[links()]Luật bất thành văn của ngư phủ lênh đênh trên biển: Gặp nạn làm ngơ bỏ đi sẽ nhận lấy hậu quả thảm khốc từ biển. Với quan niệm tâm linh như vậy, ngư phủ ĐBSCL thành những vị thần tái sinh cho nhiều người có quốc tịch khác nhau…
Gặp ngư phủ Thái lênh đênh
Khác với Xỉ Ma và Mi Phô Cung Sóc, hai người mang quốc tịch Thái Lan được Tàu CM: 99419 TS, do anh Trịnh Minh Khải ở khóm 2 Sông Đốc làm thuyền trưởng cứu vớt. Trong lúc đang hoạt động đánh bắt trên biển, qua ánh đèn điện lờ mờ mọi người trên tàu phát hiện phía trước tàu có vật lạ đang trôi nổi, quan sát kỹ họ phát hiện đó là người đang gặp nạn trong tình trạng sức khoẻ suy kiệt.
|
3 công dân Campuchia trước ngày về nước |
Anh Khải và mọi người liền tổ chức vớt được 2 người khi họ đang lả dần đi vì đói, vì khát nước. Chiếc can nhựa cả hai người bám víu sắp tuột khỏi tay. Khi lên tàu các anh cho họ ăn cơm, uống thuốc, cho quần áo mặc đồng thời, anh Khải cho tàu ngưng hoạt động để chuyển 2 nạn nhân vào bờ trình báo và bàn giao cho đồn Biên phòng Sông Đốc.
Qua công tác điều tra xác minh của Đồn Biên phòng được biết: 2 người nước ngoài có tên Rom Chăn Non Phên sinh năm 1962 và Xay Xa Phon sinh năm 1979 cả hai đều làm việc trên một tàu đánh cá của Thái Lan bị gặp nạn.
Xay Xa Phon là thuyền phó kể lại: Tàu của họ xuất phát từ cảng Xà Phên Lết, tỉnh Sổng Khả, Thái Lan ra biển hoạt động được khoảng 20 ngày thì bất ngờ bị lốc xoáy khi mọi người đang ngủ. Con tàu bị sóng đánh chìm, cả 8 người trên tàu bị tản ra trôi dạt trong đêm tối.
Xay Xa Phon vớ được 1 cái can nhựa và cũng bị sóng đánh trôi đi, khoảng 5 phút sau thì gặp được Non Phên đang ngoi ngóp trong đêm tối đầy sóng gió. Cả hai cùng bám vào can nhựa và trôi lênh đênh trên biển suốt hai ngày. Cả 2 đều đã nghỉ đến cái chết thì may mắn cho họ là được tàu cá Việt Nam cứu sống. Còn 6 người kia không biết số phận của họ ra sao.
Và ngư phủ Campuchia
Ngày đi qua ngôi đền cổ nổi tiếng Preah Vihear để sang đất Thái Lan, ChSôiSàRum, sinh năm 1990; Hua Pho Ly, sinh năm 1984 và Sim Cal, sinh năm 1989 cùng ở vùng quê nghèo thuộc huyện Tha Bôn Kha, tỉnh Côm Puôn Chăm. Còn Sim Cal ở tỉnh Xiêm Riệp. Ly Rươl, sinh năm 1965; Dol Chol, sinh năm 1979, cùng trú tại làng Phum Đâm Rây, xã Khun Đâm Răc Ta Tút Khăn Chơn, huyện Khăm Puôn Ta Ra Ách, tỉnh Cam Pot và Som Pươl, của Căm Pu Chia đều cầu nguyện cho mình gặp được nhiều may mắn và đạt được nguyện vọng nơi xứ người.
Nhiều ngày lang thang trên đất Thái họ đã tìm về Cảng Pách Ta Ni xin xuống tàu cá làm thuê. May mắn ban đầu của họ là không phải đi khai thác ngoài biển mà chỉ làm việc trên tàu vận chuyển phục vụ hậu cần nghề cá.
Tàu của họ chở dầu, nước đá và lương thực, thực phẩm ra biển cho các tàu khác trong tập đoàn khai thác thủy sản lớn của Thái Lan, sau đó chở cá vào bờ. Và chuyến xuất bến của con tàu mang tên PhoL Vi Sa Na Cao vào ngày đầu tiên làm việc của họ đã trở thành nổi kinh hoàng cho ChoL ƯơL và Pì Sây.
ChoL Ươn kể lại: Tàu chở cá khá nặng, đang hành trình vào bờ, gặp thời tiết xấu, sóng to hơn con tàu dựng đứng, nhấn chìm toàn bộ con tàu trong thời gian chưa đến một phút, tất cả 25 người trên tàu hoảng loạn chìm theo xuống đáy biển. Khi nổi lên mặt nước trong đêm tối, ChoL ƯơL và Pì Sây may mắn vớ được cái nắp hầm cá của tàu nên cố bám vào. Sóng vẫn dựng lên như mái nhà rồi đổ ào xuống, gió mạnh càng làm cho bọt sóng quất rát mặt hơn.
Tiếng kêu cứu và tìm gọi các người bạn tàu nhỏ dần đi khi cả hai đã thấm mệt vì phải cố chống chọi với sóng, với gió để giữ được cái nắp hầm tàu. Sóng nhỏ dần và mặt trời nhô lên, hai người cố quan sát tìm kiếm xem có phát hiện ra được người bạn nào đang trôi trên biển, nhưng tất cả đều vô vọng. Cả một vùng biển bao la không thấy bóng hai chiếc tàu, những cái chết của bạn tàu đã được báo trong đầu họ.
Giữa biển trời bao la, vừa đói, rét, khát nước, tay chân lã dần, miệng khô nhưng cứ phải chấp nhận cho nước biển mặn tràn vào. Ruột gan thắt lại, mắt mờ và họ nắm tay nhau cùng gật đầu nghĩ đến cái chết. Ba ngày lênh đênh trên biển, họ sống giữa thực và mộng bởi cơn khát hành hạ họ lúc mê lúc tỉnh, thân thể bắt đầu bị các loại cá bám rỉa ăn thịt.
Mạng sống của họ được dành lại từ miệng thủy thần vào ngày thứ tư, sau ba ngày đói, khát và đau đớn. Tàu cá CM 99464 do ông Huỳnh Việt Trung, trú ở Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau hoạt động nghề giã cào phát hiện, cứu vớt…
(Còn nữa)
Đón đọc kỳ cuối: Lưu luyến ngày về
Ngọc Long