Những ngày cuối của quân đội Việt Nam Cộng hòa (Bài 7): Cuộc 'tử thủ' tại phòng tuyến Xuân Lộc

(PLO) - Sau hàng loạt những thất bại nặng nề từ Quảng Trị tới Phan Rang, lực lượng quân VNCH cũng đã rút ra được nhiều kinh nghiệm. Tại mặt trận Xuân Lộc, quân VNCH đã có những cuộc giao chiến ác liệt với Quân Giải phóng (QGP). 
Cuộc tháo chạy của quân VNCH khỏi phòng tuyến Xuân Lộc
Cuộc tháo chạy của quân VNCH khỏi phòng tuyến Xuân Lộc

Đêm 3/4/1975, tướng Văn Tiến Dũng và bộ tham mưu tới Lộc Ninh. Tại đây, tướng Dũng đã họp trong nhiều ngày để bàn kế hoạch giải phóng Sài Gòn. Kết quả của nhiều ngày họp ấy là một kế hoạch tiến tới Sài Gòn từ ba mặt: Bắc, tây nam và đông. Mũi dùi chính đến từ phía đông, bắt đầu bằng cuộc tấn công của nhiều sư đoàn QGP ngay vào mặt trận Xuân Lộc.  

Trong chiến dịch này, tư lệnh là tướng Văn Tiến Dũng, Chính ủy Các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Phạm Hùng là Chính ủy Bộ chỉ huy chiến dịch. Tướng Trần Văn Trà, tướng Lê Đức Anh là tư lệnh phó của chiến dịch. Tướng Lê Trọng Tấn điều khiển trận đánh vào Xuân Lộc.

Đến tuần lễ thứ hai của tháng 4/1975, QGP đã tập trung được một số sư đoàn chủ lực sẵn sàng tiến vào Sài Gòn từ ba phía, tây bắc trong khu vực quanh Tây Ninh, dọc quốc lộ 4 đưa tới vùng đồng bằng và phía đông dọc quốc lộ 1 và với các sư đoàn khác đang từ phía bắc di chuyển tới. Với quân VNCH, ý định của QGP đã rõ, chỉ còn câu hỏi là chừng nào QGP sẽ mở màn trận đánh?

33% quân VNCH tập trung tại Long Khánh

Một phần câu trả lời đã hiện ra trong ngày 9/4/1975, khi QGP mở đầu trận đánh vào Xuân Lộc với lực lượng gồm có các sư đoàn mang số 341, 6 và 7 của Quân đoàn 4. Sư đoàn 341 bắn vào các vị trí quân VNCH tại Xuân Lộc hàng ngàn trái đạn đại bác, rồi các trung đoàn xung phong từ phía tây bắc vào. Sau đợt bắn chuẩn bị bằng đại bác, hỏa tiễn và súng cối, xe tăng T-54 tiến trước, có bộ binh theo sát phía sau và mở cuộc xung phong vào trung tâm thị xã.

Nhiều trận xáp lá cà đã diễn ra giữa binh sĩ sư đoàn 18 VNCH và QGP. Đến khi trời sáng rõ thì QGP đã chiếm được một số cơ sở then chốt, treo cờ tại ty cảnh sát, văn phòng cơ quan CIA của Mỹ, nhà ga xe lửa, căn cứ một đơn vị Biệt động quân của tiểu khu Long Khánh.

Nhưng các binh sĩ sư đoàn 18 VNCH dưới quyền chỉ huy của tư lệnh sư đoàn là tướng Lê Minh Đảo phản công quyết liệt trong suốt buổi sáng 10/4/1975. Một số địa điểm QGP chiếm được trước đó, quân VNCH đã tái chiếm.

Binh sĩ VNCH di tản thương binh tại Xuân Lộc
Binh sĩ VNCH di tản thương binh tại Xuân Lộc

Thượng tướng Nguyễn Thành Cung nhận xét, đầu tháng 4/1975, Xuân Lộc đã được quân VNCH xây dựng thành cứ điểm phòng ngự mạnh, nhằm "tử thủ" bằng mọi giá bảo vệ cửa ngõ Sài Gòn. Trước tầm quan trọng của "cánh cửa thép" Xuân Lộc, Bộ Tư lệnh Miền đã quyết định mở chiến dịch Xuân Lộc từ mặt trận hướng đông. Sau 12 ngày đêm chiến đấu liên tục (9-21/4/1975), "cánh cửa thép" Xuân Lộc đã được phá vỡ, tạo thời cơ chuẩn bị mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

"Đó là một sự lựa chọn táo bạo, gây bất ngờ lớn với quân Sài Gòn nhất là vào thời điểm đối phương đang khó khăn nghiêm trọng. Quyết định kịp thời và chính xác đó đã làm rung chuyển tuyến phòng thủ bảo vệ Sài Gòn, gây tâm lý hoang mang tột độ trong chính quyền Sài Gòn", ông Cung khẳng định.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, chiến thắng Xuân Lộc là một trong những thắng lợi điển hình của sự chỉ đạo kịp thời thay đổi cách đánh từ chỗ ban đầu tập trung lực lượng, sử dụng bộ binh, xe tăng, pháo binh mở các đòn tấn công trực diện vào những mục tiêu then chốt, sau đó đã chuyển sang bao vây, đánh chia cắt nhằm cô lập Xuân Lộc với Biên Hòa.

"Tại sở chỉ huy Miền, Bộ Tư lệnh chăm chú theo dõi từng diễn biến của trận đánh. Các anh Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng và Lê Đức Thọ gợi ý có thể cho anh em rút khỏi thị xã Xuân Lộc và đánh diệt quân địch từ bên ngoài, tập trung diệt từng bộ phận", đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Chủ tịch nước, viết. 

Ngay sau khi chuyển sang cách đánh mới, quân giải phóng miền Nam đã giành thế chủ động. "Thay đổi cách đánh này đã tạo bước chuyển quan trọng trong thế trận Xuân Lộc, bộ đội ta đã bao vây, chia cắt, khống chế mọi ngã đường chi viện tiếp tế, buộc địch phải tháo chạy khỏi Xuân Lộc", tướng Cung nhận xét.

Là một nhân chứng lịch sử từng tham gia chiến dịch, trung tướng Nguyễn Thới Bưng - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, chiến thắng Xuân Lộc đã tạo những thuận lợi cơ bản cho nhiều mặt trận từ 4 hướng khác nhau tiến vào giải phóng Sài Gòn. Chiến thắng này cho thấy ý chí kiên cường của Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 và nhân dân địa phương.

Để ngăn chặn sự tăng cường của quân VNCH cho Xuân Lộc, QGP lập các nút chặn ở phía tây Xuân Lộc. Ngày 11/4, QGP mở đợt tấn công mới vào Xuân Lộc. Lần này QGP tấn công vào hậu cứ của trung đoàn 53 Bộ binh VNCH ở tây bắc Xuân Lộc trên quốc lộ 20, đánh vào vị trí của trung đoàn 43 Bộ binh và vị trí của tiểu đoàn 82 Biệt động quân (BĐQ) ở trong thị xã.

Lo ngại rằng QGP sẽ tìm cách bao vây Xuân Lộc chặt chẽ, phía VNCH gửi một lực lượng đặc nhiệm thứ hai (lực lượng đặc nhiệm trước bị QGP chặn ở gần giao điểm của quốc lộ 1 và quốc lộ 20 trong ngày đầu của trận Xuân Lộc) khi khai thông quốc lộ 1 và trực thăng vận hai tiểu đoàn của lữ đoàn 1 Dù tới một địa điểm phía nam Xuân Lộc. Thậm chí các đơn vị Dù lại mang theo vũ khí chống chiến xa.  

Với hai tiểu đoàn Dù tới tăng cường, phía quân VNCH đã đưa vào mặt trận Xuân Lộc khoảng 25.000 binh sĩ, nghĩa là gần một phần ba số binh sĩ còn khả năng chiến đấu thật sự của quân VNCH. 

Một điều đáng lo ngại hơn nữa cho QGP, đây là lần đầu tiên kể từ khi QGP mở đầu chiến dịch giải phóng miền Nam bằng trận Ban Mê Thuột, không quân VNCH đã lại chứng tỏ sức mạnh của máy bay. Xuất phát từ căn cứ Biên Hòa và Tân Sơn Nhất, máy bay cánh quạt A-1 và máy bay phản lực F-5 liên tiếp tấn công vào những vùng tập trung QGP ở xung quanh Xuân Lộc.

Ngay cả những vận tải cơ loại lớn C-130 cũng được dùng tấn công. Không quân VNCH đã ứng biến, để chứa bom nặng 350 ký trên loại máy bay đó, rồi thả xuống từ phía sau của máy bay. Người Mỹ “lạc quan” đã nhận xét rằng C-130 dùng theo cách ấy “có thể tạm thời thay thế cho pháo đài bay B-52”.

Đến ngày 12/4/1975, tình thế vẫn tạm thời thuận lợi cho phía quân VNCH. Mặc dù QGP vẫn còn kiểm soát quốc lộ 1 ở phía tây Xuân Lộc và tiếp tục cầm chân trung đoàn 52 Bộ binh VNCH ở phía bắc, nhưng trung đoàn 43 Bộ binh VNCH đã tái chiếm một phần thị xã. Quân Dù VNCH cũng từ phía nam tiến được gần hơn nữa và lực lượng đặc nhiệm quân VNCH phái đến tăng cường đang bắt đầu mở các cuộc giao tranh định chiếm lại quốc lộ 1.

Trước tình thế lạc quan ngắn ngủi này, tướng Mỹ Smith đã vội gửi về Bộ tham mưu liên quân của Mỹ một điện văn nói rằng quân lực Nam Việt Nam “đã thắng hiệp thứ nhất trong trận chiến sinh tử Xuân Lộc”.  

Phòng tuyến sụp đổ khi mất “hậu cứ” sân bay Biên Hòa

Vấp phải sự chống cự quyết liệt của sư đoàn 18 Bộ binh VNCH trước cửa ngõ Sài Gòn, QGP lập một kế hoạch mới. Thoạt đầu QGP định giải phóng Xuân Lộc bằng cuộc tấn công trực diện. Nay để kịp thời gian giải phóng Sài Gòn, QGP chuyển sang trận đánh mới bằng vừa tấn công Xuân Lộc, vừa đi vòng có thể tiến nhanh tới Sài Gòn. Ba sư đoàn QGP là các sư đoàn 341, 6 và 7 vẫn chiến đấu tại Xuân Lộc để cầm chân quân VNCH tại đó, còn các sư đoàn khác được trao nhiệm vụ tiêu diệt các đơn vị quân VNCH đang giữ tuyến ngoài của Sài Gòn.

Để thực hiện kế hoạch này, hai trung đoàn của sư đoàn 6 mở cuộc tấn công tiêu diệt căn cứ của trung đoàn 52 Bộ binh VNCH trên quốc lộ 20. QGP cũng tung ra trung đoàn 95-B tăng cường chiến xa theo quốc lộ 1 ở khoảng giữa Xuân Lộc và Biên Hòa. Liên đoàn pháo 75 vừa từ miền Bắc tới được lệnh bắn vào sân bay Biên Hòa diệt không lực VNCH tại đó.

Có những đơn vị quân VNCH thương vong đến 70% quân số
Có những đơn vị quân VNCH thương vong đến 70% quân số

Liên đoàn pháo 75 này gồm toàn đại bác 130 ly rất lợi hại. Xa hơn nữa về phía bắc và phía đông, 3 sư đoàn của Quân đoàn 2 tăng cường bằng sư đoàn 3 từ Bình Định mới tới, sẽ tấn công bản doanh Bộ tư lệnh VNCH tại Phan Rang, sau đó, tiếp tục tiến xuống phía nam để giải phóng Phan Thiết, rồi chuyển sang phía tây giải phóng Xuân Lộc.

Ngày 14/4, QGP mở nhiều cuộc xung phong vào trung đoàn 52 Bộ binh VNCH, đánh bọc sườn để cô lập quân trú phòng của quân VNCH tại Xuân Lộc. Trong khi pháo QGP cầm chân quân trú phòng VNCH thì sư đoàn 6 QGP âm thầm theo hướng tây qua các rừng cao su để tiến về Trảng Bom. Sáng ngày 15/4, QGP nã pháo vào sân bay Biên Hòa lần đầu tiên từ khi có chiến tranh Việt Nam, làm cho phi đạo ở đó không dùng được.

Đêm hôm ấy, đặc công QGP xâm nhập sân bay Biên Hòa, làm nổ một phần kho đạn khổng lồ tại đó. Tiếng nổ lớn và mạnh đến nỗi làm vỡ các cửa kính của một số nhà cửa tại Sài Gòn cách đó tới 25 cây số về phía nam.

Tuy tướng Lê Minh Đảo và binh sĩ vô cùng ngoan cố nhưng thiếu không quân yểm trợ, quá mệt mỏi sau những ngày giao tranh liên tiếp nên sự phòng thủ Xuân Lộc rồi cũng phải sụp đổ. Qua ngày 16/4, lúc các trực thăng quân VNCH đáp xuống gần những đống gạch đổ nát của Xuân Lộc để chở những đơn vị còn lại của trung đoàn 43 Bộ binh ra ngoài thì QGP sau cùng đã tiến được vào căn cứ của trung đoàn 52 Bộ binh VNCH.

Hai binh sĩ sư đoàn 18 quân VNCH tại Xuân Lộc ngày 13/41975
Hai binh sĩ sư đoàn 18 quân VNCH tại Xuân Lộc ngày 13/41975

Hồi ký của tướng Văn Tiến Dũng nhắc về trận Xuân Lộc như sau: ““Các sư đoàn 7, sư đoàn 6 và sư đoàn 341 của ta đã phải tổ chức tiến công nhiều lần vào thị xã, đánh đi đánh lại diệt từng mục tiêu và phải nhiều lần đẩy lùi các cuộc tập kích của địch. Trung đoàn 43 địch bị tổn thất nặng. Pháo binh chiến dịch và pháo binh đi cùng các sư đoàn của ta đã phải dùng thêm cơ số đạn. Xe tăng, xe bọc thép của ta một số bị hỏng, một số phải trở về vị trí xuất phát tiến công để bổ sung xăng dầu, đạn dược.

Kế hoạch tiến công Xuân Lộc của Quân đoàn 4 lúc đầu chưa tính hết được sự phát triển phức tạp của tình hình, chưa đánh giá hết tính chất ngoan cố của địch. Tính chất giằng co ác liệt qua trận đánh này không phải trong phạm vi của Xuân Lộc-Long Khánh nữa rồi…”

Có những đơn vị quân VNCH thiệt hại tới trên 70 phần trăm quân số, các binh sĩ còn lại rút về phía lực lượng đặc nhiệm quân VNCH dọc quốc lộ 1 và lực lượng này sau đó cũng phải rút về phía tây Trảng Bom. Trong khi đó, đại bác 130 ly của QGP tiếp tục gây nhiều thiệt hại cho sân bay Biên Hòa, làm hư hại 6 chiếc phản lực cơ F-5 và 14 chiếc A-37, do đó, làm tê liệt phần còn lại của không lực VNCH.

Cũng trong ngày 16/4, mũi dùi phía đông của QGP chọc thủng phòng tuyến của quân VNCH tại Phan Rang và tiến vào thị xã. QGP bắt sống được tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, cùng tư lệnh sư đoàn 6 không quân VNCH là tướng Phạm Ngọc Sang, và một nhân viên của cơ quan CIA Mỹ có mặt trong bộ tham mưu của tướng Nghi.

Cuộc chiến gần như đã cầm chắc chấm dứt, khi cửa ngõ Sài Gòn đã được QGP mở toang. Vậy “đồng minh” của QGP khi ấy ở đâu? Đây là ghi chép của nhà báo kiêm sử gia Pháp Pierre Darcourt về thái độ của nước Mỹ về trận Xuân Lộc: “Sau khi họp kín, ủy ban ngoại giao của Thượng viện Mỹ chấp thuận “trên nguyên tắc”, ngân khoản “khẩn cấp” 200 triệu Mỹ kim để di tản trong trật tự những người Mỹ ở Sài Gòn và “vài người Nam Việt Nam bị đặc biệt đe dọa”.

Trong khi những cuộc bàn cãi nhì nhằng ấy cứ thế diễn ra tại Hoa Thịnh Đốn thì giao tranh tiếp tục quanh Xuân Lộc và bây giờ, trải ra tới hơn 100 cây số về phía đông và phía nam Sài Gòn. Cứ mỗi ba phút lại có hai máy bay phóng pháo/khu trục ở sân bay Biên Hòa cất cánh hoặc đáp xuống. Cứ mỗi máy bay lại có ba phi công túc trực và thay nhau lái mỗi sáu giờ.

Cảnh đổ nát tại Xuân Lộc tháng 4/1975
 Cảnh đổ nát tại Xuân Lộc tháng 4/1975

QGP có một đội phòng không xe kéo hùng mạnh. Các phi công VNCH gặp nguy cơ ghê gớm khi họ yểm trợ quân VNCH dưới đất. Tại Bình Giã, hai bên đã xáp chiến. Trong hai ngày, pháo binh QGP đã bắn hàng ngàn trái đạn vào các vị trí của sư đoàn 18. Liên lạc vô tuyến với bản doanh của tướng Đảo bị gián đoạn rồi lại được tái lập, dưới những trận mưa lửa cứ trút lên đầu.

Tại Xuân Lộc, sau khi tiếng súng ngưng trong 30 giờ, QGP lại tấn công. Cứ cách nhau 30 phút, QGP lại xung phong vào các vị trí do Biệt động quân và binh sĩ của sư đoàn 18 cố thủ”.

Sự kiện tàn quân VNCH tháo chạy khỏi Xuân Lộc đánh dấu việc quân lực VNCH đã gần như tan rã. Tuy nhiên trên đường vào Sài Gòn, QGP vẫn vấp phải một số ổ kháng cự, không chỉ ở Biên Hòa mà ngay trên đường phố Sài Gòn. Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.

Sư đoàn 18 bộ binh VNCH từng bị coi là thuộc thứ hạng tồi nhất của quân lực VNCH.

Ký giả Alan Dawson, trưởng phòng thông tin của hãng UPI tại Sài Gòn, viết: “Đã có ngày sư đoàn này bị coi là tồi nhất của quân VNCH. Lúc mới thành lập, sư đoàn ấy mang số hiệu là sư đoàn 10. Tiếng lóng của người Mỹ phổ biến ở Nam Việt Nam là con số 10 rất xấu (Number Ten) nên người dân thường nhạo bang cái danh hiệu đó. Về sau, sư đoàn mang số hiệu mới là sư đoàn 18. Lúc thành lập vào giữa năm 1965, sư đoàn ấy được đồn trú ở gần Sài Gòn vì lý do giản dị là nó tồi tệ quá, Thiệu không lo bị sư đoàn ấy đảo chính.

Sau thỏa hiệp ngưng bắn Paris ngày 27/1/1973, sư đoàn ấy nhận được một luồng gió mới. Đó là viên tân tư lệnh sư đoàn Lê Minh Đảo. Tướng Đảo là một sự hiếm có trong quân đội Nam Việt Nam vì đi từ trung úy lên cấp tướng mà không phải dựa vào chính trị. Ông ta được thưởng rất nhiều huy chương vì chiến đấu nhưng chẳng thèm mang bao giờ. Ông ta chỉ mặc bộ đồ tác chiến.

Từ lúc ông ta nắm quyền chỉ huy sư đoàn 18 năm 1973 sư đoàn ấy giống như vừa được ăn một kích thích tố mạnh. Trong hai năm sau đó, sư đoàn ấy giao tranh nhiều hơn bất cứ sư đoàn nào khác của quân VNCH.   

Đọc thêm