Giấc mơ có thật
Huế những ngày đầu tháng 9/2020, bỏ lại phía sau không khí buồn tẻ vì đại dịch Covid-19, đường phố rợp cờ hoa, lòng người phấn chấn hướng tới Kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9.
Còn có những người càng hân hoan gấp bội, khi lần đầu tiên trong đời có được một ngôi nhà khang trang. Giấc mơ đã biến thành sự thật với những người dân nghèo từng sống “treo” trên Thượng Thành kinh thành Huế.
Ông Nguyễn Văn Ân (60 tuổi), kể lại, sáng 16/8/2020, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và Chủ tịch tỉnh Phan Ngọc Thọ trao tận tay chìa khóa ngôi nhà mới cho 25 hộ nghèo di dời khỏi di tích, trong đó có gia đình ông. Thời khắc ấy, ông Ân nhường cho vợ lên “sân khấu”.
Ông bảo lên đứng đó, chẳng may cảm động quá òa khóc. Khi nhìn vợ run run nhận chìa khóa nhà, ông đứng bên dưới, lặng lẽ chảy nước mắt hạnh phúc. “Đời người mấy ai có được may mắn như ri”.
Mấy chục năm sống bám kinh thành, vợ chồng ông cùng ba đứa con sống chen chúc chật chội trong túp lều 30m2 ba bức vách quây tôn, bức còn lại mượn bờ tường Kinh thành. Hôm dọn nhà, chẳng có gì nhiều để mang đi, ngoài mấy bộ quần áo, ít nồi niêu xoong chảo. Hai chiếc giường rệu rã trong nhà bỏ lại.
Hai con trai ông Ân, người 26 tuổi, người 28 tuổi, làm phụ thợ hồ, chưa lập gia đình, giống nhiều chàng trai khác sống nơi đây, lập gia đình rất muộn. “Ai mà ưa! Cô gái nào đó ghé đến, thấy cảnh sống tạm bợ, chui rúc nơi đây, chắc phải chạy dài”, ông Ân nói.
Nhiều gia đình sống bám Thượng Thành còn dùng bếp củi. Những ngày nắng, mái tôn thấp lè tè lụp xụp, bếp củi không cháy đượm xộc lên những làn khói xám nghi ngút, oi nồng, len lỏi, bám cả vào chăn chiếu, giấc ngủ cũng cay xè. Sự ngột ngạt, tù túng ụp xuống cuộc sống.
Bà Trương Thị Hương (67 tuổi), đang lui cui trong gian bếp ngôi nhà mới chuẩn bị bữa cơm chiều. Bà Hương bán xôi dạo. Mỗi sáng, bà “hong” 5 lon nếp, ngồi bán trước một trường học. Con gái bà cũng bán xôi trước cửa sau của trường.
Hôm nào bán hết lời 50 ngàn, bán không hết lời 20-30 ngàn. Hôm nào ế quá ăn trừ cơm. Căn nhà cũ, theo lời bà, là “ổ chuột”. Tường bờ lô nham nhở, mái tôn gỉ sét. Mưa trút xuống là dột tứ phía, mái nhà bằng tre oằn xuống, những tấm tôn quây quanh nhà rung lẻng xẻng.
Nụ cười của bà Hương trong căn nhà mới. |
“Ổ chuột” ọp ẹp đó là nơi vợ chồng bà cùng con gái và 5 đứa cháu ngoại chen chúc. Cuộc đời tưởng cứ thế héo hon tàn lụi đi. Cho đến khi tỉnh có đề án di dời các hộ dân đang sống tạm bợ trên Kinh thành.
Đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế” đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu năm 2019 với kinh phí hơn 4.000 tỷ, hỗ trợ di dời 4.200 hộ dân, gồm hai giai đoạn. Trong giai đoạn 1 (2019 – 2021) hoàn thành khu tái định cư và di dời 2.938 hộ Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ.
Hiện đã triển khai đợt 1 trên 500 hộ, trong đó 25 hộ nghèo. Giai đoạn 2 (2022 – 2025) xây dựng khu tái định cư và di dời 1.263 hộ tại hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài.
Những đêm hạnh phúc không ngủ
Kinh thành Huế là nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn 143 năm (1802-1945). Rồi người nghèo vào sống men theo tường Kinh thành và khu vực Eo Bầu, thành cụm dân cư. Người nghèo lấn chiếm bề mặt thành (Thượng thành), Eo Bầu, dựng lều, trồng hoa màu. Vợ chồng bà Trần Thị Lộc (63 tuổi) ở trên Thượng Thành từ 1985 là một trường hợp như thế. Túp lều 35m2 đã từng là nơi cư trú 4 thế hệ gia đình bà.
Hồi mới cưới, vợ chồng bà thuê trọ, rồi ba đứa con lần lượt chào đời. Năm 1985, đành lên bám Thượng thành. Họ dành dụm, mua từng cột sắt, miếng tôn cũ, dành dụm quây một túp lều. Những đêm mưa, cả nhà thức trắng vì dột, nước chảy quanh nhà. Mỗi lần mưa bão, cả nhà khăn gói hết vào trụ sở phường trú tránh.
Bây giờ, được nằm ngủ trong căn nhà mới khang trang, có đêm bà Lộc vẫn thao thức như những năm xưa. Bà vẫn không tin mình may mắn như vậy. “Đời mình nghèo, mô dám mơ về một căn nhà như ri. Nên chừ đã vô ở cả chục hôm, nhưng vẫn cứ ngỡ ngàng, tưởng là mơ”, bà Lộc bộc bạch. Mùa mưa bão sắp đến. Nhưng năm này, gia đình bà Lộc không còn phải lo lắng về những đêm thức trắng. Nỗi sợ hãi túp lều ọp ẹp sẽ ụp xuống giờ đã là quá khứ.
Cách nhà mới của bà mấy căn là căn nhà anh Bửu, con trai bà Lộc. Bà Lộc có tất cả 5 người con. Ba con gái theo chồng, con út chưa vợ. Anh Bửu lập gia đình, cha mẹ cho ra riêng bằng cách di dời cái bể chứa nước bên hông nhà, rồi quây tôn lại làm nơi che mưa che nắng. Diện tích chỉ vỏn vẹn khoảng 10 m2. Sau này vợ bỏ đi, để lại anh Bửu một mình nuôi ba đứa con, sống tạm bợ trong căn nhà xập xệ.
Người đàn ông mới bước qua tuổi 35 làm phụ thợ hồ, chật vật nuôi 3 đứa con. Đời này, anh chưa từng mơ đến một ngôi nhà mới. Lo lắng cái ăn cái mặc cho các con đã phờ phạc. Căn nhà khang trang thế này, anh từng không dám mơ.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã góp công sức không nhỏ trong đề án. |
Chiều đầu thu, nắng vàng ươm phủ xuống dãy nhà vừa mới xây xong ở khu dân cư mới Hương Sơ (phường Hương Sơ, TP Huế). Mái tôn xanh ngắt một màu, vách tường dịu nhẹ màu da trời. Mỗi căn nhà nơi đây diện tích khoảng 60m2, gồm nhà 1 tầng và 1 gác lửng với kinh phí xây dựng 200 triệu đồng /nhà.
Ông Ân đang đứng trước sân nhà, cùng mọi người lợp thêm mấy tấm tôn phía trước mái hiên. Con gái ông Ân bảo sẽ kiếm ít chậu dây leo, treo lên trước nhà để tạo thêm mảng xanh, trong lúc chờ đợi mấy cái cây phía trước con đường đủ sức che nắng.
Những hàng cây nơi con đường chạy ngang trước nhà, chỉ một thời gian nữa sẽ đâm chồi nảy lộc, rồi vươn cao, chẳng mấy chốc mà phủ xanh rợp bóng. Cuộc sống của những người dân nghèo từng bám kinh thành Huế đã sang trang mới, chắc chắn sẽ tươi đẹp hơn.
Trước khi nhận được nhà, ông Ân cũng thường xuyên mất ngủ. Không phải vì lo lắng, mà phấn khởi không ngủ được. Đêm trước ngày nhận nhà, vợ chồng ông cũng thức trắng. Cái cảm giác sung sướng ấy len lỏi khắp tâm can. “Còn hơn trúng số nữa”, ông Ân nói.
Vị cán bộ được dân yêu quý
Trong lòng những người dân từng sống ở Thượng Thành, Chủ tịch tỉnh Phan Ngọc Thọ đã gây thiện cảm đặc biệt. Sống “bám” vào di tích, hầu hết đều là người nghèo, đạp xích lô, xe thồ, thợ hồ, bốc vác, làm mướn… Nhiều năm qua, họ luôn có giấc mơ có nơi ở mới, khang trang, sạch sẽ hơn. Cho đến khi Đảng, Nhà nước, chính quyền cùng quyết tâm thực hiện. “Chúng tôi rất biết ơn bác Thọ đã tâm huyết, lo lắng cho cuộc sống dân nghèo bọn tôi”, ông Ân nói.
Ông Ân nhớ rõ hôm Chủ tịch tỉnh đến khảo sát thực tế. Hôm đó, đang ngồi trong nhà, thì nghe người hàng xóm bảo: “Chủ tịch tỉnh tới thăm dân mọi người ơi, đang đứng ngoài “lỗ châu mai””. “Cái chi?”, ông Ân gào lên ngạc nhiên. “Lỗ châu mai”, chính là nhà vệ sinh chung của các hộ dân sống bám trên Thượng thành. Người dân đặt bên trong lỗ châu mai một đường ống, rồi dẫn thẳng chất thải xuống hồ. Người dân sống ở thượng thành này, cực chẳng đã mỗi ngày mới bước ra đó, chứ lãnh đạo tỉnh thì…
Nhưng bác Thọ đứng bên nhà vệ sinh công cộng của người dân. Hôm đó trời nắng gay gắt, mùi hôi thối nồng nặc. Ông Thọ ôn tồn: “Đi thôi bà con. Đừng ở đây nữa. Sống như vậy ảnh hưởng sức khỏe, bệnh mất”. Và những người dân cùng cực, đã có một ngôi nhà mới, nhờ sự nỗ lực của chính quyền, trong đó có sự góp sức không nhỏ của Chủ tịch tỉnh Phan Ngọc Thọ.