Sáu giờ sáng, chúng tôi và nhóm bắt rắn của Mười Hiền (xã Long Hưng, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã khởi hành. Chúng tôi theo chân họ hết đồng này đến đồng khác. Đến khi thành phố lên đèn thì mới về đến nhà và chỉ bắt được một chú rắn vài lạng.
Lần theo hang rắn
Đồ nghề mà nhóm của Mười Hiền mang theo gồm hai cái lưỡi hái (liềm), một cây cuốc (đã chặt cụt cán), một túi vải đựng rắn và 5 phần cơm cho hai chúng tôi, Mười Hiền, Công Bình, Út Trúc.
Mười Hiền, Công Bình hì hục tìm hang, bới đất ngoài đồng để tìm rắn độc. |
“Hôm nay chỉ tui và Công Bình đi bắt. Riêng Út Trúc thì ở lại trong ghe. Tụi tui sẽ dẫn các anh về khu vực Tam Phước bắt đó”, Mười Hiền vừa nói, vừa ra lệnh cho Út Trúc quay máy ghe khởi hành.
Sau hai giờ luồn lách kênh rạch, nhóm bắt rắn Mười Hiền mới đến được cánh đồng Tam An (huyện Long Thành). Ghe vừa cặp vào bãi dừa nước của chủ đất Tư Hum, Mười Hiền và Công Bình cầm đồ nghề nhảy thót lên bờ và bắt tay ngay vào công việc.
Cả hai liên tục lùng sục bờ ruộng, bờ ao để tìm dấu vết rắn đi ăn. Mắt chăm chú, tay liên tục dùng lưỡi hái hoặc cuốc soi móc các vết đất nứt, hang chuột khi nghi ngờ có rắn ở.
Có những lỗ hang cả hai hì hục đào sới, lấy mẫu đất thăm dò dấu vết đến 10 phút rồi mới chịu bỏ đi. “Rắn bây giờ tinh khôn lắm. Có lẽ bị chúng tôi săn bắt nhiều nên ẩn mình rất kỹ. Do chúng không phải là loài tự đào hang để ở, mà là kẻ mượn hang chuột để trú ẩn khi no mồi, lột xác, sinh nở. Vì vậy, tụi tui cứ bám vào hang chuột mà lần tìm”, Mười Hiền nói.
Nhìn Mười Hiền, Công Bình cứ hì hục ôm các bờ ruộng, bờ kênh soi mói rắn, anh bạn đồng nghiệp đi cùng thắc mắc: “Ủa gặp hang là đào hả”. Mười Hiền ngưng tay cắt nghĩa rằng, trước khi đào, anh và Công Bình phải dò tìm dấu vết rắn bò để lại trên đất. “Dấu mới thì láng bóng, ẩm ướt. Dấu cũ thì khô hơn. Chứ đào tung tung thì sức đâu mà đào”, Mười Hiền nói.
Không tìm được dấu vết rắn ở tại ruộng ông Tư Hum, Mười Hiền và Công Bình theo hướng người chăn vịt chỉ đi sang cánh đồng gần đó. Sau gần một giờ hì hục tìm kiếm, đào bới cả hai vẫn chưa bắt được rắn. “Thôi mình về hướng cánh đồng cù lao Phước Hưng (huyện Long Thành) xem sao chú Mười”, Công Bình ngỏ ý và được Mười Hiền gật đầu.
Sau hơn giờ lòng vòng tìm đồng, Mười Hiền, Công Bình tiếp tục công việc tìm dấu vết rắn trong kiên trì. “Cái nghề này, có khi đi cả tuần tốn bao nhiêu là tiền dầu, ăn uống vẫn không bắt được con nào. Nhưng chỉ cần bắt được một con rắn hổ mang, hổ hành, hổ vện khoảng 1 kg là tụi tui kiếm được từ 350 đến 800 ngàn đồng đó”, Công Bình bày tỏ.
Mười Hiền thì giải thích thêm: “Người ta nói bắt rắn là phải dùng bùa là nói dóc đó. Người kỹ tính thì dùng cây có nạng hoặc que sắt mang theo đè vào cổ rắn sau đó mới dùng tay bắt. Còn tụi tui, tùy theo con mà dùng lưỡi hái đè cổ hoặc dùng tay thộp cổ bỏ vào túi vải, chứ chẳng cần bùa ngải gì ráo trọi”.
Câu chuyện bắt rắn
Trời ngả chiều, Mười Hiền, Công Bình quần thảo mãi vẫn chưa bắt được con rắn nào. Mười Hiền kể chuyện rằng, tháng rồi cũng tại cánh đồng Bà Ký (xã Long Phước) anh đã bắt được một con hổ bành nặng gần 3 ký, bán được trên một triệu đồng (giá 350 ngàn đồng/kg).
Riêng Công Bình thì tóm được chú hổ đất trên 1 kg bán được 800 ngàn đồng. “Chỉ cần sơ sảy do cẩu thả thì mất mạng như chơi. Người bị rắn hổ đất cắn phải nhanh chóng mổ bụng lấy mật nó nuốt, rồi dùng lưỡi hái khoét vết thương hút máu độc và nhanh chóng chở đi bệnh viện cấp cứu may ra mới thoát chết”, Mười Hiền tỏ bày.
Bắt rắn - nghề nhọc nhằn đầy nguy hiểm |
Theo Mười Hiền, tại xã Long Hưng có trên 10 người bắt rắn chuyên và không chuyên như: Năm Thủy, Ba Phan, Sáu Đay, Tí Mèo…
Hơn 10 năm về trước, rắn còn nhiều nên ngày nào xuất quân cũng bắt được chí ít một hoặc hai con. Còn bây giờ, có khi cả tuần đi bắt vẫn không được con nào là chuyện thường. “Mỗi loại rắn có cách bắt khác nhau và luôn phụ thuộc vào mức độ chết người của từng loại mà bắt cho an toàn. Với các loại rắn độc như hổ đất, cạp nia khi bắt được phải cà răng chúng cho nhẵn rồi mới bỏ vào túi vải”, Mười Hiền nói.
Còn Công Bình thì cho biết thêm, ở xã Long Hưng đã xảy ra hai trường hợp “sinh nghề tử nghiệp”. Riêng chuyện bị rắn cắn suýt chết thì đã làm nghề rất khó tránh.
Trên đường xuôi ghe máy về nhà, Mười Hiền, Công Bình truyền cho chúng tôi một số bí quyết của cái nghề nguy hiểm này, khi tiết trời hanh lạnh loài rắn đổ xô về sông suối, nơi có nguồn nước để tìm thức ăn. Còn về mùa nước nổi chúng tìm các gò đất cao để ẩn mình. Công việc bắt rắn thường rủ nhau đi thành nhóm để ngừa rủi ro và có bầu bạn tâm tình.
Loại rắn có giá nhất hiện nay là hổ chúa, giá cả triệu đồng /kg; hổ mang, hổ đất trên 800 ngàn đồng/kg; hổ hành, hổ vện tầm tầm 400 ngàn đồng/kg. Còn các loại rắn khác các thợ rắn chỉ chọn bắt những con to hoặc bỏ đi.
“Khi bắt được con rắn bán cho các quán đặc sản cầm tiền triệu ai cũng ham. Nhưng không phải lúc nào cũng bắt được. Chẳng hạn như hôm nay, tốn cả trăm ngàn tiền dầu vẫn về tay không đó”, Công Bình buồn bã nói.
Thành phố lên đèn, Mười Hiền không cho ghe về lại nhà mà tấp vào bến sông Đồng Nai (gần UBND xã Long Hưng) để neo đậu. Mười Hiền giải thích, vì nước đang ròng nên ghe không vào kênh được, Út Phúc tiếp tục ở lại trong ghe. Còn chúng tôi theo anh về nhà để ăn đỡ bữa cơm đạm bạc với rau mắm cho ấm lòng.
Sau bữa cơm, chúng tôi lặng lặng dúi vào tay Công Bình 200 ngàn để chia sẻ với anh về chi phí cho cả ngày không bắt được rắn. Tuy Công Bình ái ngại nhận, nhưng điều đó vẫn làm chúng tôi vui lòng và có thêm cảm xúc cho chuyến đi về tay trắng. Bởi vì, trong chúng tôi thật khó quên hình ảnh Mười Hiền, Công Bình trộm dừa, kết bè cho chúng tôi giải khát, vượt sông và chia sẻ nhau phần cơm với vài con cá khô để lấy sức lội đồng.
Đoàn Phú