Những người phụ nữ dũng cảm bước qua bóng tối

(PLVN) - Những tổn thương do việc bị lạm dụng tình dục thuở thơ ấu đã nhốt nhiều đứa trẻ trong bóng tối của mặc cảm và nỗi đau cho đến trưởng thành. Nhưng cũng có những người dũng cảm và mạnh mẽ bước ra khỏi bóng tối để tìm lại ánh sáng cho cuộc đời mình, lan tỏa ánh sáng đến nhiều người.

Nói ra để chữa lành

Năm 2016, khi quyển sách “Cát hay là ngọc” được xuất bản, nó đã gây sự chú ý không nhỏ cho cộng đồng. Không chỉ bởi quyển sách nói về một đề tài đầy gai góc, đau đớn, đáng được quan tâm: Trẻ em bị xâm hại tình dục, mà bởi nó được viết ra bởi một cô gái từng là nạn nhân của ấu dâm.

Quyển sách “Là cát hay là ngọc”, tự truyện của một cô gái từng là nạn nhân của ấu dâm.
Quyển sách “Là cát hay là ngọc”, tự truyện của một cô gái từng là nạn nhân của ấu dâm.

Cô gái ấy tên là Nguyễn Thị Bích Ngọc, nick name Sandy. Từ năm 8 tuổi, cô đã bắt đầu trở thành con mồi của kẻ ấu dâm. Cha mất sớm, Ngọc sống ở Cần Thơ và bị chính người thân của mình lạm dụng. Lên cấp 2, Ngọc lên Sài Gòn và một lần nữa, nỗi đau ập đến khi cô tiếp tục bị xâm hại. Đến năm 19 tuổi, quá uất ức và bùng nổ, quyết định nói ra hết sự thật với người thân thì cô bị đuổi ra khỏi nhà.

Suốt 20 năm trời, Ngọc sống trong sợ hãi, đau đớn, những nỗi ám ảnh và lo lắng hàng đêm khiến cô không ngủ được. Bị giày vò trong nỗi đau thể xác và tâm hồn. Từ khi cánh cửa gia đình khép lại, bước ra cuộc đời bao la, tự mình lăn lộn mưu sinh, Ngọc đã gặp không ít người tốt, được những người bạn giúp đỡ, sẻ chia cùng Ngọc.

Lần đầu tiên Ngọc nói ra câu chuyện của mình, cô đã được an ủi rất nhiều. Ngọc nhận ra rằng, nỗi đau không nên giữ mãi trong lòng, vì như thế sẽ làm vết thương thêm sâu. Ngọc quyết định lựa chọn một cách “nói” khác, có sức lan tỏa mạnh hơn. Ngọc phơi bày vết thương của mình trên trang sách, do hai nhà văn chấp bút. 

Quyển tự truyện “Là cát hay là Ngọc” của Bích Ngọc không quá dài, nhưng đọc trong đó, người ta không chỉ bắt gặp cuộc đời của một cá nhân riêng lẻ. Ngọc có thể là bất kì ai trong chúng ta, có thể là bất cứ đứa trẻ nào chung quanh. Nỗi đau và sự ám ảnh của Ngọc thấm vào từng trang viết, để người đọc hiểu rằng, muốn cho những bi kịch như thế không xảy ra, phải thay đổi ý thức, phải hành động, phải biết quan tâm nhiều hơn đến những đứa trẻ quanh mình. Và như thế, Ngọc đã kiến bi kịch cuộc đời mình thành một ngọn đèn, để người khác soi đường. Nỗi đau của Ngọc không vô nghĩa. Vết thương của Ngọc đã bắt đầu được chữa lành. 

“Nói ra”, nghe có vẻ nhẹ nhàng, nhưng thực chất, đằng sau đó là biết bao quyết tâm, bao dũng cảm và cả hệ lụy. Nhiều người còn nhớ cô gái khuyết tật Nguyễn Thị Thơm, người đã dũng cảm kể câu chuyện của đời mình.

Cô gái khuyết tật Nguyễn Thị Thơm đã dũng cảm kể về vết thương quá khứ ám ảnh mình.
Cô gái khuyết tật Nguyễn Thị Thơm đã dũng cảm kể về vết thương quá khứ ám ảnh mình.

Thơm là một cô gái khuyết tật, cựu sinh viên Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM. Trong bức thư gửi cho cô giáo thân thiết với mình, Thơm đã thực lòng chia sẻ về những lần cô bị xâm hại. Năm cô học lớp 5, mới tròn 12 tuổi, ở ngay trong ngôi nhà của mình, Thơm đã bị người bạn của cha mẹ thực hiện hành vi đồi bại. Sự việc còn diễn ra nhiều lần, trong chính ngôi nhà của Thơm khiến cô luôn sống trong nơm nớp lo âu.

Năm 19 tuổi, cô suýt bị cưỡng bức bởi một người thân thiết đã 70 tuổi. Và còn vô vàn những lần khác, bởi Thơm khuyết tật, những kẻ đầu óc tăm tối luôn nghĩ là cô không có khả năng chống cự. Từ gã thanh niên mới lớn, người họ hàng cho đến cả Mạnh thường quân trông có vẻ rất đạo mạo. 

Nói ra câu chuyện đời mình, Thơm mong muốn gióng lên một tiếng chuông, rằng trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật là một đối tượng rất dễ tổn thương và bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của những kẻ biến thái, ấu dâm, có thể rơi vào nỗi đau cùng cực của tâm hồn. Tuy nhiên, can đảm nói ra, Thơm cũng phải đối mặt với không ít những phiền toái. Ấy là khi những kẻ biến thái, vô đạo đức khác liên lạc, quấy rối cô bằng lời nói…

Nhưng cô gái bé nhỏ tật nguyền ấy, với sức sống mãnh liệt, với sự mạnh mẽ, tích cực đã vượt qua những bóng tối, tàn nhẫn của con người. Cô vẫn tiếp tục sống tốt, đã lập gia đình với một người ngoại quốc yêu thương, cảm thông với cô bằng tấm lòng chân thành. 

Bỏ lại bóng tối phía sau lưng

Với hầu hết nạn nhân của vấn nạn lạm dụng tình dục từ thuở nhỏ, vết thương tâm hồn là một gánh nặng mà họ phải mang có khi suốt cuộc đời: Tâm lý sợ hãi, ám ảnh, trầm cảm, bất an, ngờ vực, mất niềm tin vào bản thân, mất niềm tin vào cuộc sống. Có người còn gieo mình vào cuộc sống sa đọa để tìm cách quên đi. Không ít trường hợp, các cô gái, chàng trai sa chân vào con đường mại dâm chỉ vì tự coi bản thân mình là nhơ nhuốc do bị xâm hại từ bé. 

Càng giữ kín trong lòng, nỗi đau ấy càng giày vò những nạn nhân khiến họ không lối thoát. Chính vì thế, sau rất nhiều năm, khi ở tuổi thanh niên, trung niên, hoặc cả khi về già, nhiều người đã lựa chọn cách nói ra để nhẹ lòng. Nói, không chỉ là một cách giải tỏa mà là nhìn thẳng vào nỗi đau của mình, không lẩn tránh nó, để mà bước qua.

Tại Việt Nam, có một thời điểm, hàng loạt người nổi tiếng trong giới showbiz cũng phơi bày câu chuyện riêng tư, nỗi đau xâm hại thuở nhỏ để cùng góp lên tiếng nói chống vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em.

Tại nước ngoài, người ta cũng chứng kiến không ít những người nổi tiếng đã lên tiếng chia sẻ chuyện bị lạm dụng của chính mình. Đó là nữ diễn viên nổi tiếng Hollywood Ashley Judd, từng bị bỏ rơi, bị lạm dụng, chứng kiến mẹ mình và tình nhân quan hệ tình dục, sử dụng ma túy tại nhà suốt thuở ấu thơ. Đó Anne Heche, từ 12 tuổi đã liên tục bị cha mình cưỡng bức. Hay nữ diễn viên nổi tiếng Teri Hatcher, sau 35 năm mới dám đứng ra tố cáo cậu mình từng lạm dụng tình dục mình một thời gian dài khi cô còn là một cô bé. Cho đến lớn, Teri Hatcher vẫn luôn dằn vặt và tự trách mình, cho đến khi nhận ra lỗi lầm ấy không phải của bản thân, nữ diễn viên đã quyết định phơi bày tất cả ra ánh sáng.

Nữ ca sĩ Lady Gaga vượt qua mặc cảm, trở thành người đấu tranh cho nữ quyền.
Nữ ca sĩ Lady Gaga vượt qua mặc cảm, trở thành người đấu tranh cho nữ quyền.

Làng giải trí quốc tế cũng chứng kiến nhiều nạn nhân của nạn xâm hại tình dục đã mạnh mẽ bước qua được nỗi đau, tự chữa lành vết thương lòng để thành công và trở thành những nhà hoạt động xã hội, những người truyền cảm hứng. Lady Gaga là một trường hợp như thế. Nữ ca sĩ hàng đầu thế giới từng phải đi trị liệu tâm lý vì ám ảnh sau cú sốc bị lạm dụng ở ngay ngưỡng cửa bước vào đời.

Suốt một thời gian dài, cô không ngừng tự trách bản thân và không biết phải sống thế nào, cho đến khi cô quyết định công bố tất cả sự việc vào năm 2014. Sau khi vượt qua biến cố, Lady Gaga đã trở thành một người tích cực đấu tranh vì nữ quyền với những hoạt động xã hội, những dự án âm nhạc lên tiếng vì nạn nhân bị xâm hại tình dục.

Showbiz thế giới cũng từng chứng kiến những hoạt động mạnh mẽ của nữ ca sĩ Madona, của MC quyền lực Oprah Winfrey. Họ đều là những nạn nhân của ấu dâm  và đã mạnh mẽ định hướng đúng đắn cho cuộc đời mình, đạt được thành công trong sự nghiệp nhờ niềm đam mê, để rồi truyền cảm hứng sống cho hàng triệu phụ nữ, trong đó có rất nhiều nạn nhân của nạn xâm hại tình dục.

Nhìn nhận, nói ra và hành động, đó chính là cách mà nhiều nạn nhân của lạm dụng tình dục lựa chọn để vượt qua nỗi đau ấu thơ.

Bóng tối chỉ tồn tại khi người ta thỏa hiệp với nó. Nhưng nhiều con người dũng cảm đã không chấp nhận thỏa hiệp với bóng tối. Họ không để bóng tối bủa vây mình. Họ vùng vẫy, tìm mọi cách để bước ra ánh sáng, để vươn lên như bông hoa hướng dương luôn hướng về ánh nắng mặt trời. Những nạn nhân ấy đã khiến số phận đau thương của mình trở nên tích cực và hữu ích. Niềm tin và sức sống của họ đã sưởi ấm, động viên cho biết bao tâm hồn tổn thương, lạc lối, đang trên hành trình tìm kiếm lối thoát.

Đọc thêm