Người dân xã Đông Vinh, TP.Thanh Hóa chưa hết hoang mang trước hai vụ sụt đá mới xảy ra liên tiếp làm ba người chết nhưng chỉ vài ngày sau đó, những khu khai thác đá lại nhộn nhịp, ngay cả những mỏ đá còn đỏ nhang tiễn biệt phu đá xấu số cũng đã rục rịch khai thác.
“Hồn bay phách lạc” vì “giỡn với tử thần”
Đầu hè, khu khai thác đá thuộc xã Đông Vinh không có bóng mát nên nắng càng trở nên gay gắt. Thi thoảng những chiếc xe tải hạng nặng ì ạch mang những tảng đá lớn rời mỏ, để lại vệt bánh hằn xuống đường đất, trông như dấu vết loài trăn khổng lồ vừa trườn qua.
Sau tiếng nổ mìn chát chúa, bụi đá bay mù mịt khiến cả khoảng không bao trùm màu trắng. Khi đám bụi lắng dần xuống cũng là lúc những phu đá bắt đầu công việc hàng ngày. Tiếng kèn kẹt của xích sắt cọ xát với ròng rọc do phu đá sử dụng kéo những tảng đá khổng lồ lên xe tải chờ chuyển về các xưởng chế biến. Dưới nắng, những chiếc mũ cối không che nổi sức nóng như thiêu đốt làm mồ hôi túa ra nhễ nhại, bụi bám sâu vào từng lỗ chân lông khiến khuôn mặt của những phu đá như bị bạch tạng.
Tạm nghỉ dưới một tảng đá lớn, anh Lê Như Thanh (thôn Đồng Cao, xã Đông Vinh) nâng ca nước lên uống ừng ực rồi trải lòng: “Chẳng có nghề nào vất vả hơn nghề này, như giỡn với tử thần vậy. Nói dại mồm chứ như hôm nay tôi ngồi đây, ngày mai chẳng biết sẽ ra sao nữa. Chuyện chẳng đâu xa xôi, ngay tổ thợ ở lò đá bên cạnh, sáng sớm tôi đi qua còn tay bắt mặt mừng, thế mà trưa xuống đã có hai thằng đi “chầu trời” rồi. Tôi làm đá gần 20 năm, cũng coi như lão luyện trong nghề mà đôi khi vẫn “hồn bay phách lạc” với “thần núi”.
Năm nào tôi cũng bị thương, không nặng thì nhẹ, biết trước là nguy hiểm nhưng không thể tránh được. Mới năm trước tôi leo lên giữa lưng chừng núi để khoan lỗ nhồi thuốc mìn, đánh quả “cống” (một thuật ngữ của phu đá thể hiện hành động khai thác đá bằng khối lượng mìn lớn). Đang khoan, núi bên cũng nổ mìn, sức ép làm những cục đá nằm trên đỉnh núi rơi xuống trượt qua đầu tôi. Tôi sợ quá, rơi cả máy khoan rồi trượt chân bị đá cứa vào gót chân đứt cả gân, máu cứ túa ra. Không thể trèo xuống được, tôi cứ bám lấy sợi dây thừng lơ lửng giữa sườn núi đợi anh em họ lên đưa xuống”.
Dù biết nghề khai thác đá tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến tính mạng nhưng những người dân xã Đông Vinh vẫn phải bám lấy để mưu sinh. |
Anh Thanh cởi giày, kéo tất ra chỉ vết sẹo dài khoảng 5cm, rồi kể tiếp: “May mà hôm đó có buộc dây bảo hiểm chứ không giờ cũng xanh cỏ rồi. Vậy nên năm ngoái tôi phải nghỉ mất hai tháng, không đi làm chẳng có tiền trang trải cho cuộc sống, con cái nheo nhóc chuyện ăn học, nhức cả đầu”.
Kể về hai lần chết hụt của mình, anh Nguyễn Thanh Luân (thôn Trường Sơn) vẫn còn rùng mình, “lần đầu vào khoảng tháng 3 năm 2011, trời mưa phùn, vẫn như mọi ngày tôi lên lái máy xúc bốc đá mạt. Đang làm thì máy bị hỏng, tôi đi gọi thợ sửa, vừa đi được khoảng 300m thì một tảng đá to như cái nhà ụp xuống đè bẹp máy xúc. Còn lần thứ hai là khi tôi lái máy xúc lên núi để đẩy đá đang bị kẹt.
Đang gạt đá thì đất sụt, máy xúc nghiêng hẳn về phía dưới. Tim tôi đập thình thịch, cứ nghĩ chắc chẳng còn đường sống. Tôi cứ ghì lấy chiếc cần lái, cố đưa chiếc gầu cào vào núi đễ giữ máy không bị rơi xuống. Rồi tôi nhảy khỏi xe, vừa bám được vào một vách đá thì máy xúc rơi xuống chân núi. Phải mất hơn 30 phút tôi mới hoàn hồn”.
Muốn bỏ cũng không bỏ được
Những người dân nơi đây sinh ra đã gắn bó với đá, đá cũng lấy đi sinh mạng của không ít người. Tuy biết là vất vả và nguy hiểm nhưng vì mưu sinh, họ vẫn cứ phải bám lấy đá mà sống. “Hầu hết những người làm đá nơi đây đều không muốn lựa chọn nghề đá. Thế nhưng sinh ra ở nơi chỉ có đá, nghề đá trở thành nghề nuôi sống bao thế hệ rồi, dù muốn hay không chúng tôi cũng phải làm, không làm thì không có ăn” - anh Luân nói.
Mặc dù đổ mồ hôi và cả máu nhưng thu nhập của anh Luân rất bấp bênh. “Mình tôi chẳng thể nuôi hai đứa con ăn học. Trung bình mỗi ngày tôi được trả công 200 đến 300 nghìn đồng, nhưng một tháng chỉ làm độ 15 ngày thôi. Nắng lên cho núi khô ráo mới làm được, còn hôm nào mưa phải nghỉ, vì mưa mà vô núi thì đá sụt ầm ầm, khó mà giữ được tính mạng.
Bên cạnh đó cũng phụ thuộc vào chủ đá, mỗi lần đánh “mìn cống” họ cũng đủ đá làm cả tháng rồi, nên họ chỉ thuê những người đập đá thường xuyên, còn người khoan với lái máy xúc như tôi thì thi thoảng mới cần. Vợ tôi giờ cũng phải đi nghiền đá mạt, kiếm được đồng nào hay đồng ấy để phụ vào”.
Những người lái máy xúc trong mỏ đá cũng không thể tránh khỏi thương vong. |
Anh Luân cho biết cũng từng bỏ làm đá đi ốp lát đá, làm thợ xây nhưng lương thấp mà phải sống xa nhà, không dành dụm được bao nhiêu, anh lại quay về nghề “giỡn mặt tử thần” này. “Từ nhỏ tôi làm đá rồi, nghề đã ăn vào máu nên không bỏ được” - anh Luân giãi bày.
Theo ông Nguyễn Tường An (Trưởng thôn Đồng Cao), nghề làm đá có hàng trăm năm nay, thôn nào của xã Đông Vinh cũng sống nhờ nghề đá, nhưng thôn Đồng Cao số người tham gia làm đá nhiều hơn cả. Xưa kia chưa có máy móc, người dân dùng rơm, củi nung cho đá nóng và vỡ ra để lấy về dùng. Nhưng kể cả khi khai thác thủ công, đá cũng dễ dàng cướp mạng người. Có gia đình mùa đông lên nung đá nhưng do ngủ quên bị đá sập, làm 3 người chết.
Từ năm 1982 đến nay, hoạt động khai thác đá diễn ra rầm rộ, các công ty đầu tư máy móc, phương tiện hiện đại để khai thác đá. Tiếng mìn, tiếng máy khoan làm rung chuyển cả làng xóm.
“Ngõ góa chồng”
Sinh ra ở một ngôi làng chỉ có nghề đá, chị Mai Thị Cần và anh Hoàng Đắc Long (thôn Đồng Cao, xã Đông Vinh) đến với nhau và cùng mưu sinh bằng nghề này. Nhưng nghề đá đã cướp anh Long đi, để lại chị với ba đứa con thơ dại.
Hơn một năm trôi qua, chị Cần vẫn chưa vơi nỗi đau mất chồng: “Cũng vào tầm này năm ngoái, tôi đang ở nhà nấu cơm đợi anh Long về, bỗng hàng xóm sang báo cho tôi biết tổ thợ 5 người của anh ấy đều bị đá vùi. Chân tay tôi bủn rủn rồi ngất lịm đi lúc nào không biết… Mất đi trụ cột gia đình, tôi và ba đứa con vất vả lắm, tôi bỏ hẳn nghề đá, ở nhà đi chợ buôn mớ rau, mớ cá nuôi các con. Giờ tôi chỉ ước con cái học hành rồi thành đạt để thoát khỏi cái kiếp làm đá”.
“Ngõ góa chồng” là cụm từ mà Trưởng thôn Đồng Cao Nguyễn Tường An dùng để nói về xóm của chị Cần: “ Ở thôn Đồng Cao có 209 hộ thì có tới 170 hộ tham gia làm đá. Trong đó, xóm của chị Cần có 30 hộ thì 30 hộ đều có người làm đá. Nhưng ngõ nhà chị Cần có 5 gia đình thì cả 5 đều mất chồng, mất cha vì nghề đá” - ông An cho biết.
Cũng theo ông An, ngoài người chết, số người bị thương, cụt chân, cụt tay do làm đá ở xã Đông Vinh nhiều lắm. “Trong 5 năm trở lại đây, gần như năm nào cũng có người thiệt mạng vì đá. Cuối tháng 4 vừa rồi có 2 người chết tại núi Vức, trong đó có 2 người thuộc xã Đông Vinh. Chính vì thế, có những xóm như xóm của chị Cần có 5 người vợ trẻ mất chồng, có gia đình 2 người bị đá đè bẹp trong thời gian ngắn.
Ở cái vùng quê này, quanh quẩn với vài sào ruộng thì không đủ ăn. Nhiều gia đình trong thôn được ngân hàng cho vay vốn mở xưởng sản xuất đá, từ đó vươn lên thoát nghèo. Một người đi bốc vác đá mỗi ngày cũng có thể có thu nhập 100 - 150 nghìn đồng. Thợ khoan khỏe mạnh có công lên tới 300-400 nghìn/ngày. Thế nên người dân ngày càng xa rời ruộng vườn. Biết làm đá là cá cược mạng sống, người làm chủ yếu là trụ cột gia đình nhưng vì cơm áo, họ vẫn chấp nhận”.