Những thói quen giữ hạnh phúc gia đình

Thường xuyên nói lời yêu thương, tâm sự chuyện khó khăn, xem phim hoặc du lịch cuối tuần... sẽ giúp tổ ấm ngày càng hạnh phúc hơn.
Gia đình hạnh phúc là mong ước của mọi người. Thế nhưng, công việc bận rộn và những mối quan hệ xã hội khiến quỹ thời gian dành cho tổ ấm giảm đi đáng kể. Cho dù cuộc sống mệt mỏi đến đâu, đừng quên duy trì những thói quen dưới đây để hạnh phúc luôn mỉm cười với gia đình bạn.
Thể hiện yêu thương
Trao nhau cử chỉ yêu thương, một cái ôm trước khi đi làm hoặc nụ cười vui mừng lúc trở về nhà... sẽ giúp tình thân ngày càng bền chặt hơn. Mỗi ngày, cha mẹ có thể nói lời yêu con để nhận lại câu nói "Ba mẹ đi làm vui vẻ" từ chúng. Những thói quen này sẽ tạo ra nguồn năng lượng tích cực và gắn kết các thành viên trong gia đình, nhắc nhở mọi người thương yêu và quan tâm lẫn nhau.
Chia sẻ khó khăn
30 phút ăn tối hoặc một tiếng ngồi xem tivi cùng nhau, là thời điểm lý tưởng để bạn chia sẻ những vấn đề khó khăn cùng gia đình. Các thành viên khác sẽ lắng nghe, thẳng thắn góp ý, tìm cách giải quyết và tháo gỡ vấn đề trực trặc của bạn. Thói quen này giúp xây dựng niềm tin trong gia đình, biến tổ ấm trở thành bến đỗ yên bình cho bất cứ ai muốn trở về nhà.
Hoạt động chung định kỳ
Các hoạt động chung giúp các thành viên trong gia đình có khoảng thời gian quây quần nhau.
Các hoạt động chung giúp các thành viên trong gia đình có khoảng thời gian quây quần nhau. Mỗi kế hoạch nhỏ chẳng hạn như đi xem phim cuối tuần, liên hoan hoặc du lịch xa vào cuối tháng, cần có sự bàn bạc và thống nhất giữa cha mẹ và con cái. Nhờ vậy, mọi người có điều kiện tương tác với nhau, cảm thấy bản thân được quan tâm, tôn trọng và có trách nhiệm trong những hoạt động tập thể.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Phân công việc nhà
Từ 3 tuổi trở lên, trẻ có thể tham gia vào việc nhà. Tùy lứa tuổi và khả năng, bạn hãy giao cho bé một số việc nhỏ như xếp giày dép vào kệ, gấp quần áo, dọn bàn ăn… để chúng làm quen và góp sức vào cuộc sống chung của gia đình. Vợ chồng cũng nên chia sẻ gánh nặng việc nhà như nấu ăn, rửa bát, lau dọn, giặt giũ hoặc nuôi dạy con cái.
Giữ gìn truyền thống gia đình
Kính trên nhường dưới, uống nước nhớ nguồn, chia ngọt sẻ bùi... là những truyền thống tốt đẹp của gia đình mà bạn nên nhắc nhở cho các thành viên nhỏ tuổi. Hãy thường xuyên cho con trẻ thăm viếng và chăm nom ông bà để dạy chúng lòng hiếu thảo. Những ngày lễ Tết, nên duy trì truyền thống gói bánh chưng, bánh tét; lì xì mừng tuổi; về quê thăm nội ngoại; quây quần bên mâm cơm tất niên... Điều này khiến con cái cảm thấy gia đình là một mái ấm đáng tự hào, cần được vun đắp nhiều hơn.
Quan tâm đến sức khỏe
Gia đình hạnh phúc khi các thành viên khỏe mạnh và dồi dào năng lượng. Vì thế, bạn cần khuyến khích mọi người duy trì thói quen rèn luyện thể dục thể thao hàng ngày. Vận động không chỉ giúp cơ thể cân đối và khỏe mạnh, mà còn mang lại nhiều giá trị tinh thần tích cực, tâm lý vui vẻ, suy nghĩ nhạy bén và trí tuệ sáng suốt hơn.

Đọc thêm