Những người mẹ đến từ trái tim

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không mang nặng đẻ đau nhưng với họ, những sinh linh bé bỏng bị cha mẹ bỏ rơi hoặc sớm mất đi người thân đã là máu mủ ruột rà. Bằng sự tảo tần và tình yêu thương, họ đã xoa dịu vết thương lòng của trẻ, đảm nhận vai trò của đấng sinh thành – nuôi nấng, dưỡng dục các con nên người. Dù là người phụ nữ nổi tiếng hay bình dị, những người phụ nữ ấy đều là “Những người mẹ đến từ trái tim”.

Hy sinh hạnh phúc riêng để toàn tâm nuôi đàn con tội nghiệp 

Ca sĩ Phi Nhung sinh năm 1972 ở Pleiku (Gia Lai) là một trong những giọng ca trữ tình nổi tiếng nhất nhì Vbiz. Cô sở hữu nhiều bản “hit” dân ca được người hâm mộ thuộc lòng như: Lý con sáo Bạc Liêu, Dù anh nghèo, Nỗi buồn chim sáo, Phận mồ côi...

Bên cạnh việc hoạt động nghệ thuật, nữ ca sĩ còn có tấm lòng khiến nhiều người ngưỡng mộ khi nuôi dưỡng tận 23 người con nuôi. Chính nữ ca sĩ đã thành lập Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi với tên gọi “Phi Nhung - Vòng tay dưỡng tử tại chùa Pháp Lạc, Bình Phước”. 

Ca sỹ Phi Nhung thành lập Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi với tên gọi “Phi Nhung - Vòng tay dưỡng tử tại chùa Pháp Lạc, Bình Phước”.
Ca sỹ Phi Nhung  thành lập Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi với tên gọi “Phi Nhung - Vòng tay dưỡng tử tại chùa Pháp Lạc, Bình Phước”.

Ca sĩ Phi Nhung có một tuổi thơ bão táp, nhiều cơ cực. Từ khi sinh ra đã không được thấy mặt cha, mồ côi mẹ từ sớm, cô phải đóng vai người mẹ để chăm sóc 5 người em cùng mẹ khác cha từ khi mới 11 tuổi. Vì vậy, hơn ai hết, Phi Nhung thấu hiểu được sự thiệt thòi và nỗi đau đớn của những đứa trẻ mồ côi. Khi trở thành một ca sĩ nổi tiếng, có điều kiện về tài chính, cô đã dùng số tiền tiết kiệm của mình để giúp đỡ rất nhiều hoàn cảnh khó khăn không gặp may trong cuộc sống. Đặc biệt là cô còn nhận nuôi rất nhiều trẻ mồ côi, bị bỏ rơi từ thuở mới lọt lòng và xem như là con ruột của mình.

Thế nhưng, không chỉ nuôi con trên danh nghĩa hay trợ cấp tiền mà Phi Nhung còn dồn tất cả thời gian, trí lực của mình để dìu dắt các con phát triển toàn diện. Phi Nhung tâm sự, áp lực lớn nhất đối với cô không phải việc chạy show kiếm tiền nuôi 23 đứa con mà là nuôi dạy cho chúng nên người. Ngoài việc từng học qua về tâm lý, hiểu rõ cảm xúc của con, nữ ca sỹ còn đặt việc học của con lên hàng đầu, yêu thương tất cả các con như nhau và luôn sống tích cực để xứng đáng trở thành một người mẹ đáng kính…

Nhiều khán giả khâm phục tấm lòng của Phi Nhung, đồng thời cũng thắc mắc vì sao một ca sĩ nổi tiếng như cô lại không chọn một cuộc sống gia đình bình thường như bao người khác để bù đắp lại những mất mát thuở nhỏ, mà chọn làm một người chăm lo cho nhiều trẻ mồ côi. Phi Nhung nói: “Tôi nghĩ sẽ không có người đàn ông nào chấp nhận vì tôi mà nhận nuôi tất cả các con đâu. Hơn nữa, nếu nhỡ tôi lấy chồng, chắc các con sẽ hụt hẫng. Tôi không muốn bỏ rơi các con của mình. Tôi sẽ nỗ lực làm việc, cống hiến để có tiền nuôi dạy các con khôn lớn”.

Phi Nhung cũng có lời nhắn nhủ đến mọi người như sau: “Bàn tay tôi nhỏ bé quá nên chẳng thể giúp hết được những đứa bé bị người ta bỏ rơi. Có duyên lắm Nhung mới ẵm một bé về để nuôi, thành ra các bà mẹ cũng đừng có suy nghĩ là Nhung thích em bé mà cứ đẻ ra là bỏ con trước chùa cho Nhung thì tội nghiệp cho các con lắm. Có những trường hợp, Nhung đành đem đến gửi Hội Chữ thập đỏ vì không thể nào nuôi nổi. Một khi đã nhận, Nhung xem như con ruột của mình và phải lo tốt cho các con ăn học, dạy dỗ như những đứa trẻ bình thường khác. Mọi người đừng nghĩ như thế mà bỏ em bé thì tội nghiệp vì Nhung không có làm nổi hết được”.

Cuộc đời nở hoa của những “phận mồ côi”

Ngoài ca sĩ Phi Nhung, trong cuộc sống, còn có không ít những “Người mẹ đến từ trái tìm” rất đỗi bình dị. Chị Đoàn Thị Nga (40 tuổi, quê Quảng Nam) nhận nuôi 5 đứa trẻ bị bỏ rơi, thiếu hơi ấm của mẹ từ lúc mới chào đời. Mỗi đứa trẻ đến với chị có một hoàn cảnh riêng, đứa thì bị bố mẹ bỏ rơi, đứa thì bệnh hiểm nghèo, có đứa gia đình không đủ điều kiện để chăm sóc…, tất cả đều với chị Nga như một cái duyên. "Lỡ thương tụi nó rồi, mình phải nhận nuôi thôi", chị Nga nhìn tụi nhỏ, nói tiếp.

Chị Đoàn Thị Nga (40 tuổi, quê Quảng Nam) nhận nuôi 5 đứa trẻ bị bỏ rơi từ lúc mới chào đời.
 Chị Đoàn Thị Nga (40 tuổi, quê Quảng Nam) nhận nuôi 5 đứa trẻ bị bỏ rơi từ lúc mới chào đời.

Kể từ lúc nhận thêm những đứa con, cuộc sống của chị Nga trở nên bận rộn hơn bao giờ hết. Cả ngày đi làm, từ công việc này đến công việc kia, khi nào rảnh thì chị lại tranh thủ chạy về nhà trọ để thăm các con. Vì vậy, để chăm sóc tốt cho 6 đứa trẻ (5 con nuôi, 1 con ruột), chị Nga đành phải thuê thêm 2 bảo mẫu để trông coi việc ăn uống, tắm giặt cho tụi nhỏ. “Giờ chị ở nhà để lo cho con. Trước kia chưa có dịch, chị còn kinh doanh, buôn bán được, từ ngày dịch công ty đóng cửa, shop đồ thì ế hơn, mấy tháng nay chị phải vật lộn mới xoay xở đủ tiền để lo cho mấy bé hàng tháng. Nói thật là trước kia chị làm ăn khá lắm, cũng có tý vốn, mà giờ rút dần, rút mòn rồi, chẳng biết cầm cự đến khi nào", chị Nga cười nghẹn. "Chị sợ nhất là lúc mấy đứa này thi nhau bệnh, mấy mẹ con lại chạy cuống cuồng lên. Đứa nào đau ốm, sút cân là chị buồn lắm, thà mình đau thay con, chứ tụi nó nhỏ xíu, bệnh tật hoài sao chịu nổi. Đi làm cực đến đâu không sợ, chứ con bệnh là chị lo", chị Nga bùi ngùi.

Nhìn những đứa trẻ từ đỏ hỏn đến khôn lớn nằm ngủ ngon lành trên chiếc nệm ấm, bao khó khăn, mệt nhọc dường như tan biến. Trong căn phòng nhỏ, tiếng nói cười của lũ trẻ chốc chốc lại vang lên kèm theo nỗi lo về chi phí hàng tháng của người mẹ đặc biệt.

Nhớ lại 8 năm trước, chị Vũ Thị Dung (khi đó 36 tuổi), đi cùng đoàn từ thiện đến thăm một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi ở ngoại thành Hà Nội. Nhìn lũ trẻ ngồi một chỗ, khuôn mặt buồn rầu chờ nhận quà, chị cảm thấy có "điều gì đó không ổn". "Tương lai, những đứa trẻ này sẽ về đâu?", Dung buột miệng hỏi. Sau khi trở về, với sự hỗ trợ của những người bạn, chị Dung đã thành lập “Quỹ khát vọng” khi nuôi trẻ mồ côi. Đang làm giám đốc nhân sự, cả ngày quay cuồng với công việc, tối đến chị lại ngồi gọi điện thăm hỏi bọn trẻ, rồi nhận các cuộc gọi xác minh hoàn cảnh khác. Hàng ngày chị bắt đầu công việc từ 6h sáng đến tối muộn, nhiều khi làm việc đến 1-2h đêm. Từ 49kg chị giảm xuống còn 43kg và vài lần ngất xỉu vì suy kiệt. Bác sĩ cảnh báo nếu không giảm tải, sức khỏe khó hồi phục. Chị xin nghỉ việc để gắn bó với “Quỹ khát vọng”. Chị Dung tuyển thêm cộng tác viên cùng mình chăm sóc những đứa trẻ thiếu tình yêu thương. Sau gần 10 năm Quỹ đã có 70 tình nguyện viên cùng kèm cặp, động viên tinh thần gần 300 trẻ. Tất cả đều tự nguyện.

Sau 8 năm hoạt động, 80 em trưởng thành, "rời tổ" đang là sinh viên đại học và đi làm, có nghề nghiệp phù hợp. Khi thành đạt, 80 em đã trở về “Khát vọng” lại tiếp tục giúp các em nhỏ khác nên người. "Hoa có hương thì tự nó bay, tự nó lan tỏa và tinh thần của “Khát vọng” cũng vậy", người mẹ của gần 300 đứa trẻ mỉm cười hạnh phúc.

Suốt 40 năm qua, bà K’Hiếu (65 tuổi, dân tộc K’Ho ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đã mở rộng vòng tay đón nhận cưu mang, hy sinh, sẻ chia hạnh phúc để nuôi lớn 9 đứa trẻ mồ côi, cho ăn học, nuôi dạy nên người. Cuộc đời bà K’Hiếu từ nhỏ vốn đã nghèo khổ, do hoàn cảnh gia đình nên bà chỉ được đi học hết lớp 6 là phải bươn chải vào đời. Lớn lên bà xây dựng gia đình, cuộc sống của vợ chồng bà cũng chẳng được dư dả gì nhưng vì có tấm lòng nhân hậu, đồng cảm với những phận đời khốn khó nên bà dấn thân vào hoạt động thiện tâm. Rất mừng là tấm lòng của bà được người bạn đời sẻ chia, ủng hộ. 

Số phận đã mỉm cười khi lũ trẻ mồ côi may mắn gặp được mẹ K’Hiếu.
 Số phận đã mỉm cười khi lũ trẻ mồ côi may mắn gặp được mẹ K’Hiếu. 

Kể về đàn con đặc biệt của mình, bà K’Hiếu không ngăn được tâm trạng xúc động, ngậm ngùi. “Chúng đều là những đứa trẻ kém may mắn, đứa thì mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải bơ vơ vạ vật không nơi nương tựa nên được mẹ K’Hiếu đón về nuôi. Đứa thì bị mẹ bỏ rơi từ khi còn đỏ hỏn, đứa thì suýt bị chôn sống theo mẹ vì hủ tục, có em bị cha bỏ lại sau khi mẹ chết. Bọn trẻ là người K’Ho, người Kinh. Cứ nhìn những đứa trẻ khác ra đời được người thân, gia đình yêu thương, chào đón, nâng niu, trong khi tụi trẻ này khổ sở, thiệt thòi từ trong trứng mà thấy tội thương” - bà K’Hiếu nghẹn ngào tâm sự. Tuy cuộc sống còn muôn vàn khó khăn nhưng bà K’Hiếu chưa từng để những đứa con của mình phải nhịn đói một ngày.

Cuộc đời không lấy đi tất cả của ai bao giờ, trang đời này thiệt thòi, bất hạnh nhưng biết đâu lật trang kia sẽ là hạnh phúc! Số phận đã mỉm cười khi lũ trẻ mồ côi may mắn gặp được mẹ K’Hiếu. 

… Những câu chuyện đầy cảm động về hành trình của lòng nhân hậu của những người mẹ giản dị mà rất đỗi vĩ đại đã khiến rất nhiều người cảm động, thán phục. Ai cũng tin rằng, với tình yêu thương của những người phụ nữ có “Trái tim Bồ tát” đã và đang lan tỏa tới những người khác cùng chung tay nuôi dưỡng, chăm sóc những đứa trẻ thiệt thòi tìm thấy nụ cười và tuổi thơ ấm áp. 

Đọc thêm