Phần lớn người dân nơi đây đều không có hộ khẩu hay các loại giấy tờ tùy thân nên chẳng bao giờ có được sự ưu tiên của xã hội dành cho người nghèo. Ngay cả việc tìm một việc làm phổ thông ổn định với họ cũng là điều xa xỉ.
Một Hà Nội khác
Cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 2km nhưng cuộc sống của người dân trên những ngôi nhà nổi nơi bãi giữa sông Hồng dường như tách biệt hoàn toàn với cuộc sống sôi động, ồn ào ở Thủ đô.
Gọi là “nhà” cho oách, chứ thực ra chúng là những con thuyền,chiếc bè được dựng rất tạm bợ theo cách riêng của những người dân nơi đây: kết bằng ít gỗ tạp, tre cong, trên nóc, chung quanh thuyền chi chít vải bạt, các tấm pa-nô, áp-phích quảng cáo hoặc quần áo rách. Thuyền, bè nào cũng được trang bị những chiếc phao, thùng phuy và thùng xốp để giữ cho nó nổi và một cây cầu ọp ẹp nối với bờ sông.
Mỗi “ngôi nhà” rộng chừng 7 - 8 m2, cao chừng 1,5 m, có thuyền được chia làm 2, 3 “phòng” với lỉnh kỉnh bao nhiêu là đồ đạc: xoong nồi, bát đũa, quần áo, tủ kệ… là nơi diễn ra mọi sinh hoạt thường ngày và riêng tư nhất của con người, từ nấu nướng, ăn uống đến ngủ nghỉ.
Những đợt trời mưa nhiều ngày, nước dâng lên cao ngập hết cả con đường nhỏ bắc lên bờ, gió mạnh có khi còn thổi tung những tấm mành che ngoài cửa, khiến cuộc sống của họ càng chông chênh.
Mùa nước lên, người ta nhổ cọc dời “nhà” đến nơi khác, mùa nước cạn họ lại trở về. Đôi khi nghe tin giải tỏa, họ đi trốn. Một thời gian sau, tất cả trở lại và cuộc sống sinh động nơi xóm nổi tiếp tục. Cuộc du cư của họ ngắn thôi, từ khúc sông này sang khúc sông khác nhưng vẫn co lại trong thành phố. Bởi nghề nhặt rác, bốc vác, xe ôm, đồng nát... của họ gắn bó chặt chẽ với phố phường nhộn nhịp của Hà Nội.
|
Có đủ nước sạch để dùng là điều xa xỉ với người dân ở xóm nổi sông Hồng |
Tìm hiểu được biết, ông Nguyễn Đăng Được (69 tuổi) là người đầu tiên ngụ cư ở vùng đất này. Theo lời ông Được, thời trước ở vùng này rất hoang sơ, heo hút không một bóng người xung quanh phất phơ vài nấm mồ. Nhận thấy bãi giữa sông Hồng phù sa màu mỡ, phì nhiêu, một số hộ gia đình ở Phúc Xá tới khai hoang lập nên những trang trại trồng chuối, trồng ngô xanh mướt.
Một mình sống trên bãi đất hoang, ngày ngày ông Được chài lưới trên sông Hồng, đêm về làm bạn với những tiếng muỗi vo ve, tiếng ếch nhái văng vẳng. Và cuộc sống cô độc của ông cứ thế lặng lẽ trôi đi từ ngày này qua ngày khác. Để bươn chải với cuộc sống khốn khó ấy, ngoài bới rác ông Được còn vớt biết bao xác người nổi trôi trên sông Hồng.
Cũng theo ông Được, mặc dù lam lũ mưu sinh nhưng gần như gia đình nào sống ở bãi giữa cũng chung một nạn đói, nạn bệnh. Gần như gia đình nào cũng nuôi ít nhất một người bệnh trong nhà. Gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến những người dân ở bãi giữa phải đánh đu với số phận. Nhiều người muốn giã từ mảnh đất nghèo này để tìm về quê hương nhưng không dám trở về chỉ vì sự ruồng bỏ của cha mẹ, anh em, họ hàng.
Bà Đào Thị Tân (quê ở Hưng Yên), một người đàn bà góa bụa suốt 20 năm bươn chải trên đất khách quê người, mỗi lần nhớ về gia đình, quê hương bà lại ứa nước mắt: “Cuộc sống gia đình khốn khó, một mình lam lũ nuôi hai đứa con nhỏ. Để có tiền nuôi con tôi bỏ quê, bỏ con lên Hà Nội kiếm sống. Cũng vì xa nhà, xa con quá lâu nên mỗi lần quay về quê hương, họ hàng, bạn bè trở nên xa lánh, con cái thì ruồng bỏ. Chẳng còn cách nào khác là phải đi biệt tăm, biệt tích”.
Chị Hồng, sống ở đây đã gần 10 năm cho biết: “Ban ngày cái xóm này rất vắng vì mọi người đi bán hàng rong hoặc những người ở lại nhà thì hầu hết là cửu vạn làm đêm, ban ngày ngủ lấy sức. Quanh năm, suốt tháng loanh quanh luẩn quẩn từ nhà ra chợ từ tờ mờ sáng đến tận tối khuya”.
|
Chiếc cầu liêu xiêu nối từ nhà sang bờ sông |
Cùng cảnh ngộ xa quê lên Hà Nội kiếm sống từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Châu (61 tuổi, quê ở Hà Nam) tâm sự: “Nhà có hai vợ chồng với 4 mặt con nhưng cũng chỉ biết bám trụ nơi đây làm lụng để sống. Hai đứa con đầu nhà tôi đã lớn, đi làm rồi nhưng đồng lương bèo bọt. Cứ tầm 9h tối là anh em nó ra chợ Long Biên bốc vác hàng thuê, 5h sáng mới về nhà”.
Ở đây, dân xóm nổi phân biệt bằng cách gọi “bên phố”, “bên chài”... rất xót xa. Nhiều người cho biết, họ cũng mong được đổi đời, được ổn định, nhưng “lên bờ” quả là một giấc mơ xa vời, bởi nó đồng nghĩa với hàng đống thứ chi phí, nào tiền ăn, tiền điện nước, tiền thuê nhà, tiền học hành cho con cái… cùng bao nhiêu áp lực khác. “Nếu không sống tại đây, chúng tôi cũng chẳng biết sống ở đâu tại thành phố đắt đỏ này”, một cư dân xóm nổi chua xót nói.
Xã hội cũng đã quen với việc dành cho cộng đồng này một cái nhìn kỳ thị. Người ta luôn nghĩ rằng ở xóm nổi chỉ có rác rưởi, ma túy và si đa; rằng những người dân bãi đều là dân côn đồ, trộm cắp. Người dân xóm nổi vì thế ngày càng thu mình hơn vào cộng đồng bé nhỏ của mình bên cạnh dòng sông Hồng và cây cầu Long Biên già cỗi.
Trẻ em bãi nổi lớn lên, mang trong mình những thiệt thòi của số phận, chẳng có cơ hội đi học ở những trường học bình thường như bao trẻ em cùng trang lứa. Việc học phập phù ở những lớp học tình thương chẳng đem lại cho chúng cơ hội để thay đổi cuộc đời.
Những em bé đi thoăn thoắt trên những lối đi chênh vênh mặt nước, sống và chơi hồn nhiên trong sự khổ cực của cha mẹ... Người bố nặng nề chở những bao rác đi dưới cái nắng chói chang trên cầu Long Biên, người mẹ âu yếm cất tiếng ru con bên bờ sông Hồng, nỗi lo cơm áo gạo tiền hiện lên trong đôi mắt lo âu của người lớn, hay nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ.
Hoàng hôn khuất bóng trên các bãi bồi ven sông Hồng, những người đi làm thuê cũng lục tục kéo nhau về căn nhà bập bềnh trên sông nước. Trong ánh sáng bập bùng được nhóm lên, vợ chồng, con cái quây quần bên bữa cơm đạm bạc, giữa âm u những ruộng sắn, ngô hoang vắng. Xóm chài trong chiều tối, khi sương bắt đầu giăng mắc, lại càng u ám, buồn bã...
Hạnh phúc của những người di cư rất nhỏ nhoi, đôi khi chỉ là việc nằm dài trên cầu Long Biên vào ban đêm, cảm nhận sự run rẩy của cây cầu mỗi khi có đoàn tàu chạy qua. Đôi khi chỉ một dòng nước sạch lấy từ giếng khoan, một cốc nước đá uống trong buổi tối mùa hè ngột ngạt, hay một miếng bánh ngọt tan chảy nơi đầu lưỡi cũng đủ làm cho những người dân xóm nổi nở nụ cười.
|
'Nếu không sống tại đây, chúng tôi cũng chẳng biết sống ở đâu tại thành phố đắt đỏ này' |
Niềm vui của các em nhỏ cũng thật thật giản dị và đơn thuần. Có em khoe, sáng nay vừa được bà nội mua cho đôi giày mới để đi học, giá chưa đầy 50.000 đồng, nhưng là niềm hãnh diện của em và là ước muốn của nhiều em khác.
Lũ trẻ dần râm ran chuyện trò khi được gợi mở những háo hức về trường lớp và mơ ước tương lai: “Cháu sẽ làm phi công, được tự do bay nhảy, đứng ở trên cao để ngắm nhìn mọi thứ”, “Cháu muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ cháu. Bệnh mẹ cháu nặng lắm”,“Cháu thích làm công an để bắt cướp”, “Cháu chỉ là nông dân thôi, cháu thích được làm thuê như bố mẹ cháu là có tiền để ăn rồi”…
Có cậu bé lưng trần, mặc chiếc quần đùi sờn cũ, chân không dép, trên vai quẩy bao rác khá nặng, vừa nhấn chân đạp một cách khó khăn chiếc xe đạp cà tàng vừa huýt sáo một bản nhạc, trông rất yêu đời. Em bảo: “Cháu từng mong có chiếc xe đạp để đi nhanh hơn, nhặt được nhiều rác hơn, có được tiền nhiều hơn. Giờ đã có xe, dù cọc cạch nhưng vẫn còn chạy được. Cháu chẳng mơ ước gì nữa”.
Những bà mẹ gọi con về ăn cơm. Những gương mặt lấm lem tiếc nuối, vì bỏ dở câu chuyện về những ước mơ…
“Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương”
Ghé nơi sinh sống chị Nguyễn Thị Th (sinh năm 1963, quê Hải Phòng) ở bãi nổi sông Hồng, chúng tôi không khỏi ái ngại khi thấy chị múc nước ngay dưới thuyền để rửa thức ăn và chậu nước sạch dành cho lần rửa cuối cùng.
Chị Th. bảo, nhà nào “sang” lắm hoặc có trẻ con mới dám đi bộ gần 2km lên trên bờ để mua nước sạch về ăn. Ở xóm nổi cũng có điện nối nhờ đường dây của những nhà trên bờ, nhưng giá cao nên cũng chỉ có vài nhà “ăn chơi” mới dám dùng. “Nguồn điện hầu hết đều chạy bằng ắc quy. Ban ngày chúng tôi mang vào trong phố thuê để tích điện rồi mang về dùng, mà phải tối hẳn mới dùng đến”, chị Th. cho biết.
Cũng theo chị Th., ở cái xóm nhỏ này, cái gì cũng thiếu, chỉ trừ tình người:“Dù nghèo nhưng bà con sống với nhau rất chân tình, hễ nhà ai có việc gì đều gọi cả xóm ra chung vui. Có lẽ cùng số phận nên người ta dễ đồng cảm và đỡ đần nhau nhiều hơn”.
Có trường hợp bà Mai (quê ở Nam Định) không may mang trong mình căn bệnh tim quái ác. Mỗi lần bà lên cơn co giật, cả xóm lại thức trắng đêm. Điều kiện khó khăn, không có tiền phẫu thuật nên bà nằm thoi thóp chờ chết. Tới bước đường cùng, cả xóm nổi quyên góp tiền đưa bà về quê để lo hậu sự.
Qua lời kể của chị Th., chúng tôi còn được biết những câu chuyện đẫm nước mắt về cuộc sống gia đìnhcủa chị trong quá khứ.Lấy chồng năm 24 tuổi nhưng cuộc sống vợ chồng chị Th. thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Mặc dù tuổi còn trẻ nhưng gã chồng vũ phu lười lao động, hay “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với chị mỗi khi nát rượu.
“Có hôm, tôi lỡ khóa cửa nhà, anh ta đi uống rượu nửa đêm thấy đóng chặt cửa liền phá cửa xông vào. Tôi giật mình bật dậy thì anh đã đánh tới tấp vào bụng vào mặt rồi lại bỏ đi”, chị Th. kể.
|
Xóm nhà nổi ở bãi giữa sông Hồng |
Nhiều lần xin vợ tiền đánh đề nhưng không được, “bác thằng bần” này cũng nổi cơn thịnh nộ, đánh chị đến thâm tím mặt mày,thập tử nhất sinh.Không chịu nổi đòn roi, chị mang theo đứa con trai chạy trốn khỏi người chồng tệ bạc.
Bôn ba nơi đất mỏ Quảng Ninh, chị gá nghĩa với người đàn ông đã có một đời vợ. Ngỡ tưởng sóng gió cuộc đời đã trôi qua khi “rổ rá cạp lại” nhưng không ngờ những biến cố lại xảy ra với gia đình chị.
Sau một vụ tranh chấp đất đai, vợ chồng chị Th. đã mất trắng mảnh đất của mình. Năm 1996, cả gia đình đưa nhau lên Hà Nội theo kiện. Thời gian sau đó, vợ chồng chị cũng chắt chiu mua được mảnh đất nhỏ bên miếu cô Trôi cạnh sông Hồng, rồi ba đứa con cũng được sinh ra, cuộc sống lặng lẽ trôi.
“Năm 2007, sau một vụ tố cáo thu phí trái luật ở chợ Long Biên, chồng chị cùng một số người bị bắt đi tù ở Thanh Hóa. Để có tiền cứu chồng ra, chị đã nghe theo lời xúi giục của người xấu là bán lẻ ma túy sẽ nhanh kiếm được tiền. Nhắm mắt làm liều, chị vừa bán nước vừa bán ma túy, được một thời gian thì bị bắt và đi cải tạo bốn năm rưỡi ở trại giam Tân Lập, Phú Thọ ”, người đàn bà truân chuyên này đưa đôi mắt buồn nhìn xa xăm.
Trong thời gian bố mẹ đi cải tạo, đứa con đầu bỏ đi đâu không rõ, ba đứa trẻ còn lại được đưa vào trường tình thương. Mãn hạn tù, chồng chị quay lại Quảng Ninh sống cùng vợ cả. Năm 2010, do cải tạo tốt nên được khoan hồng, chị trở về khi đã mất tất cả.
Tiếp tục cuộc mưu sinh nhọc nhằn, chịTh. làm lại cuộc đời khi lấy người đàn ông thứ ba và đón ba đứa con về ở cùng trên chiếc thuyền tạm bợ. Kể từ đó chị sống bằng việc thu lượm ve chai. Các con chị 3 giờ sáng cũng phải thức dậy để cùng mẹ đi nhặt tôm vãi ở chợ Long Biên bán lấy tiền sinh sống.
Mặc dù không bị cuốn vào vòng lao lý như chị Th. nhưng cô Nguyễn Thị L. và chị Th. đều tụ chung một điểm là cuộc đời chìm nổi, long đong, hạnh phúc không vẹn tròn. Rời quê nghèo Cẩm Giàng, Hải Dương, cô L.lên Hà Nội tha phương cầu thực cũng đã được gần một phần tư thế kỷ.
Cô L. mắt rớm lệ kể lại quá khứ của mình:“Năm cô mới 2 tuổi, bố cô đi bộ đội hi sinh, mẹ cô đi lấy người khác. Bà nội nuôi cô đến hơn 10 tuổi thì mất, cô phải đi ở đợ cho nhà khác. Cuộc đời khổ từ trong trứng khổ ra, cô chẳng thể nào quên được cái áo 47 miếng vá”.
Không cam chịu phận kẻ ở bị chèn ép, bóc lột, cô L. trốn đi làm công nhân xung phong mở đường ở các tỉnh Tây Nguyên vào cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Về quê lấy chồng rồi sinh con trai đầu lòng, mái ấm gia đình yên bình tưởng chừng như cứ thế trôi đi nhưng không ngờ sóng gió liên tiếp ập đến.Dù là người cam chịu nhưng sau những trận đòn roi vô cớ, cô bế con chạy trốn người chồng bội bạc.
Dạt về ga Văn Điển khi không còn một đồng dính túi, cô L. đi xin từng bát cơm nguội mớm cho con ăn. “Tuổi thơ của con trai cô là những ngày tháng theo mẹ ăn xin, rửa bát thuê khắp các vùng Hà Nội. Chưa đầy một tuổi, nó đãbị kẻ xấu bắt cóc bán cho người dân tộc tận bản Mọ ở Lào Cai, rồi có lần bị bán về ngay quê nhà khiến cô khóc cạn nước mắt đi tìm con. Cũng may nhờ trời thương, mẹ con cô được về với nhau. Cô đưa nó về quê gửi người thân nuôi giúp, bây giờ nó đã lập gia đình rồi”.
|
Mơ ước của những em bé này rất giản dị và đơn thuần |
Lên vùng bãi bồi ven sông Hồng khai hoang trồng rau, chuối, cô L. được mọi người mai mối với người đàn ông cùng cảnh ngộ để trông cậy lúc tuổi già. Nhưng một lần nữa, cuộc đời đen bạc đã đẩy cô đến chuỗi ngày đau khổ tận cùng.
“Cứ tưởng được cậy nhờ lúc ốm đau, ai ngờ ông ấy cũng chẳng khác gì người trước. Bị bạn xấu rủ rê nghiện ngập, ông ấy lao vào ma túy. Năm ngày ba trận đòn, hễ không có tiền cho ông ấy mua thuốc là cô lại bị đánh bầm dập, tím tái.
Bây giờ, ông ấy đi trại cai nghiện ở tận Quảng Trị. Hàng tháng, cô lại phải góp từng đồng để tiếp tế cho ông ấy”.Ẩn sâu trong lời kể đầy chua xót ấy, chúng tôi thấu hiểu một cuộc đời đắng cay, chìm nổi mà người đàn bà nhiều bất hạnh này phải trải qua.
Những chiếc thuyền nơi xóm nổi ven sông Hồng được nối sát nhau bằng những sợi dây thừng. Có lẽ, chỉ có cách sát lại gần nhau mới tránh cảnh lật thuyền, tốc mái khi giông bão về. Phía xa, cầu Long Biên lịch sử vẫn lặng lẽ thời gian trôi vào vô tận. Những kiếp người chìm nổi nơi đây như xa lạ với cuộc sống sôi động phía trên cao.Họ muốn khép lại ký ức buồn để bắt đầu viết lại một cuộc đời tươi sáng hơn…