Những tháng ngày nạp “vitamin tích cực”

(PLVN) -  “Ở nhà vẫn vui” là thông điệp được nhiều người gửi gắm qua mạng xã hội. Thông qua đó, tinh thần sống lạc quan, sống vui khỏe dù ở nhà và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch sẽ lan tỏa trong cộng đồng.
Giãn cách xã hội cũng là thời điểm để mỗi người tự học cách thay đổi bản thân, thích nghi với tình hình mới.

Học cách thay đổi bản thân

Những ngày đầu giãn cách, cuộc sống nhiều gia đình bị đảo lộn, mọi hoạt động trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Thậm chí, cái ăn hằng ngày cũng trở thành nỗi lo thường trực của họ. Tuy nhiên, qua hơn một tháng giãn cách, thay vì vùi đầu vào những lo lắng, bất an, nhiều người đã tự học cách thay đổi mình, tìm được một giải pháp hiệu quả để bản thân không bị rơi vào tình trạng chán nản.

Gia đình chị Ngọc Ánh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, khoảng thời gian này, chồng chị đã học được cách thích nghi với cuộc sống mới khi không được ra khỏi nhà như trước đây. “Mọi khi, chiều nào anh cũng ra ngoài chạy bộ quanh khu dân cư vài cây số, nhưng bây giờ anh chọn những bài tập tại chỗ. Mấy ngày đầu cũng bí bách, khó chịu lắm, nhưng dần cũng quen”. Gia đình chị dành nhiều thời gian hơn cho những bữa ăn, cầu kỳ, bày biện một ít, miễn sao mang lại niềm vui cho cả nhà trong những ngày giãn cách.

Thời gian này, vừa phải chăm con, vừa phải làm việc nhà, vừa phải đảm đương công việc cơ quan, nhiều chị em phụ nữ có đôi lúc bày tỏ những bối rối bởi không thể quán xuyến được hết công việc. Thế nhưng, thay vì bù đầu bứt tai với những công việc lộn xộn, nhiều người đã tự đặt ra cho bản thân và những thành viên khác trong gia đình một lịch trình cụ thể. Điều này giúp cho mỗi thành viên vừa đảm bảo công việc, học tập của bản thân, vừa tiết kiệm được thời gian mà vẫn duy trì nếp sinh hoạt hằng ngày, cuộc sống đỡ phần đảo lộn. Một lịch biểu khoa học cũng sẽ giúp các gia đình tiết kiệm được một khoảng thời gian nhất định và có thời gian dành cho nhau nhiều hơn.

Nhiều người học thêm những kỹ năng mới trong mùa dịch để thời gian trôi qua không bị lãng phí.

Ở nhà cùng nhau, đôi khi tình trạng cãi vã, mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi. Thay vì thế, nhiều người lựa chọn cách thấu hiểu nhau hơn, thông cảm và sẻ chia cho nhau những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Bởi lúc này, khi những thành phố lớn đang “ốm”, mọi hoạt động dường như ngưng trệ thì tinh thần con người cũng không thể hoàn toàn vui tươi. Vì vậy, cùng thông cảm và giúp đỡ nhau là điều mà nhiều người đã học được trong thời gian dài giãn cách xã hội. Gia đình chị Hoài nằm trong vùng phong toả tại Hà Nội chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên 2 vợ chồng được ở nhà cùng nhau 24/24h. Đợt này giống như trăng mật tại gia - hai đứa cố gắng giải quyết xong hết việc trong giờ hành chính để tối đến ngồi đàn hát cho nhau nghe”.

Học nấu thêm một món ăn mới, một ngoại ngữ mới hay cách chơi một loại nhạc cụ mới là cách mà rất nhiều người áp dụng để thời gian giãn cách ở nhà không bị trôi qua lãng phí. Cuộc sống rồi cũng trở nên yên bình hơn, bớt đi những xáo trộn, lo âu khi nghe tin thành phố thực hiện giãn cách toàn xã hội. Trong chính mỗi gia đình, sự thay đổi của các thành viên cũng mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Bố mẹ thấu hiểu con cái hơn, cùng nhau san sẻ những công việc gia đình và dành khoảng thời gian tận hưởng cùng nhau ở nhà. Cũng ngay trong chính không gian tổ ấm nhỏ, nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm được tổ chức mang lại tiếng cười, sự sảng khoái và tăng cường “vitamin” tích cực cho cuộc sống.

Bình tĩnh trước làn sóng dịch, học cách tự thay đổi chính mình cũng khiến con người tự tin hơn, dũng cảm hơn trước những khó khăn mới trong mùa dịch. Nhiều người chia sẻ, thời điểm này, dù phải ở nhà nhưng họ cảm thấy rất vui và may mắn bởi họ vẫn còn công việc có thu nhập, còn gia đình và người thân bên cạnh, đó là điều rất đỗi hạnh phúc trong thời điểm này.

Lạc quan, bình tĩnh là cách mà các gia đình giữ cho tinh thần luôn vững vàng.

Lạc quan là liều thuốc hữu hiệu

Không chỉ học cách làm quen với một cuộc sống “bình thường mới”, mà đây còn là dịp mỗi người cần phải học cách sống lạc quan, tích cực trước vô vàn những khó khăn, bất trắc. Những ngày giãn cách không hề vô ích bởi nó giúp mỗi người nhận ra nhà là nơi để sống, là tổ ấm yêu thương chứ không hề đơn thuần là chỗ trú thân.

Giãn cách kéo dài, các dịch vụ như cắt tóc cũng dừng lại, nhiều người đã chia sẻ những câu chuyện thú vị khi chính người thân trở thành thợ cắt tóc cho mình. Không khó để thấy những bức ảnh vui vui nhiều người tự chụp, như vợ cắt tóc cho chồng, con, chồng cắt tóc cho vợ, những “tác phẩm” để đời, có thể là mái tóc rất đẹp khiến nhiều người ngỡ ngàng vì tay nghề không chuyên, cũng có khi lại là sản phẩm khiến khổ chủ chỉ muốn cách ly ở nhà thêm cả tháng nữa, không dám ra ngoài đường.

Chị Ngọc Hà (Trương Định) chia sẻ: “Tất cả các hàng cắt tóc nhỏ quanh phố nhà tôi ở đều đóng cửa hết, mà chồng tôi thì tóc dài một chút là không chịu được, thời hạn cách ly thì còn dài, với lại trong điều kiện dịch bệnh không biết khi nào mới kết thúc, cho nên tôi liều thử cắt cho anh ấy. Cũng may là kết quả không đến nỗi tệ”.

Dịch vụ cắt tóc “tại gia” với những tình huống “dở khóc, dở cười”.

Đối với những F0 đang điều trị tại nhà, cuộc chiến chống COVID-19 không hề đơn giản. Thái độ lạc quan, vui khoẻ lại là liều thuốc rất hữu hiệu. Nhờ vào tinh thần lạc quan, tuân thủ đúng theo những hướng dẫn điều trị của nhân viên y tế, nhiều người đã hoàn toàn khỏi bệnh, trở lại cuộc sống thường ngày.

Vũ Nguyễn Ngọc Trâm (24 tuổi, Q.7, TP HCM) chia sẻ: “Chúng ta cần có sự lạc quan, quyết tâm hết bệnh vì mục tiêu cụ thể, điều đó sẽ giúp ta có động lực vượt qua bệnh tật. Mình đọc những bài viết về F0 khỏi bệnh đi chống dịch, lúc đó mình nghĩ sẽ phải cố gắng khỏe để đi chống dịch cùng tuyến đầu. Sau đó, mình trò chuyện với bà và mẹ những mục tiêu sau khi cả nhà khỏe sẽ cùng nhau làm. Và mình thấy niềm vui trở lại trên gương mặt bà và mẹ. Đối với người lớn tuổi, quan trọng là mình phải tạo cho họ sự an tâm, vui vẻ”.

Điểm chung của những ca F0 này đó là cố gắng giữ thái độ lạc quan, bình tĩnh, không quá lo sợ. Trải qua thời gian khó khăn bởi sự hoành hành của virus trong cơ thể, khi khỏi bệnh, nhiều F0 đã bày tỏ mong muốn san sẻ khó khăn với những người dân còn trong khu phong toả, cách ly, những F0 đang điều trị. Họ tình nguyện trở thành trợ thủ đắc lực của nhân viên y tế, xung phong đo thân nhiệt, đo chỉ số Sp02 cho bệnh nhân. Những chuyến xe hỗ trợ nhu yếu phẩm hàng ngày cũng chính là hành động để họ lan toả những giá trị tích cực giữa mùa dịch, để mọi người hiểu và trân trọng cuộc sống này, để cuộc chiến nhanh chóng đến hồi kết.

Với những gia đình có người công tác trong các lực lượng chức năng và ngành y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch thì bao nhiêu ngày COVID-19 hoành hành lại là bấy nhiêu ngày cả nhà chỉ được gặp nhau qua màn hình điện thoại. Những người làm cha mẹ thì giấu đi lòng nỗi nhớ nhà, thương con để tập trung chiến đấu chống dịch. Phía trước họ là bệnh nhân, sau lưng họ, gia đình vẫn luôn là điểm tựa vững chắc, là động lực vượt lên những đêm thiếu ngủ, áo đẫm mồ hôi chạy đua từng giờ với COVID-19.

Dịch COVID-19 ập đến như làn sóng mạnh khiến người ta lo lắng, hoang mang hơn. Nhưng càng khó khăn, những lời động viên, san sẻ với nhau càng thêm lan toả mạnh mẽ. Chính trong khó khăn ấy, chúng ta có cơ hội để nhìn lại những giá trị ý nghĩa nhất của cuộc sống, để biết quý trọng và nâng niu thêm cơ hội được thức dậy hằng ngày.

Bằng cách này hay cách khác, nhiều người đã lựa chọn cách sống mới trong mùa dịch, tìm đến những nguồn năng lượng mới và không để tâm trạng rơi vào vòng luẩn quẩn lo âu bởi dịch bệnh. Lan toả năng lượng tích cực đến cộng đồng là cách khiến chúng ta nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh và sớm trở lại với cuộc sống thường nhật.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm