Anh Tống với quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại |
Nghề “chơi” cũng lắm công phu
Từ đường nhựa chính, phải vượt qua 8km đường dốc núi, tôi mới đến được nhà ông Tho (Nà Bó, Mai Sơn, Sơn La). Ngôi nhà nhỏ nằm ngay trung tâm bản, mang nét đặc trưng của nhà người dân tộc Mông. So với các ngôi nhà khác, nhà ông thuộc dạng khá có điều kiện, hai vợ chồng ông nay tuổi đã cao nên không thể đi nương, chỉ quanh quẩn ở nhà bán ít đồ tạp hóa lặt vặt, trông mấy đứa cháu nhỏ.
Tiếp chuyện chúng tôi bằng thứ tiếng Kinh lơ lớ pha tiếng Mông, ông cho biết mình được học cách rèn dao từ khi 15 tuổi. Bởi bố ông là một thợ rèn nổi tiếng trong bản nên đã truyền cho ông những kinh nghiệm rèn dao từ thời ông cha để lại. Nói rồi, ông dẫn chúng tôi ra “xưởng” của ông để mục sở thị quy trình làm ra một con dao mèo hoàn toàn thủ công.
Đó là cái bếp nhỏ chỉ rộng tầm 12m2, có một cái phong sa (cách gọi của người địa phương) tạo gió để thổi than, một cái bếp rèn, hai đe sắt và vài cái búa. Ông cho biết nguyên liệu để làm ra một con dao tốt bây giờ khá khó kiếm, thường là mảnh bom cũ, thép máy bay, nhíp xe ô tô của Nga. Than để nung dao cũng rất đặc biệt, than củi phải cứng thì nung dao mới đạt độ chuẩn.
Đầu tiên, người ta sẽ đào hố sâu 1m, cho củi vào đốt, ủ lá chuối và lấp đất lên để trong vòng một đến vài tháng rồi mới lấy lên để rèn dao. Công đoạn rèn tuy không phức tạp nhưng lại rất tốn sức và mất thời gian. Người thợ rèn phải liên tục mồi than, tạo gió, nung sắt đến độ đỏ rực rồi đập dập, ngắm chỉnh để thanh nguyên liệu thành hình một con dao, cứ như vậy phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ liên tục không ngừng nghỉ.
Tôi chỉ biết ngồi lặng ngắm ông Tho làm việc, người đàn ông tóc tuy đã điểm bạc nhưng cử chỉ linh hoạt, nhanh nhẹn nhồi than hay đưa những nhát búa mạnh mẽ như một chàng thanh niên. Vừa chuẩn bị nguyên liệu cho công đoạn tiếp theo, ông Tho vừa say sưa nói về những con dao sắc lẹm của người vùng cao.
Để có một con dao tốt và bền thì phải trải qua một quá trình công phu. Trong đó, giai đoạn tôi là giai đoạn là giai đoạn quan trọng nhất, đòi hỏi kinh nghiệm dày dặn của người thợ. Tùy vào loại nguyên liệu làm dao mà người thợ chọn cách tôi bằng nước sôi, nước nguội, nhúng bùn hay ngâm vào cây chuối…
Thời điểm tôi dao phải tắt ánh nắng mặt trời, trong khoảng 17h - 18h30p. Ông cho biết phải chọn thời điểm như vậy để người thợ có thể nhìn được màu sắc con dao một cách chuẩn xác nhất để biết dao đã đủ độ chín để tôi hay chưa. Sau khi tôi dao xong, lấy lưỡi dao cọ vào thanh sắt cứng, nếu dao gọt được sắt tức là dao đã đạt chất lượng và chuyển sang công đoạn mài.
Muốn dao vừa sắc, vừa bóng và đạt thẩm mĩ thì phải mài bước một qua đá nhám rồi mới chuyển sang đá mịn. Đá mài cũng phải hiếm có khó tìm, đó là loại đá xanh lấy ở trong lòng núi chứ không phải loại nhà máy sản xuất, bán ngoài chợ.
Nếu giai đoạn làm ra một con dao đòi hỏi người thợ sức mạnh, tỉ mẩn, cẩn trọng thì giai đoạn hoàn thiện lại đòi hỏi sự tinh tế, óc thẩm mĩ và khéo léo mà không phải người nào cũng làm được. Đó là ngay từ chuôi dao và vỏ dao phải được đẽo gọt tỉ mẩn từng chút từ những khúc gỗ thô sơ cho đến khi vừa khít với con dao mới thôi. Lưỡi dao muốn gắn chắc vào cán thì phải dùng loại nhựa làm từ cánh kiến, lấy từ cây trên rừng sâu.
Chuôi dao, vỏ dao được trang trí bằng các vòng đồng. Những vòng đồng đó được gắn bằng bạc nguyên chất, nếu không nguyên chất thì không thể gắn được. Suốt tám tiếng đồng hồ chứng kiến toàn bộ quá trình sản xuất, nhìn con dao không chỉ đạt chất lượng để sử dụng mà đường nét mà còn rất mềm mại, sắc nét, tính thẩm mỹ cao, phác họa hình dáng của dân tộc.
Dường như nghề rèn đã không còn là một nghề lao động chân tay đơn thuần mà là cả một nghệ thuật. Ở đó, người thợ chính là những nghệ nhân, sản phẩm của họ là tinh hoa đúc kết từ nhiều đời, thẳm sâu hàng thế kỉ, trầm tích, kì bí như núi rừng...
Bởi thế, mỗi con dao tinh xảo, chắc chắn ấy, luôn là một vật quý với bà con miền sơn cước, nó gắn liền với cuộc sống người dân trên nương rẫy, cũng như trong những sinh hoạt ấm cúng bên bếp lửa…
Trăn trở người nối nghề
Và trên đường dẫn tôi đến gặp anh Tống, người cuối cùng trong bản chọn con đường rèn dao truyền thống, anh Cường, chủ một kênh youtuber chia sẻ về đam mê tìm hiểu nghề rèn của người Mông vùng này. Nghề rèn với đồng bào Mông không chỉ là sự độc đáo, tinh xảo, chắc chắn… mà đó còn là nỗi đau đáu khi nghề này đang dần mai một và có nguy cơ thất truyền khi những người nghệ nhân kinh nghiệm từ đời này sang đời khác như ông Tho mất đi.
Thế nên, anh cảm thấy vô cùng mừng rỡ vì cuối cùng cũng thuyết phục được anh Tống, một người tiếp tục con đường “giữ lửa” nét văn hóa của dân tộc mình. Tuy nhiên, khi đến nhà anh Tống, tôi lại cảm thấy trăn trở nhiều hơn là vui mừng. Ngôi nhà của anh Tống - người đàn ông mới ngoài 40 tuổi đã có con trai đi lấy vợ, con gái đã quá tuổi trăng rằm nhưng gia tài chẳng có gì đáng giá ngoài cái xe máy làm phương tiện để đi lại.
Anh cho biết, anh chỉ tranh thủ ngày mùa rảnh rỗi anh thường làm các loại dao thông dụng, mang ra chợ huyện chào bán để kiếm thêm thu nhập. Chỉ thi thoảng anh mới tỉ mẩn tạo ra những đứa con tinh thần cho khỏi quên nghề. Anh vừa nói, vừa cười nhưng ẩn sau đó là những lo âu thường ngày. Khi mà thiếu đói mùa giáp hạt vẫn tìm đến nhà anh nói riêng và nhiều hộ gia đình trong bản nói chung.
Tôi chợt nhớ đến ông Tho khi được hỏi về việc truyền lại kinh nghiệm, ông buồn bã nói “dao của người Mông mình chẳng có mấy người dùng nữa, vì giờ có ai biết mài dao đâu, ra chợ mua một cái là có ngay. Lớp trẻ cũng chẳng mấy mặn mà với nghề của cha ông vì không làm ra tiền. Bởi thế, chúng lớn lên một chút là tỏa đi khắp nơi, đứa về xuôi làm công nhân nhà máy, đứa đi làm thuê ngoài huyện, đứa thì dựng vợ gả chồng rồi cũng di cư đi nơi khác tìm kế sinh nhai.
Nghĩ thật buồn, nhưng cũng khó trách lớp trẻ bởi cái đói, cái nghèo và thiếu thốn vẫn còn luẩn quẩn bên những mái nhà của họ. Có thể khẳng định, các sản phẩm từ nghề rèn nói chung và các sản phẩm khác của người Mông nói riêng rất nổi tiếng về độ bền, độc đáo, tinh xảo và cầu kỳ cũng như tầng sâu văn hóa. Thế nhưng, trước sức ép cạnh tranh của các sản phẩm bắt mắt ngoài thị trường, cùng với nguy cơ thất truyền thì việc các sản phẩm này dần mai một và biến mất trước cơn lốc thị trường là điều dễ hiểu.
Phát triển nghề truyền thống và để người làm nghề sống được với nghề trong thời kỳ hội nhập là bài toán đang tìm lời giải của các địa phương. Tuy nhiên, xét về góc độ bảo tồn nét văn hóa của các dân tộc, chính quyền các địa phương, ngành văn hóa không những chỉ tập trung vào giá trị văn hóa tinh thần mà còn cần phải quan tâm đến các giá trị văn hóa vật chất nói chung.
Để làm được điều đó, cần có những chính sách hoặc giải pháp phù hợp để lưu giữ và bảo tồn nghề rèn truyền thống của người Mông, phát triển, làm nghề trên chính mảnh đất của họ. Để rồi sẽ có thêm nhiều ông Tho, anh Tống sống được với nghề. Và khi họ quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, cũng chính là góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc phong phú của tầng sâu văn hóa nơi cuối trời Tây Bắc.