Kỷ lục huyện có gần 20 vị tướng
Sau 2 năm thực hiện, cuốn sách “Những vị tướng Thạch Thất thời đại Hồ Chí Minh” (do Trung tướng Phùng Khắc Đăng và Trung tướng Phí Quốc Tuấn chủ biên) đã long trọng ra mắt vào trung tuần tháng 6/2017.
Sách giới thiệu gương mặt sĩ quan cấp tướng của huyện Thạch Thất, Hà Nội gồm:
1: Thiếu tướng Vũ Chí Đạo (tên thật Nguyễn Hữu Chính) - nguyên Chính ủy Binh chủng Đặc công;
2: Trung tướng Lê Khoa - nguyên Cục trưởng Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng;
3: Trung tướng Khuất Duy Tiến - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1;
4: Thiếu tướng Cấn Văn Tại - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 3;
5: Thiếu tướng Phí Mạnh Hải - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2;
6: Trung tướng Phùng Khắc Đăng - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam;
7: Trung tướng Lê Thành - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an;
8: Thiếu tướng Đỗ Hữu Thành - nguyên Cục trưởng Cục Ngoại tuyến Bộ Công an,
9: Thiếu tướng Vũ Bá Đăng - nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp;
10: Thiếu tướng Phùng Đình Thảo - nguyên Phó Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị;
11: Trung tướng Phí Quốc Tuấn - nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội;
12: Thiếu tướng Khuất Quang Cường - nguyên Cục trưởng Cục H52 Tổng cục IV, Bộ Công an;
13: Thiếu tướng Vũ Mạnh Hà - nguyên Phó Chính ủy Học viện Hậu cần.
14: Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng,
15: Trung tướng, TS. Khuất Việt Dũng - Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng,
16: Trung tướng Đỗ Căn - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
17: Thiếu tướng Vũ Bá Trung - Phó Chính ủy Tổng cục Hậu cần.
18: Thiếu tướng Vũ Hữu Luận - nguyên Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị
Cuốn sách “Những vị tướng Thạch Thất thời đại Hồ Chí Minh” được viết theo thể ký, là thể tài giao thoa giữa văn học và báo chí. Dù lời giới thiệu sách viết rằng việc xuất bản cuốn sách chỉ với “mong muốn ghi lại những kỷ niệm sâu sắc về cuộc sống, chiến đấu và trưởng thành cho con cháu trong gia đình, góp phần nhỏ vào truyền thống của lực lượng vũ trang quê hương” nhưng gần 400 trang sách là những sử liệu quý giá về vùng đất và những vị tướng - người lính Thạch Thất thời đại Hồ Chí Minh.
Các ký sự trong cuốn sách đã khắc họa rõ nét chân dung của những người lính Bộ đội Cụ Hồ khi cầm súng đánh giặc, ca ngợi những phẩm chất như lòng yêu nước, thương nhà, tình đồng đội, tinh thần dũng cảm trong chiến đấu.
Giống như tất cả những người lính ra trận, những vị tướng Thạch Thất đều có điểm chung là sục sôi tinh thần yêu nước, sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Núi cao, vực sâu không ngăn được bước chân hành quân và ý chí vươn lên; đói khát, bệnh tật không làm họ nhụt chí, khi đó, không ai nghĩ chiến đấu để trở thành vị tướng.
Cùng với hàng triệu người lính đi qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, họ đã góp phần làm nên lịch sử, trở thành những con người “sử thi”. Có những vị tướng Thạch Thất sớm theo Đảng, theo Bác Hồ từ ngày lập nước như Trung tướng Lê Khoa, Trung tướng Khuất Duy Tiến, Thiếu tướng Vũ Chí Đạo… Còn những vị tướng thế hệ sau là bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Dù may mắn trở về nhưng trong người vẫn còn đó những mảnh đạn quân thù. Cái kết của chiến tranh không bao giờ chỉ là niềm vui chấm dứt cuộc chiến.
Ngoài các bản anh hùng ca chiến trận, cuốn sách còn viết về những người lính thời hậu chiến. Nhiều vị tướng Thạch Thất trở thành tướng trong thời bình, họ nỗ lực phấn đấu và tạo nên những dấu ấn, tạo nên thành công.
Đất Thạch Thất địa linh nhân kiệt
Thạch Thất đã làm nên kỷ lục với 17 vị tướng. Không những vậy, vùng đất này còn sản sinh nhiều tiến sĩ. Trong số 17 vị tướng kể trên, có hai vị tướng họ Khuất là cha con. Đó là Trung tướng, Anh hùng Khuất Duy Tiến và con trai ông là Trung tướng, TS. Khuất Việt Dũng. Trung tướng Khuất Duy Tiến còn là cha của 3 Tiến sĩ.
Theo sách “Đại Việt địa dư toàn biên” do Nguyễn Văn Siêu và Kim Giang Nguyễn Trọng Hiệp soạn thảo thì cái tên Thạch Thất ra đời vào năm Vĩnh Lạc thứ hai (1404), tính đến nay đã 600 năm có lẻ.
Thạch Thất có nghĩa là ngôi nhà chứa sách. Theo sách “Cố sự tầm nguyên”, Hán Cao Tổ Lưu Bang sau khi thấy Tần Thủy Hoàng đốt sách, giết học trò, hủy hoại văn hóa, tinh hoa thời trước đã ra lệnh: “Điển tịch trữ tàng, giai tại lan đài thạch thất” (nghĩa là sưu tầm các loại sách quý hiếm nói về các thể lệ, đặt vào lan đài làm bằng đá) và “Thư tàng chi kim quỹ thạch thất” (nghĩa là sách phải được chứa trong hòm vàng, đặt trong ngôi nhà bằng đá).
Thạch Thất là vùng đất địa linh nhân kiệt với đầu được gối vào Non Tản và Hát Môn, chân trụ vững nhờ 2 ngọn Sài Sơn và Hoàng Xá, phong cảnh hữu tình, thế núi rồng chầu, hổ phục, là miền đất hiếu học, điểm sáng của nền văn hóa xứ Đoài. Con người Thạch Thất từ cổ chí kim tắm mình trong không gian kỳ vĩ nên tâm hồn phóng khoáng, cách sống năng động. Đất đơm hoa, kết trái, đời nối đời kế tục danh nhân, văn võ song toàn rạng danh xứ sở.
Theo các sách đăng khoa lục, các văn bia, văn chỉ làng xã và các tộc phả thì trấn Sơn Tây trước đây gồm 6 phủ, huyện với 70 người đỗ Tiến sĩ thì Thạch Thất có 25 vị (chiếm tỷ lệ gần 36%). Thời nhà Nguyễn, Sơn Tây có 104 cử nhân thì Thạch Thất có 37 vị (chiếm gần 36%). Đất học đầu tiên của Thạch Thất là Hương Ngải. Xã Hương Ngải ngày xưa có nhiều cử nhân và 6 tiến sĩ nho học. Tướng lĩnh, anh hùng Thạch Thất cũng nhiều. Ngay từ năm Canh Tý (năm 40 đầu Công nguyên), Thạch Thất đã có Lý Minh ở Cổ Thổ (Tân Xã) và Đài Khang ở Phú Đa (Bình Phú) chiêu tập dân binh phò tá Hai Bà Trưng diệt giặc…
Ký ức chiến tranh
Một bài báo không thể chuyển tải hết nội dung cuốn sách dung lượng gần 400 trang nên chúng tôi chỉ giới thiệu gương mặt một số vị tướng Thạch Thất. Không một ai sinh ra để mong muốn được làm anh hùng, ai cũng chỉ muốn sẵn sàng hi sinh máu xương của mình vì nhân dân, vì Tổ quốc. Chiến tranh càng lùi xa, những vị tướng như Khuất Duy Tiến càng day dứt nhớ tiếc đồng đội đã khuất mà trong đó nhiều người còn chưa tìm thấy mộ. Tháng 10/2013, Trung tướng Khuất Duy Tiến được Chủ tịch nước ký phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Trong sâu thẳm trái tim ông, danh hiệu đó là danh hiệu chung của toàn thể đồng đội đã cùng ông chiến đấu, nhất là những người đã hi sinh. Ông chia sẻ những suy nghĩ chân thành đến thắt lòng: “Ngày tôi được phong Anh hùng, hơn 800 anh em Sư đoàn 320 từ 26 tỉnh miền Bắc đã về chúc mừng. Tôi nói với anh em, khi đeo chiếc Huân chương này, tôi vừa tự hào, vừa cảm thấy nặng nề. 14.000 người lính của Sư đoàn 320 đã hi sinh trong chiến tranh. Trong đó có hơn 3.000 người lính hi sinh ở chiến trường Campuchia. Huân chương này không phải của riêng tôi, mà của tất cả anh em ngồi đây và những anh em đã nằm xuống”.
Phùng Khắc Đăng vào bộ đội tháng 5/1965. Ngày ra trận, phía sau anh là người cha gầy yếu nhưng lại rất cương nghị khi tiễn con đi với một đàn em nhỏ. Với Trung tướng Phùng Khắc Đăng, ký ức chiến tranh là phần đậm nét nhất trong nỗi nhớ. Ông thổ lộ: “Mình đã tham gia nhiều chiến dịch như Xuân 1968, 1972, giải phóng TX Tam Kỳ, chiến dịch giải phóng TP Đà Nẵng, giải phóng Campuchia với hàng trăm trận đánh lớn nhỏ ở nhiều mặt trận ác liệt. Mình đã làm một lèo 11 năm đánh Mỹ không được về nhà một lần và sau đó thêm 4 năm nữa bám trụ ở Campuchia”. Nhập ngũ cùng đợt với Phùng Khắc Đăng có ba người cùng học cấp hai với nhau. Đó là Phùng Khắc Đăng, Nguyễn Duy Toản ở xã Hữu Bằng và Đỗ Danh Đồng ở xã Đồng Bụt. Sau chiến tranh, chỉ có một người trở về, Đỗ Danh Đồng và Nguyễn Duy Toản đã hy sinh ở chiến trường. Chiến tranh, không phải là trò đùa. Bao nhiêu thanh niên ưu tú đã ngã xuống vì Tổ quốc yêu dấu. Trong một trận đánh, Phùng Khắc Đăng đã từng chứng kiến sự hy sinh của người bạn học cùng quê là Nguyễn Duy Toản (ở Đại đội 10). Khi cùng với chiến sĩ Nhữ Đình Quý nhẹ nhàng tiếp cận các chốt chiến đấu. Lên chốt Toản, anh thấy chỉ còn hai chiến sĩ. Toản bị thương ở ngực nằm ngửa, thoi thóp bên một góc cây. Một chiến sĩ khác chết trong tư thế ôm súng tựa vào gốc cây rừng. Các anh vội băng bó cho Toản. Phùng Khắc Đăng cầm tay bạn lay nhẹ: “Toản ơi, cố gắng sống để về quê… Đừng chết nhé…”. Toản mấp máy môi nhưng không nói được câu gì, rồi tắt thở luôn. Phùng Khắc Đăng cúi xuống ôm bạn, cố kìm không khóc mà nước mắt vẫn cứ ứa ra mặn chát. Những hình ảnh thời học trò ùa về, nhức nhối...
Dấu ấn vị tướng
…Vào chiến trường, Phí Quốc Tuấn nằm trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 nơi chiến trường ác liệt, gian khổ nhất ở địa bàn Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định. Cũng có thời gian ông chiến đấu ở Sư đoàn 2. Sư đoàn 2 là sư đoàn hi sinh nhiều nhất trong đội hình các sư đoàn với trên 46.000 liệt sĩ. Hàng chục nghìn thanh niên ưu tú đã vĩnh viễn nằm lại nơi núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ luôn như những cây hương cháy đỏ cắm vào trong lòng người còn sống hôm nay. Đơn vị Phí Quốc Tuấn khi phòng ngự ở Hoài Ân đã hi sinh gần hết, cả Trung đoàn 141 chỉ còn vài chục người. Tất cả đã nằm lại vĩnh viễn nơi đất mẹ Hoài Ân. Trong các trận đánh, Phí Quốc Tuấn bị thương hai lần. Khi mổ vết thương tại mặt trận, quân y đã phải giữ chặt ông vào giường để mổ bụng gắp đạn ra. Có những mảnh không gắp được còn ở trong cơ thể đến tận bây giờ.
Thời kỳ Trung tướng Phí Quốc Tuấn làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là thời kỳ đặc sắc nhất, thể hiện nổi trội nhất, toàn diện nhất, cũng là những cống hiến đáng ghi nhận nhất của vị tướng quê Hương Ngải trong cuộc đời quân ngũ của mình. Ở cương vị Tư lệnh 7 năm, nhận quân hàm Thiếu tướng, rồi Trung tướng trên cương vị Tư lệnh hẳn thật nhiều ý vị với người con Hương Ngải.
Nhắc đến những ngày tháng đó, Trung tướng Phí Quốc Tuấn như muốn kiểm lại từng việc, từng người, từng mốc thời gian để xem mình đã xử lý hài hòa, đã hết sức, hết lòng với công việc, với anh em chưa? Trên cương vị Tư lệnh, Trung tướng Phí Quốc Tuấn dồn mọi trí tuệ, năng lực tổng hợp để góp phần xây dựng và ổn định toàn diện Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội…