Những “văn hóa” tốn tiền dễ gây chết người

Cũng mang danh văn hóa nhưng “văn hóa nhậu” và “văn hóa vỉa hè” đã và đang trở thành kẻ thù của an toàn giao thông, trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra án mạng và những hệ lụy đau lòng khác.

Cũng mang danh văn hóa nhưng “văn hóa nhậu” và “văn hóa vỉa hè” đã và đang trở thành kẻ thù của an toàn giao thông, trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra gây ra án mạng và những hệ lụy đau lòng khác.

Chết người không sợ bằng mất lòng đối tác
Thống kê từ Ủy ban ATGTQG về tình hình trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2012 cho thấy, toàn quốc đã xảy ra 17.886 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.953 người và bị thương 19.977 người, so với cùng kỳ năm 2011 giảm 4.931 vụ, giảm 992 người chết, giảm 5.513 người bị thương. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố vẫn còn có số người chết vì TNGT tăng cao bất thường như: Đồng Nai (tăng 37,6%), Bạc Liêu (tăng 35,3%), Lai Châu (tăng 23,1%), Lào Cai (tăng 17,6%)...
Một trong những nguyên nhân khiến những tỉnh, thành này có số người chết vì TNGT tăng cao là do tình trạng điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống bia rượu và trong số này có cả hình ảnh của những công chức, cán bộ gây họa từ những buổi nhậu tranh thủ giữa giờ làm việc.
Còn nhớ, tháng 3 năm nay, đã xảy ra vụ  một ông phó chi cục hải quan say xỉn, va chạm giao thông rồi còn gây rối ầm ĩ trước Đại sứ quan Mỹ. Điều đáng nói là khi lực lượng chức năng lập biên bản về vụ việc, đương sự đã gọi thêm ba “đồng đội” đến và cả ba người đàn ông này đều cũng trong tình trạng chuếnh choáng.  
Một trong ba người đã chỉ mặt lực lượng chức năng đe dọa: “Đừng có làm kẻo tai bay vạ gió”, khi đề nghị "bỏ qua" bị cự tuyệt. 
Nhiều lái xe gây tai nạn khi tham giao thông với tình trạng say rượu
Để đảm bảo an toàn giao thông, nồng độ cồn trong máu của người lái xe không được quá mức cho phép
Trong bức tranh về công tác bảo đảm ATGT trên cả nước 6 tháng đầu năm, nổi lên gam màu sáng nhất là tỉnh An Giang và Tp. Đà Nẵng với cách làm quyết liệt, giải pháp hợp lòng dân và hiệu quả tích cực.
Theo đó, tình hình TNGT của An Giang giảm mạnh trên cả 3 tiêu chí, đạt gần 30%, mặc dù đây là tỉnh có dân số lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, số lượng du khách khá đông.
Nguyên nhân của sự giảm này là do việc thành lập các đội đặc nhiệm thường xuyên tuần tra, kiểm soát, cán bộ công chức đã nghiêm túc chấp hành không uống rượu bia vào buổi trưa. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia thực tế đã cho thấy trên cả nước có rất nhiều mô hình được triển khai hiệu quả, góp phần giảm thiểu TNGT và ùn tắc trong đó có “Công chức, viên chức nói không với rượu bia vào buổi trưa” của tỉnh An Giang… 

Đã cấm thì cấm cho triệt để

Quyết định cấm cán bộ uống rượu bia vào buổi sáng, trưa đã được đông đảo người dân ủng hộ vì “thực tế có nhiều công chức không muốn đi nhậu buổi sáng, buổi trưa vì biết rõ các mối nguy hại tiềm tàng, song vì vị nể, khó từ chối.

Nay họ sẽ có lý do chính đáng để từ chối mà vẫn không mất lòng sếp, bạn bè hay đối tác”. Thậm chí còn có ý kiến đề nghị “ Nên thêm chữ “trong giờ làm việc” vào quy như thế mới triệt để hành vi “lách luật” tới quán nhậu trong giờ làm việc của cán bộ, công chức” 

Thế mới biết, cũng mang danh là văn hóa, nhưng “văn hóa nhậu” như câu đúc kết “Sài Gòn nhậu tối, Hà Nội nhậu trưa” đã thực sự trở thành một trong những nguyên nhân chính biến những nỗ lực giảm thiểu TNGT thành công cốc.

Thứ “văn hóa” này không những tốn tiền, hại sức khỏe mà còn như một bệnh dịch có tốc độ lây lan chóng mặt trên cả nước như lời bộc bạch của một công chức người Bắc vào Nam sinh sống và làm việc: “Nói thực, khi mới đặt chân vào mảnh đất phương Nam này, tôi đã rất ngạc nhiên, thậm chí có phần hơi “sốc” với “văn hóa nhậu” của người miền Nam.

Tuy nhiên “nhập gia tùy tục”, giờ đây tửu lượng tôi cũng kha khá, một tuần cũng có dăm bảy chầu “nhậu tới bến”. Nhiều lúc tự mình cảm thấy rất mất thời gian và mệt mỏi, rất may, tôi thường nhậu mấy quán ngay cạnh cơ quan, có thể đi bộ về, không phải lái xe nên chưa lần nào gặp tai nạn hay bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn.

Biết thế nhưng rất khó từ chối bạn nhậu, vì đủ các lí do hiệu quả công việc, sợ mất lòng đối tác…”.

Tử nạn oan vì “kinh tế vỉa hè”
Nói về vỉa hè và “văn hóa vỉa hè”, không ai là không biết bài vè bốn câu cũ kỹ, đã thất truyền từ sau khi thời bao cấp bị xóa bỏ, với câu cuối nổi tiếng: “Vỉa hè là của nhân dân anh hùng”. Đúng vậy,  một mảnh vỉa hè con con cũng đủ chỗ cái mẹt nhỏ với dăm ba gói thuốc, ấm chè và năm bảy cái ghế, thế là hình thành một mô hình “kinh tế vỉa hè” nuôi sống cả một gia đình, thậm chí cả những ước mơ cử nhân, thạc sĩ. Thế nhưng, cũng chính vì “văn hóa vỉa hè” mà khối người đã phải vĩnh biệt cuộc sống vì tai nạn giao thông. 
Một vụ tai nạn giao thông mà nạn nhân đang ngồi ăn ở vỉa hè
Một vụ tai nạn giao thông mà nạn nhân đang ngồi ăn ở vỉa hè
Thứ nhất, đó là việc vỉa hè bị chiếm dụng buôn bán, để xe bắt buộc người đi bộ phải lưu thông dưới lòng đường làm mồi ngon cho tai nạn giao thông.  Ở TP.HCM, đứng đầu tỷ lệ vỉa hè bị lấn chiếm buộc người đi bộ phải lưu thông dưới lòng đường là khu phố Tây (phường Phạm Ngũ Lão).
Trên các con đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Bùi Viện… xe máy, xe bán bánh mì, nước mía, bàn ghế của các hàng quán chiếm hết không gian vỉa hè. Đến nỗi khách du lịch phải thốt lên: “Tản bộ ở TP HCM hồi hộp lắm”, ở Hà Nội tình hình cũng chẳng khác gì mấy.   
Tiếp đến, cũng vì lối tư duy “văn hóa vỉa hè”, “kinh tế vỉa hè” mà những hàng quán mọc lên san sát trên các tuyến đường cao tốc, tuyến đường giao thông nhanh, để dẫn đến kết cục  có không ít người đã chết vì tai nạn giao thông, dù họ... không tham gia giao thông mà đang ngồi uống cà phê, ăn trưa, ăn sáng hay mua bán trên lề đường hoặc trong những cửa hàng, quán ăn ven đường, ven quốc lộ, như vụ bảy người trong một gia đình chết tức tưởi vì bị xe từ trên đường lao vào, khi đang ăn sáng tại một quán ăn ven đường ở thị trấn Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) ngày 21/7 vừa qua. 
Theo TS Đô thị học Nguyễn Minh Hòa, cho phép tồn tại kiểu nhà dân và đường giao thông nhanh liền một khối là điều hoàn toàn trái ngược với nguyên lý thiết kế vận hành giao thông ở Việt Nam và thực sự không giống với bất kỳ nước nào trên thế giới. Đây là lỗi của ngành giao thông hay tư duy vỉa hè của người dân?. Có lẽ do cả hai cùng tương hỗ.
Tâm lý mong muốn bám trụ của người dân và sự cả nể không muốn làm mất chén cơm của người dân từ phía cơ quan công quyền, đã tạo ra hình thái cực kỳ nguy hiểm như hiện nay, thậm chí có căn nhà chỉ sâu chưa đến 0,5 mét vẫn tồn tại để bán hàng cạnh đường cao tốc. Và hậu quả sẽ vô cùng khủng khiếp nếu có một chiếc xe đi tốc độ cao mất lái…
Phương Mi

Đọc thêm