Dân giàu lên nhờ Rong biển
Theo tìm hiểu, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa nhiều năm nay đã được biết đến như là “thủ phủ” rong nho của tỉnh Khánh Hòa. Từ một vùng ven biển bị bỏ hoang, do môi trường nước bị ô nhiễm nặng bởi hệ quả của việc nuôi tôm mà người dân địa phương làm trước đó.
Nhưng từ năm 2004, người dân nơi đây đã bắt đầu nuôi trồng rong nho. Đến nay, ở Ninh Hải đã hình thành được vùng chuyên canh nuôi trồng rong nho để xuất khẩu với quy mô hàng chục héc ta, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân so với đối tượng nuôi trồng thủy sản khác.
Người dân cho biết, chi phí đầu tư trồng rong nho ở mức thấp, trung bình mỗi héc ta trồng từ 5-10 tấn rong giống và mỗi tấn giống giá từ 3,5 – 4 triệu đồng. Trồng rong nho rủi ro ít. Từ khi thả giống đến khi thu hoạch chỉ mất từ 1-2 tháng, mỗi lứa thu hoạch cách nhau khoảng 15-30 ngày, mỗi năm thu hoạch khoảng 10 lứa.
Khi bán, giá rong nguyên liệu thu mua ở mức trung bình từ 35-40 nghìn đồng/kg, lợi nhuận người dân nhận được tương đối cao. Đặc biệt nghề này còn góp phần vào việc giải quyết nhiều công lao động cho bà con địa phương và lân cận. Trong vùng đã có nhiều hộ dân nhờ trồng rong nho mà xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được các phương tiện sinh hoạt và cải thiện được cuộc sống.
Ngoài Khánh Hòa, tỉnh Ninh Thuận cũng đã biết tận dụng lợi thế bờ biển được đánh giá có nguồn lợi hải sản phong phú và đa dạng để phát triển phổ biển thành các vùng nuôi trồng rong biển, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Với những nhận thức đúng về rong biển là nguồn nguyên liệu quý, có giá trị kinh tế về y dược, thực phẩm, mỹ phẩm nên nhiều năm qua, Ninh Thuận đã chú trọng dành một khoản ngân sách để đầu tư cho việc nghiên cứu đa dạng thành phần loài, khả năng khai thác, nuôi trồng và chế biến rong biển nhằm giúp người dân sớm thoát nghèo.
Thu hoạch Rong biển |
Ngay từ năm 1993, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha Trang (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã bắt đầu đưa rong sụn vào trồng thử nghiệm trong các ao tôm ở thôn Tân An, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận).
Sau đó, những nghiên cứu kỹ thuật trồng rong sụn như: dây đơn căng trên đáy trồng; giàn căng trên đáy vùng nước cạn; giàn phao nổi vùng nước cạn, vùng nước sâu được áp dụng rộng rãi ở vùng biển xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải), Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná (Thuận Nam).
Rong sụn có thời gian sinh trưởng ngắn và sớm cho thu hoạch. Đặc biệt, sau khi chúng được thả giống xuống biển nuôi khoảng 20 ngày, chùm rong giống sẽ phát triển lớn gấp 2 hoặc 3 lần chùm giống thả nuôi ban đầu. Lúc này, người nuôi có thể chiết giống ra thêm để tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trồng mà không phải tốn thêm chi phí mua giống. Bình quân mỗi chùm rong phát triển tốt có thể đạt trọng lượng hơn 3 kg, nên chỉ từ 2 đến 3 tháng là có thể thu hoạch.
Đỉnh cao vào năm 2005 khi toàn tỉnh Ninh Thuận đạt diện tích trồng trên 400ha mặt nước, bao gồm 50ha tại vùng Cà Ná, Phước Diêm; gần 30ha tại vùng Mỹ Hiệp; 20ha ở khu vực cửa biển Khánh Hội và tập trung nhiều nhất gần 300ha ở vùng Sơn Hải – Mũ Điện (xã Phước Dinh) với sản lượng thu hoạch 1.200 tấn rong khô.
Theo định mức kỹ thuật, thời điểm đó cứ 8 tấn rong tươi cho ra 1 tấn rong khô, song thường người dân chỉ làm 7 tấn tươi. Giá bán khi ấy từ 10.000 – 12.000 đồng/kg cho khách hàng nước ngoài, người trồng rong sụn vẫn lời to. Việc trồng rong sụn như vậy đã phần nào mang lại hiệu quả sản xuất, nguồn thu đáng kể cho người dân địa phương và tạo ra sinh kế giúp các hộ khó khăn ở vùng quê này vươn lên thoát nghèo.
Nguyên liệu giàu dinh dưỡng của ngành công nghiệp đồ uống
Nhận thấy việc nuôi trồng rong sụn ở các tỉnh ven Nam Trung Bộ đã khá ổn định và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, Công ty TNHH Long Hải đã đặt nhà máy chế biến rong sụn mang tên Công ty cổ phần rau câu Sơn Hải tại thôn Suối Đá, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận trên nền diện tích 5,8 ha để thu mua rong sụn và sản xuất ổn định từ năm 2015.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Long Hải cho biết, sứ mệnh của Long Hải là cung cấp những sản phẩm có nguồn gốc từ rong biển tốt nhất cho sức khỏe người tiêu dùng. 5 năm trước, công ty đã bắt đầu nghiên cứu thị trường đồ uống tại Việt Nam. Phần lớn người tiêu dùng được hỏi đều cho rằng họ muốn có một thứ sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, từ thiên nhiên, bổ sung các khoáng chất, vitamin tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, phân khúc khách hàng là những người lớn tuổi gần như bị thị trường đồ uống bỏ ngỏ vì cho rằng người lớn tuổi không có nhu cầu hoặc có rất ít nhu cầu sử dụng đồ uống không cồn đóng chai. Đặc biệt, tìm hiểu qua các nghiên cứu, Công ty Long Hải thấy rằng một trong các lý do khiến người Nhật Bản có sức khỏe và tuổi thọ cao hơn trung bình toàn cầu là họ thường xuyên sử dụng rất nhiều các sản phẩm từ rong biển hoặc có nguồn gốc từ rong biển.
Để tìm kiếm một sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thay đổi đó, bộ phận công nghệ của công ty đã mất tới 2 năm để nghiên cứu, thử nghiệm cho ra sản phẩm mẫu với sự kết hợp từ tinh chất rong biển tự nhiên, tinh chất củ khoai nưa, cốt trái cây tự nhiên.
Nước ép rong biển kết hợp sâm Fansipan do Công ty TNHH Long Hải sản xuất, loại đồ uống dinh dưỡng không cồn tăng cường sức khỏe |
Đặc biệt là sự kết hợp của rong biển với sâm Fansipan hay còn gọi là Sâm Tuyết, Sâm Đất hoặc Hoàng sinco được nuôi trồng tại các xã vùng cao biên giới huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai. Các mẫu thử sản phẩm đều cho thấy hàm lượng rất lớn các khoáng chất và Vitamin chứa trong đó tốt và bổ dưỡng cho cơ thể.
Bằng nguyên liệu là rong biển kết hợp với các nông sản có nguồn gốc Việt Nam như củ sâm Fansipan, quả Lạc tiên (Chanh leo), Bòn bon, Công ty Long Hải đã cho ra đời sản phẩm nước rong biển ép Kamila và Catalia. Từ đây, Long Hải chính thức bước vào thị trường đồ uống có sức cạnh tranh khốc liệt với các tên tuổi lớn như Coca Cola, Pespsi, Tân Hiệp Phát.
Theo cách nói của Tiến sỹ Từ Ngữ, Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam đã nói: Sản phẩm của Long Hải có vẻ như “không đụng hàng” và tạo ra sự khác biệt đáng kể, hấp dẫn người tiêu dùng. Đó là loại nước uống đóng chai bổ dưỡng, an toàn và đúng “bản chất”.