Những người con lai đau đáu tìm về cội nguồn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Con người có tổ, có tông/Như cây có cội, như sông có nguồn”. Nỗi tha thiết tìm về nguồn cội như một bản năng sâu thẳm trong dòng máu Việt, thúc giục những người con lai bắt đầu cuộc hành trình tìm lại cha mẹ ở quê hương xa xôi đầy gian truân và nước mắt. 
Zhenya cùng bà ngoại và mẹ.
Zhenya cùng bà ngoại và mẹ.

Họ luôn đau đáu hướng về quê hương tìm lại người đã sinh ra mình để ôm chặt và để một lần được cất tiếng gọi “Cha ơi”, “Mẹ ơi”…. Về với cội nguồn, tất cả người con đều được yêu thương, vỗ về, dù họ ở nơi quê hương bản quán hay ở nơi cách xa ngàn dặm.

Vỡ òa niềm xúc cảm khi tìm về quê hương Việt Nam

Zhenya - một người con lai Việt Nga, khi về Việt Nam - tìm về với nguồn cội của mình, anh rưng rưng niềm cảm xúc. Yevgeny Nikolayevich Orlov hay còn gọi là Zhenya - một người con lai Việt Nga. Anh là kết quả tình yêu của mẹ anh - Nina Alexandrovna Orlova, làm nghề địa chất và kiến trúc sư người Việt Nam sang Nga học trong những năm 50 của thế kỷ trước. Từ nhỏ, Zhenya đã được mẹ kể về người cha Việt Nam với tình yêu chan chứa, niềm nhớ nhung, đợi chờ.

Vì rất nhiều lý do khách quan, bố anh không trở lại bên mẹ Zhenya. Zhenya sống cùng mẹ và bà ngoại đau yếu với sự thiếu thốn tình cảm, kinh tế trăm bề. Mẹ của Zhenya luôn gìn giữ những món quà kỷ niệm, những bức thư thuở mặn nồng của người yêu phương xa như một chiếc cầu nối giúp con trai sau này tìm về cội nguồn của mình. 

Năm 1968, khi Zhenya 12 tuổi, mẹ của Zhenya đột ngột qua đời, bỏ lại cậu bé ngơ ngác với bà ngoại bị mù lòa. Năm 1980, bà ngoại anh cũng xa dời nhân thế. Anh cảm thấy trống vắng, đơn côi. Niềm khao khát tìm cha, tìm về cội nguồn từ lúc nhỏ, nay càng khao khát mãnh liệt hơn.  

Anh bắt đầu cho hành trình tìm bố mà anh biết như “mò kim dưới đáy bể”. Bức ảnh cha anh chụp cùng mẹ con anh, trong một lần hiếm hoi ông sang Liên Xô công tác ngắn ngày là điểm tựa lớn nhất để anh tin mình sẽ tìm được bố. Anh bắt đầu tìm trường đại học mà cha anh từng theo học.

Ở đó, người ta chỉ còn một chút thông tin về ông: Họ và tên, thời gian tốt nghiệp. May mắn anh đã tìm và gặp được kỹ sư Trần Vi Lăng - người đã giúp anh tìm được cha của mình. Hai cha con có thư từ cho nhau, cho đến năm 1984, trong một chuyến đi công tác Liên Xô, người cha đã tìm gặp đứa con trai lưu lạc. Nhưng lúc đó, cha anh đang có gia đình riêng hạnh phúc.

Cha anh mất năm 2003, nhưng vì áp lực cuộc sống, năm 2019, anh mới thực hiện chuyến đi về nguồn - về Việt Nam để thắp hương cha và tìm hiểu quê nội của mình. Tháng 7/2019, Zhenya đã về thăm Hà Nội cùng ân nhân là kỹ sư Trần Vi Lăng. Anh lập tức thực hiện điều mong mỏi bấy lâu là thăm ngôi nhà mà cha anh từng sống, ở một con phố trung tâm Hà Nội.

Anh về thăm mộ cha; thắp hương cho người anh cùng cha khác mẹ là liệt sỹ, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Anh đi thăm nghĩa trang liệt sỹ, thăm những thắng cảnh, những di tích lịch sử của Hà Nội. Về Việt Nam được ăn bữa cơm sum họp cùng các anh chị em cùng cha khác mẹ, anh Zhenya cảm thấy xúc động nghẹn lòng. Anh đã thỏa ước mơ tìm về cội nguồn.

Anh Zhenya và ân nhân – kỹ sư Trần Vi Lăng thưởng thức ẩm thực Hà Nội.
 Anh Zhenya và ân nhân – kỹ sư Trần Vi Lăng thưởng thức ẩm thực Hà Nội.

Cùng chung niềm hạnh phúc khi tìm được cội nguồn như anh Zhenya là anh Vance McElhinney. Dù có một gia đình hạnh phúc bên Bắc Ireland nhưng trong lòng anh luôn mong muốn được đoàn tụ với người thân, ruột thịt của mình ở Việt Nam. Và, sau 43 năm mang thân phận là trẻ mồ côi nơi xứ người, đứa trẻ năm xưa đã trở về đoàn viên cùng mẹ ruột của mình sau nhiều năm tìm về cội nguồn lắm gian nan.

Ngồi bên cạnh mẹ ruột mình trong căn nhà ở đầu đường Tôn Thất Đạm (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), Vance McElhinney (SN 1974, quốc tịch Bắc Ireland) xúc động mỗi khi nhắc lại quãng thời gian lưu lạc nơi xứ người và hành trình những năm tháng trở về Việt Nam tìm gia đình. Anh chưa rành tiếng Việt nên chỉ có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Nói vài ba câu, anh lại im lặng, nhìn xa xăm. Đôi mắt anh làm người đối diện ám ảnh khôn nguôi.

Sau 43 năm xa cách, người con đã về đoàn tụ với mẹ, với gia đình của mình ở Việt Nam. Dù bất đồng ngôn ngữ nhưng trong ánh mắt họ nhìn nhau, trong từng cái ôm, cái xoa đầu của mẹ dành cho con trai là tình thương yêu, là sự vui mừng và hạnh phúc. Bây giờ, họ còn rất nhiều thời gian để bên nhau, để kể cho nhau nghe về gia đình, về những yêu thương mà bao lâu nay họ dồn nén trong lòng.

Tiếp tục hành trình tìm cha, tìm mẹ

Stephan Neubauer, một người Đức gốc Việt đã đăng lên mạng câu chuyện của mình để tìm kiếm người cha Việt Nam. “Tôi là người Đức đang tha thiết tìm lại được bố đẻ của tôi là một người Việt Nam. Tôi tên gọi Stephan; tên họ là Neubauer – tôi mang họ mẹ người Đức. Tôi được sinh ra năm 1982 tại thành phố Jena vùng Thueringen nước Đức, thời đó thuộc Đông Đức. Vì nhiều trắc trở, mẹ tôi không nuôi được tôi, trao tôi cho bà ngoại tôi nuôi từ khi tôi mới một tuổi. Bố tôi là một người Việt Nam.

Theo bà ngoại tôi kể lại, bố tôi thương tôi, muốn được nuôi tôi và mang về Việt Nam nuôi, nhưng ông đã không thể ra chính quyền nhận là bố đẻ ra tôi. Thời đó người Việt Nam không được phép yêu và có con với người Đức. Ai làm những việc đó bị đuổi học, đuổi làm và phải trở về Việt Nam ngay lập tức.

Bố tôi kết thúc thời gian học tập và làm việc của ông tại Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1984, rồi rời Đức về Việt Nam. Từ đó cho tới hôm nay không ai có thể liên lạc được với ông nữa. Nay tôi gửi tin này tới các cơ quan truyền thông Việt Nam, xin các vị đăng tải rộng, may ra cha tôi đọc được và hồi âm cho tôi. Trong trường hợp xấu nhất, ông không còn sống nữa, tôi mong ai biết ông lúc sinh thời, tạo điều kiện cho tôi trao đổi để tôi tìm hiểu về cha tôi."

Vance vui mừng khi được đoàn tụ với gia đình của mình ở Việt Nam.
 Vance vui mừng khi được đoàn tụ với gia đình của mình ở Việt Nam.

Mong muốn duy nhất của anh là tìm được thông tin về cha. Anh viết thổn thức: “Nếu vì gia đình, con cái ở Việt Nam mà bố không muốn lập lại quan hệ với con, con hoàn toàn tôn trọng và chấp nhận điều này như một điều dễ hiểu, không có gì xấu xa. Chỉ cần bố lên tiếng cho biết để con chấm dứt cuộc đi tìm bố từ nhiều năm nay”. 

Stephan Neubauer không rõ bố tên là Trần Sang Sửu hay Trần Say Sửu hay Trần Duy Sửu. Anh cũng không rõ ngày tháng năm sinh của bố là ngày 28/4 hoặc 28/8, năm 1953 hoặc 1954. Bố anh học nghề và làm việc từ 1978 tới 1984 tại nhà máy VEB Carl Zeiss Jena, Xưởng Goeschwitz, ngành quang học chính xác (Optik).

“Hồi ở ký túc xá, bố tôi ở cùng một người Việt Nam tên là Dong (Đồng, Đông, Đổng, Dóng, Dòng…?). Hình như bố tôi có một người anh ruột đã học đại học hay cao đẳng tại thành phố Erfurt, CHDC Đức”, anh viết. 

Năm 2011, Franziska Garcia – một kiện tướng trong đội tuyển bóng ném quốc gia ở Bayern, Đức đã gửi thư đến Thời báo Việt Đức với mong muốn tìm được cha ruột (Franziska Garcia). “Tôi tên là Franziska Garcia Almendaris, 27 tuổi, xưa kia sống ở Guben, tiểu bang Brandenburg, sau này chuyển tới Leverkusen. Cha đẻ tôi là người Việt. Trước đây tôi không hề biết gì về cha, kể cả ảnh cũng như tin tức.

Cứ mỗi lần hỏi, mẹ tôi lại trả lời đơn giản, cha phải trở về Việt Nam. Năm nay, tôi 27 tuổi và đang cố gắng làm cho mình một giấy khai sinh với tên tuổi đúng người cha Việt của tôi, bởi tôi rất mong mỏi gặp mặt cha của mình”.

Nam ca sĩ mang hai dòng máu Mỹ – Việt Randy Trane - người đã mang khao khát tìm mẹ nhiều năm nay. Randy chia sẻ đến thời điểm này anh đã sáng tác 9 bài hát về mẹ, thể hiện nỗi niềm đầy xúc cảm của một đứa con đi tìm mẹ suốt bao nhiêu năm. Bị bỏ rơi khi chỉ mới một tháng tuổi, sau nhiều năm sang Mỹ theo diện con lai, Randy đã quay lại Việt Nam với sứ mệnh tìm kiếm mẹ ruột của mình. Đến nay, anh đã trải qua 20 lần xét nghiệm ADN, nhưng vẫn chưa tìm được mẹ, tuy nhiên anh khẳng định mình sẽ không  bỏ cuộc. 

Đọc thêm