Những “Nick Vujicic Việt Nam”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Bằng việc làm cụ thể và sự cố gắng của mình, tôi mong muốn đem tới nguồn cảm hứng cho mọi người trong xã hội, nhất là những người khuyết tật. Tất cả hãy tự mình cố gắng, cùng khích lệ và giúp đỡ nhau để vượt qua khó khăn từ dịch bệnh và cuộc sống”…
Đô cử Lê Văn Công đoạt Huy chương Vàng Paralympic Rio 2016 và Huy chương Bạc Paralympic Tokyo 2020.
Đô cử Lê Văn Công đoạt Huy chương Vàng Paralympic Rio 2016 và Huy chương Bạc Paralympic Tokyo 2020.

Đấu giá Huy chương vàng vô địch thế giới để làm thiện nguyện

Lực sĩ Lê Văn Công giành tấm Huy chương Bạc (HCB) môn cử tạ tại Paralympic Tokyo 2020 và tiếp tục chứng minh mình là một trong những lực sĩ xuất sắc nhất thế giới ở hạng dưới 49kg nam trong cuộc thi của những người khuyết tật. Tuy nhiên, đằng sau các cuộc thi đấu, Lê Văn Công còn là nhà vô địch của nỗ lực vươn lên vượt qua nghịch cảnh và lan tỏa lòng nhân ái tới cả cộng đồng.

Trước khi đến với Paralympic Tokyo, Lê Văn Công đã trải qua quá trình điều trị chấn thương dai dẳng ở vai trái kéo dài tới 2 năm với các tổn thương đa dạng ở vai và xương cánh tay như viêm khớp cùng đòn trái, viêm gân trên, gân dưới vai, phù tủy xương và nang xương dưới sụn chỏm xương cánh tay. Cùng với sự ảnh hưởng của chấn thương, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, việc tập luyện, thi đấu của Lê Văn Công cũng bị gián đoạn nhiều lần. 5 tuần trước khi lên đường tới Tokyo, lực sĩ 37 tuổi mới có thể bước tập luyện hàng ngày, trong đó có 4 tuần tập luyện tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG) TP HCM, còn 1 tuần tập luyện tại Nhật Bản.

Thực tế trong cuộc thi đấu tại Paralympic Tokyo cũng cho thấy Lê Văn Công thậm chí phải xịt giảm đau trước khi bước vào cuộc so tài với 8 đối thủ khác. Việc đăng ký mức tạ trong 3 lần cử cũng được Ban huấn luyện và Lê Văn Công điều chỉnh cho phù hợp với tình trạng cơ thể. Bằng nỗ lực rất lớn về tinh thần và sự hợp lý trong tính toán về thành tích, Lê Văn Công thành công trong cả lần cử với thành tích lần lượt là 165kg, 170kg và 173kg.

Hơn ai hết, Lê Văn Công hiểu rất rõ những trở ngại, thách thức trong cuộc sống mà những người khuyết tật, tàn tật và có hoàn cảnh khó khăn phải đối mặt. Bản thân Lê Văn Công cũng phải xoay xở làm rất nhiều nghề, để mưu sinh trong cuộc sống thường nhật khi mới 21 tuổi tại TP HCM kể từ năm 2005. Anh khởi nghiệp với nghề âm thanh, ánh sáng và sửa chữa loa đài, ampli từ nhiều năm, rồi phải làm thêm cả dịch vụ môi giới bất động sản và gần đây nhất là cùng bạn bè đầu tư trồng nông sản sạch gồm rau, củ và bắp tại huyện Củ Chi. Dẫu cả gia đình 4 người gồm vợ và 2 con hiện chỉ trông đợi vào khoản thu nhập từ 5-6 triệu đồng là tiền lương VĐV của Lê Văn Công.

Trong những ngày dịch bệnh COVID-19 hoành hành, gây ra muôn vàn khó khăn cho đời sống xã hội ở nhiều địa phương trên toàn quốc kể từ năm 2020. Ngay ở những đợt thu hoạch đầu tiên, Lê Văn Công đã gửi món quà là 2.000 trái bắp “Nữ hoàng đỏ” tới những người đồng đội là các VĐV thể thao người khuyết tật đang tập luyện tại Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng và sau đó còn gửi tới trang trại trẻ mồ côi tại TP HCM với mong muốn chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong lúc dịch bệnh.

Trước đó, vào đầu tháng 11/2019, Lê Văn Công đã quyết định đấu giá tấm Huy chương vàng (HCV) giành được tại Giải vô địch thế giới vào năm 2016 trên mạng xã hội để lấy tiền ủng hộ cho cô bé hàng xóm chữa bệnh ung thư. Tấm HCV sau đó được anh Nguyễn Thiện (quận 7, TP HCM) mua với mức giá 125 triệu đồng và toàn bộ số tiền đã được Lê Văn Công trao lại cho gia đình bé Đoàn Thị Bích Hương để cô bé được điều trị tốt hơn.

Câu chuyện về tấm HCV được đấu giá và nhiều nghĩa cử đẹp của Lê Văn Công đã lan tỏa tình yêu thương, tinh thần tương thân tương ái tới toàn xã hội. “Bằng việc làm cụ thể và sự cố gắng của mình, tôi mong muốn đem tới nguồn cảm hứng cho mọi người trong xã hội, nhất là những người khuyết tật. Tất cả hãy tự mình cố gắng, cùng khích lệ và giúp đỡ nhau để vượt qua khó khăn từ dịch bệnh và cuộc sống”, Lê Văn Công hy vọng.

Lê Văn Công sinh ngày 20/6/1984 tại Hà Tĩnh và bị chứng teo chân từ nhỏ. Anh rời quê hương vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp từ năm 2005 với mong muốn chiến thắng số phận. Kể từ khi tham gia CLB hướng nghiệp dành cho người khuyết tật và bén duyên với các môn thể thao với mục đích tập luyện để duy trì sức khỏe. Lê Văn Công từng tập luyện điền kinh và sau đó mới chuyển hẳn sang thi đấu cử tạ tại CLB thể thao dành cho người khuyết tật quận Tân Bình, TP HCM.

Trong sự nghiệp thi đấu, ngoài rất nhiều tấm huy chương trong nước, Lê Văn Công từng giành HCV châu Á 2007 và 2015, HCB giải Vô địch thế giới 2014, HCV Asian Para Games 2014, HCV ASEAN Para Games 2015 và HCV Paralympic Rio năm 2016.

Chàng trai 2 lần vượt cửa tử và một cuộc đời ý nghĩa

Tô Đình Khánh (sinh năm 1993, quê Đắk Lắk) là một chàng trai khỏe mạnh, gương mặt ưa nhìn. Tuy nhiên, biến cố kinh hoàng xảy ra ở tuổi 25 đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Khánh. Anh bị tắc động mạch máu ở bụng chân khiến máu không thể di chuyển xuống chân. Khánh buộc phải cắt bỏ đi đôi chân thì mới có cơ hội sống tiếp. Anh đã hai lần vượt qua cửa tử để trở lại với cuộc sống.

Tô Đình Khánh trong một chuyến đi du lịch trước đây.

Tô Đình Khánh trong một chuyến đi du lịch trước đây.

Trưa 24/3/2018 mãi mãi là ngày mà Khánh và gia đình không thể quên trong đời. Khánh kể, lúc đó anh đang chuẩn bị dọn sang nhà mới để ở thì có cảm giác mỏi chân. Khánh còn nhớ như in hiện tượng mỏi chân đến mức không muốn nhấc lên để đi nữa.

“Các bác sĩ báo do bị tắc động mạch chủ ở bụng nên máu không lưu thông xuống chân. Lúc đó, chân của tôi có dấu hiệu bị hoại tử, đen tím và càng lúc càng đau”. Khánh tiếp tục được chuyển sang một bệnh viện khác. Khoảng 1h-2h sáng, bác sĩ khám và kết luận chân bị hoại tử và phải cắt bỏ chân. “Lúc đó, tôi và các em vô cùng sốc, không hiểu vì sao lại như vậy. Sau một lúc suy nghĩ, tôi chấp nhận cắt bỏ chân theo lời bác sĩ”, Khánh tâm sự. Giây phút đau khổ nhất là Khánh gọi điện về cho cha mẹ báo tình hình và quyết định. Ba mẹ tức tốc đi máy bay xuống TP HCM.

Và rồi quá trình phẫu thuật không chỉ một lần mà Khánh phải trải qua thêm một lần phẫu thuật khác để thay khớp háng. Sau quá trình phẫu thuật là thời gian hồi phục, tổng thời gian chữa trị tới 6 tháng.

“Mình nhớ như in đêm 30 Tết năm 2019, cái Tết đầu tiên sau khi gặp biến cố. Lúc đó, cha đang thắp hương ở phòng thờ bên cạnh, bỗng dưng ông òa lên khóc, đó là lần đầu tiên trong đời mình thấy cha khóc như vậy. Nghe tiếng cha nức nở, cả mình, mẹ và các em ở phòng bên này cũng không kìm được nước mắt. Tại sao lại ra nông nỗi như vậy, quá nhiều chuyện xảy ra, có lẽ gánh nặng trên vai mọi người đã quá lớn. Đó cũng là lúc mình quyết tâm phải thay đổi, suy nghĩ tích cực và làm khác”.

Đình Khánh tự vực dậy tinh thần. Sau một năm, anh có thể tập ngồi. Ngày đầu tiên tự ngồi được, Khánh chụp một bức ảnh đăng lên Facebook cá nhân, kể lại câu chuyện của mình và chia sẻ quyết tâm thay đổi. Khánh nhận ra khi anh biết cách sống lạc quan cũng là lúc nụ cười quay trở lại trong gia đình.

Khánh lập kênh vlog cá nhân và chia sẻ những suy nghĩ tích cực, niềm vui trong cuộc sống thường ngày lên mạng xã hội. Mở đầu clip luôn là đoạn intro anh chàng với nửa thân người đang chống đẩy ở hành lang, như một minh chứng rằng không có giới hạn nào nếu chúng ta nỗ lực tiến về phía trước.

Khánh cũng thường xuyên chia sẻ các chương trình từ thiện, đặc biệt là các hoạt động giúp đỡ những người khó khăn giữa đại dịch COVID-19 thời gian qua.

Câu chuyện của anh được lan tỏa trên các diễn đàn, Khánh nhận nhiều bình luận động viên, những người xa lạ cũng nhắn tin hỏi han sức khỏe và chúc anh cố gắng. “Được mọi người yêu thương nhiều như vậy, bỗng dưng mình càng muốn sống kinh khủng, mong làm được điều gì đó lan tỏa tinh thần tích cực đến cộng đồng. Có những bạn nói với mình rằng họ từng bi quan nhưng khi nhìn thấy mình cùng sự lạc quan, họ dần nghĩ khác đi và yêu đời, yêu bản thân nhiều hơn”. Khánh kể từng có một cậu bạn trẻ nhờ đọc được câu chuyện của anh mà từ bỏ ý định tự tử.

Theo Khánh, Nick Vujicic chính là người mà anh ngưỡng mộ từ khi còn nằm viện. Tháng 12/2019, anh vui mừng vì được gặp Nick. Chính người đàn ông này đã truyền cảm hứng và tiếp thêm niềm tin cho Khánh.

“Nick đã gặp tôi và nói, chính tôi sẽ thay anh ấy tiếp thêm động lực sống cho mọi người. Điều này khiến tôi muốn làm điều gì đó để truyền động lực sống cho các bạn trẻ có cùng hoàn cảnh nói riêng và mọi người nói chung”, Khánh chia sẻ.

Mới đây, Tô Đình Khánh, đã cùng thanh niên Bình Phước lan tỏa nghị lực sống và nhiều phần việc ý nghĩa. Câu chuyện của Tô Đình Khánh đã khến nhiều học sinh rơi lệ và cảm phục tại talkshow “Vượt lên số phận”. Chỉ cần có thể tiếp tục sống và tồn tại, chúng ta đều có thể làm lại tất cả…

Lê Văn Công được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Tại chuỗi hoạt động kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống ngành Thể dục thể thao (27/3/1946 - 27/3/2022) và hướng tới SEA Games 31, Tổng cục TDTT đã tổ chức chương trình Vinh quang Thể thao Việt Nam, trao thưởng và tôn vinh những VĐV, HLV tiêu biểu, VĐV, HLV thể thao người khuyết tật xuất sắc toàn quốc.

Nhân dịp này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã quyết định tặng Huân chương Lao động hạng 2 cho VĐV Lê Văn Công vì đã có thành tích giành HCB Paralympic Tokyo 2020. “Trước mắt, mục tiêu của tôi là bảo vệ tấm HCV Paragames tổ chức tại Indonesia vào tháng 7 tới. Xa hơn, tôi sẽ cố gắng đạt thành tích tốt nhất tại Paralympic 2024”.

Trả lời về những rủi ro phải đối mặt khi chấn thương vai chưa được điều trị dứt điểm, Lê Văn Công cứ phải vừa tập luyện, vừa xịt thuốc tê giảm đau vào thi đấu, lực sĩ từng giành HCV Paralympic 2016, HCB Paralympic 2020 bày tỏ: “Trước khi thắng đối thủ, mình phải thắng bản thân mình trước. Hy vọng trong tương lai, với sự hỗ trợ từ nhiều phía, tôi sẽ được điều trị dứt điểm chấn thương vai”.

Đọc thêm