Những người mẹ mũ nồi xanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Là những bông hồng của lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam, họ tạm gác vai trò người vợ, người mẹ để tham gia huấn luyện, sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế mà Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó. Theo dòng những câu chuyện kể là biết bao sự trân quý dành cho những sự hy sinh lớn lao...

Nam Sudan là quốc gia trẻ nhất thế giới khi tuyên bố độc lập vào ngày 9/7/2011. Hơn 10 năm qua, nước này vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ các cuộc nội chiến và xung đột giữa các phe phái, sắc tộc nên cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và điều kiện sống vô cùng nghèo nàn, thiếu thốn. Để ngăn chặn xung đột vũ trang bùng lên thành nội chiến, trợ giúp nhân đạo cho người dân, Liên Hợp quốc đã triển khai Phái bộ Gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan. Và, trong số khoảng 14.000 quân nhân, cảnh sát, nhân viên của lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp quốc có những quân nhân Việt Nam. Trong số hơn 60 lá cờ vì sứ mệnh kiến tạo hòa bình ở Nam Sudan, có lá cờ đỏ sao vàng.

Tính đến tháng 12/2021, tức là sau hơn bảy năm chính thức cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp quốc tại Cộng hòa Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Trụ sở Liên Hợp quốc, Việt Nam đã cử hơn 60 lượt sĩ quan lên đường thực hiện nhiệm vụ theo hình thức cá nhân đảm nhiệm các vai trò: quan sát viên quân sự, sĩ quan tham mưu, cùng ba đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 theo hình thức luân phiên thực hiện nhiệm vụ, với quân số 63 người trong một đội hình.

Gác lại tình riêng

Trong số các nhân sự Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp quốc, có 10 người là nữ. Họ đã tạm gác vai trò người vợ, người mẹ sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế. Một năm xa nhà với chị em sẽ là một thử thách khó quên trong đời, hay như lời một nữ quân y đã nói: “Là phụ nữ dù có mạnh mẽ đến mấy nhưng khi đi xa và nhớ con có thể khóc bất cứ lúc nào”.

Khi nói về những nữ quân nhân đã vượt qua chính mình để phụng sự Tổ quốc, giới truyền thông thường hay nhắc đến chị nữ quân y “chị cả” Thiếu tá chuyên nghiệp Bùi Thị Xoa thuộc đơn vị Bệnh viện Quân y 7B. Sinh năm 1975, thời điểm nhận nhiệm vụ lên đường, chị Xoa đã vượt qua ngưỡng tuổi 40, nên việc trở thành một nữ chiến sỹ quân y mũ nồi xanh với chị là cả một quá trình cân nhắc, đắn đo.

Thiếu tá Bùi Thị Xoa thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan.

Thiếu tá Bùi Thị Xoa thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan.

Chị kể, lúc quyết định trở thành thành viên của Bệnh viện dã chiến, chị đắn đo rất nhiều bởi con trai chị đang tuổi dậy thì, rất cần có người chăm lo, định hướng. Tuy nhiên, nhận được lời động viên của ông xã, cũng là một sỹ quan quân đội, chị đã tham gia với tâm nguyện “là một người lính, phục vụ Tổ quốc, phục vụ quân đội luôn là nhiệm đặt lên hàng đầu”.

Được biết, trong hơn 1 năm đầu tiên tham gia huấn luyện Bệnh viện dã chiến, chị Xoa đi đi về về hơn 50km mỗi ngày từ nhà ở Biên Hòa, Đồng Nai đến Bệnh viện Quân y 175, TP HCM. Những khóa huấn luyện căng thẳng và liên tục khiến chị gần như không có thời gian cho gia đình. Mọi sinh hoạt gia đình gần như bị đảo lộn khi thiếu bàn tay chăm sóc của phụ nữ. Sau này, để thuận lợi cho công tác huấn luyện, gia đình chị buộc phải chuyển nhà lên TP HCM. “Những ngày mới chuyển nhà thật khó khăn, bởi con trai không hòa nhập được với môi trường học tập mới, tôi rất lo lắng, nhưng dần dần mọi thứ cũng đi vào quỹ đạo và giờ tôi có thể yên tâm lên đường” - kể lại với truyền thông, Thiếu tá Bùi Thị Xoa cho biết.

Khi được gọi tên trong danh sách của Bệnh viện dã chiến, như mọi người mẹ khác, suy nghĩ đầu tiên đến với chị Xoa là lo lắng cho con. “Lúc làm nhiệm vụ, cả tôi và đồng đội, ai cũng quyết tâm. Nhưng khi chuẩn bị hành trang lên đường, tôi mới giật mình, con trai tôi đang tuổi dậy thì, không có mẹ bên cạnh, chắc sẽ tủi lắm. Nhưng rồi khi nghe cháu nói tự hào về tôi, tôi yên tâm. Nhiệm vụ lần này không chỉ là vinh dự bản thân, niềm tự hào của gia đình, mà có ý nghĩa rất lớn với mối quan hệ tốt của nước bạn và Việt Nam”, chị kể.

Ở một góc độ khác, câu chuyện của Đại úy Nguyễn Thị Phương Thảo thuộc đơn vị Bệnh viện Quân đoàn 4 cũng rất cảm động. Khi được phân công nhiệm vụ, chị Thảo liền gọi điện thoại cho chồng. Quá bất ngờ, anh nói anh phải suy nghĩ và tắt máy. “Tôi gọi lại rồi mô tả cho anh những công việc sẽ làm, ý nghĩa của nhiệm vụ. Từ trước đến nay, chồng tôi luôn ủng hộ, thông cảm cho công việc của vợ, nhưng lần này anh nói “từ từ nói chuyện sau” rồi tắt máy lần nữa. Quyết tâm làm nhiệm vụ, tôi nhắn tin cho anh, nói rằng tôi không có nhiều thời gian, đây là nhiệm vụ cấp bách, phải quyết định ngay. Một giờ sau, anh gọi lại nói đồng ý. Tôi bước vào khóa huấn luyện. Tôi tự nhủ, sao đồng đội đi mà mình ở nhà được”, chị Thảo kể. Trong lễ bàn giao trước ngày lên đường, Đại úy Nguyễn Thị Phương Thảo gọi điện thoại về cho con trai 4 tuổi ở nhà, con trai khá tự lập, nhưng chị vẫn có chút chạnh lòng…

Điều giản dị lớn lao

Ngày 20/4/2021, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tiếp nhận hiện vật do các nữ quân nhân mũ nồi xanh trao tặng. Trong số rất nhiều cán bộ Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam có mặt tại lễ tiếp nhận, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga - Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến số cấp 2 số 4 là một trong những người có nhiều hiện vật trao tặng nhất.

Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga và trẻ em Nam Sudan.

Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga và trẻ em Nam Sudan.

Nói về Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, ngày 30/10/2017 là cột mốc không thể quên trong cuộc đời nữ chị bởi đó là ngày chị được Bộ Quốc phòng trao quyết định của Chủ tịch nước cử sang Nam Sudan làm nhiệm vụ Cục Gìn giữ Hòa bình của Liên Hợp quốc. Chị là sĩ quan thứ 20 của Việt Nam nhận nhiệm vụ đặc biệt này nhưng là nữ sĩ quan đầu tiên. Theo quyết định, Hằng Nga có nhiệm kỳ 12 tháng thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ Cục Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp quốc ở Nam Sudan (UNMISS) với vai trò sĩ quan tham mưu giám sát các hoạt động quân sự.

Nhận nhiệm vụ, điều khiến chị cảm thấy hạnh phúc nhất là được sự tin tưởng và động viên từ gia đình, bạn bè, thủ trưởng đơn vị và đồng nghiệp. Song khó khăn nhất của phụ nữ vẫn là thiên chức làm mẹ. Ở thời điểm đó, chị có hai con trai đang tuổi lớn, một đang học lớp 6 và cháu nhỏ học lớp 4. Phải xa các con để lên đường làm nhiệm vụ làm trái tim người mẹ bộn bề lo lắng. Để chuẩn bị tư tưởng cho các con, hàng đêm chị kể cho các con nghe về vùng đất châu Phi, về Nam Sudan, về những em bé châu Phi cực khổ, về công việc của chị để góp phần nhỏ bé giúp ích cho hòa bình thế giới. Biết sắp phải xa mẹ nên các con tận dụng hết mọi thời gian quý giá và bày tỏ cảm xúc với mẹ. Con trai lớn Phạm Xuân Duy (11 tuổi) đưa cho chị một chiếc gối nhỏ xinh: “Con gửi cho mẹ cái gối của con từ thời con bé xíu. Mẹ nhớ mang gối để có hơi ấm của con”. Cậu em đưa mẹ chiếc chăn và dặn nếu nhớ con thì mang ra đắp.

Trước khi lên đường, chị đưa cho cậu con trai bé lúc đó đang học lớp 4 chiếc khăn của mình. Đứa trẻ xa mẹ đã quàng chiếc khăn đó mỗi khi đi ngủ mới ngon giấc. “Khi tôi đi thì con đang học lớp 4 và con nhớ mẹ đến mức cả tháng trời phải quàng cái khăn đó mới ngủ được, mới quen với cảm giác xa mẹ” – kể với phóng viên đến đây, đôi mắt đầy quyết đoán của nữ Trung tá bỗng rưng rưng. Chị đã tặng lại cho bảo tàng chiếc khăn thấm đẫm tình mẫu tử ấy. Tháng 5 này, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga lại tạm xa các con mình lên đường nhận nhiệm vụ mới…

Thiếu tá Bùi Thị Thu Trang.

Thiếu tá Bùi Thị Thu Trang.

Cũng có mặt tại buổi lễ trao tặng, chuẩn bị lên đường vào tháng 5/2022, Thiếu tá, bác sĩ Bùi Thị Thu Trang – Khoa Sản Bệnh viện 108 cho biết: “Tôi được Đảng và Nhà nước triệu tập tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 sang Nam Sudan đợt tới. Khi nhận nhiệm vụ và cảm xúc chuẩn bị lên đường rất khó tả. Về niềm vui thì rất là vinh dự, tự hào khi được tham gia đại diện cho đất nước, cho bệnh viện đóng góp công sức nhỏ nhoi của mình để giúp đỡ nước bạn đang khó khăn. Về bản thân, chuẩn bị xuất quân tôi cũng không tránh được sự bồi hồi khi đã để lại gia đình nhỏ của mình, các con đang trong giai đoạn phát triển cần bàn tay chăm sóc của mẹ. Tuy nhiên, tôi tin rằng sự lo lắng này sẽ trôi nhanh vì tôi được sự ủng hộ, hậu thuẫn của gia đình, của bạn bè, đồng nghiệp. Hiện tại tôi rất yên tâm chờ ngày lên đường, để sớm được sang Nam Sudan”…

Cần biết rằng phía sau những chia sẻ tưởng như rất giản đơn, rất đời thường của những nữ quân nhân, những người mẹ này, đó là những sự hy sinh vô cùng lớn lao và thầm lặng. Bởi trên thực tế, vướng bận việc gia đình, cộng với thời tiết, điều kiện làm việc khắc nghiệt ở châu Phi nên không ít người, kể cả nam giới e dè khi nhận nhiệm vụ. Rồi trong quá trình huấn luyện quân số cũng dần “rơi rụng” với những lý do sức khỏe, gia đình, sinh con… Thế nên, với những người phụ nữ, những người mẹ tạm gác lại việc nhà, tình riêng để lo việc nước, điều này là vô cùng trân trọng.

Đọc thêm