Những ngày sinh tử không thể nào quên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang bước vào giai đoạn “bình thường mới” sau làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19. Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Kiều Ngọc Minh, Trưởng khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Lê Văn Thịnh, kiêm Giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 Thủ Đức số 2 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Cuộc chiến chống dịch là trận đánh ngoan cường

Thưa bác sĩ, nhìn lại bức tranh toàn cảnh đại dịch thời gian qua, điều gì khiến bác sĩ cảm thấy ấn tượng nhất?

- Trong làn sóng thứ 4 của đại dịch càn quét thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, điều chúng tôi ấn tượng nhất chính là cảm nhận được tình đoàn kết, sự yêu thương của con người với nhau. Qua đại dịch, tôi thấy nơi đây tồn tại những câu chuyện rất xúc động về tình người, sự quả cảm của các chiến sĩ tuyến đầu. Bên cạnh đó là chia sẻ, đùm bọc của chính những bệnh nhân F0 với nhau. Họ chia sẻ với nhau mọi thứ có thể. Đặc biệt có những gia đình mất người thân trong đợt dịch vừa rồi đã tự nguyện xin quay lại để giúp chăm sóc những bệnh nhân khác đang điều trị tại đây. Từ đó, những câu chuyện rất xúc động ra đời và hiện hữu, mình thấy rằng tinh thần, sự đoàn kết của dân tộc, của bà con với nhau rất cao, khiến mình cảm thấy vô cùng xúc động.

Là lực lượng tuyến đầu tiên phong, trực tiếp thực hiện công tác điều hành Bệnh viện dã chiến và khám bệnh, thu dung, điều trị, theo dõi bệnh nhân nhiễm COVID-19, tâm trạng của bác sĩ thế nào khi cùng sống, cùng sinh hoạt với bệnh nhân trong thời gian qua?

- Tôi cảm giác đây như là căn nhà thứ 2 của mình, ăn cùng, ở cùng, làm việc cùng với anh em, các lực lượng từ y tế, tình nguyện viên đến dân quân, bộ đội, công an. Chúng tôi gắn kết với nhau tựa như gia đình. Tôi đi từ tháng 6 đến bây giờ, cảm thấy mọi người ở đây như người thân thật sự. Chúng tôi đúng là một gia đình của nhau.

Từ thời điểm Bệnh viện dã chiến số 2 đi vào hoạt động đến nay, công việc cụ thể của lực lượng y tế và nhất là của các bác sĩ đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 là gì, thưa bác sĩ?

- Các anh em y tế ở đây làm việc suốt, không có ngày nghỉ, hễ có bệnh nhân cấp cứu thì bận rộn cả ngày đêm. Ở đây chúng tôi chia ca kíp ra để làm, cứ làm 3 ca 4 kíp xoay vòng liên tục để đảm bảo chăm sóc bệnh nhân tốt nhất. Hầu như chúng tôi không có ngày nào nghỉ.

Đầu tiên ở cấp phường, khi tiếp nhận bệnh nhân, anh em ở trạm đã tiến hành phân loại ra những bệnh nhân nào đến bệnh viện, bệnh nhân có triệu chứng thì đến đây chúng tôi tiếp nhận và tiến hành công tác khám sàng lọc, phân tầng bệnh nhân. Những bệnh nhân nào cần cấp cứu thì tiến hành tại chỗ, những bệnh nhân nào có triệu chứng nhẹ thì sẽ được đưa vào khu điều trị nhẹ.

Đối với những trường hợp bệnh nhân có triệu chứng nặng, cần phải hồi sức cấp cứu (thở máy) sẽ được chúng tôi chuyển vào khu điều trị đặc biệt riêng biệt để chăm sóc chuyên sâu. Có những bệnh nhân đang có những triệu chứng bệnh nhẹ chuyển nhanh sang triệu chứng nặng, với đặc thù bệnh viện dã chiến điều trị đa tầng, chúng tôi sẽ nhanh chóng chuyển từ khu điều trị bệnh lý nhẹ xuống tầng điều trị nặng gần như lập tức và kịp thời.

Thưa bác sĩ, quy trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân COVID-19 có khác biệt như thế nào so với các bệnh khác về hô hấp từ trước đến nay?

- Quy trình điều trị bệnh nhân COVID-19 trên thực tế khác xa hoàn toàn với các căn bệnh truyền nhiễm khác. Thứ nhất là do tính chất nguy hiểm của dịch bệnh mang lại. Đặc biệt là thời gian đầu trước diễn biến của dịch, khi người dân chưa tiêm vắc xin, độ phủ vắc xin chưa cao trong cộng đồng thì tỷ lệ tử vong rất cao do đặc tính của vi rút. Anh em do đó phải làm việc trong môi trường bảo hộ nghiêm ngặt, đồ bảo hộ y tế luôn kín mít và khó chịu. Nhiều trường hợp bị co rút do phải mặc đồ liên tục nhiều giờ trong tiết trời hầm bí. Ai ra ngoài sau ca trực thì cơ thể và tay chân cũng bị co rút nặng do mất nước.

Làm việc trong môi trường đó gặp rất nhiều khó khăn, việc sinh hoạt cũng khó, bởi trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, mình phải thao tác thật chuẩn. Nếu không chuẩn thì mình sẽ trở thành người bị lây và ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, cũng có một số anh em bị lây nhiễm từ bệnh nhân trong quá trình chăm sóc và điều trị F0. Mình thật sự cảm thấy xúc động là lúc đó, các anh em bị F0 không có triệu chứng đã xung phong tiếp tục công tác chăm sóc bệnh nhân. Những anh em nào mệt thì nghỉ ngơi chút rồi lại tiếp tục công việc. Mọi người đều hiểu là nếu như bây giờ nghỉ cả thì không có người làm, không ai kề cận bên cạnh các bệnh nhân.

Những anh em ở đây thật sự rất quả cảm và đa phần là các bạn trẻ chưa có gia đình. Một số bạn trẻ đã có gia đình rồi nhưng vẫn thu vén công việc gia đình để vào đây chăm sóc bệnh nhân. Họ đi có khi vài tháng chưa được về nhà. Tiếp đó là đội ngũ nhân viên y tế nòng cốt của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, trực chiến ở đây suốt và đông đảo các bạn trẻ tình nguyện viên từ khắp các nơi về đây vì bệnh nhân COVID-19.

Được biết, với đặc thù chống dịch, những bệnh nhân điều trị COVID-19 thường không có người thân chăm sóc. Bên cạnh phác đồ điều trị bệnh, việc chăm sóc về tinh thần và sinh hoạt cho các bệnh nhân được thực hiện như thế nào, thưa bác sĩ?

- Thời gian đầu chúng tôi rất lúng túng về vấn đề lực lượng chăm sóc những bệnh nhân F0 có triệu chứng như thế này. Có rất nhiều bệnh nhân ở đây phải thở máy và cần phải có sự chăm sóc đặc biệt riêng, với lượng bệnh nhân đông như thế thì lực lượng y tế nòng cốt rõ ràng là không thể kham nổi. Cho nên trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã có ý tưởng kêu gọi chính bệnh nhân F0 không có triệu chứng vào chăm sóc những bệnh nhân F0 có triệu chứng nặng (họ có thể là người nhà của nhau, cũng có thể là không quen biết), từ đó góp phần hỗ trợ cho lực lượng y tế của chúng tôi rất nhiều công việc như tắm rửa, gội đầu, cho bệnh nhân ăn uống, vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân...

Việc những F0 không triệu chứng chấp nhận ở lại bệnh viện chăm sóc bệnh nhân F0 có triệu chứng đã góp phần giảm tải áp lực cho nhân viên và lực lượng y tế, góp phần rất tốt trong việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Đồng thời Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 2 đã áp dụng chiến thuật điều trị triệu chứng kết hợp động viên, củng cố tinh thần cho người bệnh ngay từ khi bắt đầu hoạt động. Việc làm này có vai trò quan trọng trong việc giúp các bệnh nhân vững chắc về mặc tinh thần, từ đó phối hợp tốt với phác đồ điều trị giúp việc nhanh khỏi bệnh.

Tâm thế mới, niềm tin mới

Trong tình hình mới, nhất là trước bối cảnh năm mới, bác sĩ có chia sẻ gì giúp người dân và cộng đồng có thể sống chung an toàn với dịch bệnh Covid?

- Thứ nhất là bà con vẫn nên thực hiện nghiêm túc 5K, đặc biệt là những gia đình có người lớn tuổi, người có bệnh nền và trẻ em thì càng phải kĩ càng. Bởi vì có những người bị COVID-19 chỉ có những triệu chứng thoáng qua như cảm cúm nên thường không được để tâm và nhận biết kịp thời. Nhưng mọi người nên nhớ bản thân bệnh cảm cúm cũng có thể gây chết người nếu như cơ địa có bệnh nền hoặc các loại rối loạn miễn dịch khác mà mình không biết. Trong lúc chúc Tết, vui chơi cũng cần tuyệt đối giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người không cần thiết.

Trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022, bác sĩ có điều gì muốn gửi gắm đến các bệnh nhân đang điều trị COVID-19 tại bệnh viện cũng như các trường hợp F0 đang điều trị tại nhà?

- Bước sang thềm năm mới Nhâm Dần 2022, cầu chúc cho toàn thể những bệnh nhân F0 được sớm về nhà để đoàn tụ và ăn tết bên gia đình và người thân. Đối với những bệnh nhân nào vẫn phải điều trị và ăn Tết trong bệnh viện, chúng tôi cũng vẫn có những hoạt động để hỗ trợ bà con đón một cái Tết ấm cúng, vui vẻ và an lành trong bệnh viện.

Nếu có một lời nhắn gửi chân tình dành riêng cho lực lượng y tế và cho bản thân mình thì bác sĩ sẽ nói gì?

- Đừng có sợ (cười), tôi chỉ muốn nhắn gửi như vậy thôi. Vì đã trải qua mấy tháng liên tục rồi, cái cảm giác nó đáng sợ lắm, chính bản thân mình nhiều lúc cũng thấy sợ hãi, rồi chính bản thân mình cũng là người mắc COVID-19, rồi cũng làm việc, cũng hết rồi lại tiếp tục công cuộc chăm sóc cho các bệnh nhân khác. Từ cái sợ ban đầu đó mình thấy nó bình thường lắm. Cũng mong các bạn nhân viên y tế đừng bỏ cuộc. Những ai mệt thì hãy tạm thời nghỉ ngơi rồi nhanh chóng quay trở lại để làm việc cùng chúng tôi. Bởi hơn hết, chúng ta là đồng bào và tất cả vì bệnh nhân thân yêu!

Đọc thêm