Thư viện sách miễn phí
Nằm trong một ngõ nhỏ của phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, thư viện sách miễn phí XuVi Books là địa chỉ được nhiều bạn trẻ thường xuyên lui tới. XuVi Books nằm trong một không gian với tên gọi XuVi Home, một quán cà phê nhỏ kết hợp học tiếng Anh, ghita, sống xanh và đọc sách.
Thư viện này chính là thành quả của những người trẻ có niềm đam mê với sách và mong muốn lan tỏa văn hóa đọc kết nối mọi người. Chị Phùng Năm, hiện đang theo học Thạc sĩ tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, là một trong những người đầu tiên sáng tạo ra XuVi Books.
Chị kể, thư viện mới được thành lập từ giữa 2019 với những cơ duyên không ngờ giữa những người trẻ đầy nhiệt huyết. Cái tên “XuVi” có nghĩa là “xuyên Việt”, khởi nguồn từ năm 2017, chị Năm và một số bạn trẻ tham gia cuộc đạp xe “Hành trình xuyên Việt – Hành trình kết nối yêu thương”.
Đó là hành trình vừa đạp xe từ Hà Nội vào Cà Mau vừa kết hợp làm tình nguyện. Trong hành trình ấy, có rất nhiều bạn trẻ yêu sách và sở hữu rất nhiều đầu sách. Niềm yêu sách của những người trẻ dám nghĩ dám làm đã thôi thúc họ cùng nhau tạo nên không gian sách gắn kết mọi người.
Chị Phùng Năm chia sẻ về khoảng thời gian đáng nhớ đó: “Sau Hành trình xuyên Việt 2017 thì chúng tôi vẫn còn liên hệ với nhau. Nung nấu ý định là thế cho đến tháng 7/2019, có hai bạn của XuVi trong miền Nam ra và tạo ra không gian XuVi Home.
|
Một góc XuVi Books. |
Lúc đó tôi cũng có khá là nhiều sách và trước đó mình cũng có đi làm thêm ở quán sách nên mới hỏi bạn mình cho mượn không gian ở đấy để làm tủ sách cho mượn miễn phí. Các bạn của tôi sau khi biết được thì đã góp sách lại với nhau và cùng tạo ra XuVi Books”.
Nhiều bạn trẻ yêu thích không gian XuVi Books bởi cảm giác gần gũi, quen thuộc như chính căn phòng học của mình. Ở XuVi Books, sách mới cũ đều có. Nếu để ý kỹ, nhiều cuốn sách đã ngả sang màu ố vàng của thời gian nhưng đều được xếp vào ngăn tủ rất gọn gàng, sạch sẽ. Những cuốn sách ở đây đa phần từ mọi người quen biết nhau góp vào hoặc được cho bởi các bạn trẻ yêu sách.
Cho tới nay, XuVi Books có hàng trăm đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau phù hợp nhiều độ tuổi. Độc giả yêu sách đến đây có thể mượn tối đa 2 quyển trong 10 ngày và chỉ cần để lại số điện thoại, không phải mất bất cứ khoản phí nào. Người mượn chỉ cần đem theo một nụ cười, đặt cọc lại một tờ phiếu ghi “niềm tin” là sẽ có thể cầm những cuốn sách về nhà.
“Các bạn đến đây mượn sách sẽ có một quyển sổ ghi tên và số điện thoại. Nếu 10 ngày các bạn chưa đọc xong thì có thể nhắn tin để được gia hạn thời gian mượn thêm. Các bạn không cần đặt cọc, không cần mất bất cứ một loại phí nào. Bởi vì ngay từ ban đầu chúng tôi đã tin, chúng tôi đã đặt cọc niềm tin vào đấy”, chị Năm chia sẻ.
Cũng bởi thứ trao đi – nhận lại là “niềm tin” nên việc làm sao để đảm bảo sách không bị mất đi là điều mà các thành viên sáng lập từng băn khoăn. Thế nhưng nhóm bạn trẻ vẫn quyết tâm với XuVi đến cùng, nỗ lực duy trì và dành thời gian cho thư viện miễn phí này.
Chị Năm nói: “Thực sự đây cũng chỉ là dự án nhỏ và không tốn quá nhiều thời gian, chúng tôi vẫn có thể đảm bảo được những công việc nuôi sống bản thân. Nhưng dự án này mang lại cho chúng tôi rất nhiều ý nghĩa trong cuộc sống”.
Vậy mới thấy, khi nhiều bạn trẻ đang dần rời xa văn hóa đọc thì XuVi Books hay những người trẻ như chị Năm lại đang đi gieo mầm văn hóa đọc và những điều tử tế. Dù chỉ một thư viện sách nhỏ bé giữa lòng Hà Nội, XuVi Books là tâm huyết của những người trẻ muốn giữ gìn văn hóa đọc qua từng trang sách. Chắc chắn, không riêng mỗi chị Phùng Năm tin tưởng mà những người đã tạo ra XuVi Books và còn rất nhiều người cũng sẽ tin rằng sách giấy vẫn luôn được mọi người đón đọc, yêu mến.
Ươm mầm văn hóa đọc
Những thư viện sách miễn phí như XuVi Book là điều không hiếm thấy. Điểm chung của những thư viện này chính là niềm yêu sách và mong muốn lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng. Dự án “1001 thư viện nơi bản xa” của nhóm Chủ nhật yêu thương (TP HCM) khởi động từ 2014 đến nay đã xây dựng được hơn 200 thư viện sách. Thư viện đặt tại các bản xa, khu vực giáp biên giới hoặc những địa phương hết sức khó khăn với mong muốn giúp trẻ em nơi đây không xa lìa con chữ.
Phạm Thị Như Thùy, một thành viên của nhóm nói: “Vốn dĩ mình cũng đến từ một vùng quê nên cảm thấy bản thân và những người bạn ngày trước rất thiếu thốn về việc đọc sách. Cho nên khi đến với trẻ em ở những vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh như vậy, mình thấy chương trình này rất ý nghĩa. Việc này mang lại ánh sáng mới, ánh sáng văn hóa cho nhiều em”.
Mang văn hóa đọc và cả tình thương yêu đong đầy trong từng trang sách, điều mà các bạn trẻ trong nhóm nhận được chính là tiếng cười giòn tan của những đứa trẻ mái đầu khét nắng khi hè sang, lạnh sương khi đông về. Thấm thía sự thiệt thòi của trẻ em vùng cao, hết năm 2020, nhóm đặt mục tiêu sẽ hoàn thành 1.001 thư viện với mong muốn trẻ em ở bất cứ nơi đâu cũng có đủ sách để đọc mỗi ngày.
Cũng có những bạn trẻ lặng thầm đi ươm mầm văn hóa đọc sách thông qua nền tảng mạng xã hội. Như Tuệ Nga, một youtuber được nhiều bạn trẻ yêu sách quen mặt thông qua các video Review sách (Đánh giá). Video “Những cuốn sách nên đọc tuổi 22” của Tuệ Nga đã nhận được hàng chục ngàn like trên mạng xã hội. Điều mà mọi người dễ nhận ra ở cô gái này đó chính là gương mặt có điểm khiếm khuyết nhưng luôn nở nụ cười và thân thiện, gần gũi.
|
Tuệ Nga đã thực hiện nhiều clip review sách thu hút sự quan tâm. |
Bản thân Tuệ Nga tâm sự, vết sẹo do cuộc phẫu thuật lấy khối u trên môi hai lần bị hỏng đã từng khiến cô mặc cảm về bản thân rất nhiều. Nhưng rồi, sách đã giúp Nga rất nhiều trong việc chữa lành những tổn thương.
Cô tìm đến những cuốn sách, nhận ra việc đi tìm bản chất con người mới là quan trọng chứ không phải dựa vào lời phán xét của người đời. Dần dần, cô tự vượt qua những mặc cảm, tự ti, dám sống với chính khiếm khuyết của bản thân.
Không dừng lại ở đó, khi nhận ra giá trị của việc đọc sách, Tuệ Nga muốn lan tỏa những điều mà cô tìm thấy trong từng trang sách đến với mọi người. Sau khi đọc những cuốn sách hay, Tuệ Nga đều thực hiện một video lưu lại những ý nghĩa mà bản thân cô nhận được, đăng trên các diễn đàn yêu sách.
Sau này, khi được mọi người ủng hộ, Nga đã làm nhiều video với nhiều thể loại sách hơn và đăng tải trên kênh Youtube Tuệ Nga. Những video rất chân thực, đơn giản nhưng đều mang lại nhiều thông điệp ý nghĩa về cuộc đời, tuổi trẻ, những quyết định của con người,…
“Mình mong muốn những video của mình sẽ góp phần lan tỏa giá trị cuộc sống và mang văn hóa đọc đến với cộng đồng. Thông qua câu chuyện của chính bản thân mình, mình muốn giúp những người trẻ đang gặp khó khăn trong cuộc sống sẽ tìm được định hướng đúng đắn cho bản thân bằng cách đọc sách”, Tuệ Nga chia sẻ.
Kênh Youtube của Nga đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực và là kênh mang lại niềm cảm hứng đam mê đọc sách cho nhiều người trẻ. Từng có người xem nhận xét: “Cảm ơn chị, chị rất tự tin, và giới trẻ trong chúng ta cần phải học hỏi được điều đó.... Chị sẽ là một nguồn cảm hứng để tuổi trẻ chúng ta nỗ lực phát triển và có ích cho xã hội hơn”.
Những dự án như XuVi Books, “1001 thư viện nơi bản xa” hay những người trẻ như chị Phùng Năm, Tuệ Nga đều đang nỗ lực lan tỏa văn hóa đọc đến với cộng đồng, gieo mầm tử tế, lan tỏa ý nghĩa cuộc sống thông qua những trang sách.