Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết đã kiến nghị lên cấp thẩm quyền cho phép tổ chức thêm những chuyến bay quốc tế đưa kiều bào về nước theo hình thức là những chuyến bay charter (được hãng hàng không, cá nhân, tổ chức thuê toàn bộ). Những đường bay thương mại quốc tế nhanh chóng được nối lại, tạo điều kiện cho kiều bào về quê... là những nỗ lực cụ thể của Việt Nam để đưa kiều bào về quê ăn Tết.
Tạo mọi điều kiện để kiều bào về nước an toàn
Mới đây, trong khuôn khổ chương trình thông tin về tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kết quả công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài năm 2021 và phương hướng hoạt động năm 2022, ông Phạm Quang Hiệu (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) đã trao đổi về việc đưa đón kiều bào về nước trong năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán 2022.
Theo đó, việc đưa đón người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong bối cảnh dịch Covid-19 là chủ trương rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Qua các chuyến thăm nước ngoài của các lãnh đạo cấp cao vừa qua, kiều bào đều bày tỏ nguyện vọng, mong muốn chính đáng là được về thăm quê hương, đất nước. Do đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm, chỉ đạo phải tạo điều kiện tối đa cho kiều bào về thăm quê hương.
“Bảo hộ công dân là chức năng rất cơ bản của Bộ Ngoại giao trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó khăn ở các nước trên thế giới, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức nhiều chuyến bay đưa kiều bào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước, nhất là những người lao động Việt Nam bị mất việc làm do dịch bệnh, giãn cách xã hội...”, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho biết.
|
Về nhu cầu chính đáng của người Việt muốn trở về quê hương trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền, Thứ trưởng Bộ ngoại giao cho biết Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đồng ý khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, bảo đảm an toàn, hiệu quả và thông suốt.
Về cách ly, Cục Lãnh sự cũng nhấn mạnh, hiện tại, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 10688/BYT-MT về phòng, chống COVID-19 đối với người nhập cảnh. Tuy nhiên, trong quá trình thí điểm mở lại các đường bay thương mại quốc tế, một số địa phương cũng có những yêu cầu nhất định. Vì vậy, ngoài quy định chung về phòng, chống dịch của Bộ Y tế ban hành, công dân Việt Nam về nước cần phải theo dõi rất sát các quy định của địa phương.
Đáp ứng linh hoạt nhu cầu từ hàng không tới đường bộ
Sau 2 tuần thí điểm mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế, mới đây, trong báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện tại đã có 7/9 quốc gia và vùng lãnh thổ cơ bản thống nhất đề nghị của Việt Nam về kế hoạch nối lại đường bay quốc tế thường lệ chở khách gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Campuchia, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Báo cáo Chính phủ về việc khôi phục đường bay quốc tế, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ nhận được nhiều ý kiến phản ánh của các hãng hàng không trong nước và nước ngoài kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế xem xét dỡ bỏ quy định về việc xét nghiệm nhanh Covid-19 trước và sau khi lên máy bay.
Một ố sân bay nước ngoài không bố trí cung cấp dịch vụ xét nghiệm nhanh trước chuyến bay và chi phí phát sinh cho hành khách từ việc xét nghiệm nhanh ở một số sân bay rất cao. Như tại Nhật Bản, chi phí này lên tới 270 USD/lần xét nghiệm.
Ngoài ra, việc chưa có hướng dẫn cụ thể về xét nghiệm nhanh COVID-19 như quy định về thời gian thực hiện xét nghiệm trước khi lên máy bay, thẩm quyền tổ chức xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm, hình thức thanh toán chi phí... dẫn đến khó khăn cho các hãng hàng không khi triển khai thực hiện cũng như thực hiện thu phí xét nghiệm do đây không phải là chức năng của các hãng hàng không.
Việc thực hiện xét nghiệm nhanh đối với hành khách sau khi hạ cánh tại các cảng hàng không khi tần suất các chuyến bay quốc tế thường lệ tăng cao có thể dẫn đến ùn ứ tại các cảng hàng không và làm nguy cơ lây lan dịch bệnh tăng cao.
Từ đây, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ xem xét cho phép áp dụng thống nhất quy định về xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trước chuyến bay theo thông lệ quốc tế như các quốc gia/vùng lãnh thổ đối tác đang áp dụng trong thời gian qua (không phải thực hiện xét nghiệm nhanh trước khi lên và sau khi xuống tàu bay).
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ giao Bộ Công an ban hành và phổ biến ngay Hướng dẫn thủ tục xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài, trong đó xem xét trường hợp người mang quốc tịch nước ngoài là thân nhân của người Việt Nam nhập cảnh dịp Tết Nguyên đán;
Phối hợp xây dựng website bằng tiếng Anh và tiếng Việt để người nước ngoài, các hãng hàng không nước ngoài, tổ chức nước ngoài có thể tra cứu, tìm hiểu thông tin về các quy định y tế, thủ tục cấp thị thực xuất nhập cảnh của Việt Nam do đây là những vấn đề nổi cộm mà các đối tượng này quan tâm nhất trong thời gian qua.
Đáng chú ý, sáng 12/1, hơn 60 người Việt đang sinh sống, làm việc tại vùng Đông Bắc Thái Lan có hoàn cảnh khó khăn đã trở về Việt Nam bằng đường bộ trong bối cảnh các chuyến bay thương mại vẫn rất ít ỏi và giá thành cao.
|
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đã có nhiều chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Tuy nhiên việc đưa công dân về nước bằng đường bộ qua nước thứ 3 thì chưa từng có tiền lệ.
Việ làm này nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn của công dân Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên đất Thái Lan có nguyện vọng được hỗ trợ về Việt Nam bằng đường bộ, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố Khon Kaen đã phối hợp với các cơ quan chức năng nước sở tại cũng như nước bạn Lào để cho phép các chuyến xe quá cảnh trở về Việt Nam.
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Khon Kaen Chu Đức Dũng cho biết để thực hiện việc đưa công dân về nước bằng đường bộ là một thách thức lớn, đó là thủ tục xin phép mở cửa, nhập cảnh và xuất cảnh liên quan tới 3 nước khác nhau là Thái Lan, Lào và Việt Nam. Ngoài ra, do chỉ ở nước Lào 1 ngày nên khâu phối hợp cũng phải hết sức nhịp nhàng, chính xác và hết sức tỉ mỉ.
Theo Tổng lãnh sự Chu Đức Dũng, thực hiện được việc đưa công dân về nước bằng đường bộ giúp giảm chi phí rất lớn cho người dân, giúp người Việtđang sinh sống, làm việc tại Thái Lan có thể về quê đón Tết.
Nhân dịp này, Tổng lãnh sự Chu Đức Dũng cũng gửi lời cảm ơn đến chính quyền sở tại, đặc biệt là tỉnh Mukdahan, cảnh sát xuất nhập cảnh Thái Lan và Lào đã tạo điều kiện cho công dân Việt Nam được trở về một cách thuận lợi, nhanh chóng.