Cả thế giới trước nỗi lo biến thể virus mới
Những ngày gần cuối năm 2020, cư dân toàn cầu chứng kiến một đợt bùng phát dịch bệnh mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới khi mà khí hậu lạnh lên đến đỉnh điểm, người dân khắp nơi bắt đầu đón lễ hội Giáng sinh và mừng năm mới. Thời điểm giữa tháng 12, Đức ghi nhận gần 1000 ca tử vong và khoảng 28.000 ca nhiễm.
Đức đã quyết định áp dụng chính sách phong toả vào ngày 17/12 với các biện pháp như đóng cửa trường học và các cửa hàng không thiết yếu. Cùng thời điểm, Anh có thêm hơn 600 ca tử vong và hơn 25.000 ca nhiễm mới. Nước Pháp thống kê 289 ca tử vong và hơn 17.000 ca nhiễm mới trong ngày 16/12.
Cho đến nay, số ca Covid-19 trên toàn cầu đang đi về con số đáng lo ngại là 80 triệu người. Tại châu Âu, thời điểm giữa tháng 12, hơn 1 triệu ca nhiễm mới đã xuất hiện chỉ trong vòng 5 ngày. Nga và Pháp đã ghi nhận hơn 2 triệu ca kể từ khi đại dịch bắt đầu. Anh và Ý mỗi nước có khoảng 1,9 triệu ca.
Cũng thời điểm giữa tháng, Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ghi nhận hơn 300.000 trường hợp tử vong vì dịch bệnh. Mỹ cũng báo cáo hơn 2.500 bệnh nhân tử vong vì đại dịch mỗi ngày, theo phân tích dựa trên số liệu trong vòng 7 ngày. Số ca Covid-19 mới trong tháng 11 là 18,65 triệu, số liệu theo tháng cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.
Đáng ngại hơn, mới đây, nghi ngại về sự xuất hiện của một biến thể mới của virus corona chủng mới khiến số ca mắc Covid-19 tăng nhanh ở Anh làm cả thế giới lo lắng. Theo các nhà khoa học, biến thể mới của virus corona được xác định ở Anh có khả năng lây nhiễm cao hơn tới 70%. May mắn là nó được cho là không gây chết người nhiều hơn và vắc xin vẫn có hiệu quả với nó.
Hiện, Anh đang tiến hành phong tỏa một số nơi và nhiều quốc gia ở châu Âu cũng đã có biện pháp đóng cửa biên giới đối với Anh để ngăn ngừa sự lây lan hàng loạt. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đang làm việc chặt chẽ với nhà chức trách Anh.
Tuy nhiên, bất chấp sự lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng cũng như hậu quả mà virus Corona gây ra, nhiều cư dân các nước có dịch vẫn có tâm lý chủ quan đối với dịch bệnh. Một số nơi, người dân vẫn tập trung đông đúc để tổ chức vui chơi, mừng Giáng sinh và năm mới.
Truyền thông quốc tế cũng ghi nhận tình trạng người dân nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Anh không mang khẩu trang đến nơi công cộng. Mới đây, WHO đã đưa ra cảnh báo “việc gia tăng tụ tập mọi người thuộc đủ nhóm tuổi, gia đình, các nhóm tôn giáo và bạn bè... mang lại nguy cơ lớn làm gia tăng lây nhiễm Covid-19 trong mùa lễ sắp tới”.
|
Sự xuất hiện của một biến thể mới của virus corona chủng mới tại Anh khiến cả thế giới lo lắng. |
Tại châu Á, Myanma và Thái Lan là hai nước đang ghi nhận có tình trạng bùng phát dịch trở lại cũng từ thời điểm giữa tháng 12. Trong ngày 19/12, Myanmar ghi nhận tổng cộng trên 115 ngàn ca nhiễm và 2.424 ca tử vong. Về phần Thái Lan, cùng ngày có tổng cộng 535 ca nhiễm mới được ghi nhận, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 4.800.
Nguyên nhân phần nào của tình trạng này được cho là do chính sách “mở cửa” bất chất dịch bệnh mà Thái Lan đã áp dụng thời gian qua. Khách du lịch khắp nơi hiện được chào đón đến Thái Lan, bất kể tình hình Covid-19 từ quốc gia họ tới.
Theo đó, du khách từ bất kỳ quốc gia, lãnh thổ nào cũng có thể đến Thái Lan, miễn là tuân thủ quy định cách ly bắt buộc trong 14 ngày. Thời gian lưu trú trên của khách du lịch các du thuyền cũng được tăng thêm thêm 30 ngày, lên tổng cộng 60 ngày. Sự nới lỏng này nhằm “cứu” ngành du lịch nước này. Tuy nhiên, hậu quả của nó thật khó lường.
Việt Nam không chủ quan để giữ vững “phong độ”
Cho đến nay, Việt Nam đang nằm trong top đầu những quốc gia có kết quả phòng chống dịch, ổn định kinh tế xã hội trên thế giới.
Tháng 10 vừa qua, Viện Lowy - viện nghiên cứu chính sách đối ngoại hàng đầu của Úc - công bố Việt Nam xếp thứ 12 trong tổng số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ về “Chỉ số quyền lực tại châu Á năm 2020”, tăng 1 bậc so với năm 2019. , trong khi Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan đều rơi vào suy thoái. Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế lần lượt dự đoán tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 2,8% và 2,4%.
Nhờ ứng phó tốt với dịch bệnh, ngành y tế Việt Nam cũng được quốc tế chú ý đến. Mới đây, báo Nikkei Asia của Nhật đã có bài viết phân tích về việc Việt Nam muốn tự chủ vắcxin tiêm chủng toàn dân trước và hướng đến xuất khẩu sau. Theo Nikkei, Việt Nam nằm trong số 42 quốc gia có thể sản xuất vắcxin và trong 38 quốc gia có cơ quan quản lý vắcxin đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.
Vừa qua, Liên Hợp quốc cũng đã đề nghị Việt Nam triển khai 1 trung tâm xét nghiệm Covid-19 để hỗ trợ ở Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc tại Nam Sudan.
Từ một đất nước nhỏ bé, khiêm tốn ở khu vực Đông Nam Á, năm 2020, Việt Nam bỗng chốc “tỏa sáng” với những thành tích trong phòng chống dịch bệnh, ổn định kinh tế xã hội. Những câu chuyện Việt Nam trong dịch bệnh được cả thế giới dõi theo.
Từ những chuyến bay đón đồng bào trong vùng đỉnh dịch về đất mẹ, từ những chiếc ATM gạo, ATM khẩu trang, siêu thị không đồng xuất hiện khắp đất nước. Rồi bài những bài hát vui nhộn, đầy sáng tạo về tuyên truyền phòng chống Covid được phổ biến rộng khắp tương trưng cho tinh thần lạc quan của người Việt.
|
Bức ảnh đẹp về tinh thần chống dịch của Việt Nam. |
Rồi cách mà Chính phủ đối với dân, người dân đối với nhau bằng cả chân tình trong dịch bệnh. Cái cách đầy ân tình mà người Việt ứng xử với những bạn bè quốc tế đang bị bệnh, bị cách ly tại Việt Nam. Cả những “ca khó” tưởng chừng bất lực, nhưng y tế Việt Nam đã làm nên điều kì diệu.
Tất cả đã làm nên một Việt Nam thật đẹp đẽ, đáng yêu, đáng sống trong lòng bạn bè quốc tế. Nhưng, những điều ấy đâu phải tự nhiên mà có được? Kết quả ấy là sự nỗ lực của cả dân tộc. Từ sự quyết đoán mạnh mẽ của Chính phủ, sự nỗ lực, hy sinh của các chuyên gia y tế, những đội ngũ hỗ trợ cho đến sự đoàn kết, tuân thủ nghiêm của toàn dân.
Người Việt, chỉ cần khi có biến cố, hiểm nguy, lập tức đồng lòng, đứng cạnh nhau, không ngại gian khó, không tị hiềm vùng miền hay tầng lớp, một lòng cho cái chung, một lòng vì hai chữ Tổ quốc. Thời gian này, người Việt dù trong nước hay hải ngoại mới cảm nhận hai từ Tổ quốc Việt Nam vang lên tự hào đến thế.
Nhưng, dù thế nào, Việt Nam vẫn là một quốc gia nằm giữa cộng đồng quốc tế, và sự an nguy của Việt Nam cũng gắn chặt với an nguy của bè bạn năm châu. Cả thế giới đang trong những ngày căng mình chống đợt dịch mới.
Việt Nam, dù giờ đây đang là vùng tương đối an toàn, vẫn không thể lơ là cảnh giác dù chỉ một giây. Bởi chỉ cần một phút chủ quan, chúng ta có thể đánh mất tất cả thành tựu mà Chính phủ, toàn dân đã dầy công xây đắp thời gian qua.
Từ đầu mùa dịch, Việt Nam cũng đã trải qua không ít lần “thót tim” vì sự sơ sẩy, thiếu trách nhiệm của một vài cá nhân. Hồi tháng 3, sự khai báo không thành thật của bệnh nhân số 17 khi nhập cảnh, cùng với sự chủ quan của một số bệnh nhân kế đó đã khiến Việt Nam bùng phát đợt dịch mạnh đầu tiên sau 22 ngày liên tục không ghi nhận ca bệnh nào.
Đợt bùng dịch ấy đã dẫn đến đợt giãn cách toàn xã hội. Đợt bùng dịch lần thứ hai đến từ Đà Nẵng, do chủ quan trong phòng dịch và kiểm soát đường biên giới. Và mới đây nhất, sự vô ý thức, thiếu trách nhiệm của tiếp viên hàng không một hãng hàng không đã dẫn đến nỗi lo lớn cho cả cộng đồng, và may mắn là đến thời điểm này tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, những đợt bùng phát dịch ấy đã mang đến không biết bao thiệt hại về người và của, đình trệ kinh tế, gây mất việc, mất đường mưu sinh của biết bao con người.
Từ chính bài học kinh nghiệm trong nước lẫn những bài học từ các nước khác, mà gần nhất là Thái Lan, có thể thấy, chúng ta không thể chủ quan, không để đợt dịch mới bùng phát tại Việt Nam, để giữ vững phong độ, tiếp tục ổn đình đời sống, kinh tế, tạo nền tảng vững chãi cho tương lai.