Chị Nguyễn Thị Mỹ Hoa là một người dân ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chị là một người phụ nữ buôn bán nhỏ hè đường. Một buổi sáng cách đây vài hôm, chị thức dậy sớm hơn thường ngày, dù tối qua đã bán hàng khuya. Chị mặc áo thật ấm, bịt khẩu trang cẩn thận, qua gõ cửa nhà hàng xóm, rồi cùng vài chị em phụ nữ khác đến một địa điểm trên đường Giải Phóng để xếp vào hàng người đang chờ đợi. Chị đi mua nông sản ủng hộ người dân Hải Dương.
Mấy hôm nay, chị đọc mạng thấy nông sản ế ẩm, bán giá rẻ như cho, nhiều chỗ phải vứt đi vì hư hỏng, người dân khóc ròng. Chị cũng đọc lời kêu gọi của nhóm chuyên “giải cứu” nông sản. Thế là chị rủ các bà bạn hàng xóm sáng hôm ấy đến điểm “tập kết” để chờ xe hàng đến. Chị bảo, mua về không ăn hết thì đi biếu bà con họ hàng, chứ nhìn nông sản phải vứt bỏ, trong khi người nông dân Hải Dương khốn khổ, chị xót quá. Từ lúc chị đến xếp hàng cho đến lúc mua xong ra về âm thầm lặng lẽ, có lẽ chẳng ai biết chị là ai.
Cả một đoàn người đeo khẩu trang cũng thế, ngoài những người bạn rủ nhau đi, có ai biết mặt nhau. Cả lên báo, truyền hình, đó cũng là một hàng người vô danh, khó nhận diện. Họ âm thầm đi làm cái chuyện mà mình cho là tốt, giúp người, thế thôi.
Năm qua là một năm đầy biến động đối với thế giới, đối với Việt Nam. Covid hoành hành. Hạn mặn, lũ lụt kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng. Mỗi một đợt bùng dịch, mỗi một đợt thiên tai, có biết bao mạnh thường quân, người có lòng không tiếc công sức, tiền bạc, vật chất, hỗ trợ những người yếm thế trong xã hội. Trong số đó, có những người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, là người của công chúng, lên tiếng nói để kêu gọi quyên góp, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau.
Nhưng, cũng có những người làm việc tốt âm thầm. Đó là những người đứng đằng sau cây ATM gạo để khuân vác từng bao gạo đổ vào đường ống để người dân “nhấn phát ra gạo” một cách thuận tiện nhất. Đó là những gia đình nhỏ, cha mẹ và con cái lặng lẽ đeo khẩu trang đi phát thực phẩm cho người vô gia cư lúc màn đêm buông xuống. Đó có thể là một thanh niên miễn biển chèo thuyền đưa đón các đoàn cứu nạn đến vùng lũ, không để lại danh tính, chỉ để lại một nụ cười lấp lóa nắng hồn hậu. Đó có thể là hàng triệu người, bằng những cú pháp tin nhắn đơn giản ủng hộ tiền phòng chống dịch, những cú nhấp chuột chuyển khoản đến vùng bão lũ…
Chị Xuân Phương, phụ trách nhóm thiện nguyện Tấm lòng tại TP HCM chia sẻ, trong năm qua, nhóm của chị đã thực hiện được nhiều chương trình ý nghĩa cho bà con vùng lũ, người dân khu vực cách ly. Trong số các mạnh thường quân hỗ trợ, có những người làm việc thiện rất âm thầm, lặng lẽ. Có người chuyển khoản đến hàng trăm triệu đồng không để lại danh tính. Có những chủ hãng xe cho mượn phương tiện vận chuyển đem hàng đi cả nước cho người dân, không lấy một đồng tiền xe lẫn tiền xăng và cũng đề nghị không công bố tên tuổi lên mạng xã hội. Có trường hợp, cụ già đem tài sản tích cóp của mình ủng hộ người dân miền Trung, khi hỏi tên, cụ nhất quyết không cho biết. Cụ chỉ muốn làm một việc ý nghĩa để mình cảm thấy thanh thản, yên vui.
Trên đất nước Việt Nam, trong gian khó, nhiều tấm gương sáng, đẹp đẽ với tấm lòng vàng được người dân biết đến. Và họ cũng cần được biết đến, bởi, những hành động của họ thật ý nghĩa, tốt đẹp, truyền cảm hứng cho công chúng, để có thể nhân rộng hơn nữa những tấm lòng như thế.
Nhưng, những con người âm thầm làm việc tốt không cầu danh lợi, không cần được biết đến hay báo đáp cũng đáng quý biết bao. Điều duy nhất họ cần khi chung tay góp sức, là giúp đỡ được những người cần đến sự giúp đỡ. Mong cầu của họ là sự hỗ trợ của mình đến đúng người, đúng việc.
Người ta bảo, chưa có những ngày tháng nào lạ như những ngày tháng qua. Cả dân tộc vất vả, thấp thỏm và mất mát. Nhưng cũng trong những ngày tháng ấy, chúng ta đã có thêm được quá nhiều điều đặc biệt. Đó là cái cách mà người trong một nước đối xử với nhau, đầy san sẻ, chung lòng, đầy yêu thương và nâng đỡ.
Đó là những sáng kiến độc đáo chỉ có ở Việt Nam như: ATM gạo, máy rửa tay, xe bus khẩu trang, ATM thực phẩm, siêu thị không đồng… Những sáng kiến ấy không chỉ đến từ những tài năng, mà từ những tấm lòng. Phải yêu thương và nghĩ cho đồng bào đến thế nào thì mới có thể cho ra đời những sản phẩm đáng yêu và giúp được nhiều người như thế.
Người Việt là một dân tộc có không ít “thói xấu” mà chúng ta vẫn hay tự phê phán và tự trào. Thế nhưng, người Việt cũng thật giàu nghĩa tình, sống chân thành và đáng quý biết mấy. Người Việt đôi khi ồn ào và khoe mẽ, nhưng người Việt cũng âm thầm, lặng lẽ yêu thương và giúp đỡ nhau trong nguy khó.
Những tấm lòng ấy, gió chẳng thể cuốn đi đâu. Mai sau, mai sau nữa, lịch sử và miệng đời sẽ còn nhắc nhớ một giai đoạn đặc biệt của Việt Nam. Khi ấy, những cá nhân nổi bật cũng đã bị phủ bởi bụi của thời gian. Chỉ còn lại một câu chuyện đẹp, rằng người Việt đã từng hào sảng thế nào, đã từng mạnh mẽ ra sao, đã từng dùng lòng thành để giúp đỡ nhau dìu nhau qua mất mát và tổn thương.
Dù thế nào đi nữa, người với người sống để thương nhau!