|
Nhiều người khuyết tật có đóng góp lớn cho cộng đồng. |
Tìm lối sống lạc quan
Không may mắc bệnh giãn mạch máu tủy sống, năm 20 tuổi, anh Phan Vũ Minh (31 tuổi, ngụ huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) bỗng trở thành người khuyết tật vì đôi chân không thể đi lại. Vượt lên mặc cảm tật nguyền, anh tự kinh doanh để kiếm tiền và thực hiện đam mê khám phá quê hương bằng những chuyến đi phượt trên xe tự chế. “Tôi mắc bệnh từ năm 12 tuổi, khi đó chân đau nhức khó di chuyển. Đến năm 20 tuổi, phẫu thuật điều trị thất bại, chân bị phù tủy và hoàn toàn không đi lại được nữa.Từ đó đến nay, tôi gắn liền với chiếc xe lăn”, anh Minh chia sẻ.Anh Minh kể, thời gian đầu, anh rất tự ti về bản thân, ngại tiếp xúc với người lạ, chỉ quanh quẩn trong nhà. Dần dà, anh quyết tâm vượt lên tật nguyền bằng chính khối óc và đôi tay. Không chỉ rèn luyện thân thể khỏe mạnh, cường tráng, anh còn tìm cách kinh doanh để kiếm tiền nuôi sống bản thân và dành chi phí cho những chuyến đi trải nghiệm.
Hơn 4 năm qua, trên chiếc xe lăn của mình, anh Minh đã đặt chân đến hơn 30 tỉnh, thành ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Những kỷ niệm đẹp để lại trong anh là chinh phục đỉnh Langbiang, vượt đèo Hải Vân đến Cố đô Huế, ngắm hoàng hôn tại làng chài Rạch Tràm (Kiên Giang)…
“Những chuyến đi đầu tiên, do không định lượng được thời gian hợp lý, ngồi nhiều trên xe nên phần mông tôi bị loét, về phải nghỉ dưỡng rất lâu. Rồi có lúc đi đường đèo hư xe, gặp người chạy ẩu… Nhưng bù lại, tôi nhận được sự yêu thương của người dân ở từng nơi mình đi qua”, Minh cho biết.
Với những kiến thức và trải nghiệm có được, anh Minh hy vọng có thể lan tỏa năng lượng tích cực đến người cùng cảnh ngộ để họ có cái nhìn khác về cuộc sống. Bởi vậy, trong mỗi chuyến đi, anh đều cố gắng lưu giữ hình ảnh tươi cười, đầy lạc quan…
|
Anh PhanVũ Minh chọn cách sống trọn vẹn với những hành trình khám phá dù đôi chân không hoàn hảo |
Cũng cùng thuộc cộng đồng người khuyết tật, anh Nguyễn Trung Kiền sinh năm 1995 lớn lên tại phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, không may mắn khi bị mắc căn bệnh xương bẩm sinh. Căn bệnh quái ác khiến toàn bộ cơ thể của anh trở nên teo tóp bất thường, khó khăn trong việc di chuyển và phải nhờ sự giúp đỡ của người thân từ lúc mới sinh ra, nhưng không vì thế mà anh Nguyễn Trung Kiền đầu hàng trước số phận. Với niềm lạc quan, yêu đời, truyền cảm hứng cho nhiều người khuyết tật khác, anh Kiền không còn xa lạ đối với cộng đồng người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và cộng đồng người khuyết tật trên cả nước.
Do cơ thể không vững được, khi lên 5 tuổi không thể ngồi quá một tiếng liên tục, 7 tuổi không thể ngồi được một buổi sáng. Nếu cố gắng thì cơ thể sẽ cực kì mệt mỏi, việc này ảnh hưởng rất lớn đến việc học cũng như tiếp nhận kiến thức. Nhưng may thay khi đứng trước muôn vàn khó khăn, với tinh thần hiếu học và sự yêu thương vô bờ bến của ba mẹ, mẹ anh đã dạy anh biết đọc, biết viết và cộng trừ cơ bản.Bố mẹ thương yêu anh hết mực, dù có khiếm khuyết nhưng dường như đó là động lực để cả gia đình cùng đoàn kết hơn trong những lúc thiếu thốn cố gắng dành trọn tình yêu thương để vun đắp cho những nỗi đau, giúp anh vượt qua khó khăn cuộc sống.
Anh Kiền chia sẻ, vì cơ thể không hoạt động được như người bình thường nên anh luôn chăm chỉ vận động để các cơ không bị co cứng, giúp cho chân tay linh hoạt hơn, ít bệnh tật hơn. Mặc dù khó khăn là vậy nhưng anh không vì thế mà chán nản, buồn tủi hay trách móc cuộc đời, ngược lại, anh Kiền là một chàng trai nói chuyện hoạt bát, lễ phép với mọi người. Có lẽ ông trời không cho anh một cơ thể lành lặn nhưng thay vào đó, cho anh một ý chí quật cường, một thái độ tích cực để đương đầu với những khó khăn của cuộc đời.
Đối với anh, mỗi ngày trên đời này đều có ý nghĩa, bố mẹ đã có công ơn sinh thành, ông trời đã ban cho ta cuộc sống này, không thể vì một chút khó khăn mà bỏ đi hết những công ơn trời biển này. Ngoài phụ giúp gia đình những việc nhỏ trong cuộc sống, anh còn thân thiện và muốn kết bạn với mọi người. Anh tâm niệm: “Ta chỉ sống một lần, đúng. Nhưng sống hết mình và một lần là đủ. Buồn cũng phải sống, vui cũng phải sống, vì thế hãy cứ vui vẻ sống cho đời lạc quan”.
|
Người khuyết tật vui vẻ sống lạc quan, yêu đời |
Lạc quan đến từ sự sẻ chia
Tại huyện Thường Tín, có một người phụ nữ khuyết tật là cô giáo của rất nhiều thanh niên, trẻ em khuyết tật khác. Đó là chị Hoàng Thị Khương, nghệ nhân thêu có tiếng vùng Quất Động. Cơ duyên của chuyện này bắt đầu từ năm 2004, khi một tổ chức phi chính phủ mời chị Khương dạy thêu cho hơn 10 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Sau lần đó, chị tiếp tục dạy nghề cho những người nghèo, thanh, thiếu niên mồ côi ở Hà Giang, Thanh Hóa về học nghề.
Tính đến nay, cơ sở thêu của chị đã đào tạo nghề cho nhiều người khuyết tật ở các nơi như: Hà Nội, Hà Giang, Quảng Ninh, Hà Tĩnh… và những người yêu thích tranh thêu trong huyện. Ở cơ sở của chị, bất cứ ai chỉ cần có sự đam mê nghề đều được chị chỉ dạy nhiệt tâm. Không ngừng cống hiến cho xã hội, năm 2016, chị Hoàng Thị Khương được bầu làm Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Thường Tín. Tham gia công tác hội, hỗ trợ những người đồng cảnh ngộ đến thời điểm hiện tại chị Khương đã tổ chức được nhiều chiến dịch quyên góp, tặng quà hỗ trợ đến các gia đình có người khuyết tật.
Còn nhớ quãng năm 2010, chị đã từng mang những sản phẩm của mình là bức thêu với hình ảnh một ngôi nhà nhỏ, bên cạnh ngôi nhà là con suối và một cánh rừng hoa đi giới thiệu trong dịp Hà Nội 1.000 năm Thăng Long. Nhiều người xem xong trả giá khá cao, thế nhưng chị lắc đầu từ chối. Cách đây ít năm có người mong mua được bức tranh thêu về Bác nhưng chị cũng chối từ. Chị Khương bộc bạch, những món tiền đó có thể coi là khá lớn với một người phụ nữ nghèo như chị nhưng đó là những bức tranh mà chị thích. Chị ấp ủ sẽ mở phòng tranh thêu trên chính mảnh đất quê hương mình, trong phòng trưng bày sẽ đặt những bức thêu đẹp và tâm huyết nhất của chị.
“Tôi rất muốn mở một phòng tranh để trưng bày, để tất thảy mọi người xa gần đều có thể đến chiêm ngưỡng sản phẩm nghề thêu Quất Động. Để mọi người thấy rằng một người khuyết tật như tôi có thể tạo ra các tác phẩm như thế này, thế hệ trẻ tương lai sẽ tạo ra những tác phẩm tuyệt đẹp hơn, từ đó giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của quê hương mình” - chị Khương chia sẻ.
Nhiều cặp vợ chồng khuyết tật cũng tìm thấy sự lạc quan từ sự chia sẻ, thấu hiểu lẫn nhau trong cuộc sống. Lê Văn Cu (34 tuổi) và chị Phan Thị Mộng Lắm (34 tuổi), ngụ tại xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long là hai vợ chồng khuyết tật. Họ gặp nhau trong câu lạc bộ sinh hoạt của người khuyết tật trong vùng, đến với nhau bằng những tình cảm chân thành nhất.
Với tinh thần chịu khó và ham học hỏi, anh Cu được nhà hảo tâm tạo điều kiện cho học nghề sửa điện cơ. Chăm chỉ làm việc, anh Cu hiện tại đã tự tin sửa chữa các loại đồ điện gia dụng như quạt máy, nồi cơm điện, bình nước, máy khoan, máy hàn... Có được công việc ổn định, anh đã đủ tự tin và khả năng để chăm sóc cho vợ mình.
Khi gặp được anh Cu, chị Lắm rất vui vì có được nguồn động viên lớn lao giữa cuộc đời bất hạnh. Giờ đây, cả hai đã nên duyên và che chở nhau đến hết cuộc đời. Chị Lắm bộc bạch: “Hồi đó em nhát lắm, ai lại nhà là em trốn à vì em nghĩ trên đời này chỉ có một mình em khuyết tật. Từ khi gặp ảnh, ảnh rủ đi chơi em không dám đi. Ảnh nói đi đi nếu xe em hư tới đâu thì anh sửa tới đó cho em. Cứ đi tới chứ đừng đi lui”.
Từ một người phụ nữ mang trong mình nỗi mặc cảm tật nguyền, giờ đây chị đã vượt qua giới hạn bản thân để tiếp vai trò làm vợ, làm mẹ. Món quà lớn nhất dành cho hai vợ chồng là con trai Minh Đăng vừa chào đời khỏe mạnh và lành lặn.
Bởi vậy, hạnh phúc của người khuyết tật đôi khi chỉ đơn giản đến từ sự sẻ chia, thấu hiểu của cộng đồng. Niềm lạc quan, khát vọng cống hiến cũng từ đó mà nhân lên.