Chiều 7/11, Bộ Tư lệnh Hóa học phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) TP Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa, Thể thao TP Đà Nẵng tổ chức khai mạc triển lãm “Hồi sinh những vùng đất chết”. Với ba chủ đề chính gồm: Khắc phục môi trường bị nhiễm chất độc hóa học sau chiến tranh; Hoạt động rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh và Hồi sinh những vùng đất chết, triển lãm giới thiệu đến công chúng hơn 200 hình ảnh, hiện vật liên quan đến chiến tranh hóa học ở Việt Nam và công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường.
Tất cả 63/63 tỉnh, thành của Việt Nam đều bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, với diện tích hơn 61.000km2, chiếm 19% diện tích cả nước, khối lượng ô nhiễm khoảng 350-800 ngàn tấn, trong đó Quảng Trị là địa phương chịu hậu quả nặng nề nhất của chiến tranh. Với khối lượng bom mìn khổng lồ như vậy, phải mất 300 năm nữa cùng với chi phí lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng mới có thể khắc phục cơ bản ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam.
Cả nước có 28 điểm nóng tồn lưu chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh, nặng nhất là các sân bay Biên Hòa, Phù Cát và Đà Nẵng. Chất độc hóa học/dioxin tồn lưu tại các điểm nóng có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, môi trường, đồng thời một lượng lớn đất đai không được sử dụng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Vì vậy, việc xử lý các khu vực tồn lưu chất độc hóa học/dioxin là vấn đề cấp bách được đặc biệt quan tâm và cần sớm đầu tư để xử lý triệt để.
Những năm qua, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã phối hợp tích cực với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong công tác khắc phục xử lý chất độc hóa học/dioxin. Ngày 7/11, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra Lễ công bố hoàn thành Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng và bàn giao đất sạch dự án. Tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận bàn giao 13,7ha đất sạch đã xử lý tại sân bay Đà Nẵng cho Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Đây là phần đất bàn giao đợt ba và cũng là phần đất cuối cùng được bàn giao, phục vụ việc mở rộng Sân bay Quốc tế Đà Nẵng.
Buổi lễ cũng đánh dấu việc hoàn thành Dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng kéo dài 6 năm, được triển khai từ tháng 8/2012, với kinh phí 110 triệu đô la do USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam phối hợp thực hiện. Đây được coi là một cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai nước; giúp xử lý thành công hơn 90.000 mét khối đất, trầm tích ô nhiễm bằng phương pháp khử hấp thụ nhiệt và cô lập an toàn 50.000 mét khối đất, trầm tích nhiễm dioxin nồng độ thấp.
Các cơ quan chức năng đã xác định có 27,54/29ha đất bị nhiễm dioxin ở Sân bay Đà Nẵng. Hạng mục đầu tiên của Dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng là rà phá bom mìn. Lữ đoàn 28 Công binh tiến hành rà phá trên 22,54ha diện tích đất trên cạn và 5,07ha hồ Sen, phát hiện, xử lý an toàn khối lượng lớn các loại vũ khí, khí tài.
Hiện Dự án Tổng thể xử lý triệt để dioxin tại Sân bay Biên Hòa giai đoạn 1 đã được triển khai thực hiện từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với chi phí dự kiến 390 triệu USD, được thực hiện trong thời gian 10 năm. Ngày 11/5/2018, USAID đã ký Thỏa thuận tài trợ với Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam cho khoản đóng góp kinh phí dự kiến 183 triệu USD để phục vụ các hoạt động xử lý ô nhiễm tại khu vực này trong giai đoạn 5 năm đầu. Hoa Kỳ cam kết sẽ hợp tác với Chính phủ Việt Nam và Bộ Quốc phòng Việt Nam giải quyết những hậu quả chiến tranh, đồng thời tiếp tục tăng cường mối quan hệ an ninh - quốc phòng, kinh tế và văn hóa giữa hai nước.
Kỹ thuật viên MAG chuyển quả bom nặng 1.000 cân Anh (pound) tìm thấy ở Minh Hóa, Quảng Bình đi hủy nổ |
Về khắc phục triệt để bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh, từ năm 2003 đến nay, Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho Việt Nam hơn 100 triệu USD với các mục tiêu: làm sạch bom mìn nơi có dân cư sinh sống, canh tác và nâng cao năng lực khắc phục bom mìn, quản lý điều hành hoạt động khắc phục hậu bom mìn sau chiến tranh.
Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 7/11 đến hết ngày 22/12/2018.