Bác sĩ chuyên khoa cấp II Đoàn Ngọc Quý, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cho biết, người cao tuổi theo quy định của pháp luật có tuổi đời từ 60 tuổi trở lên và đa số mắc các bệnh mãn tính.
Theo thống kê, trung bình người cao tuổi mắc 2,1 bệnh/người, vì thế, khi dịch bệnh xảy ra, người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ bị ảnh hưởng cao nhất. Số người cao tuổi mắc bệnh Covid-19 ở trong nước và trên thế giới chiếm số đông, đặc biệt ở các nước châu Âu và Mỹ.
Do đó, để nâng cao sức khỏe và sức đề kháng của người cao tuổi trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, ngành Y tế khuyến cáo người cao tuổi hạn chế đi ra ngoài, chủ yếu ăn uống, sinh hoạt, tập luyện thể dục trong khuôn viên gia đình.
Trong trường hợp bắt buộc phải đi ra ngoài, cần đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và vệ sinh cá nhân đầy đủ. Tăng cường sức đề kháng cho người cao tuổi bằng cách ăn uống nhiều chất đạm, vitamin có nguồn gốc tự nhiên (hoa quả, rau xanh, thịt, cá…). Nâng cao sức khỏe bằng cách tập luyện thể thao phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, sinh hoạt điều độ, khoa học.
Tại Ninh Bình, hiện có 9 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho người cao tuổi; với 177 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi; 35 xã, phường xây dựng mạng lưới tình nguyện viên giúp đỡ người cao tuổi.
Trong thời điểm dịch bệnh, để hạn chế tần suất đi lại nhiều lần khám bệnh nơi đông người của người cao tuổi mắc bệnh mãn tính như huyết áp, tiểu đường, phổi tắc nghẽn mãn tính… Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị y tế cấp thuốc điều trị cho người cao tuổi tối thiểu 2 tháng/lần đối với người cao tuổi điều trị bệnh mạn tính đã ổn định.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị y tế cố gắng nếu chưa thành lập được Khoa Lão khoa, nên dồn ghép, bố trí một số buồng có cách ly tương đối với những khoa, phòng có bệnh lây truyền để thuận tiện cho công tác điều trị, sinh hoạt cho người cao tuổi.
Sàng lọc, điều trị tích cực với người cao tuổi điều trị nội trú; rút ngắn số ngày điều trị nội trú, tăng cường điều trị ngoại trú để tránh lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 cho người cao tuổi từ các nguồn lây khác.
Hàng năm, Ninh Bình có 44.562 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ; 39.335 người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 91.102 người cao tuổi được tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăm sóc và tự chăm sóc sức khỏe; 3.312 người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cán bộ y tế đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhà; trên 202 nghìn lượt người cao tuổi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế...