Hạnh phúc truân chuyên của người đàn ông lấy vợ "lai Tây"

(PLO) - “Tôi bị cả xóm làng, nhà chồng, bạn bè xa lánh. Đã có lúc tôi mặc cảm, tự ti muốn quyên sinh. Chính ông ấy là người giúp tôi vượt mọi giông bão đường đời và dìu tôi tìm nguồn gốc của mình” - đưa mắt nhìn chồng đầy trìu mến và cảm động, bà Nguyễn Thị Mai nói.
Vợ chồng bà Mai chụp ảnh kỷ niệm 40 năm ngày cưới.
Vợ chồng bà Mai chụp ảnh kỷ niệm 40 năm ngày cưới.
Bị xa lánh vì là “con lai lạc loài”
Trong căn nhà nhỏ ở thôn Bãi Ổi (Dĩnh Trì, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), bà Nguyễn Thị Mai (SN 1952) không ngăn nổi nước mắt khi nhớ lại cuộc đời “con lai” gian truân và tình yêu, sự hy sinh của người chồng đối với mình.
Bà là nạn nhân của chiến tranh. Ngày Pháp chiếm đóng, Lạng Giang là một vị trí chiến sự quan trọng. Để chốt giữ vị trí này, Pháp đã xây dựng một đồn có tên là Thái Đào. Mẹ bà tên là Lê Thị Xuân, trong một buổi đi làm đồng đã bị tên lính Pháp chỉ huy đồn bắt về phục dịch và cưỡng hiếp. Sau một thời gian, bà được thả ra tìm về với chồng. Người chồng biết vợ bị nạn rất thương xót, tìm mọi cách động viên. Ít lâu sau, mẹ bà có thai trước niềm hân hoan của cả gia đình. 
Cuối năm 1952, mẹ bà trở dạ và đau đớn khi biết đứa con mình sinh ra có một ngoại hình khác những đứa trẻ Việt. Đứa bé da trắng, tóc vàng, mũi lõ ấy chính là Nguyễn Thị Mai. Nhưng được người chồng an ủi: “Đấy là lỗi của chiến tranh, chúng ta là nạn nhân của cuộc chiến, đã sinh ra, chúng ta phải có trách nhiệm nuôi nấng và phải coi nó là con của mình” nên mẹ bà đã dằn lòng nuôi con.
Tuổi thơ của cô bé Mai là chuỗi ngày cơ cực bị kỳ thị. Hình dáng bên ngoài của Mai hệt một cô bé người Pháp. Họ hàng, lối xóm, những trẻ em trong làng đều lánh xa, xua đuổi vì họ cho rằng Mai chính là hiện thân của kẻ thù dân tộc. Đến trường bị bạn bè chế giễu, gièm pha, không chịu nổi áp lực, Mai đành bỏ học giữa chừng. 
Suốt chuỗi ngày ấu thơ, cô bé lầm lũi đi chăn trâu ngoài đồng và ngồi khóc một mình. Càng lớn, cô càng phổng phao, đậm “chất Tây”. Tuy hiền hậu, chăm chỉ, nết na nhưng vẫn không ai muốn chơi với Mai vì định kiến. Ở làng bên có chàng trai Nguyễn Đình Phước hơn Mai 3 tuổi. Có cơ hội đọc truyện “Những người khốn khổ” của Victor Hugo (Pháp), chứng kiến Mai lầm lụi chăn trâu, khóc thầm, anh dấy lên lòng thương cảm khó tả và ngỏ lời yêu.
Sau một thời gian tìm hiểu, Phước đưa Mai về ra mắt gia đình. Nào ngờ, gia đình Phước nổi trận lôi đình. Bố mẹ cấm không cho anh yêu và cưới “đứa con rơi lạc loài”. Anh giấu Mai điều này vì sợ cô bị tổn thương. Anh dành thời gian phân tích với gia đình những đức tính tốt đẹp trong Mai nhưng gia đình vẫn cấm cản. Yêu hơn một năm, Mai tròn 18 tuổi, Phước quyết định ngỏ lời cầu hôn. Lễ cưới của Phước và Mai ít người bên nhà trai tham dự.
Lấy nhau chưa quen hơi, anh lên đường ra trận. Trong thời gian chồng tham gia chiến trận, Mai ở nhà lam lũ mưu sinh, thay chồng chăm bố mẹ, đàn em nhỏ, đồng thời học một lớp y tá và về trạm y tế xã công tác. Mai lấy việc phục vụ bệnh nhân làm nguồn vui, nguồn an ủi cho mình. Năm 1975 đất nước hoàn toàn thống nhất, anh Phước xách ba lô trở về trong niềm vui của gia đình. 
Khát khao tìm về nguồn cội từ giấc mơ gặp bố 
Thấy con về lành lặn, gia đình anh Phước lại tìm mọi cách bắt anh bỏ người vợ “con lai” lấy vợ khác. Anh nhất quyết không làm điều trái đạo lý ấy và bị cả gia đình từ mặt. Vượt qua sóng gió, hai vợ chồng xin ra ở riêng. Anh Phước xin đi học, sau đó làm giáo viên cấp 2 ở xã. Kinh tế cả nhà trông vào tiền lương ít ỏi và vài sào ruộng khoán. Họ có 2 con gái và 1 con trai. Kỳ lạ là 2 con trai theo gen bố “chuẩn Việt”, còn 2 con gái lại theo gen mẹ “Tây lai”. Các con gái ông Phước, bà Mai cũng bị phân biệt đối xử như mẹ, ông lại lựa lời động viên các con vượt qua mặc cảm như đã động viên vợ ngày nào.
Bà Mai khóc kể về nỗi cơ cực bị kỳ thị của mình.
Bà  Mai khóc kể về nỗi cơ cực bị kỳ thị của mình. 
Sau hơn 40 năm sống với nhau đầm ấm, ông Phước, bà Mai đã lên chức ông bà nội, ông bà ngoại với con cháu đề huề. Trong một đêm ngủ, bà Mai mơ thấy mình gặp bố đẻ trong một hội làng. Bà nghẹn lời miêu tả lại hình dáng, khuôn mặt của bố đẻ trong giấc mơ ấy: “Bố người Pháp của tôi có dáng cao to, da trắng, có bộ râu quai nón. Tôi thấy mình có nhiều nét giống bố. Trong đám hội, bố cứ gọi tên tôi đòi nhận con. Tôi bị kéo vào đám đông và không thấy bố nữa. Tỉnh dậy, mắt tôi ướt nhòe. Chồng tôi nằm cạnh hỏi chuyện, xúc động tới lặng người”.
Hôm sau, ông bàn tính với bà đi tìm bố, tìm lại nguồn cội của mình. Trong suốt gần 20 năm, không biết bao lần ông đưa bà ra Hà Nội gõ cửa các cơ quan liên quan, trong đó có cả Đại sứ quán Pháp. Trong đơn gửi Đại sứ quán Pháp, bà Mai viết: “Khi tôi sinh ra đã được mang trong mình hai dòng máu Pháp - Việt, cha tôi là người quốc tịch Pháp, mẹ tôi là người quốc tịch Việt Nam, nhưng từ lúc sinh ra đến khi mẹ tôi qua đời, tôi không biết cha mình là ai. Lúc sắp qua đời, mẹ tôi cho biết cha đẻ tôi là người nước Cộng hòa Pháp, tên là Mutssv, cấp bậc Trung úy, chức vụ: Đồn trưởng Đồn Thái Đào, đơn vị công tác: 351 Pháp (giai đoạn 1949- 1952)... ”.
Thấp thỏm chờ mong rồi cũng có ngày bà nhận được thư phúc đáp bên Đại sứ quán Pháp. Đại sứ quán Pháp cho biết do thông tin bà cung cấp chưa đủ nên việc tìm kiếm vẫn chưa có kết quả và yêu cầu bà phải thu thập thêm thông tin. 
Đưa mắt nhìn vợ đầy thương cảm, ông Phước bảo: “Chúng tôi biết thu thập thêm thông tin ở đâu bây giờ. Niềm hy vọng tìm được bố quá mong manh. Vì chuyện này, vợ tôi buồn bã, suy sụp đổ bệnh, phải nằm viện dài ngày. Giờ đang cuối dốc cuộc đời, vợ tôi chỉ mong ước tìm lại được gốc tích là bà ấy thấy mãn nguyện”.
Dìu vợ ra hiên hóng gió, ông Phước không quên nhắc vợ uống thuốc đúng giờ. Ông hứa sẽ đưa bà đi khắp chốn, gõ cửa mọi nơi thực hiện mong ước của vợ dù sức khỏe của ông tàn úa, niềm hy vọng mong manh, quãng đường xa vời vợi…

Đọc thêm