoại của mình để khách hàng liên hệ. Với những khách hàng có nhu cầu mua những con số này, sau khi liên lạc với các đối tượng thì sẽ được yêu cầu thanh toán tiền vào tài khoản ngân hàng. Đây là những tài khoản ngân hàng mà các đối tượng mua trên mạng để phục vụ cho việc lừa đảo. Nếu như ngày trước chúng rao bán số lô, đề trên mạng xã hội Facebook thì nay các đối tượng sử dụng kênh YouTube, tính ẩn danh cao.

Hầu hết khách hàng của chúng đều là những đối tượng ham mê cờ bạc, lô, đề, vì vậy chi rất nhiều tiền vào trò đỏ đen này. Bản thân người chơi có niềm tin vào những trò dự đoán kết quả này, nên dù biết bị lừa vẫn không hợp tác với cơ quan công an. Điều này khiến công tác điều tra gặp nhiều khó khăn và tạo cơ hội cho chúng tiếp tục lừa đảo trên YouTube.

Trên đây chỉ là một vài thủ đoạn lừa đảo đã và đang xuất hiện trên YouTube. Thực chất còn nhiều thủ đoạn lừa đảo khác đang xuất hiện mỗi ngày trên các video nội dung của mạng xã hội này. Dù YouTube đã có những chính sách về nội dung câu kéo, hành vi lừa đảo và gian lận nhưng có vẻ với kho nội dung khổng lồ mỗi ngày YouTube không thể quản lý chặt chẽ được 100%.

Vì vậy, mỗi người đối với những nội dung, thông tin trên YouTube cần phải tiếp nhận thật cẩn trọng và chọn lọc. Để tránh trường hợp xem YouTube để giải trí, tìm niềm vui mà lại bị “sập bẫy” những mánh lừa đảo trên đây.

Đọc thêm