Có tới 21/30 em khi được hỏi đều có cảm giác thiếu thốn tình thương. Các em thể hiện các mức độ như trầm cảm, cô đơn, tuyệt vọng... Đa số các em đều có dùng chất kích thích: thuốc lá, đồ uống có cồn, bồ đà và hít keo. Nguy hiểm hơn, 60% số em đó còn cho biết từng tự rạch cơ thể mình bằng dùng lưỡi dao lam cho quên nỗi buồn, tủi hổ khi mình là trẻ lang thang đồng tính, song giới và chuyển giới.
Có tới 21/30 em khi được hỏi đều có cảm giác thiếu thốn tình thương. Các em thể hiện các mức độ như trầm cảm, cô đơn, tuyệt vọng... Đa số các em đều có dùng chất kích thích: thuốc lá, đồ uống có cồn, bồ đà và hít keo. Nguy hiểm hơn, 60% số em đó còn cho biết từng tự rạch cơ thể mình bằng dùng lưỡi dao lam cho quên nỗi buồn, tủi hổ khi mình là trẻ lang thang đồng tính, song giới và chuyển giới.
|
Trẻ lang thang và những nỗi đau của xã hội |
Xua đuổi trong mái ấm
Nói trong làn nước mắt, em Nguyễn Thanh Hùng (Đồng Tháp) - đồng tính nam, 16 tuổi nghẹn đắng: “Ngày nào em cũng bị ba mẹ căn nhằn, chửi rủa. Khi em đề cập chuyện giới tính của em, ba mẹ em cứ chửi và bảo không thể nào chấp nhận một thằng con trai như vậy. Và nói em “Mày là ngợm chứ không phải là người. Tại sao, tao lại đẻ ra cái giống đực chẳng ra đực, cái chẳng ra cái thế này?”. Ngày nào cũng nói những câu ấy, em thấy nặng nề, xúc phạm dữ lắm”.
Cũng đau đớn khi nghe bậc sinh thành hắt hủi mình, em Phạm Thị Hoa - đồng tính nữ ngậm ngùi: “Bố em, đánh em nói là “tao không chấp nhận một đứa lạc loài như mày trong nhà, tao sinh ra mày là con gái đàng hoàng, tao lo cho mày như bao nhiêu đứa khác mà tại sao mày lại đổ đốn như vậy. Mày đi đâu thì đi cho khuất mắt tao”. Lý do mà các bậc phụ huynh không chấp nhận bởi cho rằng đồng tính giống như một thứ gì băng hoại, một thứ bệnh cần phải rũ bỏ.
Chính thái độ của người thân và những mâu thuẫn, bất hòa nội tại giữa cha mẹ và con khiến các em phải chịu cảnh ngược đãi, bạo hành, hắt hủi ngay trong gia đình. Xét ở cấp độ cộng đồng, thành kiến từ phía những người dị tính và kỳ thị xã hội thường tạo sức ép lên trẻ khiến các em cảm thấy khó có thể chịu đựng nổi. Rất nhiều trẻ khi có biểu hiện xu hướng đồng tính đã bị chính gia đình, người thân mình xua đuổi, cộng đồng kì thị và đã âm thầm bỏ nhà “đi bụi” để gia nhập và cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới nơi thành phố.
Đối với những trẻ này, cuộc sống đường phố hay trong công viên đầy rẫy hiểm họa: ăn uống thất thường, thay đổi chỗ ngủ, không được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, thường xuyên đối mặt và nguy cơ bạo lực và bị quấy rối tình dục, nguy cơ bị lây nhiễm HIV và các bệnh khác. Tình trạng bị bạo hành và quấy rối tình dục diễn ra phổ biến trong các nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới.
Ra đường bị “tuýt còi”
Ở nhà bị xua đuổi, sống lang thang đường phố, những trẻ này một lần nữa bị cơ quan chức năng “tuýt còi”. Trẻ em đường phố đồng tính, song tính và chuyển giới thường bị công an và lực lượng dân phòng phân biệt đối xử, bị coi là những phần tử “tình nghi” hoặc “có nguy cơ”, đa phần là do vẻ bề ngoài khác người của các em qua cách ăn mặc, kiểu tóc, ngôn ngữ, cử chỉ…
Trong mắt nhà chức trách địa phương, những trẻ em này thường bị xem là đối tượng đáng ngờ, có nhiều khả năng liên quan đến mại dâm, trộm cắp và lừa đảo. Các chủ trương thu gom phần nào giảm thiểu tình trạng ngủ đêm tại các nơi công cộng, nhưng chính sách này lại gián tiếp tạo ra những tình huống nguy cơ khác cho sự an toàn cá nhân của trẻ em đường phố, nhất là trẻ em đồng tính, song tính và chuyển giới.
Những định kiến ăn sâu bám rễ trong xã hội còn khiến các em đồng tính, song tính và chuyển giới càng gặp khó khăn trên thị trường lao động và việc làm. Hầu hết, các em đường phố đồng tính, song tính và chuyển giới không tìm cho mình một công việc tử tế kể cả đi làm những công việc phổ thông nhất như: rửa bát thuê, bán hàng thuê.
Em Hoàng Hùng - 15 tuổi, một đồng tính nam cho hay, khi em đi xin việc bán hàng thuê, thấy em để tóc dài, mặc quần áo nữ, giọng lại là con trai, hầu hết những ông bà chủ nơi em xin việc đều đuổi mắng và nói: “Hết người cũng không bao giờ nhận thèm pê đê làm việc. Không có tiền sống qua ngày, đêm đến, em đành ra công viên làm “gái”.
Để lắng nghe tiếng nói và bảo vệ quyền của các em, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), Đại sứ quán Na Uy và Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế (SCI) tổ chức Hội thảo về “Thúc đẩy và bảo vệ quyền của trẻ em đường phố đồng tính, song tính và chuyển giới vào sáng ngày 31/5/2012 tại Hà Nội”. Từ việc chia sẻ các phát hiện của nghiên cứu "Đánh giá thực trạng quyền trẻ em đồng tính, song tính và chuyển giới tại thành phố Hồ Chí Minh" do iSEE và SCI thực hiện, hội thảo mong muốn tạo diễn đàn cho các cơ quan chức năng tham gia chia sẻ và thảo luận về chính sách và sáng kiến nhằm bảo vệ quyền nhóm trẻ em đường phố đồng tính, song tính và chuyển giới. |
Bị xua đuổi và “tuýt còi” như vậy khi trong tình trạng lang thang, không nghề nghiệp, hệ lụy để có thể tồn tại, một số trẻ em đồng tính, song tính và chuyển giới chỉ còn cách bán thân và nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Do ăn ngủ thất thường lại thường bị lạm dụng tình dục, các em thường có biểu hiện đau dạ dày, bị nhiễm bệnh phụ khoa và kiệt sức. Các em thường tự mua thuốc nếu có đủ tiền hoặc nhờ bạn mua cho. Hầu hết các tiệm dược phẩm bán thuốc mà không cần đơn, cấp thuốc tại quầy dựa theo những thông tin bệnh tình người mua mô tả. Khi được hỏi nếu dùng thuốc không khỏi, liệu có đi khám bác sĩ không, một em nữ chuyển giới nói với chúng tôi: “Những người như tụi em đi khám ngại lắm, nhất là khi vô phòng bệnh cởi áo, tại ở bệnh viên rất là đông, dễ bị dòm ngó và nhiều người kỳ thị”…
Hơn ai hết, những trẻ em lang thang đường phố đồng tính, song tính và chuyển giới luôn khao khát được gia đình, người thân, cộng đồng xã hội đừng kỳ thị giới tính “lệch” của mình. Đừng đẩy các em ra lề đường, ra lề xã hội. Các em rất thèm khát được yêu thương, được tự tin sống cuộc sống đúng con người thực của mình. Những đứa trẻ tội nghiệp này luôn cần sự cảm thông, giúp đỡ để tự tin bước qua những định kiến đầy tiếng khóc trong đêm.
Thùy Dương