Những sáng kiến hữu ích mùa Covid

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong suốt khoảng thời gian hơn một năm qua, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 nước ta đã có nhiều thắng lợi. Trong đó, góp một phần công lao to lớn là đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu đã sẵn sàng ra “chiến trường” chiến đấu với dịch Covid không quản vất vả, hiểm nguy. Hiểu được sự vất vả đó, đã có rất nhiều những sáng kiến hữu ích được tạo ra nhằm giúp đỡ cho những y bác sĩ an tâm thực hiện nhiệm vụ cao cả.
Buồng xét nghiệm di động.
Buồng xét nghiệm di động.

Buồng xét nghiệm di động

Buồng xét nghiệm di động hay còn gọi là buồng lấy mẫu xét nghiệm chống nóng là một trong những sáng kiến tuyệt vời vào mùa dịch vừa qua tại Bắc Giang. Như mọi người đã biết, tháng 5/2021 Bắc Giang trở thành tâm dịch lớn trong nước với hơn 2200 ca mắc trên toàn tỉnh với gần 100 nghìn trường hợp F1, F2. Thời điểm đó, nhân viên y tế tại Bắc Giang phải chạy đua cùng thời gian để lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2.Làm việc liên tục dưới thời tiết nắng nóng, trong bộ quần áo bảo hộ khiến công việc lấy mẫu của nhân viên y tếcực kỳ vất vả, sức khỏe nhiều người bị suy kiệt.

Để khắc phục tình trạng này, nhóm tác giả Nam Việt Design, PAM Air và Signify (Hà Nội) đã chế tạo loại buồng xét nghiệm Covid-19 lưu động, có gắn máy lạnhgiúp việc lấy mẫu xét nghiệm của các cán bộ y tế tại tuyến đầu chống dịch được thuận tiện hơn. Buồng xét nghiệm lưu động có kích thước dài: 2,4m, rộng 1,2m, cao 2,65m đủ cho 4 nhân viên y tế cùng làm việc. Buồng có không gian làm việc mát mẻ bởi hệ thống điều hòa làm mát và hệ thống lọc không khí khử khuẩn.

Với phần khung được làm từ vật liệu inox, thân có cấu tạo 4 lớp vật liệu, mỗi lớp được hàn bởi keo đảm bảo không lọt không khí ra ngoài, giúp an toàn cho lực lượng y tế khi lấy mẫu. Ngoài ra, môi trường buồng xét nghiệm lấy mẫu được trang bị các hệ thống thông minh, an toàn từ đèn UVC đến hệ thống loa phát thanh. Tất cả đều được khử trùng bề mặt trong vòng 8 phút trước mỗi ca trực của y bác sĩ.

Mô hình buồng xét nghiệm di động đã giúp nhân viên y tế giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi do thời tiết, từ đó tập trung làm việc, đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu xét nghiệm. Có thể nóitrong đợt chống dịch Covid-19 tại Bắc Giang vừa qua, sáng kiến buồng xét nghiệm di động đã tiếp thêm vũ khí cho những chiến binh áo trắng giúp Bắc Giang vượt qua đại dịch.

Áo chống nóng từ nước đá.

Áo chống nóng từ nước đá.

Từ áo chống nóng cho đến giường carton

Vào những ngày giữa năm, thời tiết mùa hè khắc nghiệt, giai đoạn cao điểm nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời lên tới 39-40 độ C, nhiệt độ thực tế cảm nhận còn cao hơn thế. Vậy nhưng các y bác sĩ tham gia phòng chống dịch luôn phải khoác trên mình bộ đồ bảo hộ cấp 4 kín mít. Nhiều nhân viên y tế, nhân viên lấy mẫu xét nghiệm do phải mặc đồ bảo hộ với điều kiện nhiệt độ tăng cao, đã ngất, kiệt sức...

Dù biết là nóng bức, khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe, người mặc đồ bảo hộ có nguy cơ bị kiệt sức và ngất nhưng đây lại chính là vũ khí bảo vệ kiên cường cho nhân viên y tế. Hiểu được điều nay, đã có rất nhiều những sáng kiến được tạo ra giúp y bác sĩ hạ nhiệt khi mặc đồ bảo hộ, đó chính là những chiếc áo chống nóng.

Mới đây nhất, Sau 2 ngày nghiên cứu, thiết kế, dưới sự cố vấn của PGS.TS Vũ Đình Tiến nhóm sinh viên K62 của Viện kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã chế tạo một sản phẩm dành riêng cho các bác sĩ, y tá mùa dịch.Đó là một chiếc áo ghilê làm mát cơ thể được thiết kế đặc biệt. Bên trong chiếc áo vải có một lớp bảo ôn và những đường ống mềm chạy dọc theo thân áo cả đằng trước và đằng sau.Chiếc áo đính kèm một chiếc balo để người mặc có thể trút đá lạnh vào đó. Dòng nước mát từ đá lạnh sẽ được một chiếc bơm bơm đi khắp áo, làm mát cơ thể người mặc.

Đây là chiếc “áo nước đá” được tạo ra với chi phi khoảng 400 nghìn đồng, có giá thành rẻ hơn bằng 1/4 so với áo nước ngoài (dao động khoảng 2 triệu đồng). Nếu như các loại áo nước ngoài nặng 2kg, thì sản phẩm này chỉ nặng 1kg. Sau khi kiểm nghiệm sản phẩm, pin chạy được khoảng 8 giờ và áo giúp người mặc giảm đến 10 độ C so với nhiệt độ môi trường.

Không chỉ có áo làm mát, trước đó cũng tại Viện Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa Hà Nộinhóm của PGS.TS Phan Trung Nghĩa, và Quỹ từ thiện Mỗi ngày một quả trứng đã nghiên cứu thành công chiếc giường carton giúp cho người dân ở khu cách ly, các y, bác sĩ, tình nguyện viên tham gia chống dịch có nơi nghỉ tốt hơn.

Theo PGS.TS, vi rút SARS-CoV-2 bám trên các vật liệu như sắt, nhựa... với thời gian gấp đôi thời gian bám trên giấy. Vì thế, giường làm bằng carton có thể an toàn hơn các vật liệu khác, vẫn có thể phun khử khuẩn, lau chùi nhanh mà giá thành rẻ, nhẹ, bảo đảm an toàn, phù hợp với khí hậu và văn hóa Việt Nam.

Mỗi giường gồm 12 thùng carton có vách tăng cứng với tấm ván ở trên tạo độ phẳng tuyệt đối. Ngoài ra, giường có thêm tấm quây đầu giường, vừa tạo sự riêng tư vừa ngăn chói sáng và hạn chế giọt bắn. Việc lắp ghép đơn giản, chỉ mất 5 phút và dùng băng dính cố định nên có thể tháo lắp dễ dàng, nhanh chóng. Diện tích giường phù hợp với thực tế sinh hoạt trong khu cách ly tập trung.

PGS.TS Phan Trung Nghĩa cũng cho biết thêm, việc sản xuất giường đơn giản, gọn nhẹ, dễ vận chuyển, chịu được sức nặng lên tới 180kg, có thể tiêu hủy dễ dàng hoặc tái chế sau một thời gian sử dụng. Chi phí cho một chiếc giường hiện tại là 187 nghìn đồng. Hiệnhàng trăm chiếc giường carton đã được chuyển đến các tuyến đầu chống dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Điện Biên.

l“Tai giả” giữ khẩu trang.

l“Tai giả” giữ khẩu trang.

“Tai giả” nhỏ mà có võ

Không chỉ quan tâm lo lắng đến những thứ to lớn như buồng xét nghiệm, những thứ cần thiết như quần áo, giấc ngủ,… Mà ngay cả những thứ nhỏ bé như đôi tai của đội ngũ y bác sĩ cũng khiến nhiều người trăn trở, lo lắng. Nhóm Anti Covid-19 tại Hà Nộiđã làm hàng ngàn chiếc “tai giả” với mong muốn giúp những người trong ngành y không còn bị đau tai trong hàng chục giờ đeo khẩu trang mỗi ngày.

Sáng kiến này được đưa ra khi nhóm nhìn thấy hình ảnh những y bác sĩ tuyến đầu vừa phải gồng mình với dịch bệnh, lại vừa phải chịu nỗi đau khó chịu khi đeo khẩu trang nhiều giờ trong ngày. Từ đó ý tưởng “tai giả” - sản phẩm hỗ trợ để giúp các nhân viên y tế hạn chế đau vành tai khi làm việc được ra đời.

Trong bài phỏng vấn trước đó, Anh Phan Mạnh Hà, thành viên của nhóm thiện nguyện, cũng là chủ một cơ sở sản xuất đồ da tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết: “Sản phẩm này dựa trên ý tưởng của một cậu bé người Canada trong mùa dịch Covid-19. Từng có kinh nghiệm làm thủ công đồ da nên việc chế tác những sản phẩm như thế này không phải quá khó”.

“Lúc đầu một số người cho ý kiến làm về da, nhưng do da dễ bám và lưu lại vi khuẩn nên tôi đã quyết định dùng silicon để làm nguyên liệu”, chị Nguyễn Thị Thùy Trang - người đồng sáng tạo và thiết kế sản phẩm “tai giả” chia sẻ. Điểm đặc biệt, đó là những sản phẩm này có thể tái sử dụng sau khi được sát khuẩn nên rất tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.

Vấn đề khó khăn đó là tìm nguồn nguyên liệu, may mắn đã tìm được nơi nhập silicon tốt ở trong TP.HCM. Dù chi phí vận chuyển silicon từ TP.HCM ra Hà Nội cũng cả chục triệu đồng, nhưng nhờ được các nhà hảo tâm giúp đỡ nên nhóm đã thực hiện được.

Quy trình làm ra một chiếc “tai giả” cũng khá đơn giản. Từ các tấm silicon lớn, những chiếc “tai giả” được cắt ra thành nhiều phần nhỏ rồi lau sạch bằng cồn 90 độ. Sau đó các tấm silicon nhỏ sẽ được đem dập khuôn bằng máy ép thủy lực, mỗi lần dập sẽ dập được 12 chiếc. Sau khi dập khuôn xong sẽ được khử trùng lại bằng cồn rồi nhào trộn với phấn rôm để tạo độ mịn, giảm ma sát với da, giúp người đeo thoải mái hơn. Vậy là hoàn thành xong sản phẩm!

Trong thời gian đầu tiên thử sản xuất 400 chiếc “tai giả”, các sản phẩm được gửi đến 2 bệnh viện lớn là Viện Huyết học –truyền máu trung ương và Bệnh viện Bạch Mai để các bác sĩ dùng thử. Sau đó nhận được những phản hồi tích cực từ các y bác sĩ như: “Giờ bịt khẩu trang thoải mái như không đeo cái gì trên mặt cả, đôi tai được giảm áp lực rất nhiều. Đúng là nhỏ mà có võ”. Chính những phản hồi này đã khiến cho nhóm càng có quyết tâm thực hiện thêm nhiều sản phẩm hơn.

Nhóm thiện nguyện cho biết, đến nay 8.000 chiếc “tai giả” đã được sản xuất sẽ được gửi đến các bệnh viện tuyến đầu chống dịch như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh và bệnh viện các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Và cứ như vậy, bên cạnh những sáng kiến hữu ích kể trên còn có rất nhiều những sáng kiến khác trên khắp cả nước đã và đang được thực hiện. Bên cạnh việc hỗ trợ, giúp đỡ các y bác sĩ phần nào vượt qua những khó khăn, vất vả thì những sáng kiến này còn lan toả tinh thần “tương thân tương ái”, thể hiện quyết tâm cả nước đồng lòng cùng các y bác sĩ chiến đấu vượt qua dịch bệnh.

Đọc thêm