Tranh thủ trò chuyện với phóng viên lúc nghỉ giải lao của cuộc họp, chị Nguyễn Thị Hường 39 tuổi ở tổ 52 ấp Hiệp Thành xã Lộc Hiệp huyện Lộc Ninh tỉnh Bình Phước cho biết, hai vợ chồng chị vốn là người Ninh Bình vào Bình Phước lập nghiệp đã được hơn chục năm. Khi mới vào, hai vợ chồng chị đi làm vườn thuê cho nhà trồng tiêu, sau đó tích cóp mua đất trồng trọt và nuôi dê.
Được sự hướng dẫn và giúp đỡ của Hội Phụ nữ xã khi tham gia vào tổ hợp tác đàn dê nhà chị Hường đã đông đúc thêm rất nhiều, hiện đang có 20 con cả dê trưởng thành và dê non mới đẻ. “Nhờ việc nuôi dê, mỗi năm gia đình cũng thu nhập thêm được mấy chục triệu, khi thấy vợ tham gia Tổ hợp tác chăn nuôi dê Lộc Hiệp và được Hội Phụ nữ hướng dẫn và giúp đỡ việc lập nghiệp bằng nuôi dê, ông xã tôi vui lắm.
Nhà ít người làm, con còn nhỏ nên chúng tôi chưa thể nuôi nhiều. Hy vọng tới đây khi Hợp tác xã kinh doanh chăn nuôi dê thành lập, chúng tôi sẽ có cơ hội phát triển đàn dê, được đảm bảo đầu ra, kinh tế gia đình tôi sẽ khá hơn, tương lai của bé Thắm và hai anh chị nó sẽ sung sướng hơn cha mẹ” – chị Hường chia sẻ.
|
Chị Nguyễn Thị Vân rất vui vì nhờ chăn nuôi dê gia đình chị đã được tham gia vào câu lạc bộ tiêu sạch |
Cũng tương tự như hoàn cảnh của chị Hường, rời Cà Mau từ năm 1983, gia đình chị Võ Thị Giang chọn ấp Hiệp Thành, xã Lộc Hiệp làm nơi lập nghiệp. Sau nhiều năm làm thuê, gia đình chị Giang đã nhận sang nhượng lại 5 sào đất để trồng tiêu. Thu nhập từ 5 sào tiêu không đủ chi phí sinh hoạt cho 4 người nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn.
Được sự tư vấn của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, vào tổ hợp tác, năm 2014, chị Giang mua 5 con dê giống về nuôi, đến nay chuồng dê nhà chị đã phát triển thành 20 con. Chị Giang cho biết: “Dê rất dễ nuôi, sinh sản nhanh, sau một năm đã cho thu nhập. Thức ăn nuôi dê tận dụng từ lá cây keo trồng làm trụ hồ tiêu có sẵn trong vườn của gia đình nên chi phí thấp. Hiện tôi muốn mở rộng đàn dê nhưng còn lo đầu ra vì còn phụ thuộc thương lái...”
Tiêu sạch nhờ nuôi dê
Đó là câu chuyện của gia đình chị Nguyễn Thị Vân ở tổ 47 ấp Hiệp Thành. Kể lại câu chuyện với phóng viên, chị vẫn nhắc chuyện mình đã quyết định đúng khi tham gia vào tổ hợp tác. Vào tổ được hỗ trợ vốn, học hỏi kỹ thuật, hỗ trợ đầu ra, đàn dê nhà chị Vân đã phát triển nhanh chóng từ con số 12 con lên 30 chục con, cho thu nhập bình quân mỗi năm tầm 50-60 triệu đồng. Và cũng nhờ chăn nuôi dê mà gia đình chị Vân đã có mặt trong thành viên Câu lạc bộ tiêu sạch.
Theo đó, vòng tròn khép kín là chị Vân trồng cây keo làm trụ cho vườn hồ tiêu của mình, cành lá của cây keo làm thức ăn cho dê, phân dê dùng để bón cho hồ tiêu. “Nhờ nuôi dê mỗi năm tôi tiết kiệm được 25 triệu tiền phân bón cho hồ tiêu, hồ tiêu chỉ bón bằng phân dê nên rất sạch, chúng tôi tham gia Câu lạc bộ tiêu sạch giá bán hồ tiêu cũng cao hơn, mỗi năm còn được thưởng tiền.
Năm nay vì khí hậu không ổn định, dịch bệnh nên vườn hồ tiêu nhà tôi chỉ cho thu hoạch 2 tấn, chứ mọi năm trung bình là 4-5 tấn, thu nhập hơn 300 triệu”, chị Vân cho biết.
Cũng giống hộ chị Vân, gia đình chị Đỗ Thị An hiện có hơn 1 ha tiêu và đàn dê 30 con. Thời gian qua, hồ tiêu mất mùa, rớt giá nên thu nhập của gia đình dựa vào đàn dê. Bà An cho hay: “Với giá dê dao động từ 80-90 ngàn đồng/kg, mỗi năm gia đình tôi thu về trên 40 triệu đồng, đủ chi tiêu tiết kiệm và lo cho con ăn học”.
Nuôi dê không chỉ tăng thu nhập, mỗi năm gia đình bà còn tiết kiệm hơn 10 triệu đồng tiền phân bón cho vườn tiêu. Phân dê rất tốt, chỉ cần ủ hoai là bón được cho cây tiêu, không chỉ hạn chế được phân hóa học mà còn giúp cây phát triển tốt hơn, ít bị sâu bệnh, năng suất cao, chất lượng tốt, hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Ước mơ của bà Giám đốc Hợp tác xã
Ấp Hiệp Thành nói riêng, xã Lộc Hiệp,Lộc Ninh, Bình Phước nói chung có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển đàn dê và xây dựng chuồng trại, bởi người dân nơi đây hầu hết đều có vườn tiêu nên nguồn thức ăn từ cây keo rất dồi dào. Những năm gần đây, phong trào nuôi dê ở xã Lộc Hiệp phát triển khá mạnh và dê trở thành vật nuôi chủ lực của người dân địa bàn.
Tuy nhiên, nuôi dê ở Lộc Hiệp vẫn mang tính tự phát, chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, đầu ra phụ thuộc tư thương, bị tư thương ép giá nên hiệu quả kinh tế chưa cao, nhiều gia đình chưa mạnh dạn mở rộng chuồng trại để phát triển đàn dê tăng thu nhập. Đây cũng là lý do để Hợp tác xã kinh doanh chăn nuôi dê Lộc Hiệp ra đời với sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ huyện, xã, mở hướng đi mới cho người nuôi dê nơi đây.
Và câu chuyện nuôi dê của bà Trần Thị Ngọ - Giám đốc Hợp tác xã cũng là câu chuyện điển hình cho thấy vai trò của Hội Phụ nữ trong việc giúp đỡ chị em lập nghiệp, cải thiện kinh tế gia đình. “Cách đây nhiều năm, thấy kinh tế gia đình tôi khổ quá, chị Chủ tịch Hội Phụ nữ đã hỗ trợ cho tôi một cặp dê. Vì không có tiền dựng chuồng mới nên tôi nuôi luôn trong chuồng heo sẵn có.
|
Một chuồng nuôi dê của thành viên tổ hợp tác |
Nuôi một thời gian, tôi thấy nuôi dê không khó, không ảnh hưởng đến kinh tế gia đình nhiều vì dê ăn những loại lá sẵn có trong vườn, mà lại có lãi, tôi quyết định phổ biến kinh nghiệm và giúp đỡ các chị em khó khăn. Người nào khó khăn quá tôi tặng không cặp dê làm giống, người nào khó khăn vừa thì tôi bán nợ, bao giờ có thì trả.
Trong suốt mười mấy năm làm công tác ở Hội Phụ nữ, tôi đã tuyên truyền cho chị em các ấp nuôi dê để cải thiện kinh tế gia đình và cũng từ đó để thành lập tổ hợp tác nuôi dê để chị em tương trợ lẫn nhau về vốn, kỹ thuật... ” – bà Ngọ chia sẻ.
Điều mà bà Ngọ không kể là để tìm đầu ra cho đàn dê chị em phụ nữ nuôi bà đã lặn lội đi hết các nhà hàng trên địa bàn để thiết lập mối mua. Vì đàn dê nuôi theo hộ gia đình chứ chưa phải hợp tác xã nên không thể có chứng nhận về quy trình chăn nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên nhiều khi bà Ngọ phải chấp nhận bán rẻ, cân chui thậm chí là mất mối. “Nghĩ mà thương công chị em nên tôi quyết định phải cố gắng để thành lập Hợp tác xã kinh doanh chăn nuôi dê để có thể hoạt động theo quy mô đàng hoàng”, bà Ngọ cho biết.
Theo bà Trần Thị Ngọ, hiện xã Lộc Hiệp có 540 hộ chăn nuôi dê, mỗi hộ nuôi từ 5-50 con. Để xây dựng chuỗi liên kết, các hộ dân đã thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi dê Lộc Hiệp với 23 hội viên, sau đó tăng lên 42 hội viên, đến tháng 7/2018 nâng cấp lên thành hợp tác xã. Thành viên hợp tác xã chủ yếu là các hộ chăn nuôi dê trên địa bàn ấp Hiệp Thành với số vốn điều lệ 680 triệu đồng. Ngành nghề là chăn nuôi dê giống, dê thịt; chế biến kinh doanh các loại thịt dê; chuyên cung cấp nguồn phân dê đã ủ hoai....
Bà Ngô Thị Thùy Trang, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lộc Ninh cho biết, thời gian tới, các cấp hội phụ nữ sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận khoa học - kỹ thuật, vốn vay để phát triển quy mô chuồng trại cũng như số lượng, chất lượng đàn dê.
Được biết, theo phương án kinh doanh, dự kiến trong năm 2018, Hợp tác xã kinh doanh chăn nuôi dê Hiệp Thành sẽ triển khai quy trình sản xuất, hướng dẫn người dân xây dựng, sửa chữa lại chuồng trại, đánh dấu và định danh đàn dê của từng thành viên; phân loại dê, tạo lý lịch dê giống, dê thịt, dê hậu bị; xây dựng sổ theo dõi chăn nuôi của các hộ thành viên.
Ký kết hợp đồng với nhân viên thú y về chăm sóc sức khỏe, tiêm phòng, khám chữa bệnh cho đàn dê theo định kỳ. Ngoài chăm sóc, phát triển đàn dê, dự kiến mỗi tháng, hợp tác xã sẽ ký hợp đồng tiêu thụ khoảng 1.000kg dê thịt. Những năm tiếp theo, sẽ mở rộng quy mô ra toàn xã Lộc Hiệp, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đầu mối.
Đồng thời sẽ kêu gọi nhà đầu tư hoặc vay vốn thương mại thành lập cơ sở giết mổ với quy mô 50 con/ngày, xa hơn sẽ thành lập cơ sở chế biến các món ăn từ thịt dê để cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện.
Và điều lo lắng trăn trở nhất của những người phụ nữ nuôi dê cũng sẽ được giải quyết khi “thời gian tới, Ban giám đốc hợp tác xã sẽ hoàn thành các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là cơ sở pháp lý để hợp tác xã thuận lợi trong việc tiếp cận các nhà hàng lớn, siêu thị trong việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm”, bà Ngọ khẳng định.