Những trang sách có hậu của người chuyển giới

(PLVN) - “Mình đã vượt qua những rào cản và định kiến đến từ xã hội. Mình cũng mong câu chuyện của mình có thể truyền cảm hứng tới những bạn trẻ ngoài kia. Không chỉ là những bạn chưa hiểu hay đã hiểu về cộng đồng người chuyển giới, mà cả chính những ai chưa dám nói ra tiếng nói cho bản thân mình”.
Sự kiện Tờ A4 - Bắt đầu có hậu. (Ảnh: BTC)
Sự kiện Tờ A4 - Bắt đầu có hậu. (Ảnh: BTC)

Giá trị cuộc sống - là bản thân cố gắng tốt hơn mỗi ngày

Nhã Bùi, một cô gái chuyển giới 18 tuổi, lớn lên ở Đông Anh (Hà Nội). Từ bé, Nhã Bùi đã tự biết mình là con gái, cô chơi búp bê, nấu ăn, thích chơi với các bạn gái. Và từ khi đi học, cô thường xuyên bị bạn bè chọc ghẹo, thậm chí không ít thầy cô cũng còn hạn chế khi nhìn nhận về bản dạng giới của Nhã Bùi… Có lẽ sớm “sống đúng” với giới tính thật nên Nhã Bùi đã luôn tự khẳng định mình bằng cách học thật tốt và tham gia các phong trào, các cuộc tranh biện khá sôi nổi. Tuổi 18, với IELTS 7,0, Nhã Bùi chọn Học viện Ngoại giao Hà Nội để đi tới tương lai của mình… Cô mong muốn sau này sẽ là một nhà ngoại giao giỏi, mang tiếng nói của những người chuyển giới đi thật xa… Và cũng khi 18 tuổi, Nhã Bùi đã chính thức nói với mẹ, rằng cô là con gái và cô sẽ sống đúng với giới tính thật của mình. Nhã Bùi lấy tên này vì cô thích sự nhã nhặn, dịu dàng, lịch thiệp của người con gái Hà Nội…

Nhã Bùi chia sẻ câu chuyện của mình: “Mẹ mình buồn lắm bởi mẹ sợ những lời lẽ điều tiếng đến từ xã hội ngoài kia dành cho mình hay chỉ đơn giản là thương mình vì mẹ thấy mình đã chịu nhiều thiệt thòi hơn so với các bạn. Dù thế nào mình vẫn cảm thấy có lỗi với gia đình. Và điều này càng thôi thúc mình cố gắng hơn mỗi ngày…

Ngày 3/8/2022, Bộ Y tế ban hành Công văn 4132/BYT-PC quán triệt khi tổ chức khám, chữa bệnh cho người đồng tính, song tính và chuyển giới cần phải bình đẳng, tôn trọng về giới tính, không phân biệt đối xử và kì thị, cũng như không can thiệp, ép buộc điều trị đối các đối tượng này. Trong công văn, Bộ Y tế cũng khẳng định “không coi đồng tính, song tính, chuyển giới là một bệnh”.

Như vậy, chuyển giới không phải là khiếm khuyết cơ thể hay rối loạn tâm lý mà là cảm nhận bên trong một người về giới tính của mình. Các vấn đề trầm cảm, lo âu của người chuyển giới không tự thân xuất phát từ bản dạng giới của họ mà từ sự kì thị và không chấp nhận của gia đình, xã hội.

Theo Viện iSEE, các cơ quan chức năng cần căn cứ đúng hướng dẫn chẩn đoán của các tổ chức y tế uy tín như DSM hay ICD phiên bản mới nhất, đồng thời có những hỗ trợ tâm lý, xã hội phù hợp để người chuyển giới sống đúng với giới tính của mình là cách tốt nhất để làm giảm các vấn đề tâm lý của người chuyển giới.

Mình biết chắc chắn rằng trong mỗi chúng ta từ khi sinh ra sẽ chẳng có ai được lựa chọn hoàn cảnh của bản thân, lựa chọn giới tính mà mình mong muốn cả. Mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở miền Bắc với hệ tư tưởng còn không ít hạn chế, nên mình không biết phải mở lời như thế nào về bản dạng giới của mình. Dẫu vậy, khi mình tròn 18 tuổi, mình đã có một cuộc nói chuyện với mẹ. Nhưng mình nghĩ chắc gia đình cũng đã phần nào biết bởi những bộc lộ khá rõ ràng trước đó của mình.

Trong suốt thời gian khám phá bản thân cũng như để có thể can thiệp y tế, mình cảm thấy có người tham vấn tâm lý một điều rất tốt đối với không chỉ mình mà còn những bạn khác trong cộng đồng. Những vấn đề về tâm lý là vấn đề chung mà giới trẻ đang phải đối diện, bạn trẻ chuyển giới lại càng tệ hơn nhiều!

Mình vẫn còn nhớ như in vào một buổi học ở trên lớp, mình đã đánh son đi học như bao bạn nữ khác. Nhưng mình không ngờ rằng khi mình đánh son như vậy lại nhận về nhiều sự chỉ trích tiêu cực từ cô giáo và bạn bè. Thậm chí cô giáo chủ nhiệm đã có những phản hồi, cho rằng đó là sự lố bịch, muốn tạo sự chú ý gì đó. Tệ hơn họ còn sử dụng những từ ngữ tiêu cực như “bê đê”, “trai không ra trai, gái không ra gái”. Ngay giây phút ấy, mình cảm thấy rất chạnh lòng, trái tim mình như bị đứng nhịp lại, mình chỉ muốn khóc lên thật to và oán trách cuộc đời nhưng mình đã cố gắng kìm nén những giọt nước mắt. Bởi lẽ mình cũng dần hiểu ra, giá trị cuộc sống thật sự không nằm từ những hỷ, nộ, ái, ố ngoài kia, mà nằm trong chính bản thân mỗi chúng ta, để mình dần trở nên chấp nhận bản thân mình nhiều hơn. Mình cũng chỉ biết né tránh nhắc đến những vấn đề đó nhiều nhất có thể thôi. Chỉ khi mình thấy sự việc đi quá xa thì mới có những phản hồi lại...”.

Nhã Bùi bày tỏ: “Mình cảm thấy khá tủi thân khi người chuyển giới chưa thể thay đổi được giới tính trên giấy tờ. Và mình thật sự rất mong pháp luật sớm có thể tạo cơ hội cho những bạn chuyển giới như mình được sống đúng với con người bản thân mong muốn. Ngoài ra, đối với Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, mình mong rằng chỉ cần bạn có bản dạng giới khác với giới tính sinh học thì đều được coi là người chuyển giới, dẫu cho bạn chưa có điều kiện can thiệp y tế. Mình đã vượt qua những rào cản và định kiến đến từ xã hội, mình cũng mong câu chuyện của mình có thể truyền cảm hứng tới những bạn trẻ ngoài kia, không chỉ là những bạn chưa hiểu hay đã hiểu về cộng đồng của chúng ta mà cả chính những ai chưa dám nói ra tiếng nói cho bản thân mình. Cùng chung tay cống hiến và đóng góp để đem đến một tương lai tốt đẹp hơn dành cho những người chuyển giới”...

Nhã Bùi, 18 tuổi, người chuyển giới mong muốn người chuyển giới sớm được thay đổi tên trên giấy tờ. (Ảnh: NVCC)

Nhã Bùi, 18 tuổi, người chuyển giới mong muốn người chuyển giới sớm được thay đổi tên trên giấy tờ. (Ảnh: NVCC)

Và trang sách của Ngọc Anh

“Mình là Ngọc Anh và mình là người chuyển giới nam. Mình đã lập gia đình, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn nên hành trình tìm hiểu bản thân, bản dạng giới và xu hướng tính dục của mình không hề dễ dàng. Cũng giống như các bạn khác, ban đầu mình cũng nhầm lẫn mình là đồng tính nữ do năm lớp 7 là lúc mình nhận ra mình có cảm xúc đặc biệt với những bạn nữ khác. Mãi cho tới những năm học đại học, mình mới tìm hiểu và đào sâu các khái niệm về đa dạng giới, bản dạng giới. Đó cũng là lúc mình nhận ra bản thân là một người chuyển giới nam.

Năm 2021, mình và vợ mình đã đưa ra quyết định bước ngoặt là sinh em bé bằng phương pháp IVF. May mắn cho hai đứa, bố mẹ vợ mình rất thương và thấu hiểu con. Khi về thưa chuyện với gia đình vợ, bố nói một câu làm mình cảm động và nhớ mãi “Bố không quan tâm người ngoài nói thế nào, bố chỉ quan tâm các con”.

Trước đó, quá trình bộc lộ của mình với gia đình cực kỳ khó khăn. Mình xuất thân từ nông thôn, bố mất sớm nên mẹ mình bất đắc dĩ rơi vào cảnh “mẹ đơn thân”. Những năm tháng đi học, mình chịu sự phân biệt đối xử từ phía giáo viên chủ nhiệm và nhà trường. Mình đã từng bị hạ hạnh kiểm xuống trung bình chỉ vì vắng mặt trong một buổi đi lao động tại trường. Năm cấp 3 là lúc mình cảm thấy thoải mái và được lắng nghe khi chơi rất thân với một bạn nữ. Nhưng người lớn lại hiểu nhầm và ngăn cấm tụi mình chơi với nhau. Đỉnh điểm là năm 23 tuổi, khi mình bộc lộ với mẹ và gia đình xảy ra “chiến tranh lạnh”. Từ chuyện sinh hoạt hàng ngày đến chuyện công việc, gia đình như lấy chồng, sinh con đều là những áp lực vô hình đè lên vai mình suốt nhiều năm.

Sau này khi đi phỏng vấn, mình cũng phải chịu đựng sự đánh giá và gây khó khăn từ phía ban tuyển dụng chỉ vì ngoại hình và con người của mình. Khi thực hiện các thủ tục hành chính cũng vậy.

Là một người đã từng chật vật rất nhiều trong quá trình tìm hiểu và học hỏi kiến thức về giáo dục giới tính, đa dạng tính dục,…, mình hiểu tầm quan trọng của việc cởi mở đón nhận tri thức và nâng cao nhận thức về bản thân… Vì vậy, mình cho rằng giáo dục giới tính cơ bản thì phù hợp với các bạn lớp 3, kiến thức về đa dạng giới thì phù hợp với các bạn cấp 2. Hi vọng những kiến thức này sẽ sớm được phổ cập và lồng ghép vào các chương trình học, giáo dục,…”.

Vừa qua, IT’S T TIME và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) đã phối hợp để tổ chức sự kiện “Human Library - Trang sách sống”. Sự kiện này của Liên Hợp quốc tại Việt Nam cùng với chiến dịch truyền thông “Tờ A4 - Bắt đầu có hậu”.

Áp lực với các khuôn mẫu giới về nam tính và nữ tính hay sự kì thị trong công việc, tiếp cận các dịch vụ y tế, sử dụng dịch vụ công là những khó khăn mà bất cứ người chuyển giới nào cũng phải đối mặt hàng ngày. Việc được thừa nhận giới tính và mong muốn xây dựng gia đình, muốn được cống hiến cho xã hội, cộng đồng là ước mong chung của người chuyển giới, đa dạng giới.

Tháng 05/2023, vấn đề chuyển đổi giới tính và vấn đề bản dạng giới đã cùng được đưa vào dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính và dự kiến sẽ được đưa trình Quốc hội vào năm 2024. Tuy nhiên, theo giới nghiên cứu, các quy định liên quan lại đến điều kiện để được thừa nhận là một người chuyển đổi giới tính còn tương đối hẹp, có nguy cơ khiến nhiều người chuyển đổi bị “lề hóa”.

Thông qua sự kiện “Human Library - Trang sách sống”, IT’S T TIME và Viện iSEE mong muốn có thể tạo ra một không gian an toàn, cởi mở để người chuyển giới, đa dạng giới có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ 15 trong số 30 câu chuyện thật của người chuyển đổi giới tính đến từ các tỉnh, thành và nói lên nguyện vọng của mình, chạm tới trái tim bạn đọc và những người làm luật. Để từ đó, có thể cùng nhau tạo nên những bắt đầu có hậu về văn hóa - xã hội - pháp lý trong bối cảnh Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang có những diễn biến tích cực, mang lại nhiều hy vọng tích cực cho tương lai người chuyển giới tại Việt Nam.