Những ngày tháng không bao giờ quên!
Tại Trường Tiểu học Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, có 2 thầy giáo trẻ 9X vẫn miệt mài gieo chữ. Đó là thầy giáo Phạm Xuân Diệu (sinh năm 1993) và thầy Nguyễn Công Qua (sinh năm 1994). Dù còn rất trẻ nhưng hai thầy giáo đã luôn mong muốn mang tri thức đến với học sinh vùng đảo.
Thầy Diệu tâm sự: “Ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế giảng đường Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang (Khánh Hòa), tôi đã mong muốn sau này được đem con chữ đến với những em nhỏ ở vùng khó khăn, giúp các em tiếp cận kiến thức. Với Trường Sa, những đứa trẻ ở vùng biển, đảo xa xôi này, ai cũng dành những tình cảm đặc biệt và với tôi, tôi thể hiện bằng cách xin tình nguyện ra dạy nơi đây”.
Thầy kể, hôm đó, dù vẫn còn cảm giác say sóng do không quen với hải trình đi trên biển của tàu thủy, nhưng vừa thấy màu đỏ của mái trường, mùi thơm của sơn tường và cả mùi của bàn ghế gỗ… cả hai thầy đều khỏe trở lại, xắn tay áo vào dọn dẹp khu nhà ở và vệ sinh trường lớp.
Với thầy Qua, được đứng lớp ở vùng đảo là niềm tự hào rất đỗi thiêng liêng. “Với cá nhân tôi, được đi dạy tại Trường Sa là một niềm tự hào. Nơi biển đảo thiêng liêng, chúng tôi quyết tâm không chỉ mang con chữ đến cho trẻ mà còn là những “người cha” giáo dưỡng các em thành tài, để mai này chính các em sẽ là những người bảo vệ vững vàng chủ quyền biển đảo nước ta”, thầy Qua chia sẻ.
Từ xã Cam Lâm, huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, cô giáo Bùi Thị Nhung đã viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học với tinh thần “tất cả vì học sinh Trường Sa thân yêu”. Biết vợ làm đơn tình nguyện ra Trường Sa, chồng và bố mẹ đẻ của cô Nhung lúc đầu không ủng hộ. Nhưng được cô giải thích, thuyết phục “đi Trường Sa để cống hiến và giúp lũ trẻ biết chữ”, gia đình đã đồng ý.
Ngày cô Nhung bế con nhỏ bước chân xuống tàu đi Trường Sa, bố mẹ cô nghẹn ngào trên cầu cảng. Người cha già mặt buồn buồn mong con gái đi gặp nhiều may mắn, còn mẹ cô mắt đỏ hoe đưa tay vẫy khi tàu rời bến. Cuộc chia xa không hẹn ngày trở về xúc động. Chen lẫn niềm vui, nỗi buồn là những giọt nước mắt.
Sau gần 3 ngày đêm hải trình không nghỉ, tàu 957 của Vùng 4 Hải quân đưa cô Nhung đến đảo Trường Sa Lớn. Đêm đầu tiên giữa “quần đảo bão tố”, cô không hề chợp mắt, phần vì lạ đảo, lạ nhà, phần vì nhớ đất liền canh cánh trong lòng.
Cô Nhung bắt đầu “gieo chữ” cho học sinh Trường Sa trong điều kiện dụng cụ học tập chưa đầy đủ. Số học sinh chỉ chưa được 10 em ở các độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5. Do học sinh ít, lại không đủ giáo viên, mình cô Nhung đảm nhiệm dạy học 5 lớp (từ lớp 1 đến lớp 5). Để tiện quản lý, các em học sinh được học trong một phòng. Các bàn học được kê hình đa giác. 5 chiếc bảng treo ở 5 vị trí khác nhau. Học sinh học lớp mấy thì ngồi đối diện với bảng ở vị trí đó. Cô Nhung đi vòng tròn dạy cho từng lớp.
Trong khi học sinh lớp 5 làm bài tập thì học sinh lớp 3 tập viết, lớp 2 tô màu. Ra chơi cùng chung một giờ, cô trò ngồi quây quần bên nhau. “Cái khó nhất dạy học ở Trường Sa là học sinh ít, lại dạy chung một phòng học. Một mình tôi dạy 5 lớp trong một không gian hẹp. Điều kiện cơ sở giáo dục còn nhiều khó khăn. Ngoài học chữ theo chương trình chung của Bộ, các em được học “tinh thần thép”. Tức là học tình yêu biển, đảo của Tổ quốc.
Đa phần các em có ước mơ lớn lên làm chú bộ đội và ở lại đảo. Những buổi được các chú bộ đội đến kể chuyện, các em luôn hào hứng. Với tôi, dạy học ở Trường Sa tuy vất vả nhưng rất tự hào, vì đã góp phần nhỏ bé gieo chữ cho các em nơi đầu sóng ngọn gió. Những ngày tháng ấy không bao giờ quên”, cô Nhung chia sẻ.
Những ngôi trường mới, khang trang hơn, đẹp hơn ở vùng núi Nam Trà My. |
Nghề giáo nhiều vất vả nhưng cũng rất vinh quang. |
Những lớp học vùng bản ra đời
Hơn 20 năm là “người đưa đò” trên mảnh đất nghèo Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ (Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính, xã Trà Don, huyện Nam Trà My) vẫn nung nấu mang đến nhiều hơn những ngôi trường, căn nhà cho những mảnh đời trên dãy Trường Sơn đại ngàn.
“Khoảng năm 2014, tôi thấy nhiều giáo viên đến với các điểm trường vùng sâu, vùng xa nhưng chỗ ăn uống, ngủ nghỉ, nơi dạy học không đảm bảo. Một số thầy cô chán nản, muốn bỏ về vì ăn uống, sinh hoạt đều khó khăn.
Các điểm trường tạm bợ, trời nắng thấy mặt trời, trời mưa ướt cả phòng, trời lạnh thì gió lùa vào đến từng em một. Lúc này, tôi nghĩ mình cần phải làm điều gì đó giúp thầy cô cũng như học sinh ở những điểm trường này”, thầy Vỹ kể lại.
Người thầy của bản làng thành lập câu lạc bộ (CLB) “Kết nối yêu thương” với 23 thành viên là các giáo viên, cán bộ trong huyện. Mục đích khi mới khai sinh của CLB là kêu gọi xây dựng, sửa chữa các điểm trường, trường học lụp xụp.
Thời gian đầu chưa kêu gọi được kinh phí nên các thành viên trong CLB tự đóng góp. Đến cuối năm 2014, điểm trường Măng Lưng, xã Trà Cang đã được láng nền xi măng phòng học. Thầy Vỹ bồi hồi: “Đó là công trình đầu tiên của cả nhóm, lúc đấy rất vui, khí thế hừng hực để chuẩn bị cho những dự án tiếp theo”.
Những thành quả nhỏ nhoi ban đầu được thầy Vỹ gửi đến các nhà hảo tâm để xin kinh phí với dự định lớn hơn. “Bước đầu đi xin kinh phí rất khó vì người ta không tin tưởng mình. Nhưng sau đó vì kết quả ngoài mong đợi, mình kê khai chi -thu rõ ràng nên các nhà hảo tâm gửi về nhiều lắm, tôi cũng mừng vì góp phần rất nhỏ vào công cuộc xây dựng này”.
Dù vất vả, khó khăn nhưng những người thầy, cô giáo nơi vùng đảo chưa bao giờ nản chí. |
“Quả ngọt” của nghề giáo
Để xứng đáng với hai từ nhà giáo quả thật không dễ. Cố gắng thôi chưa đủ mà còn phải nhận thức lại về vai trò, trách nhiệm, nhất là về cách dạy của mình đối với học sinh.
Cũng như cô giáo Nhung, thầy Tình dạy 5 lớp trong một phòng học. “Lớp học xoay vòng” của thầy gồm các em học sinh là con của ngư dân đang sinh sống tại đảo và cả con của bộ đội Trường Sa. Trong giờ học, thầy Tình say mê giảng bài, tận tình chỉ bảo; ngoài giờ học, thầy Tình là người bạn thân thiết của các em. Bởi vậy có em “lém lỉnh” gọi thầy là “anh Tình”.
Thầy Tình chia sẻ: “Điều tôi tự hào nhất là được dạy học ở tuyến đầu Tổ quốc. Tuy có nhiều vất vả nhưng mỗi ngày được đứng trên bục giảng, cảm giác khó khăn, trở ngại tan biến hết. Tôi đã đứng trên bục giảng 16 năm. Ra Trường Sa dạy học cũng là thỏa mãn khát vọng cống hiến cho Trường Sa”.
Để ca ngợi công lao của nhiều nhà giáo đã hy sinh tình riêng để gieo chữ nơi vùng đảo xa, nhiều ca khúc hay đã ra đời, trong đó có “Người gieo chữ nơi đảo xa” của nhạc sĩ Trần Hùng. Nhạc sĩ Trần Hùng cho rằng, hiện nay, có rất nhiều ca khúc tri ân ca ngợi thầy, cô giáo và viết về các vùng miền khác nhau. Những tác phẩm đó chủ yếu tập trung vào những nơi mà các thầy cô và học sinh có điều kiện học tập thuận lợi hơn. Mặc dù trước đó có những ca khúc viết về tấm gương các thầy cô và mái trường ở vùng cao cũng rất ấn tượng.
Tuy nhiên, để viết về người thầy gieo chữ ở ngoài đảo thì chưa nhiều. “Ngoài đảo, thầy, cô giáo và các em đang phải tự chủ động mọi thứ, đoàn kết, yêu thương, kiên định vượt lên bão táp phong ba, khó khăn cuộc sống thì tình cảm thầy trò càng trân quý hơn bao giờ hết. Ở đó, người thầy không chỉ là người truyền thụ kiến thức, dạy các em biết yêu quê hương, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Họ còn là những người anh chị, người bạn cùng vun đắp tình cảm như người thân ruột thịt” - nhạc sĩ Trần Hùng chia sẻ.
Còn với thầy Vỹ, “quả ngọt” của 8 năm là người “vác tù và hàng tổng” là hơn 40 điểm trường được xây mới, 30 điểm trường được sửa chữa và hỗ trợ trang thiết bị phòng học như điện năng lượng mặt trời, bàn ghế, bảng, sách vở…
Vậy mới thấy, nghề giáo không chỉ là vinh quang, là “hoa thơm, quả ngọt”, nghề giáo vốn nhiều vất vả, gian nan. Nếu chỉ vì vinh quang, có lẽ sẽ không nhiều người thầy tâm huyết với con chữ đến vậy. Tất cả đều đến từ tình thương học trò, khát khao được dạy cho những học sinh còn khó khăn…