Những “vòng kim cô” mang tên… chuẩn mực?!

(PLVN) - Đó là những định kiến giới ép buộc phụ nữ và đàn ông phải hành xử theo cách mà xã hội cho là đúng. Thế nên, các vận động xã hội và chính sách phải nhắm đến thủ phạm của bất bình đẳng giới là khuôn mẫu giới chứ không phải do đàn ông hay đàn bà gây ra. 
Cả đàn ông và phụ nữ đều gánh nặng định kiến từ khuôn mẫu giới.
Cả đàn ông và phụ nữ đều gánh nặng định kiến từ khuôn mẫu giới.

“Khuôn mẫu giới và vấn đề việc làm: Một nghiên cứu về giới trẻ Việt Nam đương đại qua các thảo luận trên báo chí và mạng xã hội” là nghiên cứu do nhóm tác giả Phạm Quỳnh Phương, Lê Quang Bình, Nguyễn Minh Huyền tiến hành và hoàn thành tháng 1/2021 dựa trên việc khám phá chiều sâu lịch sử của vấn đề vai trò giới ở Việt Nam, đã chỉ ra nguyên gốc rễ của bất bình đẳng là sự trói buộc của các khuôn mẫu giới trong xã hội Việt Nam truyền thống và đương đại.

Đàn ông bất bình

Thật vậy, nghiên cứu đã khảo sát hàng nghìn người trên 4 mạng xã hội lớn và nhận thấy, hai giới liên tục “gây hiềm khích” và đổ lỗi cho nhau rằng giới kia chính là thủ phạm gây ra bất bình đẳng. Nếu như ở ngoài ít đàn ông dám công khai đả phá bình đẳng giới thì ở trên không gian mạng xã hội có thể ẩn danh, nhiều người cất lên tiếng nói bức xúc của mình. 

“Lúc đi ăn, đi chơi thì đòi nữ quyền, đàn ông phải trả tiền, phải gánh, phải mời. Lúc làm việc thì đòi bình đẳng, lương phải cao, việc nặng thì đẩy cho đàn ông làm. Sao phụ nữ khôn thế”; “Phụ nữ họ thống trị rồi còn đòi bình đẳng gì nữa?”; “Bình đẳng giới là cho phụ nữ nông thôn thôi. Phụ nữ ở thành phố không phải đang đấu tranh cho bình đẳng mà đấu tranh cho thượng đẳng đấy chứ”; “Toàn thấy đòi bình đẳng giới ở mấy cái nghề chính trị, show biz, văn phòng chứ có ai thấy đòi bình đẳng giới ở mấy cái nghề lao động chân tay, xây dựng hay mấy việc nặng đâu”…

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội đã từng có một nghiên cứu cho thấy, tài chính và sự nghiệp được coi là hai vấn đề gây áp lực lớn nhất cho nam giới. Gần 1/4 nam giới tham gia khảo sát đã thừa nhận họ cảm thấy áp lực trong cuộc sống, trong đó có hơn 80% cảm thấy bị áp lực về tình trạng tài chính và gần 70% bị áp lực về sự nghiệp.

Điều đáng lo ngại, những áp lực này có thể gây tác động bất lợi lên sức khỏe tâm thần của nam giới, đặc biệt là nhóm nam giới trẻ và nam giới sống ở khu vực đô thị. Đã có gần 3% số nam giới tham gia khảo sát có ý định tự tử, tỷ lệ này tăng tới 5,4% (tỷ lệ cao nhất) trong nhóm nam giới ở độ tuổi 18-29. 

“Thủ phạm” của bất bình đẳng giới là khuôn mẫu giới chứ không phải do đàn ông hay đàn bà gây ra.
 “Thủ phạm” của bất bình đẳng giới là khuôn mẫu giới chứ không phải do đàn ông hay đàn bà gây ra.

Phụ nữ đau khổ

Khuôn mẫu giới ở Việt Nam bị chi phối bởi lăng kính gia đình hay nói cách khác là được “đúc” sẵn để đảm bảo duy trì đời sống gia đình với tiêu chí mặc định: Nam là trụ cột gia đình, nữ chăm sóc và nội trợ. Sự thành công của đàn ông được đo lường bằng sự thăng tiến và thu nhập, còn sự thành công của phụ nữ là con cái khoẻ mạnh và chồng thành đạt.

 “Có rất nhiều khuôn mẫu đặt ra khiến con người – đặc biệt là phụ nữ phải đối mặt với áp lực, điều này thời kì nào cũng có. Thậm chí những khuôn mẫu như “việc nhà là của phụ nữ”, “phụ nữ thì không cần học quá cao”... đang là rào cản lớn, tước đi cơ hội của phụ nữ trong khi xét về năng lực, phụ nữ có lẽ không hề thua kém đàn ông”, theo TS Khuất Thu Hồng.

Không khó để thấy các quảng cáo, sản phẩm truyền thông mang nhiều định kiến giới, ví dụ như quảng cáo thực phẩm, việc nhà thì luôn là hình ảnh phụ nữ vào bếp. Tham gia buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Khuôn mẫu giới – Chuẩn mực hay áp lực?” do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực giới (GBVnet) thực hiện khuôn khổ Dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái”, MC Sơn Lâm chia sẻ: “Định kiến về giới vẫn còn hiện hữu rất rõ bởi nó đã đi sâu vào tiềm thức mỗi người, kể cả là giới truyền thông. Để thay đổi định kiến của truyền thông trong quảng cáo, đòi hỏi phải có sự thay đổi từ nhận thức từng cá nhân, của cả nhãn hàng và đối tượng khách hàng”.

Theo Báo cáo đánh giá tạm thời Dự án Thành phố an toàn với em gái năm 2020 của Tổ chức Plan International Việt Nam, 70% em gái và 67% em trai nghĩ rằng trang phục của con gái khiêu khích nam giới và con trai. Một số ít người tham gia thảo luận nhóm cảm thấy rằng các em gái phải chịu trách nhiệm khi bị quấy rối bằng lời nói hoặc thân thể ở nơi công cộng…

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.

Vì sao bất bình đẳng vẫn đè lên cả đàn ông lẫn phụ nữ trong xã hội hiện đại?

Những tưởng rằng khi xã hội phát triển, phụ nữ được giải phóng hơn, bất bình đẳng ít hơn. Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương - Viện Nghiên cứu văn hóa chỉ ra rằng, các khuôn mẫu giới truyền thống được củng cố và làm trầm trọng hơn bởi kinh tế thị trường.

“Nền kinh tế thị trường cạnh tranh đi cùng với những giá trị mới. Vì sự nghiệp và thành đạt được “đo” bằng tài sản, tiền tệ nên vai trò trụ cột gia đình của đàn ông nặng nề hơn. Không ít đàn ông than thở bị vợ coi thường khi thu nhập thấp hay các thanh niên trẻ kêu bị người yêu bỏ vì lương có 5 triệu. Còn phụ nữ càng có nhiều gánh nặng hơn khi không được hỗ trợ về chăm sóc con cái (không sống cùng bố mẹ). Ngoài ra, phụ nữ vẫn phải đáp ứng đòi hỏi xã hội về sự thành đạt “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, bà Phương phân tích. 

Theo PGS Phương, hiện nay, mặc dù đã xuất hiện xu hướng gỡ bỏ các khuôn mẫu trong giới trẻ, nhưng phần đông cả hai giới đều nhập tâm trách nhiệm của mình nên khi người đàn ông và đàn bà không đáp ứng được vai trò truyền thống được trông đợi như phụ nữ hoặc không hoàn thành trách nhiệm chăm sóc gia đình hoặc quá thành đạt ngoài xã hội, đàn ông hoặc không kiếm được nhiều tiền để làm trụ cột kinh tế hoặc quá tham gia vào các công việc nhà thì đều bị dằn vặt, hoặc phải trả giá bằng ly hôn, hay bị các “trừng phạt xã hội” như châm biếm, mỉa mai…

Chìa khóa để giải quyết vấn đề này nằm ở đâu? Theo TS Khuất Thu Hồng, trong  dòng chảy vận động của xã hội, một số khuôn mẫu, tiêu chuẩn không còn phù hợp nữa, hoặc những khái niệm cũ cần được giải thích theo cách khác. Ví dụ, khái niệm phụ nữ “đảm đang” trong thời đại cũ gắn chặt với định kiến phụ nữ làm việc nhà, quanh quẩn trong bếp, trong thời đại mới cần được lý giải cho những người phụ nữ năng động, tự tin. Nếu coi khuôn mẫu là một chiếc hộp thì chúng ta hãy mạnh dạn bước ra khỏi chiếc hộp của bản thân và hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Ở cương vị một người chồng, người cha, MC Sơn Lâm cũng khẳng định: “Chúng ta nên từ bỏ suy nghĩ việc nhà là của vợ và khi đàn ông làm việc nhà là đang giúp vợ. Như vậy không đúng. Việc nhà là việc chung và cần sự san sẻ, hỗ trợ nhau chứ không phải là giúp đỡ”.

Ở góc nhìn của một người trẻ tham gia Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi, em Nguyễn Tùng Dương chia sẻ: “Việc đổ lỗi cho các bạn gái là một hành động rất sai. Đẹp khoe – xấu chê, không có gì sai khi các bạn nữ chăm chút cho vẻ bề ngoài của mình. Khi bị đổ lỗi, những nạn nhân bị xâm hại sẽ cảm thấy sợ hãi, không dám nói ra và đây sẽ là bàn đạp để những kẻ xâm hại tiếp tục lộng hành. Vì vậy, tư duy đổ lỗi cho phụ nữ, các bạn gái khi bị quấy rối, xâm hại cần phải bị bài trừ”.

“Việc “tháo khuôn”, cởi bỏ những khuôn mẫu giới đang đè nặng lên thực hành làm đàn ông và làm đàn bà là cần thiết, vì một xã hội Việt Nam bình đẳng.  Các vận động xã hội và chính sách phải nhắm đến “thủ phạm” của bất bình đẳng giới là khuôn mẫu giới chứ không phải do đàn ông hay đàn bà gây ra. Nếu các thảo luận xã hội, thậm chí các giải pháp chỉ tập trung vào phụ nữ có thể dẫn đến việc ngầm định nam giới là thủ phạm hoặc nam giới bị bỏ rơi trong tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới. Chính vì vậy, các chiến dịch vận động xã hội và chính sách nên tập trung chỉ ra cả nam và nữ đang là nạn nhân của các khuôn mẫu giới. Khi có “đích ngắm” chung là khuôn mẫu giới thì việc có cả nam giới và phụ nữ tham gia giải quyết vấn đề chung sẽ khả thi và hiệu quả hơn”  - PGS.TS Phạm Quỳnh Phương nhấn mạnh. 

Đọc thêm