Những người cha của thiên thần

(PLVN) - Có những người đàn ông dành tình thương của mình cho các sinh linh vô tội, bé bỏng với kiếp số ngắn ngủi. Họ là những người cha tinh thần, đem đến cho “bọn trẻ” mái nhà an ủi, để không lạc loài, bơ vơ nơi thế giới bên kia.

Những đứa trẻ phận số không may

Một ngày đầu tháng 1/2020, Nguyễn Thị Ánh Ng, sinh viên một trường đại học trên địa bàn TP âm thầm lặng lẽ đến bệnh viện tư để phá thai. Ánh Ng và bạn trai học cùng trường, bắt đầu yêu nhau từ năm nhất đại học. Năm thứ hai, cả hai dọn từ kí túc xá của trường ra sống chung trong một căn nhà trọ nhỏ xíu.

Ngoài thời gian đi học, đi làm thêm, cả hai sống như một đôi vợ chồng trẻ, góp gạo thổi cơm chung. Do sơ suất, và chủ quan, Ánh Ng mang thai. Lần đầu tiên là hai tháng sau khi cả hai sống thử. Lo lắng, Ng khóc suốt. Ng sợ gia đình phát hiện, cha mẹ cô ở quê đều là công chức nhà nước, rất nghiêm khắc. Việc sống chung với bạn trai cô cũng giấu giếm gia đình.

Bạn trai Ng bàn, thôi hay là bỏ con, vì cả hai đều là sinh viên, chưa có gì trong tay, làm sao mà lấy nhau được, đẻ ra lấy gì nuôi con. Sau bao đắn đo dằn vặt, cuối cùng Ng cũng quyết định đi phá thai. Đứa trẻ sau khi bị ép buộc kết thúc sinh mạng của mình, được cho vào trong một cái lọ nhỏ xíu.

Tối đến, bạn trai chở Ng đi thật xa, ra một bãi đất trống vùng ngoại ô, cả hai chôn con ở đó, thắp nhang và lầm rầm khấn vái. Nhưng, đến lần “lỡ” thứ hai, Ng không còn những băn khoăn do dự như lần trước, có lẽ đã “quen” rồi. Cô lại đến bệnh viện tư, thực hiện phẫu thuật phá thai. Đứa trẻ ấy cũng được chôn gần chỗ của thai nhi xấu số lần trước.

Mà Ng và người yêu cũng không nhớ lần trước mình chôn con cụ thể ở chỗ nào, vì ban đêm bãi đất hoang vắng, mịt mù. Rồi, sau này, họ có thể sẽ lấy nhau, có những đứa con khác. Những đứa trẻ được may mắn sinh ra trên cõi đời. Còn những thai nhi bé bỏng vắn số ấy, mãi mãi nằm lại ở một mảnh đất lạ, không có một cái tên, không ai biết đến, nhà cửa điệp trùng xây lên che lấp tất cả…

Có biết bao em bé chưa ra đời đã bị cha, mẹ mình quyết định chấm dứt số phận như thế. Đó có thể là thai nhi từ những em học sinh, sinh viên nhẹ dạ, những công nhân lỡ lầm. Đó có thể là thai nhi từ người mẹ đời sống khó khăn quá, sinh con ra không nuôi nổi con, những gia đình nghèo mà còn vỡ kế hoạch, những cô gái điếm không thể sinh nở vì nghề nghiệp không cho phép.

Các em chui ra từ bụng mẹ không có lấy một cái tên, chết đi khi chưa kịp sống mà không có lấy một nấm mồ. Các em nằm vương vất đâu đó nơi mảnh đất ven đường, trong bãi rác lộ thiên, thùng rác y tế của bệnh viện, trong một mảnh vườn hoang hay khu rừng nào đó... Nếu như thực sự có thế giới bên kia, những thai nhi vô thừa nhận ấy mãi mãi sẽ là linh hồn vất vưởng, đi lang thang giữa cõi đời với câu hỏi đau đáu: Tại sao không cho con làm người?

Khu vườn của những thiên thần 

Những người xây nhà cho thai nhi

Cảm thương cho số phận của thai nhi vắn số, đã có không ít người dành tiền bạc và thời gian quý báu của mình phát nên tâm nguyện xây nên những ngôi “nhà” tươm tất cho các em nương náu sau khi qua đời.

Ông Trần Ngọc Hùng, 64 tuổi, ở xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) là một người như thế. Ban đầu, người đàn ông ấy vốn dĩ là người có lòng nhân hậu, thích làm từ thiện chứ chưa nghĩ đến việc sẽ trở thành “người cha tinh thần” cho các thai nhi. Một ngày cách đây 11 năm, trên đường đi xa về, ông bắt gặp ven đường cảnh đám đông đang đứng xem một bé sơ sinh bị ai đó vứt vào thùng rác, cháu đã chết, lại còn bị chó ăn mất một chân.

Cảnh tượng đau lòng ấy làm ông Hùng nhói cả tim. Tự dưng, trong lòng ông nảy ra ý nguyện, tìm một miếng đất nào đó làm chỗ chôn cất cho các em. Thế rồi, may mắn thời gian ngắn sau, có chủ vườn bán mảnh đất 4 sào không xa nhà. Không có tiền, ông vẫn đi nói tâm nguyện của mình để vay mượn, nhận được sự ủng hộ của bạn bè và nhà thờ, ông đứng ra đặt cọc mua đất, số tiền còn lại ông đành giấu vợ, giấu mẹ cầm nhà, đất đang ở để trả tiền cho chủ đất.

Sau đó, biết chuyện, nhiều bạn bè có lòng đã gom góp tiền cho ông mượn để chuộc lại nhà. Ông lại gom góp tiền,vật liệu đi xây cất cho mảnh đất tươm tất hơn. Nghĩa trang cho thai nhi do ông Hùng lập nên ra đời từ hoàn cảnh thiếu trước hụt sau như thế.

Có đất rồi, ông Hùng và bạn thân, người đồng hành là ông Trần Văn Hy đi khắp nơi, đến các phòng khám sản khoa để lại số điện thoại, dặn dò nếu có thai nhi bị bỏ thì gọi các ông, dù mưa gió, nửa đêm các ông cũng đến. Biết bao là vất vả, cực nhọc từ chuyện bỏ làm, bỏ ăn lặn lội khắp nơi, chuyện thiếu thốn vật liệu xây cất mộ cho các em. Thế mà các ông cũng dần dà vượt qua khó khăn bước đầu.

11 năm trôi qua, đến nay, khu nghĩa trang thai nhi ấy đã chôn cất tươm tất cho hơn 10 ngàn em nhỏ. Làm công việc ấy đã bao lâu, nhưng mỗi lần ngồi trước hình hài thai nhi, tắm rửa, sắp đặt lại các bộ phận bị tổn thương vì chó mèo cắn, bế trên tay những thai nhi đỏ hỏn nhẹ như mèo con, ông đều rơi những giọt nước mắt thương cảm. Ông thương cho những cháu bé vắn số, mệnh bạc. Ông bảo, chúng đã không may mắn được cha mẹ sinh ra, nuôi nấng thì ông coi chúng như con như cháu, ít ra lúc chết cho chúng căn nhà tươm tất, để những đứa trẻ lạc loài không phải chết đi một lần thứ hai!

Anh Đặng Quốc Thịnh trước những ngôi mộ thai nhi 

Ở Đà Nẵng, có một nhóm các bạn trẻ nổi tiếng là Nhóm ba mẹ thai nhi. Nhóm ấy do người “cha” Đặng Quốc Thịnh (SN 1987, trú quận Cẩm Lệ) làm nhóm trưởng. Đầu tiên, họ chỉ là một nhóm bạn bè với nhau, có tâm nguyện giúp những thai nhi xấu số có mộ phần yên ổn. Từ một nhóm nhỏ, bắt tay vào nỗ lực tìm kiếm, chôn cất xác thai nhi, nay nhóm đã mở rộng, được nhiều bạn trẻ tham gia và ủng hộ.

Cho đến nay, 2 năm sau khi hoạt động, nhóm đã chôn cất được gần 500 thai nhi bị vứt bỏ. Hoạt động của nhóm khá bài bản: Lập trang cá nhân trên mạng xã hội, lập đường dây nóng để tiếp cận cuộc gọi, các hoạt động tìm kiếm, bốc mộ, tập kết và chôn cất. Với các hoạt động thực tiễn cùng với công tác truyền thông hiệu quả, nhóm đã góp phần tuyên truyền giúp nhiều người dân nhận thức được hậu qua của hành vi phá thai, vứt bỏ thai nhi. 

Khu vườn của những thiên thần

Ở Nha Trang, ông Tống Phước Phúc (53 tuổi, ngụ phường Phương Sài) khá là có tiếng. Ông nổi tiếng không phải vì là một đại gia, cũng không phải do hoạt động nghệ thuật. Ông được nhiều người biết đến như người cha của những thai nhi bị vứt bỏ. Ông Phúc đã làm nên điều vĩ đại khi chôn cất tươm tất cho gần 20 ngàn trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trong suốt 10 năm miệt mài với công việc này.

Ông Tống Phước Phúc bên những đứa trẻ ông nhận nuôi 

Nghĩa trang cho các bé nằm ở huyện Diên Khánh, cạnh TP Nha Trang. Mà ông Phúc cũng không cho mọi người gọi đấy là nghĩa trang, ông bảo, đó là khu vườn của những thiên thần nhỏ. Nơi đó, ông trồng rất nhiều hoa, nhiều cây che mát chung quanh ngôi mộ của các em.

Ông đã đi khắp nơi, tìm kiếm, nhặt nhạnh những thai nhi mới thành hình, chưa thành hình về cho các em nơi chốn tử tế trong vườn. Ông vẫn mường tượng, bằng tấm lòng của người cha hiền, rằng những đứa con tinh thần của mình là những thiên thần, chúng vẫn bay tung tăng, vui đùa dưới bóng cây, cạnh những cụm hoa, vô lo vô ưu…

Mà có lẽ, thực sự nên gọi những khu mộ trẻ sơ sinh là khu vườn của những thiên thần. Những đứa trẻ ấy, những thiên thân nhỏ bất hạnh vì không được thừa nhận, vì không được sinh ra và sống trong vòng tay thương yêu của cha mẹ, chưa kịp làm người. Nhưng số phận cũng đã run rủi cho các em có được những người cha tinh thần đầy nhân ái, giàu tình thương. Ở thế giới bên kia, những thiên thần ấy có lẽ cũng đã ấm lòng, cũng đã được an ủi phần nào.

Đọc thêm