Những người đàn bà "bán giấc ngủ" ở bệnh viện

“Tôi quá quen những đêm gần như không ngủ, làm công bằng nghề này như làm phúc vậy. Trách nhiệm là một phần, phần nhiều nữa là tình thương giữa con người”, chị Nhàn, đang chăm sóc một cụ bà ngoài 80 tuổi, nằm liệt giường tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện E, Hà Nội, tâm sự.

Ăn không ngon ngủ không yên, bữa cơm, giấc ngủ của những "osin bệnh viện" tùy thuộc vào sức khỏe người bệnh, gắn với giường bệnh. Nhưng vì muốn gia đình có "đồng ra đồng vào", con cái có thêm tiền học, họ theo nhau chấp nhận tha hương, làm công việc "bất đắc dĩ" này ...

Nghề làm công như làm phúc
Chị Nhàn chăm sóc một cụ bà ngoài 80 tuổi, nằm liệt giường tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện E Hà Nội, từ 2 năm nay. Chị Nhàn gần 50 tuổi, dáng vẻ lam lũ, nhanh nhẹn.
Ban đầu, thấy chị cho bà cụ ăn, thay bỉm và trò chuyện cùng cụ, người ta ngỡ chị là con gái cụ. Bà cụ ho suốt đêm, mồi lần trở mình là cụ lại rên rỉ, cứ như vậy cho đến trời sáng, chị gần như cả đêm chẳng được chợp mắt, liên tục xoa và vuốt ngực cho cụ.
“Tôi quá quen những đêm gần như không ngủ như vậy, làm công bằng nghề này như làm phúc vậy. Trách nhiệm là một phần, phần nhiều nữa là tình thương giữa con người”, chị Nhàn nói.
Tay vẫn nương nhẹ thay bỉm cho bà cụ, chị giãi bày: "Ngày đầu xa chồng xa con thì tủi nhiều lắm, cái nghề chẳng được tôn trọng, mặt cứ rầu rĩ, khúm lúm. Lúc rảnh chút lại bần thần nhớ vu vơ, nước mắt cứ trực trào ra. Sau quen dần lại thấy bình thường, nghĩ đến con cái như có động lực làm tiếp".
Còn chị Toàn, 54 tuổi, đến từ Cẩm Khê, Phú Thọ, hiện chăm sóc một bệnh nhân nữ mắc tiểu đường nặng đến đột quỵ nằm liệt. Công việc chủ yếu của chị là cho bệnh nhân ăn, vệ sinh cá nhân cho người bệnh, giặt giũ và theo dõi tình trạng bệnh nhân để báo lại cho bác sĩ điều trị.
Hơn 10 năm đi làm nghề này, chăm sóc cho không ít bệnh nhân với tính khí khác nhau, chị kể: “Có nhiều chuyện dở khóc, dở cười, nhọc nhằn lắm. Nhiều bệnh nhân khó tính, sai bảo, chỉ trích, đặt điều, trút những bực dọc lên mình, thậm chí còn chửi mắng thô bạo. Nhưng cũng có những bệnh nhân quan tâm, thấu hiểu, cũng yêu quý và tôn trọng mình, nhiều bệnh nhân còn nhớ mình mãi”. 
Bà Nguyễn Thu Hồng, một bệnh nhân được chị Toàn chăm sóc, thều thào: "Người ta khó khăn mới làm nghề này, nhưng chẳng vì khó mà làm liều, làm qua loa, cô ấy chăm tôi gần tuần nay, như thể chị em với tôi vậy”.

Dịch vụ thuê người chăm sóc bệnh nhân xuất phát từ nhu cầu thay người nhà bệnh nhân thăm nom, phụng dưỡng cho người bệnh ở những gia đình neo người hoặc bận công tác... Với mức lương được trả 200 – 250 nghìn đồng/ngày đêm, chị Nhàn, chị Toàn và nhiều người giúp việc tại bệnh viện có khản thu nhập đáng kể gửi về quê trang trải chi phí gia đình, lo việc học tập của con cái.

Các chị đã được học qua một khóa đào tạo các thao tác cơ bản như cách thay lắp ống xông, đặt dây bang quang, xông hút đờm, đóng bỉm…, do thế hệ những người làm công việc này trước đó, mở ra tại viện 354.

Huyện "Osin bệnh viện"
Khoa Thần kinh, Bệnh viện E, có hơn 10 phòng bệnh, có chừng 6 người "giúp việc" bệnh nhân thường xuyên. Phần lớn những người này đến từ huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Cẩm Khê là huyện miền núi tỉnh Phú Thọ, nơi người dân chủ yếu làm nông nghiệp, phần ít làm tiểu thủ công nghiệp.
“Dân quê tôi, ruộng đồng thì ít, sản xuất manh mún không đủ tiền nuôi con cái, lên đây làm ôsin có tiền lại ham, gặp chị, gặp em giúp đỡ nhau đỡ tủi”, chị Nhàn nói.

Chị Hà, 38 tuổi, xã Điêu Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, cho biết thêm: “Làng chúng tôi làm công việc này nhiều lắm, người ta dắt díu nhau đi cả, đi biền biệt, tết nhất mới thấy nhau đông đủ. Có khi Tết vẫn vắng vài người, cố công làm ngày tết cũng là cực chẳng đã”.

Thông thường, "osin bệnh viện" không nhận chăm sóc các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm. Thời gian họ được thuê chăm sóc mỗi bệnh nhân thường 7 – 12 ngày cho một đợt điều trị, cũng có những bệnh nhân họ gắn bó đến một vài năm.
Rất nhiều bệnh nhân nằm viện có nhu cầu thuê người chăm sóc, họ chủ yếu bị các bệnh: tiểu đường biến chứng, tai biến, huyết áp cao, tim mạch… Người chăm sóc bệnh nhân do vậy không thiếu việc, suốt năm tháng họ "trực" tại các bệnh viện: Bạch Mai, Việt Đức, Viện E, 103, 108…
Diệu Thơ

Đọc thêm