Đãi bùn ra tiền
Không ai biết rõ từ năm nào, trên những dòng kênh xuất hiện những người lếch thếch cầm chậu lớn, chiếc vợt rồi ngụp lặn xúc từng vợt bùn nặng trịch. Lẫn trong lớp bùn hôi hám ấy là miếng cơm manh áo. Từ vài người xúc, thấy kiếm được, đã rủ thêm anh em họ hàng, người cùng quê vào lập nghiệp, tạo nên xóm đãi trùn chỉ quanh bến Phú Định (phường 16, quận 8, TP HCM).
Người được xem là đãi trùn lâu năm nhất ở xóm cũng ngót hơn 50 năm, còn cỡ 17 năm như anh Nguyễn Văn Hà (37 tuổi, quê Thái Bình) mới được xếp vào hạng thợ lành nghề. Thời còn là chàng trai hơn 20 tuổi, anh rời quê vào miền Nam làm đủ nghề nhưng thu nhập không ổn định. Nghe một vài người bạn mách nghề đãi trùn chỉ kiếm ra tiền, lại tự do, nên anh khăn gói tìm đến khu bến Phú Định này sinh sống, chẳng cần vốn liếng gì ngoài chiếc chậu lớn và chiếc vợt.
Không chỉ anh Hà, những người đãi trùn chỉ trong xóm trọ cũng bén duyên với nghề như vậy. Nghề không chỉ dành cho những người trung niên chịu khó, không sợ bẩn, trong xóm còn có gần chục người tuổi còn trai tráng. Họ cũng từng lang thang làm thuê từ bốc vác, công nhân nhưng làm không đủ ăn nên kéo nhau đến xóm này đãi trùn chỉ. Xen lẫn có những người gốc miền Tây theo kiểu “cha truyền con nối”, như gia đình ông Nguyễn Văn Toàn (52 tuổi) có tới 4 đời.
Nắng chiều phủ xuống những lưng trần lom khom. Chân đất, đầu trần, quần cụt, những người đãi trùn chỉ thoăn thoắt bước xuống ghe. Theo những con nước ròng, ghe nhổ neo chạy phành phạch để lại những vệt sóng dài trắng xoá, len lỏi vào các con kênh, dòng sông, nơi có nhiều bùn bồi. Những người đãi trùn chỉ thường chọn những địa điểm sông, kênh, rạch còn sạch vì ở đó mới có trùn sinh sống. “Trùn chỉ rất kén môi trường sống. Chỉ cần nước bắt đầu ô nhiễm hay trời trở mưa thì nó sẽ bị chết. Chỗ nào nước càng sạch càng có nhiều”, anh Hà cho hay.
Nghề đặc biệt đãi bùn ra tiền |
Đồ nghề của dân đãi trùn chỉ rất đơn giản, một chiếc thuyền, hay khá hơn là chạy máy, chiếc vợt nhỏ, vài ba cái thau nhựa. Khi chiếc ghe vừa dừng tới địa điểm đãi, người thợ buộc dây vào những chậu đựng trùn đeo vào cổ. Từ xa cảm giác như chỉ có những chiếc chậu nổi lềnh bềnh. Vục chiếc vợt xuống lòng nước, khom người, tay trần vốc từng nắm bùn đen nhớp rồi đãi mạnh trong nước đen, lắc cho bùn trôi bớt và những con trùn chỉ màu hồng nhạt hiện ra. Chậu đựng cả bùn lẫn trùn chỉ ngày một nặng, sợi dây móc vào cổ ngày một thít mạnh hơn, người thợ di chuyển lại ghe của mình đổ xuống khoang, đến khi nào ghe đầy mới chịu về.
Nếu gặp những nơi nước cạn, người đãi trùn còn trừ lại được cái đầu phía trên mặt nước để thở. Còn khi gặp nước sâu, họ ngụp lặn xuống đáy, hai tay dùng vợt đẩy nhanh một đường rồi mới ngoi lên mặt nước.
Quan trọng nhất đối với nghề chỉ là phải biết cách xem con nước thay đổi theo chu kỳ rồi tính toán giờ đi đãi. Theo kinh nghiệm, một ngày con nước ròng theo hai đợt ngày và đêm, tuỳ tuần trăng, theo mùa thì nước lên xuống cũng sẽ thay đổi theo. Anh Hà nhẩm tính: “Một tháng sẽ chia làm 2 đợt nước lên xuống khác nhau, lấy ngày rằm và mùng 1 làm mốc rồi tính theo vòng tròn. Nếu hôm nay đi lúc 4h chiều thì ngày mai phải muộn hơn 1 tiếng, tiếp tục những ngày sau cứ lùi dần như vậy. Ban đầu, chúng tôi cũng không biết tính, đi riết mãi thành quen”. Quanh năm như vậy, người thợ đãi trùn sẽ đi một ca vào lúc xế chiều, ca còn lại vào ban đêm. Họ thường chọn đi ban đêm vì sẽ kiếm được nhiều trùn hơn, dù phải thức trắng.
Việc xác định địa điểm nào có trùn cũng rất quan trọng, khi chạy ghe đến những nơi đã lựa chọn trước, người thợ sẽ lấy tay chèo khơi nhẹ lớp bùn, nếu thấy những con vật li ti ngọ nguậy thì chứng tỏ sẽ có nhiều trùn chỉ. Trước đây, nước trên các con sông, kênh, rạch ở Sài Gòn còn sạch, người đãi trùn chỉ không phải lo lắng địa điểm hay phải di chuyển cả tiếng đồng hồ ra những vùng lân cận như bây giờ. “Hơn chục năm trước, ở đây không hề có chiếc ghe nào, chỉ cần cầm chậu, cái vợt rồi ra kênh Tàu Hủ trước mặt đãi cũng kiếm được bộn tiền. Càng ngày nước càng bẩn, nghề đãi trùn khó khăn hơn, phải sắm ghe đi xa mới có thu nhập”, một người chia sẻ.
Đồ nghề của một thợ trùn chỉ |
Nghề “gia truyền”
“Sau khi chở bùn về, phải xúc lên đổ vào khay nhựa lớn có lót bạt rồi bỏ vào chỗ mát. Vài giờ sau, trùn chỉ sẽ tự ngoi lên, kết thành từng mảng nổi trên bề mặt. Lấy tảng trùn này ngâm trong nước sạch một lát là có thể đem bán. Ngày trước trùn bán tính bằng lon, nay thì tính cân. Mỗi ngày làm khoảng 5- 6 tiếng, thợ đãi trùn kiếm được 300 - 400 nghìn”, anh Hà cho biết.
Thời mới vào nghề, chưa quen với việc ngâm mình nhiều tiếng dưới nước, ai cũng bị ngứa ngáy khắp người, mùi bùn, rác thải bốc lên khiến họ không nuốt nổi cơm. Lâu dần thành quen, giờ gặp nước ở đoạn sông nào họ cũng đều thoải mái bơi lội mà chẳng ngứa ngáy gì.
Thu nhập cao nhưng công việc này khá vất vả, không ít lần họ gặp tai nạn nghề nghiệp. Lúc dẫm phải mảnh sành đứt chân, tay cứa phải vật sắc nhọn, chưa nói đến bị chuột rút. Mỗi lần như vậy, họ phải nghỉ ở nhà cho đến khi vết thương lành mới tiếp tục đi làm, nếu không lội bùn sẽ bị nhiễm trùng. Thợ đãi trùn, chân tay ai cũng khô mốc đầy những vết sẹo, trầy xước.
Tai nạn nghề nghiệp còn có những lần đi làm ban đêm ghe bị mắc cạn, về không được, phải chờ nước lên. Có khi đãi trùn trên sông Sài Gòn, những tàu buôn lớn, ca nô chạy nhanh sóng xô mạnh, thau trùn lật úp, lại buồn bã hì hục đãi lại từ đầu.
Gắn bó nhiều năm với sông nước, người làm nghề đãi trùn bị ảnh hưởng ít nhiều tới sức khoẻ. Hầu hết họ đều bị đau khớp do ngâm mình dưới nước, bị những chứng bệnh như nấm, ghẻ lở, da nổi mụn nhọt, thậm chí liên quan đến đường hô hấp. Biết là vậy, nhưng họ vẫn bám víu lấy kế sinh nhai. “Từ thời ông nội tôi đãi trùn chỉ nuôi lớn 8 người con. Đến thời cha tôi cũng nhờ nó mà nuôi 5 anh em tôi thành gia lập thất. Từ lúc mấy tuổi đầu đã lấy mấy con trùn chỉ chơi nên gắn bó với nó lúc nào không hay. Đứa con trai học hành lỡ dở cũng cho theo làm nghề đãi trùn chỉ kiếm vốn sau này lấy vợ”, ông Toàn cười.
Thành quả sau một ngày làm việc cật lực |
Những thợ đãi trùn là người Bắc thì khó khăn hơn chút ít, nhưng so với nhiều nghề khác thì vẫn có thu nhập khá hơn. Anh Hoàn từng là thợ đãi trùn, sau này có chút vốn liếng, đầu óc làm ăn nên anh trở thành mối thu mua trùn chỉ của những người thợ trong xóm. Không chỉ bán buôn ở khu vực trong Nam, anh Hoàn còn mở rộng thị trường bán ra tận miền Bắc.
Những thợ còn lại, ngoài khoản chi tiêu hàng ngày, còn đâu bỏ tiết kiệm. Vài ba năm có dư họ đưa được cả gia đình vào đây sống, nuôi các con khôn lớn, ăn học đàng hoàng. “Vất vả nhưng ngày nào còn sức khoẻ, còn người mua trùn chỉ nuôi cá kiểng, cá giống thì tôi vẫn đi đãi. Nếu con trai học không lên được cao, tôi vẫn cho nó theo nghề ”, anh Hà cười.