Tại hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác cải cách hành chính, báo cáo cho rằng “năm 2019 đã khảo sát tại 16 sở, ngành, 24 quận huyện và 105 UBND phường, xã, thị trấn.
Các điều tra viên thực hiện hơn 28.200 cuộc gọi, gặp trực tiếp 2.200 người dân. Kết quả cho thấy người dân, doanh nghiệp thể hiện mức độ hài lòng với cán bộ, công chức trong quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công đạt 80% trở lên, có nơi hơn 95%”.
Phó Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang cho rằng chưa thể khẳng định “tỷ lệ hơn 95% người dân hài lòng” là chưa chính xác, song ông đặt câu hỏi: “Có ai dám tin con số này không?”. “Bởi nhiều nơi, khi cán bộ xuống lấy ý kiến đã có danh sách người dân được chọn sẵn. Liệu những người có bức xúc, khiếu kiện, có nằm trong danh sách được chọn để khảo sát không”, ông Quang nêu vấn đề.
Lý do khác khiến ông Quang nghi ngờ kết quả khảo sát này, là khi thực hiện có thể chỉ đánh giá ở những việc dễ làm như công chứng. Ở đó người dân đóng tiền, cán bộ đóng dấu là xong việc, nên người dân nhấn nút xuất sắc cho vui vẻ...
“Thực tế vẫn còn nhiều việc người dân chưa hài lòng như thủ tục quá rắc rối, thái độ cán bộ chưa tốt, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Mặt khác, các doanh nghiệp thường có tâm lý “thôi thì cứ đánh giá tốt, góp ý liệu có tác dụng gì?”, ông Quang nói.
Câu chuyện ông Quang nêu ra đúng là một điều khiến người có lương tri bấy lâu nay trăn trở. Lâu nay, có khi người ta nhân danh, lợi dụng những “cuộc khảo sát” để đưa ra số liệu bất thường gian dối, “đánh tráo khái niệm”; để từ đó đưa ra quyết định nào đó phục vụ mục đích nhóm, tư lợi cá nhân, “lợi một người nhưng hại muôn người”. Và trong xã hội thời ngồn ngộn thông tin, cần đọc nhanh rồi quên nhanh, nhiều khi dư luận đã quá cả tin vào những “khảo sát” ấy.
Có thể lấy một minh chứng để minh họa cho vấn nạn này. Đó là một “cuộc khảo sát” được một Viện nghiên cứu thực hiện mới đây trên 660 trẻ suy dinh dưỡng. Người ta chia số trẻ này làm ba nhóm. Nhóm 1 không cho uống sữa. Nhóm 2 cho uống sữa tươi. Nhóm 3 cho uống sữa bột. Sau một thời gian “nghiên cứu”, kết luận: Nhóm 2 và 3 phát triển tốt hơn nhóm 1. Nói cách khác, “cho trẻ suy dinh dưỡng uống sữa tốt hơn là không uống sữa”.
Nghiên cứu khảo sát là để chứng minh những điều chưa rõ ràng. Những “nghiên cứu khảo sát” như trên vừa ngô nghê, phản khoa học vừa tốn nguồn lực xã hội, chỉ là trò bịp phục vụ mục đích riêng nào đó.
Và trong thời “loạn” khảo sát, những ý kiến mổ xẻ, phê phán, đấu tranh như của Phó Bí thư Thành ủy TP HCM là vô cùng cần thiết.