Cựu Bí thư Thành ủy Hội An - ông Nguyễn Sự bảo, đó là “chỉ dấu đất trời”, mà người miền Trung thường chờ đợi. Trong cái khắc nghiệt của thiên nhiên, người phố Hội bao đời vẫn nhanh chóng thích ứng, đứng dậy dọn lại vách nhà, bờ cây hằn vết bùn non… để tiếp tục cuộc sinh tồn.
“Lạy cát” tri ân mẹ thiên nhiên!
Ông Nguyễn Sự hẹn “tán gẫu” chuyện phố Hội, khi hoa lau đã nở trắng trên những cung đường vào phố Hội. Với người miền Trung, đây là dấu hiệu tiết trời thay đổi, mang lại yên hòa, mênh mang cho vạn vật.
“Ông Sự nói “lạy biển” không phải là mê tín, chỉ là mình biết cúi đầu trước cái nôi sinh thành, chở che nuôi dưỡng tổ tiên đến hôm nay và cho mình, cho đời con cháu mai sau. Và cũng biểu lộ sự thành kính, ông muốn tự nhắc thêm về cách ứng xử của con người với mẹ thiên nhiên”
Nhưng điều khó quên, Hội An cũng như người miền Trung vừa trải qua nhiều trận bão lũ kinh hoàng. Ngập lụt thôi chưa đủ, trong mùa mưa bão năm 2020, gần chục cây số bờ biển Hội An đã bị sạt lở toàn bộ; nhiều nhà hàng, khu nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nghiêm trọng; bãi tắm biển Cửa Đại đã không còn, bãi tắm An Bàng, Tân Thành nguy cơ sẽ mất chỉ trong chừng 1 - 2 năm nữa.
Bờ biển Hội An với các bãi tắm công cộng vốn từng nổi tiếng trên thế giới, là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quan trọng gắn với phát triển kinh tế của TP. Hội An, của tỉnh Quảng Nam, nhất là kinh tế du lịch. Không có bờ biển, Hội An đồng nghĩa khó duy trì được du lịch một cách bền vững.
Ông Sự trầm tư: “Hội An hiểu điều đó. Cũng chính vì điều đó, từ nhiều năm nay, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, tìm cách giữ bãi biển. Nhưng để giữ, phải hiểu và yêu biển”.
Ông kể tiếp, mùa bão lũ tháng 10/2014, sóng biển đã cuốn phăng toàn bộ rào chắn bằng bê tông cao 5m, dài 70m rồi ăn sâu vào đất liền ở bãi Cửa Đại chừng 30m. Vài tháng sau, sóng cuốn tiếp khoảng 160m bãi tắm, nhiều công trình của khu resort ở đây bị sóng cuốn đi. Những hàng dừa, phi lao nằm nghiêng ngả, bật gốc. Nguyên nhân thì nhiều lắm. Các nhà khoa học nhận định, xói lở chủ yếu do thay đổi cán cân bùn cát. Nguồn cát cung cấp cho bờ biển trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đang thiếu hụt do những con sông có quá nhiều thủy điện. Ngoài ra, còn do dòng chảy hoặc do tác động của con người.
Ông Sự chỉ nhớ, công cuộc cứu bãi biển lúc ấy rất cam go, thậm chí phải nói là đã tuyệt vọng. Từ sáng tới đêm, liên tục những chiếc xe cẩu hối hả đóng xuống biển những tấm thép cao tới 10m, ken sát bên nhau tạo thành bức tường thành ngăn biển khỏi “nuốt” bờ. Rồi những chiếc xe xúc hối hả đóng cát vào bao. Mỗi bao chứa tới vài khối cát, xếp lớp lên nhau tạo thành một loại kè mềm. Dùng cát để giữ cát… Nhưng cát Cửa Đại vẫn cứ trôi. Người dân lo lắng, suốt 3 ngày, đêm dựng đàn cúng cầu an, xin cát quay trở về.
Đột nhiên, từ Tết nguyên đán 2017, sau 3 năm bị biển xâm thực phá huỷ bãi tắm, cát dần bồi lấp trở lại. Du khách đã có thể nằm phơi nắng ở nơi trước đây họ chỉ đứng nhìn từ xa rồi lắc đầu quay đi. Đón nhận tin, khi đang dâng hương tại lăng Tiêu Diện gần đó xong, ông Sự cùng ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch) băng qua một lối nhỏ dương liễu ra biển vào lúc rạng sáng. Mặt trời nhô lên, điều mong ước đã hiện ra. Bên này bức tường sắt cao lớn dài cả trăm mét ngăn cát trôi ngày nào, nay hình thành thêm một bãi cát dài trãi ra trước mặt ông. Vui mừng và để bày tỏ lòng tri ân với thiên nhiên, những nén nhang được thắp lên, nghi ngút làn khói trước biển rộng bao la.
Ông Sự lý giải, đó không phải là mê tín, chỉ là mình biết cúi đầu trước cái nôi sinh thành, chở che nuôi dưỡng tổ tiên cho đến hôm nay và cho mình, cho đời con cháu mai sau. Và cũng vì biểu lộ sự thành kính, mà ông còn muốn tự nhắc thêm về cung cách ứng xử của con người với mẹ thiên nhiên…
Ông Nguyễn Sự luôn có một tình yêu đặc biệt với Hội An. |
Thích ứng thiên nhiên để giữ “hồn” của phố
Hôm Hội thảo bàn giải pháp cứu biển Hội An tổ chức hồi cuối năm ngoái, ông Sự cũng tham dự với nhiều ý kiến được ghi nhận. Nhắc lại mới biết, chuyện Hội An chưa bao giờ “vắng” ông, dù lúc làm quan hay dân. Cũng vì thế, về Hội An, cứ nhìn cái gì hay, cái gì đẹp, người dân lại nhắc đến ông Nguyễn Sự hoặc: “Nhờ chú Sự mà được vậy đó!”.
“Hội An giờ quá mong manh vì nó đẹp, mang đầy ý nghĩa văn hóa. Mà văn hóa tưởng bền vững nhưng thật ra rất mong manh. Rồi thành ra bất cứ ai cũng muốn gìn giữ, không chỉ riêng tôi. Nhưng có điều Hội An lúc nào cũng đầy thách thức, khiến tôi lúc nào cũng đau đáu”, ông Nguyễn Sự.
Đáp lại, ông Sự lắc đầu: “Hội An giờ quá mong manh vì nó đẹp, mang đầy ý nghĩa văn hóa. Mà văn hóa tưởng bền vững nhưng thật ra rất mong manh. Rồi thành ra bất cứ ai cũng muốn gìn giữ, không chỉ riêng tôi. Nhưng có điều Hội An lúc nào cũng đầy thách thức, khiến tôi lúc nào cũng đau đáu. Từ thiên tai, vì nằm vùng cuối sông Thu Bồn, năm nào Hội An cũng ngập trong nước. Trừ năm 1999 và 2007 quá bất thường, còn lại “trời làm cho vài con lụt mỗi năm”.
Bão lũ đi qua, người dân đứng dậy ngay. Họ đánh đố với trời, lấy bắp ra gieo, lụt xuống thì bỏ. Dịch bệnh Covid-19 hoành hành, du lịch đóng cửa, họ chuyển hướng kinh doanh hàng quán ăn uống. Phải sống, đó là cách người phố Hội tồn tại.
Rồi thách thức trong một giai đoạn mới, khi mọi thứ người ta quan niệm phải làm kinh tế thật nhiều, thật nhanh. Phải làm sao để Hội An vẫn phát triển, đi cùng với thế giới, nhưng vẫn giữ được mình, giữ được nếp sống văn hóa cũ, giữ được sự thuần hậu của mỗi con người trong kinh doanh, làm du lịch.
Ông Sự mang câu chuyện ngày đầu sau đổi mới của nhiều năm trước đơn cử, Hội An lúc đó đìu hiu, người dân không thể sống và làm giàu trên mảnh đất quê hương mà phải đi nơi khác. Rồi giữa xu hướng đô thị hóa, trong khi một số địa phương biến ruộng lúa thành đô thị, ông Sự lại có một quyết định khác.
“Tôi muốn giữ không gian làng quê yên bình, làm du lịch từ nền nông nghiệp, làm sao giữ được “nếp nhà” của Hội An, vừa theo kịp tốc độ phát triển vừa duy trì được nét văn hóa độc đáo, riêng biệt cho mảnh đất này. Sự lựa chọn này không chỉ tôi mà của cả nhân dân Hội An lúc bấy giờ”, ông Sự nhắc.
Nói là làm, ngay trong năm 1994, ông chủ trương làm trật tự phố, vạch đường để xe và vỉa hè cho người đi bộ. Ban đầu người dân phản đối kịch liệt vì cả nước chẳng ai làm như vậy. Nhưng sau thời gian nhiều người dần hiểu và quen dần với nếp sống, họ cũng thấy rằng điều đó hoàn toàn vì lợi ích của họ. Tiếp theo tới việc cấm xe vào phố cổ, ban đầu xe ôtô, sau cả xe máy, người dân lại được phen nổi đóa đòi gặp ông Bí thư.
Ông Sự bình tĩnh cho họp dân, giải thích cho họ hiểu: “Nhà phố cổ không còn vững chắc, bão lũ mỗi năm mục nát hết gỗ, động cơ khiến phố cổ bị chấn động, ảnh hưởng đến kiến trúc, bà con phải hiểu chuyện này vì gìn giữ phố cổ. Hiểu được rồi, chẳng ai lại không đồng thuận giữ nhà mình cả”.