Những ngày dịch giã nóng ran, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương là địa chỉ được nhắc thường trên báo. Vì đó là nơi tiếp nhận, điều trị và chia tay những người mắc Covid-19 đã được chữa khỏi. Với TS.Bác sĩ Vũ Minh Điền - Phó Giám Trung tâm Phòng chống dịch và Giáo dục sức khỏe cộng đồng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), đó là những ngày khó quên đối với những người thầy thuốc lĩnh vực truyền nhiễm nhiệt đới. Vì nghề nghiệp, vì trách nhiệm với xã hội, họ đã đối mặt khó khăn, với tinh thần của những “chiến binh” áo trắng.
Vẫn nhớ, khi làn sóng dịch đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, cả hệ thống y tế đã có những chuẩn bị từ trước nên bình tĩnh ứng phó. Thời điểm này, Trung Quốc ra lệnh đóng cửa thành phố Vũ Hán khiến thành phố này cạn kiệt nguồn lực y tế, nhưng các y, bác sĩ Việt Nam vẫn không nao núng. Việt Nam đã khống chế thành công làn sóng thứ nhất sau một tháng rưỡi áp dụng đồng thời nhiều biện pháp kịp thời, hiệu quả.
Nhưng không lâu sau, làn sóng dịch thứ hai lại quay lại, với những ca bệnh nặng dồn dập, là một thách thức với các các y, bác sĩ ở đây. “Làn sóng thứ hai cường độ, tính chất phức tạp tăng rõ rệt, với những ca rất nặng xuất hiện. Số lượng bệnh nhân tăng và có hiện tượng lây nhiễm cộng đồng”, Bác sĩ Điền nhớ lại.
Lúc đó, các bác sĩ tại đây phải “cắm trại” toàn bộ để tăng cường chống dịch. Thậm chí, bộ phận chỉ đạo chống dịch đôi khi làm việc thâu đêm, hễ có bệnh nhân mới là họp để đưa ra phương pháp điều trị; đồng thời liên tục cập nhật những nghiên cứu mới trên thế giới để có phương án tối ưu và chủ động. Nhờ vậy, làn sóng thứ hai ở Việt Nam được kiểm soát.
|
Bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch và Giáo dục sức khỏe cộng đồng. |
Nhớ lúc dịch bùng phát mạnh ở Đà Nẵng, cũng là lúc thành phố biển đang vào mùa du lịch. Dịch khiến du khách “tháo chạy” khỏi thành phố, “dội” sức ép lên Bệnh viện C (Đà Nẵng) với nhiều ca bệnh nặng và tử vong. “Khi Đà Nẵng có hiện tượng quá tải, Chính phủ và Bộ Y tế chỉ đạo nhanh, quyết liệt. Các bệnh viện lớn đều hướng về đây. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng được Bộ Y tế huy động nhiều cán bộ có kinh nghiệm trực tiếp “hành quân” vào với Đà Nẵng”, bác sĩ Điền nói.
Cùng thời điểm khó khăn này, chuyến bay đặc biệt đón 219 công dân từ Guinea Xích Đạo về nước khiến nhiều người thấp thỏm lo âu vì nghĩ tới những rủi ro có thể. Bác sĩ Điền nói, lúc đó ông được giao nhiệm vụ trực tiếp điều trị cho 70 bệnh nhân trên chuyến bay này.
Những người về từ Guinea Xích Đạo có tỷ lệ đồng nhiễm sốt rét cao, có những ca xét nghiệm tới lần thứ 4 mới phát hiện ký sinh trùng sốt rét. “Một bệnh nhân nam, 34 tuổi, rất khỏe nhưng sốt cao liên tục, dù xét nghiệm tới 3 lần vẫn không phát hiện ký sinh trùng sốt rét. Tôi nhận định bệnh nhân này có biểu hiện của sốt rét nên điều trị theo phác đồ của bệnh sốt rét, và chỉ sau 2 ngày thì hết sốt, cơ thể phục hồi”, lời Bác sĩ Điền.
Để toàn tâm, toàn ý nơi tuyến đầu chống dịch và đảm bao an toàn cho cộng đồng, các y, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã phải thường trực tại viện tới 2 tháng trời. “Nhân viên y tế không phải ai cũng có nhà riêng. Nhiều bạn mới vào nghề phải thuê nhà, khi quay về lấy đồ để tiếp tục đi làm nhiệm vụ, thì chủ nhà không cho vào hoặc đuổi không cho thuê nữa. Nghĩ cũng chạnh lòng!”, Bác sĩ Điền nói thêm.
Nhắc lại những ngày tháng đó, nhiều nhân viên y tế ở đây vẫn rưng rưng xúc động khi những ca bệnh được điểu trị khỏi mỗi ngày. Và niềm hạnh phúc là mỗi buổi sáng thức dây, họ vẫn thấy mình khỏe và không có dấu hiệu bất thường. Khi đó, họ chỉ mong dịch sớm lắng xuống để được về nhà, ăn bữa cơm nóng bên người thân.