Những nàng dâu Việt nổi tiếng xứ Đài

(PLO) - Họ, những người phụ nữ Việt, vượt qua sự cô đơn, bỡ ngỡ, mọi rào cản ngôn ngữ, văn hóa, tập tục, đã luôn cố gắng khẳng định mình khi làm dâu xứ người. Dù giờ đây, đã thành người nổi tiếng là doanh nhân thành đạt, công việc rất bận rộn nhưng họ luôn dành thời gian chăm sóc gia đình.
Thúy Hằng và nam diễn viên nổi tiếng xứ Đài - Dương Tử Hy khi cùng đóng Tân nương giá đáo

Nữ diễn viên được đề cử “Giải chuông vàng”

Sinh năm 1984, quê Đồng Tháp, Nguyễn Thúy Hằng được tiếng đẹp người đẹp nết khắp vùng. Cách đây gần 20 năm, phong trào lấy chồng Đài Loan rộn ràng khắp nơi. Một ngày, có chị nhà bên lấy chồng Đài Loan trong một lần về thăm nhà đã giới thiệu Thúy Hằng cho một người đàn ông hiền lành chất phát người xứ Đài hơn Hằng chục tuổi.

Khi biết chuyện, bố mẹ Hằng ngăn cản vì không muốn cô con gái xinh đẹp, ngoan ngoãn của mình lấy chồng xa. Bố mẹ sợ Hằng mới bước vào tuổi 18, còn quá trẻ để tự mình sống nơi đất khách quê người. Những khó khăn, sóng gió trước mặt là điều không thể tránh khỏi. Nhưng vì háo hức khám phá ở vùng đất mới cộng thêm sự cảm nhận người đàn ông tốt tính, Hằng đã thuyết phục bố mẹ đi lấy chồng xa. Thương con, bố mẹ Hằng đành nuốt nước mắt đồng ý.

Sang xứ người, cô bé mới chớm 18 tuổi, chưa xa gia đình ngày nào, thấy bỡ ngỡ, lạ lẫm vô cùng. Bố chồng mất sớm, kinh tế gia đình từ lâu chỉ trông chờ vào đồng lương của người chồng làm thợ sơn xe. Chồng đi làm từ sáng tới tối, Hằng ở cùng với mẹ chồng. Ngôn ngữ bất đồng, đồ ăn khác Việt Nam khiến cuộc sống khá vất vả. Hằng luôn phải cố gắng uốn mình “nhập gia tùy tục”. Hằng cho rằng, cứ thật thà, chịu thương chịu khó sẽ được chồng và mẹ chồng yêu quý, dù ở Việt Nam hay Đài Loan.

Muốn hòa đồng với cuộc sống gia đình, xã hội, Hằng quyết tâm học tiếng Đài qua việc đi học thêm, nghe ti vi và tối tranh thủ hỏi chồng. Ròng rã suốt hai năm, Hằng đã giao tiếp được tiếng Đài đó cũng là lúc Hằng có con. Sau 6 năm nuôi hai con thơ, Hằng bắt đầu đi làm để giúp chồng kiếm thêm thu nhập. Da mặt đẹp, khuôn mặt xinh xắn, dáng người đẹp, cao 1m73, giao tiếp tiếng Đài tốt, Hằng dễ dàng xin vào làm bán hàng tại cửa hàng mỹ phẩm trong siêu thị. Thông minh, ham học hỏi, chỉ sau gần hai năm, Hằng đã đạt rất nhiều thành tích và được tập đoàn mỹ phẩm thưởng chiếc xe ô tô và được đề bạt cấp quản lý. 

Cơ duyên đưa Hằng tới điện ảnh khá tình cờ. Trong một lần giới thiệu sản phẩm với khách hàng, Hằng đã lọt vào mắt xanh của một đạo diễn tài ba của xứ Đài - Lương Thiếu Thân. Nhìn vóc dáng, khuôn mặt và biểu cảm của Hằng, ông ngỏ lời mời Hằng casting vai diễn chính trong bộ phim “Tân nương giá đáo”. “Bộ phim này nói về cuộc sống cô dâu Việt, đã có hơn 500 người Đài Loan, Hàn Quốc và Việt Nam đến casting, nhưng tôi chưa ưng ai. Cô là người tôi cảm thấy phù hợp với vai diễn này”- nghe vị đạo diễn đề nghị, Hằng không khỏi choáng váng.

Cầm trong tay kịch bản dài hàng trăm trang về nhà, Hằng tâm sự với chồng và được chồng ủng hộ thử nghiệm công việc mới. Đêm khi chồng con ngủ, Hằng giở kịch bản ra đọc. Thân phận làm dâu tha hương với những sự đau khổ, vất vả, bất hạnh của nhân vật chính nữ khiến Hằng không kìm nổi dòng nước mắt. Hằng khóc như mưa như chưa bao giờ được khóc. 

Ngày hôm sau, vị đạo diễn mời Hằng tới casting đóng với một nam diễn viên người Đài nổi tiếng- Dương Tử Hy trong một cảnh quay nhỏ. Dù chưa diễn xuất bao giờ nhưng Hằng đã thể hiện tốt tâm trạng của nhân vật nữ với sự xúc cảm cao độ. Cùng với khuôn mặt ăn hình, đạo diễn tha thiết mời Hằng ký hợp đồng vào vai diễn. Suốt gần 3 tháng trời ròng rã, cứ 6 giờ sáng Hằng lại một mình lái xe đi diễn cách nhà hàng trăm cây số rồi 12 giờ đêm lại lái xe về tổ ấm khi các con đã say giấc. Công việc gia đình đành nhờ mẹ già và người chồng giúp sức. 

Công việc diễn xuất đầy áp lực nhất là mới người lần đầu tiên diễn xuất với vai diễn nội tâm khá nặng, làm việc với vị đạo diễn nổi tiếng thẳng thắn, nghiêm túc cộng với việc di chuyển sớm, khuya như vậy những tưởng Hằng có thể gục gã. Có lần, vì quá mệt, Hằng suýt gây tai nạn trên đường cao tốc. Có lúc Hằng muốn buông tay. Nhưng rồi, Hằng lại tự nhủ phải cố gắng làm tốt để khẳng định người Việt Nam luôn có trách nhiệm với công việc của mình.

Thật đáng mừng, bộ phim “Tân nương giá đáo” khi phát sóng được khán giả xứ Đài đón nhận, lượng view rất cao. Điều đặc biệt, vai diễn của Thúy Hằng được đề cử một trong năm diễn viên nhận giải “Giải chuông vàng 2017”. Đây là một món quà đặc biệt, niềm tự hào và vinh dự lớn đối với một cô dâu trẻ đầu tiên bước vào nghiệp diễn.

Sau “Tân nương giá đáo”, Thúy Hằng nhận được nhiều lời mời đóng phim: “Hoa Giáp trưởng thành” điện ảnh và truyền hình, phim điện ảnh “Phong cảnh rất đẹp” cũng nói về cô dâu Việt… đóng MV, quảng cáo và làm MC cho các chương trình, sự kiện. Thúy Hằng còn tham gia “Hội cô dâu Việt Nam” để giúp đỡ những cô dâu Việt có hoàn cảnh khó khăn. 

Từ tay trắng tới doanh nhân thành đạt

Cũng lấy chồng Đài Loan, với đôi bàn tay trắng, sau 25 năm, chị Ôn Cẩm Nghi trở thành doanh nhân thành đạt ở xứ Đài với món bánh mochi và một gia đình hạnh phúc. Sinh ra trong gia đình đông anh em ở quận 5, TP.HCM, từ nhỏ chị Ôn Cẩm Nghi (SN 1971) thấu hiểu nỗi khó khăn, nhọc nhằn của ba mẹ khi gồng mình nuôi đàn con thơ. Năm 18 tuổi, chị xin gia đình vay một số tiền, làm thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc).

Chị Nghi với khách tới mua và xem trình diễn cách làm bánh

Ngày đi làm công xưởng điện tử, tối chị tự học tiếng Đài qua sách Việt - Đài. Thời gian trôi nhanh, chị Nghi ở xứ người được 3 năm, đã tích lũy trả nợ và giúp gia đình có một khoản tiền kha khá trang trải cuộc sống ở quê nhà.

Thấy người con gái Việt đẹp người, chăm chỉ, anh Trần Thế Dương (SN 1969, người Đài Loan, làm đầu bếp ở một nhà hàng) đem lòng yêu mến. Anh thường mang những món ăn anh nấu để làm quà cho chị. Tình yêu nảy nở giữa cô gái Việt và chàng trai Đài Loan. Một thời gian sau, anh cầu hôn và cả hai về Việt Nam làm đám cưới.

Tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt cộng thêm con trai nhỏ mới chào đời đều trông cả vào tiền lương ít ỏi của hai vợ chồng. Điều kiện sinh hoạt khó khăn khiến anh chị luôn nung nấu phải bứt phá làm giàu. Một lần được người bạn mời sang Nhật chơi, anh chị thấy người dân “xứ hoa anh đào” làm món bánh mochi bán rất đắt hàng. Anh chị nảy ra ý định mang món này về Đài Loan và lân la hỏi cách làm bánh.

Về Đài Loan, hai vợ chồng tìm mua nguyên liệu và quyết tâm làm bánh bán. Ban đầu, hai vợ chồng không có tiền đầu tư máy móc, các công đoạn giã, nhào bột, đun đường, chế biến từng vị nhân, nặn bánh đều bằng tay. Anh chị thuê thêm 2 người làm.Hàng trăm cái bánh được làm xong, hai vợ chồng đèo nhau đi các tiệm bánh, siêu thị chào hàng. Mọi người thấy loại bánh lạ không dám mua mà chỉ giao hẹn cho ký gửi. Thị thường khó tính, mang bao nhiêu bánh đi, anh chị lại nhận chừng ấy bánh về. Chỉ một vài hôm, bánh quá hạn sử dụng anh chị phải cho các gia đình nuôi gia súc. Vài tháng ròng rã, nhọc nhằn đầu tư cả tiền và công sức mà sản phẩm coi như bỏ đi, vợ chồng bao lần trào nước mắt.

Thua lỗ kéo dài, tiền vay mượn sắp cạn, nhiều người khuyên anh chị bỏ nghề, nhưng với bản tính phụ nữ Việt Nam chịu đựng gian khó, chị Nghi không nản và khuyên chồng cùng cố gắng. Chị nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Hai vợ chồng hạn chế chi tiêu, dồn tiền trả lương 2 người giúp việc cho mình. Ngày ngủ chỉ 2 tiếng đồng hồ, ăn uống ít, chị hao gần chục cân, chỉ còn 38kg.

Sau khi tham khảo ý kiến khách hàng, anh chị nhận ra khẩu vị người Đài khác người Nhật. Một thời gian dài kiên nhẫn, 6 tháng sau, món bánh của anh chị bắt đầu được một số cửa hàng, siêu thị đặt mua. Anh chị mừng rỡ, không ngại thức trắng đêm hoàn thành đơn đặt hàng. Làm ăn bắt đầu có lãi, anh chị thuê thêm người, đầu tư máy móc. Để đa dạng thị trường, anh chị nghiên cứu sáng tạo ra nhiều loại bánh nhân mặn, ngọt khác nhau và thiết kế bao bì bắt mắt. Anh chị thuê mặt bằng rộng để sản xuất, bán hàng và trình diễn cách làm bánh để thu hút khách

Sau 21 năm chinh phục thị trường, đến nay thương hiệu bánh mochi của vợ chồng chị Nghi nổi tiếng khắp Đài Loan. Bánh của chị đạt rất nhiều giải thưởng lớn ở xứ Đài và châu Á. Cơ ngơi của anh chị khiến nhiều người nể phục: 2 xưởng bánh với dây chuyền sản xuất hiện đại, hàng ngày xuất xưởng hơn 300 loại bánh khác nhau. Mỗi ngày, chị xuất khẩu 7 container bánh đi 40 nước trên thế giới. Tại Đài Loan, chị có chuỗi hơn 30 cửa hàng. Chỉ tính riêng cửa hàng bán và trình diễn cách làm bánh của chị ở Đài Trung rộng 6.000m2 mỗi ngày thu hút 3.000 lượt khách đến mua và tìm hiểu cách làm bánh. Từ vị trí là công nhân xứ người, chị trở thành một doanh nhân thành đạt.

Đi lên từ bàn tay trắng, chị rất thương những người nghèo khó. Chị tạo việc làm cho 380 lao động, trong đó có gần 100 người Việt Nam, chị coi họ như người trong nhà. Gia cảnh người nào khó khăn, chị đều tìm cách giúp đỡ. Tổ ấm nào chao đảo, chị lại lựa lời khuyên giải, nối lại tình cảm.

… Họ, những người phụ nữ Việt, vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, văn hóa, tập tục đã luôn cố gắng khẳng định mình khi làm dâu xứ người. Dù giờ đây đã thành người nổi tiếng, là danh nhân thành đạt, công việc rất bận rộn nhưng họ luôn dành thời gian chăm sóc gia đình. Chị Nghi, Thúy Hằng tự tay nấu món ăn xứ Đài, món ăn Việt cho chồng con. Họ còn dành thời gian dạy tiếng Việt và kể cho con nghe những câu chuyện ở quê ngoại. Đối với những nàng dâu xứ Đài, dù nghèo khó hay giàu có, gia đình luôn là điều quan trọng nhất… 

Đọc thêm