Những tình nguyện viên “chia lửa” cùng TP Hồ Chí Minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hàng ngàn tình nguyện viên trong và ngoài địa bàn TP HCM chung một tấm lòng, xông pha vào tâm dịch để hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Tình nguyện viên đang tham gia điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện dã chiến TP Hồ Chí Minh.
Tình nguyện viên đang tham gia điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện dã chiến TP Hồ Chí Minh.

Lực lượng này không ngại nguy hiểm tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm, các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, phun khử khuẩn, đi chợ hộ, cắt tóc, hỗ trợ tiêm vaccine…

Sinh viên ngành Y, bác sĩ lên đường vào tâm dịch

Gần 2 tháng qua, dịch bệnh COVID-19 tại TP HCM diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống người dân và phát triển của TP HCM. Hàng ngàn sinh viên, cán bộ, bác sĩ đã tình nguyện xung phong vào tuyến đầu.

Theo đó, ngay từ ngày đầu dịch bệnh, Trường ĐH Y dược TP HCM đã gửi 1.000 tình nguyện viên là sinh viên, cán bộ để được phân phối trong công tác phòng chống dịch bệnh. Cũng chừng đó tình nguyện viên của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch từ ngày 29/5 đã được cử đến các điểm lấy mẫu cộng đồng nhập thông tin mẫu, hỗ trợ lấy mẫu.

Các BV trên địa bàn TP HCM cũng cử lực lượng tham gia chống dịch như BV ĐH Y Dược TP HCM, BV Trưng Vương, BV Phạm Ngọc Thạch, BV Nhiệt đới, Nhi đồng…

Còn ở ngoài tỉnh cũng không kém phần nhiệt huyết, ngày 12/7, Bộ Y tế đã cử gần 1.000 y bác sĩ từ Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế… vào TP HCM tham gia hỗ trợ vào các công tác xét nghiệm tầm soát, tiêm chủng và tham gia phục vụ tại các BV dã chiến nhằm nâng cao hiệu suất tối đa công tác điều trị.

Gian bếp 0 đồng…

Không chỉ có thanh niên, sinh viên ngành Y mà lực lượng tình nguyện viên hiện nay còn có cả những người trên 60 tuổi, tri thức, nghệ sĩ, người lao động…

Những tình nguyện viên tuổi trên 50, 60 được gọi với cái tên “tình nguyện viên đặt biệt”. Như cô Ngô Dạ Minh Châu (53 tuổi) tham gia hỗ trợ tiêm vaccine tại quận 10 hay cô Đỗ Thị Hạnh (70 tuổi) tham gia ghi tên người dân nộp giấy xét nghiệm tại quận 3. Và nhiều người khác tham gia bếp ăn nghĩa tình, chợ 0 đồng.

Bên cạnh đó, các nghệ sĩ cũng xông pha vào đội hình tình nguyện viên. Đơn cử như “Bếp ăn Thương Sài Gòn” có sự tham gia của nhiều nghệ sỹ. Trong đó, nghệ sỹ Ưu tú Lê Tứ làm công việc vận chuyển rau củ từ gian bếp đến những bếp ăn khác trên địa bàn thành phố. Nghệ sỹ Đại Nghĩa tích cực kêu gọi cộng đồng quyên góp hàng tấn rau củ, đồ hộp gửi đến bếp. Mỗi ngày, bếp nấu khoảng hơn 1.000 phần cơm để gửi đến các bệnh nhân tại một số BV, nhân viên y tế, người dân tại khu cách ly và những người lao động đang gặp khó khăn.

“Gian bếp 0 đồng” của nghệ sỹ Hữu Quốc phát 1.000 phần cơm chiều (ban đầu dự định 500 phần) vào thứ Tư hàng tuần và 1.500 phần bánh mì hoặc cơm (tăng gấp 3 so với dự kiến) vào Chủ nhật.

Mới đây, nghệ sĩ và người tham gia làm nghệ thuật cũng đã tổ chức cắt tóc tại các điểm cách ly cho người chống dịch tuyến đầu, người bị cách ly. Hoặc tham gia đi chợ hộ cho những người già, người gặp khó khăn về đi lại hoặc trong khu cách ly.

Vững niềm tin

Mặc dù vào tâm dịch, cách ly hoàn toàn với gia đình, bạn bè nhưng các tình nguyện viên vẫn giữ tinh thần lạc quan và hết sức công hiến. Bí thư Đoàn Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết: Từ khi bắt đầu dịch bệnh nhóm đã hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm tại quận 12, Gò Vấp. Tiếp đó, nhiều nhóm sinh viên của trường không quản ngại đêm hôm, tiếp tục tham gia hỗ trợ tại tâm điểm dịch ở quận Gò Vấp.

Thạc sĩ Hà Thanh Đạt nhớ lại, khi những ca mắc COVID-19 xuất hiện nhiều tại quận Gò Vấp và cần thêm người hỗ trợ, 23 giờ đêm, khi anh đăng thông tin cần sinh viên tình nguyện vào tâm điểm Gò Vấp, lập tức nhiều bạn điện thoại cho biết sẵn sàng lên đường ngay. “Tinh thần dấn thân ấy của các bạn là điều rất đáng quý. Nó vượt lên hai chữ tình nguyện. Tính đến nay, đã có hơn 1.000 sinh viên các trường đang ngày đêm hỗ trợ tại các “điểm nóng” của dịch”, Thạc sĩ Hà Thanh Đạt chia sẻ.

Các nhóm đều xông pha vào tâm dịch như lấy mẫu xét nghiệm tại huyện Cần Giờ, Nhà Bè, quận 1, 3, 8, Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú và các đội hình truy vết dịch tễ tại huyện Hóc Môn, quận Bình Tân, Tân Phú. Ai cũng trong tâm thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Nguyễn Thanh Sơn, SV năm cuối ngành Y tế cộng đồng, ĐH Y Dược TP HCM xác định sự nghiệp của mình sẽ gắn bó với rất nhiều nguy hiểm liên quan đến bệnh tật, không chỉ mỗi dịch bệnh COVID-19. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để bạn cọ xát thực tế, trau dồi thêm kinh nghiệm phục vụ công việc sau này…

Xúc động khoảnh khắc đội mưa của tình nguyện viên

Trên mạng lan truyền một tấm hình gây xúc động mạnh về một nhóm tình nguyện viên với đồ bảo hộ cùng giang tay ôm nhau thành vòng tròn trên chiếc xe bán tải mặc cho cơn mưa nặng hạt, đường ngập nước.

Hình ảnh này được chụp vào chiều ngày 15/7, khi cơn mưa lớn và kéo dài bất chợt đổ xuống TP HCM là của Đội xe khử khuẩn di động được Thành Đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam - Hội Sinh viên Việt Nam TP HCM tổ chức.

Vũ Âu Chí Bảo 28 tuổi, người ngồi trên xe, kể: “Sau khi làm nhiệm vụ xong ở Q.7, đội hình làm nhiệm vụ phun xịt khử khuẩn di chuyển qua Nhà Bè tiếp tục làm nhiệm vụ. Khi di chuyển trên đường Huỳnh Tấn Phát, trời đổ mưa to, chúng tôi đã dầm mưa hơn 1 giờ. Ban đầu hành động ôm nhau chỉ cho an toàn và giúp nhau đỡ lạnh. Sau đó, chúng tôi tiếp tục ôm nhau, động viên nhau cố lên bởi vì bảo vệ mọi người là trách nhiệm của chúng tôi”.

Anh Bảo là một người kinh doanh nhưng vì dịch bệnh COVID-19 làm ngưng hoặt động nên tham gia làm tình nguyện viên.

Đọc thêm