Những người tự nguyện chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ

(PLVN) - Nghĩa trang liệt sĩ không chỉ là nơi an nghỉ của liệt sĩ mà còn là công trình văn hóa – lịch sử mang đậm giá trị nhân văn ghi nhận công đức của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Phát huy truyền thống "uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây", ngoài sự quan tâm của đảng bộ, chính quyền các cấp, không ít những người tự nguyện góp công sức, chăm sóc những phần mộ để các anh hùng liệt sĩ “ấm lòng”.

“Ấm lòng” những anh hùng liệt sĩ

Không quản ngày đêm, vất vả, những người làm công tác quản trang ở các nghĩa trang liệt sĩ trên mảnh đất chữ S vẫn âm thầm chăm sóc nơi yên nghỉ của hàng ngàn liệt sĩ. Đối với họ, đó không đơn thuần là công việc mà còn là tấm lòng tri ân đối với những người đã hy sinh máu xương để đất nước có ngày hôm nay.

Cựu chiến binh Huỳnh Văn Ly, hơn 70 năm tuổi đời, có 30 năm làm công tác quản trang tại nghĩa trang liệt sĩ xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo. Ngày nào cũng vậy, người cựu chiến binh này có mặt tại nghĩa trang liệt sĩ để làm vệ sinh, dọn cỏ rác, sơn phết bia mộ, hương khói và tổ chức lễ giỗ liệt sĩ vào ngày 27/7.

Trên tinh thần tự nguyện, ông Huỳnh Văn Ly rất vui vì được gần gũi, chăm sóc trên 200 mộ liệt sĩ; trong đó, có nhiều đồng chí, đồng đội của ông đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến: "Quản lý nghĩa trang, mình thấy rất hân hạnh. Mình được phục vụ mấy anh bằng tấm lòng của mình, giữ gìn, quản lý nghĩa trang thật tốt, nhất là dọn dẹp cỏ rác cho sạch đẹp. Vì tình đồng chí, đồng đội gắn bó, mình đến đó nhớ lại các đồng chí đã từng chiến đấu với mình đã hy sinh. Các anh  bây giờ nằm đó, mình còn sống thì phải lo cho những người đã mất vì hòa bình, độc lập".

Vợ chồng chú Năm và con gái thắp hương cho các phần mộ ở nghĩa trang liệt sĩ liên huyện Long Điền - Đất Đỏ (ảnh Nhã Quyên)
Vợ chồng chú Năm và con gái thắp hương cho các phần mộ ở nghĩa trang liệt sĩ liên huyện Long Điền - Đất Đỏ (ảnh Nhã Quyên) 

Bước vào Nghĩa trang liệt sĩ liên huyện Long Điền - Đất Đỏ (Bà Rịa- Vũng Tàu), nhìn khuôn viên rộng ngút tầm mắt được quét dọn sạch sẽ, cây cối được chăm chút tỉ mỉ, một phần công sức ấy là của vợ chồng chú Năm (chú Trịnh Văn Lai và cô Văn Thu Ba). Năm nay, tuy đã ngoài 60 tuổi nhưng vợ chồng chú Năm vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn và hoạt bát. Gia đình cô chú có nhiều người từng tham gia hoạt động cách mạng và ở nghĩa trang này cũng có người thân của cô chú yên nghỉ.

Cô Năm trăn trở: “Trong số 1.996 ngôi mộ các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ liên huyện Long Điền - Đất Đỏ này vẫn còn nhiều phần mộ chưa xác định được tên tuổi. Chiến tranh, đất nước mình đã có hàng triệu người nằm xuống để giành lại độc lập cho dân tộc. Cô chú chọn công việc này cũng là để thể hiện lòng biết ơn đối với thế hệ đi trước”. Đó là lý do suốt hơn 20 năm qua, vợ chồng chú Năm gắn bó, giữ gìn nơi trang nghiêm, linh thiêng này.

Mỗi ngày từ 5 giờ sáng, vợ chồng chú Năm dậy quét dọn, chăm sóc các phần mộ và đón tiếp thân nhân liệt sĩ đến viếng. Cô Năm cho biết, vào những ngày rằm, lễ, tết và ngày kỷ niệm, chuẩn bị cho các đoàn đến đặt vòng hoa, thắp hương tưởng niệm… cô chú thức dậy sớm hơn và huy động cả gia đình cùng chuẩn bị vì nhiều việc hơn. Giờ đây, khi cô chú đã lớn tuổi, các con cô chú tiếp quản phần việc của ba mẹ để bảo vệ, chăm sóc nghĩa trang. Cô Năm cho biết thêm: “Mấy hôm nay, sắp tới ngày thương binh liệt sĩ, phải chuẩn bị nhiều phần việc hơn nên cả nhà chú phải tranh thủ làm từ sớm”.

Âm thầm đưa các liệt sĩ về quê nhà

Hơn 10 năm qua, ông Nguyễn Phước Hà (trú thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) tự nguyện chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ địa phương; giúp đỡ 150 thân nhân liệt sĩ tìm được mộ người thân… ngày nào cũng vậy, sau giờ làm việc tại trường học, ông dành thời gian chăm sóc, hương khói các phần mộ liệt sĩ ở nghĩa trang.

Các liệt sĩ nằm tại nghĩa trang này phần lớn quê ở miền Bắc vào Nam để chiến đấu và hy sinh. Hằng ngày, chứng kiến cảnh những người thân của các liệt sĩ đến hỏi thăm để tìm mộ phần, hài cốt liệt sĩ đưa về quê nhà an táng, ông Hà cần mẫn ghi từng thông tin trên bia mộ các liệt sĩ rồi đến UBND xã Bình Định Bắc kiểm chứng, đối chiếu và gửi thư quê các liệt sĩ nhờ chính quyền địa phương thông báo, liên lạc. 

Một bức thư, rồi hai, ba bức... cứ gửi đi và lòng ông Hà vẫn chờ đợi tia hi vọng phản hồi. “Có khi chờ 1-2 tháng không thấy hồi âm, tôi lại đánh dấu trong cuốn vở là thư đã gửi lần một, rồi gửi tiếp lần hai. Nhiều tấm bia có thể in sai địa chỉ, rồi có khi thân nhân liệt sĩ đã chuyển đi chỗ khác nên thư không đến được. Nhưng tôi vẫn cứ gửi”. Gần chục năm viết thư tay, ông Hà nhớ mỗi năm ông gửi 300-400 bức thư. 

Trong những lần đi tìm thân nhân cho liệt sỹ, có nhiều tên tuổi, quê quán liệt sỹ sai lệch nên ông phải đến bộ phận phụ trách chính sách người có công ở xã, huyện rồi tỉnh để xác minh. Trong mỗi bức thư gửi đi, ông ghi rõ địa chỉ, số điện thoại của mình để thân nhân liệt sỹ tiện liên lạc. Có những địa chỉ gửi đến hàng chục lần nhưng vì sai quê quán hoặc do thay đổi địa chỉ nên người thân của họ không nhận được thư, nhưng ông vẫn không nản. Cũng có địa chỉ mà ông phải đi đi lại lại nhiều lần để xác minh tên tuổi. Cũng có những bức thư gửi đến Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh được hồi âm và tìm ra địa chỉ nơi các anh ở, làm ông mừng khôn xiết.

Gần đây nhất, ông Hà đã giúp thân nhân đưa hài cốt liệt Nguyễn Văn Ba, nguyên quán huyện Xuân Trường, Nam Hà (nay là tỉnh Nam Định) về quê an táng. Ông Hà cho biết, việc tìm địa chỉ và thân nhân cho liệt sỹ Nguyễn Văn Ba rất khó khăn. Năm 2008, ông đã nhiều lần gửi thư đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nam Định nhưng không thấy người thân liệt sỹ liên lạc.

Bặt đi thời gian, có một cựu chiến binh tên Tiến quê Nam Định vào đây tìm mộ, ông đã đưa thông tin về liệt sỹ Ba cho ông Tiến về quê báo tin giúp. Không lâu sau, thân nhân liệt sỹ Nguyễn Văn Ba đã đến tìm gặp ông để xác định thông tin và hài cốt liệt sỹ Nguyễn Văn Ba được chính quyền địa phương, gia đình cất bốc đưa về quê an táng trong niềm vui của ông và xúc động của thân nhân liệt sỹ.

Với cách làm đó, ông đã giúp thân nhân các liệt sĩ tìm hơn 150 hài cốt đưa về nghĩa trang quê nhà…

Quản trang Nguyễn Phước Hà đã đã giúp thân nhân các liệt sĩ tìm hơn 150 hài cốt đưa về nghĩa trang quê nhà… (Ảnh: Đoàn Cường- Lê Trung)
Quản trang Nguyễn Phước Hà đã đã giúp thân nhân các liệt sĩ tìm hơn 150 hài cốt đưa về nghĩa trang quê nhà… (Ảnh: Đoàn Cường- Lê Trung) 

Ông Hà ngồi lau lại những tâm bia mộ liệt sỹ, nói chuyện với tôi mà thoảng như đang trò chuyện với những liệt sỹ nằm dưới đất kia. “Mình được sinh ra trong hòa bình, ấm no hạnh phúc như ngày hôm nay là nhờ ơn những người đã không tiếc thân mình chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên như thế này. Giờ các anh nằm lại trong đất mẹ nhưng chưa tìm về được với người thân, là thế hệ đi sau cảm thấy có lỗi nên mình chỉ biết cố gắng làm việc nhỏ mong sao gia đình các anh tìm được và đưa anh về thờ phụng hương khói. Nhìn thấy mộ các anh nằm trong nghĩa trang nhưng người thân không hay biết, lòng mình day dứt lắm. Làm được một việc tốt, lòng mình cảm thấy thanh thản hơn! Chỉ mong một điều là những ngôi mộ chưa biết tên ở đây sớm xác định được danh tính, để có thể trở về quê nhà, được người thân chăm sóc!”, ông Hà rưng rưng.

Những người lính năm xưa đã chiến đấu anh dũng và hy sinh để đem lại hòa bình cho đất nước. Giờ đây chiến tranh đã đi qua, được sống trong hòa bình nên tui nghĩ phải làm một điều gì đó để đền đáp công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ. Do vậy, những người chăm sóc các phần mộ đầy thiện nguyện luôn coi công việc của mình như một nén nhang tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc… Công việc quản trang vất vả, đồng lương eo hẹp, nhưng nhiều người vẫn gắn bó với công việc này bởi cái tâm. 

Sự chung tay quản lý, chăm sóc nghĩa trang của người dân thể hiện lòng tri ân, mang "hơi ấm" đến với vong linh các anh hùng, liệt sĩ, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ: đời đời nhớ ơn những người đã hy sinh cho đất nước để có nền hòa bình - độc lập như hôm nay.

Đọc thêm