Cha con, vợ chồng cùng viết nên những câu chuyện đẹp
Trong năm qua, giữa lúc dịch bệnh, những tình nguyện viên đóng vai trò quan trọng trong việc chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Thầy Trương Vĩnh Đặng (giáo viên Trường Tiểu học Tây Hồ, TP Đà Nẵng) cũng rong ruổi trên những cung đường tiếp sức cho bà con.
Đầu tháng 10, những đoàn người chạy xe máy từ miền Nam về quê tránh dịch nối đuôi nhau xuyên ngày đêm đi qua địa phận Đà Nẵng. Thời gian này, trường học ở Đà Nẵng vẫn chưa mở cửa do dịch bệnh. Không phải đến trường, thầy Đặng quyết định cùng mọi người chung tay hỗ trợ người dân.
Thời gian đầu, thầy Đặng hỗ trợ người dân đồ ăn, nước uống. Sau đó, thấy nhiều nhóm cùng hỗ trợ ăn, nhiều lúc người dân dùng không hết nên thầy Đặng quyết định hỗ trợ tiền mặt để bà con làm lộ phí. Kinh phí hỗ trợ người dân do thầy Đặng vận động các mạnh thường quân và đấu giá cây bonsai của mình.
Người đồng hành, hỗ trợ thầy Đặng trong những chuyến làm từ thiện là bố của thầy, ông Trương Văn Luân (sinh năm 1963). Địa điểm mà thầy Đặng tổ chức hỗ trợ người dân là đèo Lò Xo (tỉnh Kon Tum), chốt Đại Lộc (Quảng Nam), đèo Hải Vân, hầm Hải Vân và chốt Hòa Khương (TP Đà Nẵng).
Không quản ngày đêm, cứ có đoàn đến là bố con thầy Đặng lại lên đường hỗ trợ người dân. Có khi là 2 - 3 giờ sáng, có khi 12h trưa, không ngày nào thầy Đặng không có mặt tại những điểm nghỉ chân của người dân trên hành trình hồi hương khi qua địa phận Đà Nẵng.
Trong quá trình làm việc, thầy Đặng thấy nhiều người dân khi đến chốt Đại Hiệp - Hòa Khương thì hay bị lạc đường, có người đi lạc xuống tận thành phố, thầy Đặng nghĩ đến chuyện làm biển chỉ đường. Nghĩ là làm, 2 bố con thầy Đặng đi in những bảng chỉ đường, treo dọc các tuyến hướng dẫn bà con đi đúng hướng lên đèo Hải Vân. Theo thầy Đặng, không phải chỉ đợt dịch này mà từ đợt dịch bùng phát ở Đà Nẵng năm 2020, thầy cũng đã tổ chức nhiều phiên chợ 0 đồng hỗ trợ người dân khó khăn. Đi đường, gặp các bác xe ôm, cụ bà bán vé số, những người lao động vất vả là thầy Đặng tặng họ phiếu mua hàng tại phiên chợ của mình.
Không phải dịch bệnh thầy Đặng mới đi làm từ thiện mà thầy Đặng đi làm từ thiện hơn 10 năm nay. Trong thời gian TP Đà Nẵng thực hiện “Ai ở đâu ở yên đó”, hai bố con thầy Đặng cũng rất tích cực hỗ trợ người dân trong việc mua lương thực, thực phẩm. Thương các em nhỏ trong khu dân cư, thầy Đặng hóa thân thành ông địa trong bộ đồ bảo hộ đi từng nhà tặng quà Trung thu cho các cháu. Nhiều sinh viên bị “mắc kẹt” cũng được thầy giáo Đặng tiếp tế đồ ăn mỗi ngày.
Ở Sài Gòn, có một cặp vợ chồng cả đời đã làm một nghề khó tin. Hơn 40 năm làm công việc vớt xác, sau thời điểm căng thẳng nhất của dịch COVID-19 là giai đoạn khiến ông Ba Chúc đau lòng nhất. Chỉ hơn 1 tháng, ông đã tìm xác 8, 9 người. Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Chúc hay còn gọi là ông Ba Chúc nằm nép mình bên con sông Sài Gòn, dưới cầu Bình Lợi. Ông thuộc từng ngã rẽ, khúc quanh, sự nổi trôi của con nước từ khi lên 8 tuổi. “Lúc còn bé, tôi theo bố đi đánh bắt cá trên sông. Lần đầu tiên nhìn thấy xác chết, tôi nôn thốc nôn tháo, sợ lắm. Bố tôi nói rằng người chết trên sông rất tội nghiệp. Họ lạnh lẽo, cần hương khói và một đám tang tử tế. Từ đó, tôi theo nghề đến giờ”.
Đối với ông Ba Chúc, ranh giới giữa sống - chết vốn rất mong manh, chỉ cách nhau hơi thở. Một cô gái trẻ đẹp đứng trên thành cầu, chỉ vài phút sau đã gieo mình xuống dòng sông. Một chàng thanh niên khỏe mạnh, cường tráng lại chọn sông Sài Gòn làm nơi kết thúc tất cả. Anh ta bỏ lại quần áo, giày dép trên thành cầu và một cuộc đời còn dang dở ở lại.
Đến nay, giai đoạn khiến ông đau lòng nhất là sau thời điểm căng thẳng nhất của dịch COVID-19, một số người đã chọn cách quyên sinh vì quẫn bách. Ông kể: “Người nhà họ đến nhờ tôi tìm xác. Đa phần, họ đều bị trầm cảm trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Một số người thì trầm cảm, nợ nần, túng quẫn, gây gổ với gia đình... Chỉ sau gần 1 tháng rưỡi bình thường trở lại, tôi đã nhận tìm xác 8, 9 trường hợp, cứu sống thêm 2 trường hợp đang muốn nhảy cầu tự tử. Tôi đã nói với họ rằng, bất kì điều gì trên đời này cũng đều có lối ra hay nút gỡ. Sự sống mà cha mẹ ban cho là vô cùng quý giá. Tôi khuyên họ hãy nghĩ lại vì gia đình, vì những người đang yêu thương mình”.
Vợ ông là bà Nguyễn Thị Hinh, họ quen nhau từ năm 18 tuổi. Đám cưới của họ đơn sơ chẳng có nổi một cặp nhẫn nhưng hai vợ chồng ông bà đã đồng hành cùng nhau hơn 42 năm trong mái ấm nhỏ là chiếc ghe neo đậu dưới chân cầu Bình Lợi và cứu vớt hơn 400 mạng người trên sông Sài Gòn. Đối với vợ chồng ông bà, công việc vớt xác, cứu người dường như là định mệnh gắn chặt với cuộc đời họ.
“Nhiều người nói làm không có lương rồi lấy gì ăn, nhưng tôi trả lời có ai mướn đâu mà có lương. Vợ chồng tôi làm vì lương tâm chứ không hề nghĩ gì đến tiền bạc. Đã nghèo thì cũng nghèo rồi, chúng tôi không tính toán vật chất gì cả, chỉ mong có thể cứu người, giúp người”, bà Hinh chia sẻ…
Món quà bí mật…
Có thể nói, dịch bệnh đã cho chúng ta nhận ra nhiều điều trong cuộc sống. Khi những ngày bình thường cũng trở nên xa xỉ. Thời gian qua, khi tàu Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) lăn bánh chở những hành khách đầu tiên đi tàu miễn phí khi những ngày bình thường mới dần trở lại. Nếu như giới trẻ nóng lòng đến để check-in, sống ảo thì người già, ông bà, cha mẹ lại hào hứng, mong được trải nghiệm tuyến đường sắt hiện đại bậc nhất Việt Nam.
Một đoạn clip do tài khoản Lưu Minh Khương quay lại hành trình đi tham quan tàu Cát Linh - Hà Đông của hai ông bà cụ bất ngờ nhận được nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội. Hai ông bà râu tóc đã bạc, cụ bà mặc áo chống nắng, đội mũ, chân còn đi đôi dép cao su. Còn cụ ông cũng ăn mặc chỉnh tề, ngồi kế bên bà, tay nắm tay tình cảm.
Bắt gặp khoảnh khắc ấy, một chàng thanh niên đã tới gần hỏi chuyện. Ông kể: “Lần đầu tiên đi tàu điện, nghe sướng quá, đêm qua còn không ngủ được”. Rồi ông nói, ông quen bà từ hồi chiến tranh. Bà đã chờ ông suốt 10 năm đằng đẵng, đợi ông từ chiến trường trở về để nên duyên vợ chồng.
Cặp vợ chồng được nhận “ảnh cưới” đầu tiên sau 60 năm chung sống trên tàu điện Cát Linh (Hà Nội). |
Chàng trai mới hỏi, quen nhau vào thời điểm chiến tranh loạn lạc, ông bà có chụp ảnh cưới không. Bà nói: “Không con, làm gì có, cưới tập trung mà. Tôi đang chờ kỷ niệm 60 năm để chụp ảnh cưới đây”…
Chàng trai cảm động, anh đề nghị xin được chụp tặng miễn phí cho ông bà một bộ ảnh cưới, đồng thời đưa thêm một tấm ảnh lồng khung sẵn, gửi lại ông bà. Tấm ảnh chụp lại khoảnh khắc cả hai cầm tay tình cảm, cụ bà nở nụ cười tươi rạng rỡ bên cụ ông.
Giây phút cầm khung ảnh trên tay, ông bà đã xúc động, phấn khởi và khoe với mọi người trên toa tàu. “Đẹp quá, ảnh nét cứng. Chưa bao giờ mà tôi có cái ảnh đẹp như thế này đâu”, cụ ông rưng rưng nói lời cảm ơn với chàng trai trẻ.
60 năm không có bộ ảnh cưới, hai ông bà đi tàu Cát Linh - Hà Đông bất ngờ nhận được quà bí mật. Câu chuyện dễ thương của hai ông bà trên chuyến tàu Cát Linh - Hà Đông đã lan tỏa nhiều sự tích cực trên mạng xã hội.
Một câu chuyện khác cũng lan tỏa niềm xúc động, khi một bệnh nhân 93 tuổi ở Ý trở nên khỏe hơn trong bệnh viện, ông được bảo phải trả tiền cho máy thở trong một ngày và ông già đã khóc... Bác sĩ khuyên ông đừng khóc vì hóa đơn. Ông nói: “Tôi không khóc vì tiền tôi phải trả. Tôi có thể trả tất cả số tiền”. Tôi khóc vì tôi đã hít thở không khí của Chúa trong 93 năm, nhưng tôi không bao giờ trả tiền cho nó. Phải mất 500 euros để sử dụng máy thở trong bệnh viện trong một ngày. Bạn có biết tôi nợ Chúa bao nhiêu không? Tôi đã không cảm ơn Chúa vì điều đó trước đây”.
Lẽ thường, sau rất nhiều năm tháng, chúng ta đã quên mình đang sống ở đâu khi mải miết theo cuộc mưu sinh và vọng cầu bất tận trong đời. Cho đến khi đại dịch xảy ra, người ta nuối tiếc những ngày trước đó, những ngày mà người ta lãng phí thời gian sống.
Theo Thiền sư Nhất Hạnh: “Trong cuộc sống hằng ngày, bước chân ta trĩu nặng lo âu, thấp thỏm và sợ hãi. Có khi cuộc đời của chúng ta chỉ là một chuỗi năm tháng lo âu. Bước chân ta vì thế không được thanh thản. Trái đất của chúng ta thật đẹp, trên trái đất có biết bao nhiêu nẻo đường tuyệt đẹp. Bạn có biết quanh ta có bao nhiêu ngõ trúc quanh co, bao nhiêu con đường lúa thơm tho, bao nhiêu bìa rừng xanh mát, bao nhiêu lối đi đẹp màu lá rụng, nhưng ít khi ta thưởng thức được, cũng bởi vì lòng ta không thanh thản, bước chân ta không thanh thản. Bước những bước đi thanh thản và an lạc trên mặt đất, đó là một phép lạ màu nhiệm. Có người bảo đi trên than hồng, đi trên bàn chông hoặc đi trên mặt nước mới là phép lạ. Tôi thì tôi thấy đi trên mặt đất đã là một phép lạ rồi. Phép lạ là đi trên mặt đất”…
Và như thế, bằng một cách nào đó, trong mọi gian nan, chúng ta đều sẽ tìm ra một lý do cho những lấp lánh, cho những “món quà” quá đỗi bất ngờ mà mỗi chúng ta xứng đáng. Sẽ không bao giờ là quá muộn khi chúng ta nhận ra những giá trị, những lối đi ngay dưới chân mình. Bởi những nỗ lực, niềm tin yêu, sự lạc quan để chúng ta bước tới mỗi ngày…